Monday, March 21, 2011

VỀ TẬP THƠ "ĐỨNG DƯỚI TRỜI ĐỔ NÁT" của PHAN XUÂN SINH (Nguyễn Hàn Chung)

Nguyễn Hàn Chung
Mar 21st, 2011

(nhân đọc tập thơ Đứng dưới trời đổ nát của Phan Xuân Sinh)

Có người cho rằng mạch thơ trong Đứng dưới trời đổ nát của Sinh ít tung tẩy chữ nghĩa như một số bài thơ của anh sau này.Tôi không nghĩ thế ,đọc hết tập thơ ráng căng con mắt thấu thị nhìn vào trong vỉa từ thơ anh tôi cảm thấu trong nội hàm ẩn chứa nhiều phong vị .Trước tiên là phong vị cổ thi’’ta.Trời tây mỏi mắt-người Trời đông chau mày-hai phương mà như một –nào đâu người có hay’’(bên kia nỗi nhớ).Tứ thơ với những hình ảnh ước lệ ngựa hồ ,đất khách cố xứ ,chân mây sẽ khá cũ càng nếu anh không có những câu thơ khải truyền cho từ một tải trọng đời sống huyết tận ‘’khẽ chạm vào huyệt lộ-bỗng dưng người mất tăm’’’’bóng đè lên thân phận –ta đang chiêu hồn ai?).

Đắm mình trong nguồn mạch văn chương khí khái hào sảng ngày trước 1975 anh có những bài thơ thấm đẫm hào khí, ngôn từ trong thơ nhắm vào đối tượng với tư cách ngôn từ thông thường ít nhiều còn mang tính tượng trưng nhưng mê đồ chữ nghĩa đã biến dị hiển lộ bản sắc cá nhân với những luận chứng ,luận cứ làm cơ sở của xúc cảm khẳng định lý tưởng hoài bão ôm ấp của mình (hầu chuyện cùng Ngũ Tử Tư)(một đoạn cho Kiều )(gặp lại bạn ta).Những bài thơ ngóng vọng cố hương của PXS theo tôi đã đạt tới cảnh giới thơ khả thơ phi thường thơ bởi lòng anh và hình tượng thơ đã hòa mạch vào nhau nói như lời Kim Thánh Thán ‘’chỗ mà lòng tới rồi bút bất tất phải tới nữa’’ .Ta hãy nhâm nhi vài ly chữ của Sinh“nửa đêm còn vọng tiếng ai-nghe oan hồn khóc bên tai rã rời-giật mình chỉ biết ngậm ngùi-
làm sao chia bớt với người nỗi đau’’(bay qua đời khói sương)

Câu thơ cuối cùng kết tứ cho đọan thơ dường như vô hình trung đã vận, đã mắc vào đời anh với niềm trăn trở làm sao gánh vác bớt nỗi đau bè bạn ‘’chìm sâu ngàn trùng’’ hoặc ‘’lây lất khốn cùng bến mê’’.(Và theo như tôi biết từ khi anh còn lăn lóc chốn chợ trời cố xứ hay sau khi lăn lộn kiếm được chút của nả xứ người bao bè bạn quê nhà đã được anh cưu mang ,đùm bọc mà anh giống như bậc hành giả dù viết cả một tập truyện ký mang mang hồi ức anh vẫn kín tiếng không hề thố lộ cùng ai)

Một số bài thơ trong ba tập thơ của anh nói như lời nhà thơ Trần Doãn Nho trong bài Vài suy nghĩ về ”sống với thời quá vãng’’ ‘’đã đi vào lòng độc giả với cái chất hiện thực chan hòa trong lối lý sự rất riêng ‘’cái lối lý sự giận dỗi lửa rơm mà hầu như bất cứ ông nhà thơ Quảng Nam kim cổ nào không mắc cũng là mang:‘’muốn may miệng những thằng láu cá-Bợ đỡ tung hô kẻ bất tài ‘’ ‘’khàn hơi chỉ mặt đứa gian manh-bán đứng anh em chơi trò lừa lọc-núp sau lưng đoạt cuộc tranh giành’’ Giận phường bội bạc , ngòi bút anh tung hoành rót về tứ phương để trút cơn phẫn hận chứ ngoài đời anh rất hiền, bạn bè chỉ thấy một PXS chưa hề nặng lời với ai kể cả những kẻ không ra gì…
Những bài thơ viết về vợ của anh rất chân thật và cảm động bởi nó không màu mè dối trá như một số nhà thơ khác .Hơn ai hết anh cảm thấu người bạn đời
là người ‘’cắn răng chịu đời khổ tận –u uất trong lòng-đắng cay chồng chất’’để ông nhà thơ tự thú ‘’ hư thân, bạt mạng ,cuồng ngông, hoang đàng’ ’lao tâm khổ tứ chơi cái trò phụng hiến con chữ mà con chữ hỡi ơi vĩnh viễn hay phù du nào ai biết ai hay.Mảng thơ viết về bạn của anh dàn trải trong nhiều bài thơ ‘’chén rượu tạ lòng bạn hiền-gặp lại bạn ta-nói chuyện với bạn hiền …’’thật sự bộc tỏ lòng anh với bạn’’ ta gióng chuông kêu lên tức tưởi-những oan hồn vất vưởng đâu đây-âm dương .cùng ngồi chung manh chiếu-bạn,thù .chia nhau chén rượu đầy..(nói chuyện với những bạn hiền )

Thơ PXS đặc dị ở chỗ có những câu anh viết rất trụi trần không câu nệ ngôn ngữ toàn dân hay khẩu ngữ nhưng vẫn có tính hàm súc cao,từng câu đều có tính độc lập nội tại, nhiều câu có chiều hướng hướng tới tính chất và cấu trúc của những cách ngôn(hầu chuyện cùng Ngũ Tử Tư)(đêm nằm nhớ Ức Trai)(nói chuyện với những người sinh vào thiên kỷ mới).
Đứng dưới trời đổ nát của PXS dù vẫn chưa thoát ra mô tip thơ ngất ngây hào khí vang bóng của lớp trai thời loạn một thời nhưng trong thơ anh trời đổ nát đã tái sinh với những hình tượng huyễn tưởng đan cài .Đọc thơ anh không chỉ những tên đồng thị thiên nhai luân lạc nhân , suốt đời vật vã- chạy vòng quanh kiếm tìm trên bước đời lưu lãng chúng ta hắt hiu lòng vọng nhớ những Giếng Bộng,Đò Xu cũ càng,một Cầu Vồng dốc ngược, bến phà Hà Thân đã chết mà những bè bạn quê nhà những kẻ đầu non cuối chợ,búa rìu bổ lên đầu lên cổ cũng tìm trong bóng chữ trong thơ PXS một chút bóng dáng an ủy
trong những năm tháng cuối đời.

Cái tài tình của nhà thơ Phan Xuân Sinh trong tập thơ Đứng dưới trời đổ nát là tuy vẫn bám vào các thể loại cấu trúc của truyền thống cũ nhưng lại nhằm vào những tầng sâu hơn của truyền thống để can dự vào các đề tài vĩnh cữu :tình yêu,quê hương, cái chết ,nỗi đau, niềm tin ,chiến bại… Và một điều đáng để những ai yêu quý thơ PXS lưu tâm là bất cứ dự cảm nào trong hình tượng thơ anh cũng bộc tỏ phong cách rất riêng của người nghệ sĩ không lẫn vào bất cứ nhà thơ hải ngoại nào .Phải chăng đây chính là bản lai chân diện mục của hồn thơ Phan Xuân Sinh!..

Viết tại Lầu Cây khế -Houston Texas
Nguyễn Hàn Chung
Tháng 10/2009
.
.
.


No comments: