Tuesday, March 8, 2011

VỤ ÁN "HIỆU TRƯỞNG MUA DÂM" Ở HÀ GIANG - CÔNG LÝ và NỮ QUYỀN (RFA)

Khánh An, phóng viên RFA, Bangkok
2011-03-07

Ngày mai là ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Trên thế giới và tại Việt Nam hiện đang diễn ra rất nhiều hoạt động để tôn vinh người phụ nữ.
Thế nhưng tại một nhà tù ở miền Bắc, ở tỉnh Hà Giang, có 2 em gái nhỏ tên Hằng và Thúy đang phải chịu mức án tù 6 và 5 năm tù về tội “Môi giới mại dâm”.
Điều đáng nói ở đây là vụ án có dính líu tới rất nhiều quan chức lớn nhỏ trong tỉnh lại được đem vào phía sau hậu trường để xử bằng hình thức “xử kín” và không có luật sư bào chữa cho hai em.

Nữ sinh Nguyễn Thị Hằng (áo cam) sinh năm 1991 và nữ sinh Nguyễn Thanh Thúy sinh năm 1992 (áo hồng), đang bị dẫn giải ra tòa dự phiên xử vụ án vị hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm nữ sinh tại Hà Giang sáng 27/01/2010.   Source vietbao-online

Nô lệ tình dục

Trong kỳ Café Wifi nhân ngày quốc tế tôn vinh phụ nữ, Khánh An mời quý vị theo dõi ý kiến của một nhà giáo và một luật sư xung quanh câu chuyện tái xét xử vụ án mua dâm ở Hà Giang. Liệu trong phiên toà sơ thẩm sẽ diễn ra trong 2 ngày tới, công lý có lên ngôi và quyền của người phụ nữ được bảo vệ?

Khánh An: Người đầu tiên bày tỏ mối quan ngại rất lớn đến tình trạng của hai em Hằng và Thúy là nhà giáo Phạm Toàn.
Nhà giáo Phạm Toàn: Việc giam hai cháu bé đã mấy năm rồi, người ta quên và không có ai đặt ra vấn đề là các cháu oan hay không oan nữa. Cái ông Sầm Đức Xương và vợ ông đều khai là ông ấy liệt dương, tức là ông ấy không đi chơi gái, mà lại dính vào vụ này, tức là ông ấy tổ chức mãi dâm.
Bản án ấy phải đổi lại là chính ông Sầm Đức Xương là người tổ chức mãi dâm và ai mua? Chính là bọn chủ tịch, cán bộ trong tỉnh chứ còn ai. Hai cô bé này là nạn nhân.

Khánh An: Nhưng vài ngày tới đây thì Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ xử kín lại vụ án này…
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi hình dung là vụ án lần này có thể họ xử cho nhẹ đi để xoa dịu dư luận. Nếu làm nặng nề lên thì nó (dư luận) lại đòi bằng được cái danh sách đen kia. Mà người Việt Nam được cái tính hiền lành, “dĩ hòa vi quý”, chả đấu tranh làm gì, đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ đã nhận là nó hèn!
Nếu xử công khai thì sẽ xử nặng lên, nhưng để làm gì? Chẳng có ích gì cả! Thậm chí lần này nó có thể thả là vì muốn xoa dịu dư luận, muốn cứu cái “danh sách đen” là chính.

Công lý?

Khánh An: Vâng, bây giờ Khánh An xin được phép hỏi LS. Trần Đình Triển, ông chính là luật sư bảo vệ cho em Thúy, ông có thể cho biết tình trạng của các em trong trại giam như thế nào không? Liệu các em có được bảo đảm những quyền căn bản?
LS. Trần Đình Triển: Trước hết đối với em Thúy và em Hằng, có lẽ sau phiên tòa này, tôi sẽ có một kiến nghị với các cấp của Đảng và Nhà nước để có một giải pháp cứu lấy hai cháu.
Hành vi phạm tội của các cháu, cứ gọi là “phạm tội” đi bởi theo quan điểm của tôi thì các cháu không phải là người phạm tội, các cháu là người bị hại, bị những người lớn, những người có chức có quyền lợi dụng các cháu để làm trò mua vui.
Điều đó trong hồ sơ vụ án đã thể hiện, nhưng họ đã lỡ bắt các cháu rồi thì lâu nay, vì tôi bảo vệ cho cháu Thúy ở từ giai đoạn cấp phúc thẩm vừa qua, tình trạng thứ nhất, khi được cấp giấy chứng nhận bào chữa thì tôi vào gặp được cháu một lần cùng với điều tra viên.
Trước hết, cả một quá trình điều tra khi cháu bị bắt, trong luật pháp của Việt Nam đã quy định là đối với vị thành niên thì không được giam chung với người đã thành niên.
Thế thì lúc cháu bị bắt, cách hành xử của các cơ quan tố tụng của tỉnh Hà Giang đã vi phạm pháp luật, đó là giam cháu Thúy với 3 người lớn trên 30 tuổi, đó là luật cấm.
Ba người này cũng phải hết sức lưu ý là họ không phải là người dân tộc, họ không hiểu tiếng Kinh. Do đó, việc cháu bị giam giữ như vậy thì cũng như trong một buồng kín thôi.
Thứ hai nữa là có những giai đoạn rất dài không cho gia đình thăm nuôi cháu, gửi đồ sử dụng, kể cả những đồ vệ sinh tối thiểu của phụ nữ, cháu cũng không có để dùng.
Một điều đáng trách nữa là đến khi kết luận điều tra, theo quy định của luật pháp Việt Nam vì đây là một vụ án hình sự, không mang yếu tố bí mật quốc gia hay yếu tố chính trị thì gia đình được gặp mặt nhưng cháu cũng không được gặp.
Chỉ một lần mẹ cháu được gặp, cháu than vãn là con ở trong này khổ lắm. Mẹ cháu có hỏi là “Tại sao con từ chối luật sư?”, thì cháu bảo “Con bị bắt ép, nếu con không ký thì con có về được với mẹ hay không?!”. Từ đó đến nay cháu không được gặp mẹ và gia đình cháu.

Tôi xin lạy...

Khánh An: Cám ơn luật sư. Thưa nhà giáo Phạm Toàn, trước đây blogger mẹ Nấm có gửi đơn đến các tổ chức hội đoàn để xin cứu xét cho hai em Hằng và Thúy nhưng cho đến nay vẫn không có một cơ quan nào trả lời kiến nghị này. Ông có nhận xét như thế nào về vai trò của các tổ chức hội đoàn trong việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của họ?
Nhà giáo Phạm Toàn: Điều đáng buồn là thế này, trong suốt bao nhiêu ngày tháng, Bộ Giáo dục không lên tiếng cứu hai em bé học trò của mình, suốt bao nhiêu ngày tháng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ không lên tiếng cứu hai hội viên tiềm năng của mình, Đoàn Thanh niên không ai lên tiếng để cứu người thuộc lứa tuổi thanh niên của mình. Điều đó cho thấy cái gọi là “hội đoàn” ở đây toàn là hình thức thôi. Không có hội đoàn nào là hội đoàn đích thực cả.

Khánh An: Thế thì trong nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, ông có mong ước gì cho hai em không?
Nhà giáo Phạm Toàn: Không phải ngày phụ nữ thì tôi cũng muốn cho các em ấy được về đi học. Chúng nó như con cháu mình đấy mà, tội nghiệp lắm! Rét mướt thế này mà lại dưới con mắt của những ông lính gác, gọi là “quản giáo” đấy, nó cứ hau háu như thế thì làm sao mà giữ được.
Nó khóc với mẹ và bảo “Ở trong này khổ lắm, mẹ ơi!” thì mình phải hiểu cái khổ nó là cái gì chứ. Không bao giờ nên giam giữ trẻ con, đặc biệt là em gái như thế. Tôi là tôi mong, tôi lạy trời, lạy Phật, lạy tất cả những ai có thể lạy được để cho hai em bé ấy được tự do.

Khánh An: Vâng, đó là mối quan ngại không chỉ của nhà giáo Phạm Toàn mà còn của rất nhiều người quan tâm đến vụ án này, thế thì thưa LS. Trần Đình Triển, ông có thể cho biết liệu trong tình cảnh bị cách ly hoàn toàn như thế, các em Hằng và Thúy có được bảo đảm an toàn không?
LS. Trần Đình Triển: Thực ra đó là một điều tôi rất lo ngại. Hai cháu có ngày hôm nay ra xét xử, tôi nói với chị là tôi đặc biệt quan tâm đến cháu Thúy, lần đầu tiên khi trả hồ sơ bổ sung, tôi được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho cháu thì tôi đã vào.
Chính tôi và điều tra viên đã chứng kiến cảnh cháu kêu nài lên là cháu bị bệnh của phụ nữ và không được đưa đi khám chữa bệnh. Trong trạm xá của trại thì không đủ điều kiện để khám chữa bệnh.Mẹ gửi thuốc vào không được và cũng không biết gửi gì cả vì không được gặp mặt.
Tôi có đề nghị phải đưa cháu ra bệnh viện để khám, chữa cho cháu. Sau đó, theo tôi biết là có giải quyết được yêu cầu đó, nhưng cũng chỉ mang tính chất tạm thời thôi. Từ cái việc như vậy, nếu như công luận không biết vụ này và không được sự quan tâm của các cấp thì tôi không hiểu các cháu sẽ bị đối xử như thế nào.
Ví dụ như án sơ thẩm trước đây, tại sao xử cháu Thúy 5 năm và cháu Hằng 6 năm? Chính các cháu đã nói với tôi khi tôi vào gặp ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, họ nói luôn với các cháu là khi nào các vị quan chức đã có quan hệ với các cháu về hưu thì khi đó các cháu mới được thả.
Có nghĩa là mức án đó người ta đã tính toán để bảo vệ quyền lợi và che chắn cho những người có chức có quyền đã từng quan hệ với các cháu, chứ không phải là luật pháp.

Khánh An: Vâng, cảm ơn luật sư Trần Đình Triển và nhà giáo Phạm Toàn. Khánh An xin kính chào tạm biệt. Mong hẹn gặp lại quý vị trong chương trình Café Wifi kỳ sau.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: