Monday, November 10, 2008

AI LÀM MÉO MÓ ĐẤT THĂNG LONG ?

Ai làm “méo mó” đất Thăng Long?
02:50' 09/11/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/thuhanoi/2008/11/812609/
Mùa thu năm 1010, cách đây đúng 998 năm, trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã viết những dòng như châu như ngọc về mảnh đất Thăng Long- Rồng bay: “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời...”.

Lời của bậc tiên đế gần ngàn năm trước đây không chỉ mãi mãi tạc trong tâm thức con dân Việt, mà còn tạc trong thế phát triển, thế bay lên của đất kinh thành, làm nên niềm kiêu hãnh và khí phách của người Hà Nội.

Thế nhưng đâu rồi cái thần thái ấy, cái trù phú ấy, cái vượng khí ấy? Những ngày qua, nhìn cảnh vật Hà Nội trông không khác mấy những xứ sở nghèo khổ của một số quốc gia, nơi được mệnh danh là cái “van của nồi áp suất” của thế giới. Thậm chí nhìn Hà Nội ở bất cứ góc độ nào, ở bất cứ con phố, khu tập thể, chung cư nào mới thấy Hà Nội cũng xấu xí, nhếch nhác, và khốn khổ không kém so với những vùng đất quanh năm bão lũ, quanh năm gió Lào…

Dù biết Hà Nội luôn được cả nước ưu ái, luôn được chăm lo hơn tất cả những miền đất khác, nhưng trận mưa lịch sử những ngày qua đã làm “tắc nghẽn” cuộc sống con người Hà Nội, làm “dềnh” lên trong dòng nước đen đục, đục ngầu, trong đời sống thường nhật, mọi sự xử lý yếu kém, bất cập, lúng túng, mọi thói quan liêu, chủ quan…của các cơ quan chức năng, quản lý thành phố...Làm “dềnh” lên mọi thứ phi lý, kém cỏi của quy hoạch đô thị, của thiết kế hạ tầng, của kiến trúc thành phố, làm nghẹn lời những người Hà Nội và không phải Hà Nội, nhưng yêu Hà Nội như chính quê mình.

Trận mưa lịch sử liệu có phải là linh khí của Rồng thiêng, là sự cảnh báo, sự phản ứng của “Trời xanh” (như lời một nhà thơ) dạy cho con người chúng ta bài học về văn hóa ứng xử đối với đất Thăng Long ngàn năm văn vật, mảnh đất trầm tích trong đó những di sản vật thể và phi vật thể, với môi trường sống, môi trường thiên nhiên…

Trận mưa lịch sử ngẫu nhiên cho chúng ta một cơ hội đối chiếu và so sánh trình độ của quá khứ và trình độ của hiện tại. Những khu phố cổ do người Pháp quy hoạch, xây dựng thường ít khi bị ngập lụt, nước có ngập rồi cũng rút rất nhanh. Điều đơn giản, những khu vực này được xây dựng, quy hoạch theo ô bàn cờ. Và để không úng ngập, các đường phố cổ đều có hệ thống thoát nước ngầm phía dưới.

Còn vì sao, những khu phố mới, khu đô thị mới, hay ở những khu khác do dân tự xây, do các cơ quan chia lô bán nền thì hệ luỵ thật nhãn tiền, chỉ một trận mưa to là những chung cư, khu đô thị như những ốc đảo, đường xá tắc nghẽn thường xuyên. Tư duy quy hoạch- kiến trúc hay tư duy “ăn xổi ở thì”?

Không ít người trong chúng ta, những ai đã đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, sẽ mường tượng được trong những trang văn mô tả tuyệt vơì của bậc văn hào là một hệ thống kiến trúc bậc thầy: Bên dưới Paris hoa lệ, hiện đại là cả một thành phố Paris ngầm; hệ thống đường ngầm cho con người có thể đi lại sinh hoạt ở dưới đó.

Paris có sông Seine thơ mộng lúc nào cũng trong vắt, có chỗ người ta khoanh lại làm bãi tắm nhân tạo. Sông Seine mà du khách nhìn thấy hoàn toàn chỉ dùng để thoát nước mưa và nước nguyên sinh của nó từ thượng nguồn. Người Pháp đã xây dựng sông Seine thành hai đáy, một đáy tham gia thoát nước thải.

Hay ai đã từng thăm thủ đô Bucarest của Rumani, một vùng thấp trũng như Hà Nội, một nước thuộc diện nghèo của châu Âu; thế mà từ nhiều năm trước đây người Rumani đã thắt lưng buộc bụng xây dựng con sông Đưmbovixa chảy qua thủ đô của họ giống như sông Seine (Paris).

Thành phố là nơi tụ hội làm ăn, giao lưu, sinh sống của hàng triệu người dân, là nơi nhập vào và thải ra một lượng vật chất, chất thải lớn; là nơi hàng triệu người và đủ loại phương tiện tham gia giao thông đi lại. Một thành phố, nhất là một thủ đô được thiết lập lên bao giờ cũng phải đặt lên bàn các bài toán lớn: Chỗ ở cho cư dân, phương tiện đi lại, giao lưu trong thành phố, hệ thống cấp thoát nước và các hệ thống an sinh xã hội khác như dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục…

Và để một thành phố được coi là hợp chuẩn đô thị, để cư dân được xác nhận đủ tư cách là người thành phố, các nhà khoa học kiến trúc-xây dựng đã lập trình sẵn các chỉ số. Một cư dân được bố trí tại một khu đô thị phải được phân bổ bao nhiêu mét vuông đường đi bộ, bao nhiêu mét vuông dành cho phương tiện đi lại bằng cơ giới, bao nhiêu phương tiện công cộng đưa đón đi lại, bao nhiêu mét vuông cây xanh, bao nhiêu khối nước, bao nhiêu mét cống rãnh để chở nước thải, bao nhiêu phương tiện để chuyên chở khối lượng chất thải rắn, bao nhiêu mét vuông cơ sở dịch vụ, trường học, bao nhiêu giường bệnh, bao nhiêu mét vuông nhà tang lễ, đất nghĩa địa .v.v.

Những chỉ số này không khó tìm, đều được lập trình sẵn trong các bộ dữ liệu kiến trúc-quy hoạch đô thị thời hiện đại. Những ai học kiến trúc đều biết hoặc chịu khó vào mạng sẽ tìm ra…Thế nhưng vì sao trong thực tế, các chỉ số ấy lại “méo mó”? Vì sao? Nhiều khu chung cư, đô thị mới, sân chơi, công viên không còn. Trẻ em lại tiếp tục đá bóng dưới lòng đường. Người già chỉ luẩn quẩn loanh quanh, ra vào trong “khung cửa nhỏ hẹp”. Thành phố thì xấu xí, khuôn viên đô thị mới thì chật chội …

Muốn nói giời nói bể, nguỵ biện hay đổ lỗi thì rõ ràng, vì nhiều lý do gì đó, vì tư lợi, vì quản lý lỏng lẻo, vì sự vô cảm của những người có trách nhiệm và sự tuỳ tiện của người dân ở thành phố, tất cả chúng ta đang làm “méo mó” đi đất Thăng Long văn vật. Trận lũ vừa qua là một bài học lớn, xót xa nhưng cần thiết nhất là đối với các cấp quản lý, lãnh đạo thành phố nói riêng, với người sống ở Hà Nội nói chung.

Không thể xây dựng quy hoạch một khu đô thị theo lối “lùa vịt xuống đồng”, bỏ mặc cho cư dân muốn bơi thế nào thì bơi, làm ăn thế nào thì tự mà đi mò lấy…Khi xây dựng một tụ điểm dân cư, chính quyền và các nhà quy hoạch, các nhà chuyên môn phải tính hết các tình huống trong điều kiện đời sống bình thường và cả trong điều kiện bất trắc, rủi ro- động đất, mưa bão, lũ lụt, hoả hoạn…

Hà Nội là thành phố ven sông Hồng, con sông Mẹ của cư dân Đại Việt. Sự đang bị “méo mó” của đất Thăng Long xưa- Hà Nội nay, có “vuông tròn” lại được hay không, trông chờ ở cái tâm, cái tầm, cái trí, cái đức của tất thẩy người Hà Nội chúng ta, từ quan chức đến thường dân…

Phạm Viết Đào.

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long - Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ:
kyduyen@vietnamnet.vn


No comments: