Tuesday, March 22, 2011

TRƯNG VƯƠNG VỚI ĐẠI LỄ KỶ NIỆM HAI BÀ (Người Việt)

Trưng Vương với đại lễ kỷ niệm Hai Bà
Nguyên Huy/Người Việt
Monday, March 21, 2011 8:12:00 PM  


FOUNTAIN VALLEY (NV) - Trưa hôm Chủ Nhật 20 tháng 3, cựu nữ sinh Trưng Vương đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ Niệm Hai Bà tại hí viện Viet Face Performing Art Center (Saigon Performing Arts Center cũ).

26 học sinh xuất sắc của các trung tâm Việt ngữ tại Nam California được Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trưng Vương trao phần thưởng kỷ niệm nhân Ngày Kỷ Niệm Hai Bà. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Lễ Kỷ Niệm Hai Bà thường được tổ chức tại thính đường trường trung học Valley High School thuộc thành phố Santa Ana trong suốt 20 năm qua nhưng đây là lần đầu được chuyển về gần trung tâm Little Saigon.
Tân Hội Trưởng Nguyễn Mộng Tâm cho biết: “Dù có phải chi phí thêm, ban tổ chức năm nay cũng quyết định thay đổi địa điểm để đồng hương được thuận tiện trong việc di chuyển cũng như thoải mái cho bà con đến tham dự”.
Ðúng 1 giờ trưa, đại lễ khai mạc với phần rước kiệu Hai Bà vào hội trường. Ðóng vai Hai Bà năm nay là Hoa Hậu Liên Trường 2011 Natalie Huỳnh, học sinh lớp 12 của trường trung học Acacia và Á Hậu Caitlyn Anh Ward, sinh viên năm thứ hai của đại học UCI.

Tân Hội Trưởng Nguyễn Mộng Tâm cũng là trưởng ban tổ chức Lễ Kỷ Niệm Hai Bà năm nay đang trả lời cuộc phỏng vấn của giới truyền thông. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Sau các nghi thức chào quốc kỳ Mỹ Việt và phút mặc niệm, lịch sử về Hai Bà được MC long trọng xướng đọc, nhắc đến cuộc khởi nghĩa bảo vệ đất nước của Hai Bà Trưng, để từ đó dân tộc Việt Nam có được câu tục ngữ “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” để thể hiện sự cương quyết chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà xảy ra trong thời kỳ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ nhất. Hai Bà đã đánh đuổi được Thái Thú Tô Ðịnh phải chạy về Tàu, thu được 65 thành tri về một mối, đem lại độc lập cho đất nước.
Ba năm sau, Mã Viện được lệnh đem đại quân nhà Ðông Hán sang đánh Hai Bà. Thế cô, sức yếu, quân của Hai Bà không địch nổi, phải rút về Cấm Khê (tỉnh Vĩnh Yên ngày nay) và rồi phải tan rã. Hai Bà chạy đến sông Hát Giang (sông Hồng ngày nay) đành phải gieo mình tự vận. Bấy giờ là ngày mùng 6 tháng 2 năm Quí Mão (năm 43 sau Công Nguyên).
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã mở đầu trang sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tiếp sau phần đọc lịch sử Hai Bà, ban tế nữ quan do các cựu nữ sinh Trưng Vương phụ trách đã cử hành những nghi thức tế lễ cổ truyền trong đó văn tế Hai Bà đã nhắc lại công đức của Hai Bà đối với dân tộc Việt Nam.

Ðoàn rước Kiệu Hai Bà do các cựu Trưng Vương và thế hệ con em phụ trách. (Hình của TV Hồng Tước)

Phần nghi lễ chấm dứt, tân Hội Trưởng Nguyễn Mộng Tâm thay mặt chị em cựu nữ sinh Trưng Vương lên chào mừng quan khách và đồng hương đến tham dự, cám ơn những sự trợ giúp của các hội đoàn bạn. Bà nói: “Chúng ta hãnh diện về chiến công của Hai Bà, và mong rằng các thế hệ con cháu của chúng ta sau này cũng sẽ noi gương Hai Bà và các vị anh hùng của dân tộc, chống giặc ngoại xâm, để quê hương Việt Nam được vẹn toàn lãnh thổ do cha ông để lại”.

Một tiết mục không bao giờ thiếu trong những dịp tổ chức Kỷ Niệm Hai Bà, đó là phần phát thưởng khuyến học cho các em học sinh xuất sắc của các trung tâm Việt ngữ. Trưng Vương hội trưởng cho biết: “ Mục đích là để khuyến khích các em trau dồi tiếng Việt để các em có thể dễ dàng truy cứu những cái hay, cái đẹp trong đời sống của dân tộc mình, nhất là về văn hóa và lịch sử”.

Năm nay, 24 em thuộc các trung tâm Việt ngữ như Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, Trung Tâm Hoa Nghiêm, Trung Tâm Saddleback, Trung Tâm Tự Lực, Trung Tâm Hồng Bàng, Trung Tâm Tam Biên, Trung Tâm Cộng Ðoàn Costa Mesa, Trung Tâm Phục Sinh và Trung Tâm Huệ Quang đã được hội trao phần thưởng hiếu học.
Tiếp sau đó, chương trình văn nghệ giúp vui trong ngày lễ Hai Bà đã được các cựu nữ sinh Trưng Vương, anh chị em cựu học sinh Liên Trường Việt Nam, Hội Bắc Ninh, Ðoàn Vũ Dân Tộc Lạc Hồng, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt lần lượt đan xen cùng các nghệ sĩ cải lương Phượng Liên, Tuấn Châu và Mai Thế Hiệp và các ca sĩ Trang Thanh Lan, Anh Dũng, Quỳnh Như tạo nên một chương trình văn nghệ rất phong phú lưu giữ mọi người cho đến phút cuối.

Năm nay, thay vào chương trình kịch lịch sử thường do các cựu nữ sinh Trưng Vương và cựu học sinh Chu Văn An trình diễn là một trích đoạn cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” do cải lương chi bảo Phượng Liên và Tuấn Châu cùng Mai Thế Hiệp thủ diễn đã làm cho buổi văn nghệ thêm phần hào khí.
Với 19 tiết mục văn nghệ được diễn ra qua nhiều hình thức từ đơn ca, hợp ca, đồng ca, hoạt cảnh, cải lương, chương trình văn nghệ đã liên tục sôi động và nhận được nhiều tràng vỗ tay khen ngợi của khán giả.

Nhìn chung, đại lễ Kỷ Niệm Hai Bà năm nay có nhiều sắc thái mới dù vẫn trong khuôn khổ nội dung cũ. Phải chăng đó là vì tân ban chấp hành hội đã thu hút được nhiều cựu nữ sinh Trưng Vương “trẻ” thuộc các niên khóa 70. Màn hợp và đồng ca của hai chục TV các niên khóa 60-67 (áo xanh lam) cùng niên khóa 70 (áo trắng) đã nói lên phần nào điều này. TV Minh Phú trong ban chấp hành cho biết: “Có đến 2/3 thành viên trong ban chấp hành là các TV thuộc các niên khóa sau cùng trước năm 1975”.

Qua gần 30 năm tổ chức lễ Kỷ Niệm Hai Bà, các cựu nữ sinh Trưng Vương thuộc nhiều thế hệ đã thay nhau điều hành hội để năm nào cộng đồng người Việt hải ngoại cũng có dịp được nhớ lại công đức của Hai Bà đồng thời cũng nhắc nhở cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại biết đến cội nguồn, lịch sử của mình.
Ðiều đáng nhắc thêm là Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương cho dù có thu hút thêm được giới trẻ TV vào ban chấp hành, nhưng vẫn hòa nhịp rất đồng điệu với thế hệ đi trước, để mỗi năm Ðại Lễ Hai Bà lại được tổ chức thêm phần trọng thể.
.
.
.

No comments: