Thursday, October 13, 2016

BÀN VỀ CHỦ ĐỀ CHỐNG "TỰ DIỄN BIẾN" & "TỰ CHUYỂN HÓA (Nguyễn An Dân - BBC)




Nguyễn An Dân
gửi cho BBC từ Sài Gòn
12 tháng 10 2016


Hội Nghị Trung Ương 4 diễn ra tại Hà Nội đang bàn nhiều vấn đề mà theo diễn văn khai mạc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thì quan trọng nhất là chống "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa".

Lâu nay Đảng đã đưa hai vấn đề này ra trong lý luận củng cố Đảng nhưng theo thời gian thì vấn đề có vẻ ngày càng trầm trọng khi hôm nay xuất hiện cụm từ bổ sung là "có thể gây ra những hậu quả khôn lường".

Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chính trị, nên có lẽ hậu quả khôn lường ghê gớm nhất mà tổng bí thư cảnh báo là "vỡ Đảng" chăng ?

Chữ "tự" trong hai vế nói lên vấn đề xuất phát từ chính nội bộ đảng chứ không phải từ phương trời Âu Mỹ hay từ "các thế lực thù địch", nên việc chỉ ra nguyên nhân nguồn gốc của nó là cái quan trọng.

Dân tộc đa nguyên và thể chế nhất nguyên

Do điều kiện lịch sử, dân tộc Việt thời kỳ hiện đại hình thành hai tư duy lớn là chống Cộng (ủng hộ quốc gia VNCH) và theo Cộng (ủng hộ quốc gia VNDCCH) và một tư duy đứng giữa hai khối này, không theo tư duy nào.

Tư duy đứng giữa này chú trọng phát huy nội lực và tìm kiếm con đường dân chủ-phát triển dân tộc, như học thuyết của phong trào quốc gia cấp tiến, giáo lý đạo Phật giáo Hòa hảo... là những ví dụ (tạm gọi là thành phần thứ ba - tư duy dân chủ để phát triển đất nước và dân tộc hùng mạnh mà không phải dựa theo Trung Quốc hay Mỹ).

Do đặc điểm chính trị, quốc gia Việt Nam trước 1975 chia làm hai vùng lãnh thổ, vùng miền Bắc mang đặc trưng dân chủ XHCN, và vùng miền Nam mang đặc trưng dân chủ của tư bản.
Trên vùng lãnh thổ VNCH, do nó khuyến khích dân chủ theo giá trị chung của nhân loại, nên nó cũng đồng thời cưu mang thành phần thứ ba.

Sau sự kiện đất nước thống nhất 1975 dẫn đến dân tộc ly tán. Chính quyền CHXHCNVN chỉ chấp nhận dân chủ XHCN, đàn áp và thủ tiêu tất cả những tư duy dân chủ khác, dẫn đến một bộ phận dân tộc phải bỏ nước ra đi, phát tán khắp nơi trên thế giới.

Đảng CSVN tuy thống nhất được lãnh thổ đất nước, nhưng không thể thống nhất tư duy dân tộc (vì quan điểm sai đưa đến cách làm sai).

Hệ quả tất nhiên là về hình thức và trên bề mặt thì đất nước có vẻ nhất nguyên (vì thể chế bắt buộc) nhưng sóng ngầm đa nguyên tồn tại (trong tâm tưởng người ở lại và người ra đi).

Từ một đất nước vốn tự nhiên là đa nguyên, Đảng CSVN tạo dựng ra thể chế gò ép đất nước vào nhất nguyên, nhưng rồi theo thực tế tiến bộ và mở cửa, xã hội lại tự nhiên quay về thực tế đa nguyên, dù Đảng vẫn cố gò ép cho nhất nguyên bằng chuyên chính vô sản.

Xã hội đa nguyên và thể chế đa nguyên

Từ nhất nguyên về kinh tế và chính trị (hoàn toàn phải theo tư duy cộng sản-XHCN), thể chế đã phải chấp nhận cải cách để đất nước tồn tại, với cái mốc là 10 năm/một lần thay đổi.

Mốc 1975-1985 - nhất nguyên về kinh tế và chính trị

Mốc 1985-1995 - mở cửa kinh tế bang giao phương tây, tiến lên nhanh đa nguyên về kinh tế, nhưng vẫn nhất nguyên về chính trị

Mốc 1995-2005 - bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Phương Tây, cho Việt kiều tự do về nước, mở cửa cho internet... triệt để đặt nền móng vững chải cho đa nguyên về kinh tế và từ đó, tạo môi trường cho đáy tầng xã hội phát triển trở lại đa nguyên về chính trị (trên cái nền ngầm âm ỉ bị đè nén từ trước) trong khi trên mặt tầng quyền lực vẫn nhất nguyên (một đảng).

Mốc 2005-2015 - tiến tới xóa bỏ hẳn cái đuôi định hướng XHCN trong kinh tế thị trường, chấp nhận tư duy đa nguyên hoàn toàn về kinh tế.

Trong đảng hình thành các phe phái tư bản thân hữu, thân phương Tây, các nhóm hoàng tử, thái tử đảng đi Tây học về cầm nắm quyền lực ngày càng gia tăng về số lượng và nắm giữ các vị trí quan trọng dẫn đến đa nguyên về tư duy quản lý xã hội trong đảng

Đảng gọi nó là tự diễn biến và tự chuyển hóa, còn tôi gọi nó là đa nguyên trong Đảng.

Về xã hội, án tù cho các khối quần chúng kêu gọi đa nguyên nhẹ đi, những nhà hoạt động dân chủ có lòng yêu nước chân chính, có tầm và có tâm thì dù không chấp nhận ý thức hệ XHCN (cả trong lẫn ngoài nước) ít bị báo Đảng "đánh hội đồng tư tưởng" hơn (tiền đề để đi đến việc Đảng, hay ít nhất một bộ phận tiến bộ trong Đảng, chấp nhận lòng yêu nước chân chính dù khác biệt ý thức hệ).

Tôi gọi nó là chấp nhận đa nguyên trong việc bày tỏ lòng yêu nước chân chính và vì tiến bộ đất nước.

Tư duy cộng sản và cộng hòa trong quần chúng trong nước cũng xóa nhòa ranh giới triệt để, các thành phần có liên quan đến thể chế cộng sản miền bắc và cộng hòa miền nam đã chung sống, giao lưu ngày càng thân thiện và hòa đồng hơn.

Như vậy, theo chu kỳ tiệm tiến bắt buộc phải thay đổi (vì thực tế thay đổi), trong 10 năm tới sẽ là giai đoạn hai của đa nguyên về chính trị.

Giai đoạn 'Đổi mới 2'

Tôi dự đoán 2016-2026, sẽ là giai đoạn xã hội và thể chế tiến tới đa nguyên về chính trị bền vững để tạo tiền đề cho chuyển hóa chính trị quốc gia.

Ngay trong Đảng cũng đã bàn tán, người ta gọi nó là "Đổi mới 2", và nó là một xu thế được phát triển từ thực tế vận động của xã hội và thể chế, không ai có thể ngăn cản vì nó đến theo thực tế phát triển chung.

Kèm theo đó là vấn đề đa phương hóa về ngoại giao quốc phòng với nhiều nước từ đủ các phương trời Âu-Á-Mỹ…để đề kháng với sự bành trướng của Trung Quốc. Đa phương hóa thì tất yếu phải đa nguyên hóa trong hàng ngũ cán bộ đảng viên thực thi công vụ.

Quần chúng thì đơn giản hơn, họ vận dụng mở rộng thuyết nhu cầu Maslow để lý giải con đường đi từ no đủ trong bao tử sẽ đi đến đa nguyên trong tư duy chính trị của họ. Chiến lược "dùng kinh tế để chuyển hóa chính trị" mà tư bản áp dụng ở Việt Nam từ khi bỏ cấm vận đến nay đã bắt đầu ra hoa kết quả.

Như vậy có thể thấy rõ xu hướng đa nguyên hóa, "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" là quy luật bắt buộc phải đến trong thể chế và xã hội khi đã đa nguyên về kinh tế và ngoại giao-quốc phòng, rồi từ đó xã hội-thể chế tác động qua lại để nâng cao nhau, là quy luật tất yếu. Chúng ta có thể chống lại pháp luật, nhưng không ai có thể chống lại quy luật.

Thành ra e rằng cuộc chống "diễn biến và chuyển hóa" này của đảng là rất gian nan và hiệu quả ít ỏi.

Nhà nước pháp quyền hay nhà nước pháp trị ?

Theo nghị quyết của Đảng thì thể chế sẽ phát triển theo mô hình nhà nước pháp quyền XHCN với kinh tế thị trường đa thành phần.

Nghĩa là chấp nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không chấp nhận đa đảng (dù đã có đa nguyên như chứng minh ở trên) dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền (rule by law), trong đó vai trò của hành pháp, lập pháp, tư pháp có sự chia tách nhưng được quản lý thống nhất theo định hướng của Đảng.

Tư duy này dẫn đến thực tế là vừa chấp nhận hình thành đa nguyên nhưng lại vừa không công nhận đa nguyên và không ngừng chống lại nó (vì không thể để đa đảng). Thành ra từ đó dẫn đến mâu thuẫn nội tại khi xây dựng thể chế và quản lý quyền lực (theo hướng tích cực cho đất nước).

Các vấn đề nói trên chính là những sự lúng túng và đưa đến nhiều "nguy cơ" mà Hội Nghị Trung Ương 4 đang bàn cách khắc phục, nhưng khắc phục có được không khi những vấn đề này nảy sinh chính từ trong bản chất định hướng nhà nước pháp quyền XHCN.

Tôi nghĩ rằng có lẽ Đảng nên thay đổi mô hình thể chế theo dân chủ pháp trị, thay pháp quyền (rule by law) bắng pháp trị (rule of law), và chấp nhận đa nguyên chính trị song song với đa nguyên kinh tế để vừa phù hợp với chính lý luận Mác xít (chính trị phải phù hợp kinh tế, hay kinh tế quyết định chính trị) vừa phù hợp thực tiễn hiện nay và tương lai của Việt Nam một khi đa nguyên là bản chất của mọi xã hội.

Bài phản ánh quan điểm và văn phong của người viết, hiện sống ở TP HCM.



No comments: