Báo Pháp Luật online đưa tin: Tòa án trả
lại hơn 500 đơn kiện Formosa Hà Tĩnh (1): “Việc trả lại đơn căn
cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể tại khoản 5 Điều 189 kèm
theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh lợi ích quyền lợi
hợp pháp bị xâm phạm. Điểm C khoản 1 Điều 192, sự việc đã được giải quyết bằng
quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong việc này,
Chính phủ đã có Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ“.
Vậy là 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh của
người dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã không được giải quyết, Tòa án đưa ra 2
nguyên nhân chính:
1- Thiếu các tài liệu, chứng cứ chứng minh lợi ích
quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
2- Sự việc đã được giải quyết bằng Quyết định 1880 của
Thủ tướng Chính phủ.
Trước hết, phân tích tính pháp lý Quyết định 1880 của
Thủ tướng Chính phủ (viết tắt Quyết định 1880), chính xác là: Quyết định
Ban hành mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển;
Số: 1880 QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/9/2016 (2).
(Bài viết này gọi tắt 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng
Trị và Thừa Thiên – Huế là: Bình Tĩnh Trị Thiên)
A.
Luật áp dụng
Tại “Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện” của Quyết định
1880: “sử dụng từ nguồn kinh phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép
Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường”.
Như vậy, được hiểu là Formosa Hà Tĩnh đã gây ra sự cố
môi trường và có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Quyết định 1880 được ban hành trên 3 căn cứ pháp lý,
trong đó có: “Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;”
– Theo Wikipedia (3): Dự án Khu liên hợp gang thép
và cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh của Công ty Formosa Hà
Tĩnh được cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 với tổng số
vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 10,548 tỷ USD.
– Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (4),
“Điều 168. Điều khoản chuyển tiếp
1- Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp
nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có
hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.
2- Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, giấy chứng
nhận về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 thì
được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận
đó.”
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực từ
ngày 01/01/2015; đã ghi rõ tại điều 168 nêu trên, được hiểu là: không dùng Luật
này để xử lý các hồ sơ, chứng nhận về môi trường đã ký trước ngày Luật có hiệu
lực.
* Câu hỏi:
Quyết định 1880 “Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;”
có đúng Luật hay không?
– Nếu “đúng”,
xin mời xem tiếp Phần B.
– Nếu
“không”, tức là Quyết định 1880 không đúng. Bạn đọc có thể chuyển đến Phần C.
xem tiếp.
B.
Áp dụng Luật
Nếu như việc áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014
là đúng, xem xét tiếp một số điều liên quan đến “sự cố môi trường”
do Formosa Hà Tĩnh gây ra và việc bồi thường thiệt hại cho người dân Bình Tĩnh
Trị Thiên có đúng với quy định của Luật này hay không?
“Điều 111. Xác định thiệt hại do sự cố môi trường
1. Nội dung điều tra, xác định thiệt hại do sự cố
môi trường gồm:
…
đ) Thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu
bên gây ô nhiễm, sự cố phải bồi thường.
2. Trách nhiệm điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm,
thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra,
xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban nhân
dân các tỉnh tổ chức, điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố
môi trường gây ra trên địa bàn liên tỉnh.
3. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi
ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai.”
“Điều 112. Trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường
1. Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường có trách
nhiệm sau:
…
d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này
và quy định của pháp luật có liên quan;”
Tóm tắt vào trường hợp cụ thể, cả hai Điều 111, 112
được hiểu là:
– Bộ TN&MT chỉ đạo UBND 4 tỉnh Bình Tĩnh Trị
Thiên tổ chức, điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường
gây ra.
– Công khai toàn bộ kết quả điều tra (chi tiết và tổng
hợp) cho bàn dân thiên hạ biết !
– Cuối cùng là tổ chức gây ra sự cố môi trường là
Formosa Hà Tĩnh phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy có bất kỳ một công
bố công khai của tỉnh nào trong 4 tỉnh Bình Tĩnh Trị Thiên đưa ra con số thiệt
hại do sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh gây ra. Cũng chưa thấy xác định thiệt hại
để làm căn cứ yêu cầu Formosa Hà Tĩnh bồi thường.
* Câu hỏi:
Căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì Điều 111, 112 đã thực hiện đúng
không?
– Nếu “đúng”,
tức là Tòa án trả lại đơn kiện Formosa Hà Tĩnh là đúng. Bài viết dừng ở đây.
– Nếu
“không”, tức là Quyết định 1880 không đúng. Xem tiếp Phần C.
C.
Quyết định trả lại đơn kiện của Tòa án
Tóm lại hai lý do Tòa án đưa ra để trả lại đơn khởi
kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh của người dân huyện Quỳnh Lưu đều không thuyết phục.
1- Thiếu các tài liệu, chứng cứ chứng minh lợi ích
quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
a) Chứng minh lợi ích quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm,
hay nói cách khác là điều tra, xác định thiệt hại do sự cố môi trường là
trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chứ không phải của người dân (xem Điều 111 khoản
2 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014).
b) Việc người dân khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh
bồi thường là vụ kiện dân sự. Người thua chịu án phí. Do đó người khởi kiện
đóng án phí theo tỷ lệ với mức yêu cầu bồi thường, nếu họ không có tài liệu, chứng
cứ chứng minh thì họ sẽ thua kiện và mất án phí.
2- Sự việc “đã” được giải quyết bằng Quyết định
1880 của Thủ tướng Chính phủ.
a) Thực tế vụ việc (bồi thường) chưa được giải quyết;
giữa Công ty Formosa Hà Tĩnh – Tổ chức gây sự cố môi trường và người dân chưa
có một thỏa thuận bồi thường thiệt hại nào theo đúng Luật.
b) Quyết định 1880 là không đúng Luật: Như phân tích
ở Phần A, B, nếu Luật áp dụng hoặc áp dụng Luật không đúng thì Quyết định 1880
cũng không đúng.
—–
(1) PLO: Tòa án trả lại hơn 500 đơn kiện Formosa Hà
Tĩnhhttp://plo.vn/phap-luat/toa-an-tra-lai-hon-500-don-kien-formosa-ha-tinh-657255.html
(2) Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủhttp://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=29068
(3) Wikipedia Formosa Vũng Ánghttps://vi.wikipedia.org/wiki/Formosa_V%C5%A9ng_%C3%81ng
(4) Luật Bảo vệ môi trường năm 2014http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=186521
———-
Ghi
chú:
– Toàn bộ nội dung bài viết và tư liệu liên quan lưu
ở đây (trong 30 ngày) https://onedrive.live.com/?id=99D27641F5A996FC%21357&cid=99D27641F5A996FC,
ai có nhu cầu thì cứ tải về chỉnh sửa sử dụng theo ý mình.
– Bài viết này là phân tích mang tính cá nhân của một
người gốc nông dân, không phải là người có chuyên môn về luật nhưng đồng cảm với
nạn nhân Formosa.
– Ngẫu nhiên mà gọi tắt 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế thành “Bình Tĩnh Trị Thiên”, chợt nhớ
câu sấm “sinh sản – diệt sản !”; không biết Formosa có trụ nổi hết tuổi
đời dự án?
*
*
Tòa án trả lại hơn 500 đơn kiện Formosa Hà Tĩnh
Đ.
Lam -
PLTP
Thứ Bảy, ngày 8/10/2016 – 12:28
(PLO)- Sáng 8-10, tại Hội nghị giao ban báo chí
tháng 9-2016 tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh,
báo cáo việc xử lý 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh của người
dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
“Chiều 5-10, TAND thị xã Kỳ Anh đã tiến hành trả 506
đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh, đúng theo quy định của pháp luật. Hiện tại,
TAND thị xã Kỳ Anh đã sao chụp toàn bộ 506 đơn khởi kiện và các tài liệu liên
quan lưu tại tòa án để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”
– ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, hai ngày 26 và 27-9, tổ tiếp nhận
đơn của TAND thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã tiếp nhận 506 đơn và các tài liệu kèm
theo của người dân huyện Quỳnh Lưu khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu bồi
thường thiệt hại do sự cố môi trường. Việc tiếp nhận đơn đảm bảo đúng quy
trình, thủ tục của pháp luật quy định.
Sau khi tiếp nhận và phân loại đơn, có 296 đơn yêu cầu
bồi thường thiệt hại trong đánh bắt hải sản; 137 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại
trong sản xuất muối; 68 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nghề sản xuất nước;
ba đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về nghề nuôi trồng thủy hải sản; hai đơn
yêu cầu bồi thường thiệt hại nghề kinh doanh thủy sản ven biển. Tổng số tiền
các hộ dân yêu cầu bồi thường thiệt hại là 56 tỉ đồng.
Trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu,
chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế.
Ông Thắng cho biết: “Việc trả lại đơn căn cứ vào các
quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể tại khoản 5 Điều 189 kèm theo đơn
khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh lợi ích quyền lợi hợp pháp
bị xâm phạm. Điểm C khoản 1 Điều 192, sự việc đã được giải quyết bằng quyết định
đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong việc này, Chính phủ đã
có Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ”.
Đ.LAM
No comments:
Post a Comment