Saturday, November 15, 2008

BÁO TỔ QUỐC SỐ 53

Nghĩ gì về cuộc khủng hoảng này?
Thư tòa soạn
Báo Tổ Quốc số 53 ngày 15 tháng 11 năm 2008

Xin mời bấm vào đây để xem báo Tổ Quốc

Thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất từ 1929.

Cuộc khủng hoảng này có những nguyên nhân kỹ thuật như sự thiếu cảnh giác với các sản phẩm tài chính nguy hiểm và những nguyên nhân chính trị như sự thiếu phối hợp giữa các nước tư bản lớn. Nhưng nó cũng là hậu quả của một phân công quốc tế vô lý theo đó các nước giầu có vai trò tiêu thụ còn các nước nghèo có nhiệm vụ sản xuất hàng hóa và nếu cần cho các nước giầu vay tiền để họ mua sản phẩm của mình. Tình trạng này không thể tiếp tục, nó không khác bao nhiêu so với chế độ thực dân trước đây. Nó biến công nhân các nước nghèo thành những người nô lệ mới, bị khai thác và bóc lột tàn nhẫn, làm ra các thực phẩm ngon mà họ không được ăn, may những quần áo đẹp mà họ không được mặc. Và khi ngay cả con người đã bị khinh thường thì môi trường còn được nể nang gì? Các chế độ đặt trọng tâm vào xuất khẩu đều là những thảm kịch cho môi trường.

Cuộc khủng hoảng này sẽ gây thiệt hại trong thời gian dài cho mọi quốc gia, nhưng đặc biệt là các nước đang tăng trưởng, nhất là nếu lại thiếu dự trữ tiền mặt, nợ nhiều, lệ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài như trường hợp điển hình của Việt Nam. Những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn. Toàn dân sẽ phải trả giá cho chọn lựa kinh tế tai hại của ban lãnh đạo cộng sản.

Đừng sợ phong trào dân chủ sẽ mất hậu thuẫn bởi vì Hoa Kỳ và các nước dân chủ đang quá bối rối tự cứu nguy. Dân chủ hóa là một vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia và chủ yếu tùy thuộc vào quyết tâm của từng dân tộc. Đồng minh chính của các lực lượng dân chủ không phải là các chính phủ mà là dư luận thế giới và các tổ chức nhân quyền. Những đồng minh này vẫn còn nguyên vẹn.

Sở dĩ cho tới nay Trung Quốc và Việt Nam không bị lên án gay gắt là vì thế giới đã quá đề cao tăng trưởng kinh tế, lẫn lộn tăng trưởng với phát triển, lấy lượng thay cho phẩm, lấy phương tiện làm cứu cánh. Cuộc khủng hoảng này sẽ phơi bày sự giả tạo của những thành tích kinh tế từng được khoe khoang và buộc thế giới đánh giá lại các chế độ độc tài bạo ngược và lên án chúng như chúng phải bị lên án.

Và khi các "thành tích kinh tế" đã hiện nguyên hình như một một sự phá sản thì không còn gì biện minh cho sự tồn tại của một chế độ độc tài tham nhũng.

Phong trào dân chủ sắp bước vào một giai đoạn đấu tranh mới, nhiều thử thách nhưng cũng đầy triển vọng.

Ban biên tập



Đọc báo Tổ Quốc tại trang nhà :
http://www.to-quoc.net/



No comments: