Đinh Cường
Thứ Năm, 10 tháng 3 2011
Thứ Bảy ngày 5 tháng 3, 2011, khai mạc phòng tranh hồi cố Võ Đình lúc 5 giờ chiều tại Mary Condon Hodgson Gallery, một gallery đẹp, ấm cúng trong Frederick Community College.
Từ Virginia qua vùng Frederick, Maryland khá xa, được anh Trương Vũ chở đi, buổi chiều trời tốt, không kẹt xe thật hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa: đứng trước 28 họa phẩm Võ Đình, đầy xúc động, một thế giới như quen thuộc từ những tình cảm lâu năm, cho đến những giây phút hấp hối của người họa sĩ thâm sâu tài hoa, một người thầy đã chỉ dẫn tận tình con đường đi đến nghệ thuật đích thực cho một nhóm họa sĩ người Mỹ trước đây tại Maryland, trong đó có hoạ sĩ Edward Ramsburg, môn đệ chính đã làm nên cuộc triển lãm này.
Tuy chưa được bề thế lắm nhưng cũng giúp người thưởng ngoạn nhìn lại mấy chặng đường nghệ thuật của Võ Đình (1): từ khắc gỗ đến màu nước, từ mực xạ đến acrylic, sơn dầu, chất liệu hổn hợp …kể cả bìa sách và minh hoạ. Ở đâu cũng đậm chất Võ Đình …”Võ Đình làm tranh sơn hay làm mộc bản thì cũng vẫn tinh thần ấy – tinh thần Võ Đình - với những thao thức chất chứa, những khổ đau dằn vặt, những hy vọng lung linh, những ước vọng cõi trời rộng mở. Nghệ thuật Võ Đình là tiếng nói lớn của những thao thức, những dằn vặt, những hy vọng, những kỳ vọng đó thể hiện thành màu sắc, đường nét, hình khối …” (Doãn Quốc Sỹ - vựng tập Võ Đình –Les Jardins du Boisé, Montréal 6,1992). Doãn Quốc Sỹ người bạn anh quý, đã thấy được cái tinh thần thấm đầy đạo hạnh ấy của Võ Đình, như lời anh nhắc nhở môn sinh:
“Vẽ là sống, vẽ là ăn, vẽ là thở. Đừng khắc phục quá mạnh / khắc phục từ tốn / khắc phục đẹp /nhưng không quá mạnh. Nếu cứ ung dung từ tốn, cuộc sống sẽ giữ gìn mình” (Vựng tập Mai VoDinh Thoughts and Paintings. 2010).
Thật vậy, giữa hai mươi tám họa phẩm lớn, nhỏ trong phòng triển lãm chiều nay cho thấy hơi thở của anh phà lên mặt tranh như hương thiền, một đời sống tâm linh rung cảm hội hoạ mãnh liệt. Từ con gà trống đầy sinh lực đến con trâu đen trên màu nâu đất tình quê. Những cánh chim hồng bay bỗng tuyệt vời, bay trên biển, bay về núi, bay qua suờn đá, bay qua vực thẳm …bay quên đường về. Chim bay là dấu ấn đậm nét trong tranh Võ Đình, như không khí của thơ cổ Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi (Trời chiều – Bà Huyện Thanh Quan) hay những bài kệ tụng ngắn đã phản chiếu những ý tưởng của đạo Phật, mà anh đã từng dịch thật hay:
Đất kia rồng rắn là nhà
Suốt ngày vui thú đậm đà tình quê
Leo lên đỉnh gió bốn bề
Hú dài một tiếng lạnh về hư không
Suốt ngày vui thú đậm đà tình quê
Leo lên đỉnh gió bốn bề
Hú dài một tiếng lạnh về hư không
(Tiếng lòng – Ngôn hoài, Không Lộ. Hương Thiền-trang 32. Trung tâm văn hoá Phật Giáo xuất bản. Los Angeles, CA, 1981)
Linh Giang, Con gái Võ Ðình
Ôi, tiếng hú dài của người xa quê nhớ về cố hương, như những vết xước thật nồng nàn - có dạo anh dùng cây đinh lớn dài để vạch trên không gian tranh - hay đốm màu loé sáng từ trong những bố cục chắc lọc của bậc thầy, làm tăng thêm xúc cảm nơi người xem. Trên đường về, Trương Vũ (tiến sĩ khoa học, chuyên gia nghiên cứu cho NASA, đã nghỉ hưu và hiện đang chú tâm vẽ và viết) vừa lái xe vừa nói cảm nghĩ của mình, tôi sợ không nhớ hết, nên nhờ anh khi về nhà gởi cho mấy tấm ảnh và ghi lại đoạn này:
“Nhìn những bức tranh của Võ Đình treo ở gallery cảm giác đầu tiên là một hạnh phúc có được khi thưởng ngoạn họa phẩm của một tài năng cả đời đã sống hết lòng cho nghệ thuật, một thứ nghệ thuật mà phẩm chất vượt trên biên cương địa lý dù vẫn bàng bạc hơi hướng nơi chôn nhau cắt rốn. Thêm vào với cảm giác đó là những xúc động khi nhìn lại những bức tranh mà mình đã thấy từ mấy mươi năm trước cho đến sau này, thấy đường nét biến đổi theo thời gian như thân xác, tâm thức của một người biến đổi cho đến giây phút cuối cùng trở về với tro bụi. Tôi vô cùng cám ơn những người đã tổ chức phòng tranh này.”
Một đoạn cảm nghĩ sâu sắc, chính xác. Tôi cũng xúc động khi nhìn vầng trăng đêm mọc sớm. Lay động theo cánh Sen Kim Cang trong tranh Võ Đình.
Virginia, March 6, 2011
Đinh Cường
(1)Võ Đình tên thật là Võ Đình Mai, sinh năm 1935 tại Huế. Trước học Trung Học Khải Định. Những năm 50 theo học Văn Khoa ở Đại học Sorbonne, Paris. Bỏ văn chương theo Mỹ Thuật học tại các trường Académie de la Grande Chaumière và Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris. Từ 1961 đến 1974 đã triển lãm một mình 26 lần tại Viêt Nam, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, và nhiều lần triển lãm chung khắp nơi.
Có tranh tại các Bảo Tàng: Musée d’Art Moderne Paris, Musée de Rouen
Nashville Museum- Tennessee, Milwaukee Art Center- Wisconsin, Schiedam Museum- Hoà Lan. Sáng tác, dịch thuật nhiều ấn phẩm tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoạ phẩm chọn lựa bởi UNICEF năm1964,1969.
Võ Đình (Pháp danh Nguyên Chân) từ trần lúc 6 giờ 20 chiều ngày 31 tháng 5 năm 2009 tại tư gia West Palm Beach, Florida thọ 76 tuổi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment