Wednesday, May 17, 2017

TỔNG THỐNG TRUMP, QUỐC HỘI & FBI : CHUYỆN GÌ XẢY RA ? (Nguyễn Văn Khanh)








Nguyễn Văn Khanh
May 17, 2017

“Ðừng vội vã phán đoán,” Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan khởi đầu cuộc họp báo mỗi sáng Thứ Tư hàng tuần. “Tôi nghĩ chúng ta nên chờ đợi chi tiết rồi hẵng kết luận.”

Vẫn theo người điều hành Quốc Hội Cộng Hòa, “rõ ràng có những người muốn hại tổng thống, nhưng chúng ta có trách nhiệm phải tìm hiểu sự thật, bất kể đảng nào đang nắm Tòa Bạch Ốc.”

Không ai bảo ai, tất cả những ký giả lẫn các dân cử Cộng Hòa có mặt trong cuộc họp báo đều hiểu ông chủ tịch Hạ Viện đang tìm cách giảm bớt mức căng thẳng xảy ra trong 2 tuần lễ qua ở chính trường Hoa Kỳ, khởi đầu là chuyện ông Giám Ðốc FBI James Comey bị Tổng Thống Trump sa thải giữa lúc đang điều khiển cuộc điều tra tìm hiểu xem nhân viên vận động tranh cử cho ông Trump có liên quan gì với tin tặc Nga tìm cách lung lạc cuộc bầu cử tổng thống 2016 hay không.

Kế đến là bản tin của The Washington Post – dựa theo những nguồn tin không nêu danh tánh – cho biết Tổng Thống Trump đã chia sẻ với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov một số tin tình báo tuyệt mật liên quan đến hoạt động của khủng bố ISIS.

Gần nhất là tin của tờ The New York cho hay Tổng Thống Trump từng đề nghị ông giám đốc FBI “ngưng cuộc điều tra” tìm hiểu mối liên hệ giữa ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Michael Flynn và chính quyền Nga.

Cả ba chuyện nêu trên đều là cơ hội chính trị thật tốt cho một số chính trị gia Dân Chủ bày tỏ quan điểm, đại để cho rằng Tổng Thống Trump “không xứng đáng để lãnh đạo quốc gia,” đồng thời đòi hỏi Bộ Tư Pháp phải lập ủy ban điều tra đặc nhiệm để tìm hiểu rõ hơn, xem tổng thống Hoa Kỳ đã vi phạm luật ở những điểm nào.

Cũng trong số các chính trị gia Dân Chủ, một vài người đã lên tiếng đòi lập thủ tục để bãi nhiệm Tổng Thống Trump – như hai Dân Biểu Al Green và Maxine Waters, nhưng ý kiến này tức khắc bị bà Trưởng Khối Thiểu Số Nancy Pelosi bác bỏ, cho rằng đó không phải là ý kiến tiêu biểu cho đảng hay cho nhóm dân cử Dân Chủ ở Thượng và Hạ Viện.

Trong cuộc hội luận do đài CNN thực hiện vào tối Thứ Ba, 16 Tháng Năm 2017, bà Pelosi nói rất rõ “tôi không tán thành chuyện đó. Chúng ta có bằng chứng nào để buộc tội tổng thống? Chúng ta có biết tổng thống đã vi phạm điều luật nào hay chưa? Nếu không biết (mà vẫn nhất định đòi phải bãi nhiệm tổng thống), thì đúng là chúng ta chỉ nghe đồn đãi rồi kết tội người khác.”

Trình bày của bà Pelosi tức khắc được sự ủng hộ của giới quan sát Dân Chủ, điển hình là nhận xét của chiến lược gia Michel Hume từng làm việc với Văn Phòng Ðiều Hành Trung Ương của đảng Dân Chủ tại Washington D.C.

“Ðảng Dân Chủ phải thật khôn khéo, đừng để bị chỉ trích là chỉ biết chống đối chứ không biết suy nghĩ.”

Ông Hume, từng đứng vận động cho Phó Tổng Thống Al Gore, nói tiếp “thái độ của bà Pelosi là thái độ rất khôn ngoan. Bình tĩnh, không cần vội vã, để yên cho đảng Cộng Hòa sử dụng luật pháp giải quyết chuyện ông Trump, là những điều đảng Dân Chủ phải làm trong giai đoạn này.”

Với quan sát viên độc lập Davis Mulhouse, “trận đấu sắp tới sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ 2018, do đó cả phía Dân Chủ lẫn phe Cộng Hòa đều phải thật khéo léo, tránh chuyện bị mất ghế Thượng và Hạ Viện chỉ vì những điều Tổng Thống Trump đã làm. Bên Cộng Hòa đương nhiên phải mở cuộc điều tra dù chưa rõ ở mức độ nào, bên Dân Chủ tạm thời chỉ nên đóng vai trò ủng hộ, thúc đẩy, chớ vội vã đưa ra những lời tuyên bố thuộc loại nói cho sướng miệng.” Ông Mulhouse ví von “chuyện lộn xộn ở D.C trông chẳng khác gì trái bom chính trị sắp nổ, cánh Dân Chủ chớ vội châm ngòi, cứ để yên đấy, thế nào cũng có người của khối Cộng Hòa làm điều đó.”

Ðồn đãi từ Thượng Viện cho hay cụm từ “trái bom chính trị sắp nổ” cũng là cụm từ được Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Khối Dân Chủ Thiểu Số Chuck Schumer nói tới trong phiên họp đầu tuần với các đồng viện cùng đảng. Ít nhất 2 nguồn tin cho hay trong phiên họp, vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York nói rằng ông tin “sớm muộn gì mọi chuyện sẽ được phơi bày trước ánh sáng” nhưng từ chối dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra, ngoài chuyện nhắc đi nhắc lại nhiều lần “nếu tiếp tục làm áp lực chính trị, chắc chắn Bộ Tư Pháp sẽ phải đồng ý lập ủy ban điều tra đặc biệt.”

Cũng trong phiên họp đó, Thượng Nghị Sĩ Schumer dự đoán “chuyện liên quan đến ông Trump và dàn phụ tá của ông không chấm dứt ở đây, thế nào cũng có những tin bất lợi khác (cho Tổng Thống Trump) được tiết lộ thêm.”

Dự đoán đó cuối cùng đã trở thành sự thật.

Ông Robert Mueller người được chỉ định làm điều tra viên đặc biệt trong vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. (Hình: Getty Images)

Xế chiều Thứ Tư, 17 Tháng Năm 2017, Bộ Tư Pháp loan báo đã mời ông Robert Mueller điều hành ủy ban điều tra độc lập, lãnh trách nhiệm tiếp tục cuộc điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, và tìm hiểu xem có nhân viên nào làm việc trong Ủy Ban Tranh Cử Trump hợp tác với Nga hay không.

Ông Muller từng giữ chức giám đốc FBI trong thời gian từ 2001 cho đến 2013, làm việc thời Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush và Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama. Trong bản tuyên bố ngắn, ông Thứ Trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein viết rằng việc chọn ông Mueller và lập ủy ban điều tra độc lập “là điều cần thiết, để người dân Hoa Kỳ tin tưởng hoàn toàn vào kết quả của cuộc điều tra.”

Quyết định mời ông Mueller vào vị trí quan trọng này được các nhà quan sát xem là nhượng bộ của hành pháp trước áp lực đòi phải lập ủy ban điều tra độc lập. Cả hai vị nghị sĩ trưởng khối thiểu số Dân Chủ ở Thượng và Hạ Viện đều ca ngợi người được chọn, yêu cầu hành pháp cung cấp mọi điều kiện cần thiết để ông Muller có thể hoàn tất cuộc điều tra “nghiêm chỉnh nhất trong thời hạn sớm nhất.”

Cũng khoảng thời gian Bộ Tư Pháp thông báo tin chọn ông Mueller, tờ Washington Post đưa tin cho hay trong một cuộc họp của các vị dân biểu Cộng Hòa diễn ra hồi giữa Tháng Sáu năm ngoái, lãnh tụ khối đa số là Dân Biểu Kevin McCathy nói với các đồng viện cùng đảng rằng ông nghĩ “ông Trump nhận tiền của Putin” để nói tốt cho người lãnh đạo Liên Bang Nga. Cuốn băng ghi lại cuộc họp này cho thấy một số vị dân cử Cộng Hòa phá ra cười, trong khi ông McCarthy thề thốt “tôi nói thật đấy,” và ông Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan nhảy vào can thiệp, bắt mọi người phải hứa giữ kín, theo lối “chuyện trong nhà không thể để người ngoài ngõ biết.”

Cho đến khuya Thứ Tư, chưa thấy Tòa Bạch Ốc lên tiếng nói gì về chuyện này, nhưng Văn Phòng Báo Chí Tòa Bạch Ốc có phổ biến bản thông cáo, trích dẫn lời Tổng Thống Trump về việc Bộ Tư Pháp lập ủy ban điều tra độc lập như sau: “như tôi đã nhiều lần nói, một cuộc điều tra rốt ráo sẽ đem lại kết quả mà mọi người đều đã biết, là ủy ban vận động tranh cử của tôi không cấu kết với bất kỳ nước nào.”

--------------------------


May 17, 2017

WASHINGTON, DC (NV) – Trong một hành động bất ngờ, Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Mỹ, ông Rod Rosenstein, chiều Thứ Tư loan báo quyết định bổ nhiệm một điều tra viên đặc biệt để điều tra nghi ngờ có sự phối hợp giữa những người thân cận với ông Trump và các giới chức chính phủ Nga để can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Trong hình chụp ngày 4 Tháng Chín 2013, Giám Đốc FBI Robert Mueller, trái, người rời nhiệm vụ, nói chuyện với ông James Comey, người sắp nhận nhiệm vụ từ ông Mueller. (Hình: AP Photo/Susan Walsh)

Báo Washington Post nói rằng ông Robert Mueller, một cựu công tố viên, từng là Giám Đốc FBI từ năm 2001 đến 2013, dưới thời hai tổng thống George W. Bush và Barack Obama, đồng ý nhận trách nhiệm này, theo ông Rosenstein.

Hành động trên đánh dấu sự nhượng bộ của chính phủ Trump trước sự đòi hỏi của phía Dân Chủ là cuộc điều tra phải được tiến hành một cách độc lập, không dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Pháp.

Những lời đòi hỏi phải có điều tra viên đặc biệt đã gia tăng kể từ khi ông Trump bất ngờ bãi nhiệm giám đốc FBI James Comey tuần qua, theo tờ Washington Post.

“Trong quyền hạn của tôi là quyền Bộ Trưởng Tư Pháp, tôi quyết định rằng vì quyền lợi của công chúng tôi phải thi hành nhiệm vụ của mình và bổ nhiệm một điều tra viên đặc biệt để nhận trách nhiệm cho vấn đề này,” ông Rodstein viết trong bản thông cáo.

“Quyết định của tôi không là xác nhận có sự phạm pháp hay có cần phải truy tố hay không. Tôi chưa có quyết định về việc này. Điều tôi thấy rằng quyền lợi của công chúng trong hoàn cảnh đặc biệt này đòi hỏi tôi phải đặt quyền hành vào tay một người có thể hoạt động độc lập với hệ thống chỉ huy bình thường,” ông Rosenstein cho biết tiếp.

Ông cho hay ông Mueller đồng ý từ nhiệm khỏi tổ hợp luật sư ông đang làm việc để tránh có sự trái ngược quyền lợi.

Ông Rosenstein đến lúc này đang chỉ huy cuộc điều tra sau khi Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions tự đứng ra ngoài vấn đề này. Phía Dân Chủ bày tỏ nghi ngờ về sự khách quan vô tư của ông Rosenstein về cuộc điều tra can dự của Nga sau khi ông viết một báo cáo để ông Trump dùng làm lý do bãi nhiệm ông Comey.

Theo lệnh do ông Rosenstein ký vào chiều Thứ Tư, ông Mueller có nhiệm vụ điều tra “bất cứ liên hệ nào hoặc sự phối hợp nào giữa chính phủ Nga và các cá nhân liên hệ với ủy ban tranh cử của Tổng Thống Donald Trump” cùng là “những vấn đề có thể đã bộc lộ hay sẽ nhìn thấy trong cuộc điều tra”.

Lệnh của ông Rosenstein nói “Nếu điều tra viên đặc biệt thấy là cần thiết và hợp lý, điều tra viên đặc biệt có quyền truy tố theo luật liên bang, ” theo bản tin Washington Post. (V.Giang)




No comments: