Tuesday, March 22, 2011

NGƯỜI CON LAI KHÔNG CHA, TÌM MẸ (Người Việt)

Người con lai không cha, tìm mẹ
Huy Phương/Người Việt
Monday, March 21, 2011 2:04:37 PM

Bà Chín Hương, ở ấp Chợ Cầu, xã Ðông Hưng Thuận, Hóc Môn đã qua hai đời chồng nhưng không có con, lần lượt bà đã đem hai đứa con nuôi từ Cần Thơ, Châu Ðốc về, nhưng lúc lớn lên, chúng đều tìm về với cha mẹ.

Năm 1970, bà Chín trong một dịp ra Vũng Tàu, có đến thăm nhà một người bạn, bà này chuyên nuôi con lai Mỹ bị các bà mẹ bỏ rơi. Trong đám con lai hôm ấy, bà Chín để ý đến một đứa con trai lai Mỹ trắng chỉ mới hơn một tháng, nghĩ là nếu nuôi con lai Mỹ thì chúng sẽ không tìm về với cha mẹ như những đứa con nuôi trước đây, nên đã thỏa thuận gởi lại bà bạn một số tiền và bồng đứa con lai về Saigon.

Phạm Văn Hoàng bên di ảnh của bà ngoại nuôi. (Hình: Huy Phương/Người Việt)

Bà vú này cho biết chỉ mới nuôi Hoàng ba tuần và cho biết mẹ Hoàng là một cô gái người Hoa, tên gọi là A Cẩm, nói tiếng Việt không rành, bồng đứa con lai chỉ mới được tuần đến giao cho bà. Ðó là Phạm Văn Hoàng, nhân vật của câu chuyện hôm nay, được làm khai sinh theo họ người con rể của bà ngoại lớn, vì lúc này bà Chín Hương đã 55 tuổi, chỉ muốn Hoàng gọi bà bằng ngoại.

Hoàng về ở với bà ngoại Chín được gần một năm thì bà vú ở Vũng Tàu nhắn tin là A Cẩm hối hận đã đem cho con, nay muốn tìm bắt con về. Nuôi Hoàng đã gần một năm, thằng bé kháu khỉnh dễ thương, chăm sóc nuôi nấng, bà thương yêu Hoàng như đứa con do mình sinh ra, nên khi nghe mẹ đẻ của Hoàng có ý tìm đến Hóc Môn xin con lại, bà rất lo sợ.
Hôm sau, bà Chín vội vàng xuống cô nhi viện Hố Nai tìm mua một đứa con lai trắng trạc tuổi Hoàng, định bụng khi mẹ ruột Hoàng đến thì bà sẽ giao trả đứa bé này thay vì Hoàng, nhưng chỉ tìm được một đứa con lai Nam Mỹ, da khá trắng, đó là Quang, đứa con nuôi thứ hai.
Một tuần sau, A Cẩm cùng với mẹ đi xe lôi tìm đến nhà bà Chín, ngỏ ý xin được chuộc con về. Bà Chín gởi Hoàng qua nhà hàng xóm, đưa Quang ra thay, nhưng A Cẩm quả quyết đó không phải con bà, vì con của bà có một dấu bớt đỏ trên đầu gối tay trái. Không giấu diếm được nữa, bà Chín cho bồng Hoàng về, và thuyết phục với hai mẹ con A Cẩm là bà quá thương Hoàng, nếu hoàn cảnh khó khăn không lo cho Hoàng được, nay mai lại đem cho người khác nuôi thì quá tội nghiệp, chi bằng để bà nuôi Hoàng cho trọn vẹn.
Thấy nhà cửa của ngoại cũng khá giả và nhất là tình thương của bà đối với con mình, hai mẹ con A Cẩm ra sân bàn bạc với nhau, cuối cùng đồng ý để Hoàng lại cho bà ngoại Chín nuôi, nựng hôn con một hồi, rồi gạt nước mắt ra đi.
Từ đấy không có tin tức gì của A Cẩm, người mẹ ruột Hoàng nữa.

Ðó là tất cả những gì Hoàng biết về mẹ mình qua lời kể của bà ngoại Chín khi anh khôn lớn, không hề có một hình ảnh, hồi ức nào về một người mẹ trong tâm trí anh.
Vài năm sau, bà ngoại Chín sợ về già mà chỉ có con trai không nhờ cậy được nên lại đến cô nhi viện xin thêm một đứa con gái lai Mỹ trắng đem về, đó là Huệ. Gia đình bà Chín Hương ở Chợ Cầu thời ấy nổi tiếng vì có đến ba đứa con nuôi lai Mỹ. Nhà bà Chín tuy khá giả nhưng phải nuôi ba đứa con, không ai đi làm nên hoàn cảnh gia đình càng ngày càng sa sút. Hoàng cũng như hai đứa em nuôi được cho đi học đến lớp 9, năm 1983, lúc Hoàng lên 13 tuổi, anh phải đi đóng khuy nút trong hãng may để kiếm thêm tiền, về nhà phải nấu cơm gánh nước giúp bà ngoại. Cảnh nhà khó khăn đến nỗi bà ngoại phải dở cả hàng rào sắt quanh mộ của ông ngoại để bán lấy tiền. Trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, nhưng bà ngoại chưa hề bao giờ nặng lời với ba đứa con nuôi, mà lúc nào cũng nuôi ăn đầy đủ, chăm sóc dạy dỗ mong cho chúng nên người.

Từ năm 1983, đã có chương trình cho những đứa con lai Mỹ tìm về quê cha, nhưng mãi đến năm 1989, mấy bà cháu mới được phái đoàn Mỹ chấp thuận, vì trên giấy tờ, cha mẹ của những đứa trẻ là bên họ Phạm, nhưng như thế thì bà ngoại không thể đi theo mấy đứa trẻ, mà chúng thì không muốn đi Mỹ nếu không có người nuôi chúng vất vả từ mấy chục năm nay. Phải chờ đến khi Hoàng và Quang đủ 18 tuổi viết giấy trình bày với phái đoàn Mỹ là bà ngoại chính là người đã đi xin ba đứa con lai về nuôi từ lúc nhỏ và được chính quyền địa phương chứng thực, mới được visa vào Mỹ.

Gia đình này lên đường năm 1991, sang trại tạm cư ở Philippines và đến năm 1992 mới vào Mỹ, định cư tại thành phố Westminster. Một năm sau, bà Ngoại Chín bị tai biến mạch máu não, qua đời. Ba đứa trẻ bỏ Cali tản mát đi các tiểu bang khác làm ăn. Hoàng lên San José làm điện tử, rồi sang Atlanta làm hãng phụ tùng xe hơi, đến năm 2004 về lại Little Saigon làm hãng sản xuất dụng cụ y tế. Hiện nay, Hoàng phụ trách huấn luyện công nhân làm van tim nhân tạo tại hãng này. Hoàng đã lập gia đình nhưng chưa có con.

Má ơi, giờ Má ở đâu?
Tám năm nay từ khi bà ngoại qua đời, gia đình nhỏ bé này không còn nữa, mỗi người một nơi, Hoàng luôn luôn khắc khoải nghĩ đến người mẹ chưa bao giờ thấy mặt. Anh đã nhờ nhiều chỗ, nhắn tìm nhiều nơi, nhưng không ai biết đến tung tích một người đàn bà nào mang tên A Cẩm. Hoàng cũng đã giúp đỡ rất nhiều tiền bạc cho gia đình bên chồng bà ngoại, những người đã đứng ra làm khai sinh cho Hoàng và nhờ họ đi tìm mẹ, nhưng không có kết quả. Nhiều lúc Hoàng muốn có mơ ước được lên một chương trình như của Oprah Winfrey Show để có thể phổ biến khắp thế giới may ra tìm lại được mẹ. Trong niềm mong ước ấy, Phạm Văn Hoàng đã có mặt trong Lâm Thúy Vân Show trên đài SBTN để hy vọng có ai tìm biết được tin tức về người mẹ của mình, và anh đã khóc nức nở khi nói đến người mẹ chưa bao giờ gặp mặt.

Bà ngoại và ba đứa con lai: Hoàng, Quang và Huệ trước ngày đi Mỹ. (Hình: Gia đình cung cấp)

Lý do nào khiến cho Hoàng tha thiết muốn tìm lại mẹ mình, không như hai đứa em cùng sống chung dưới một mái nhà? Hoàng cho biết bây giờ lớn lên, hiểu biết, Hoàng thấy mình không có cha như bao nhiêu đứa con lai Mỹ đã đành, nhưng trong số này, ít có người không có mẹ.
Có thể ngày xưa, mẹ trong một phút lầm lỡ, trước bao nhiêu sự dị nghị, kể cả những lời đàm tiếu, khinh rẻ, vì hoàn cảnh khắt khe của xã hội đã không thể nuôi giữ con mình. Nhưng một năm sau, mẹ Hoàng lại hồi tâm, ra Vũng Tàu tìm đến nhà người bạn cũ tìm con, rồi lại theo chỉ dẫn của người này, lên Chợ Cầu, Hóc Môn để kiếm con. Gặp mặt con rồi, ôm con vào lòng, mà cuối cùng phải bỏ con lại để ra đi, chỉ vì bà lâm vào một hoàn cảnh nào đó không thể vượt qua được. Hoàng thông cảm được nỗi đau lớn lao này của mẹ mình.
Những chi tiết mà Hoàng có về mẹ chỉ là: - Tên mẹ là A Cẩm, người Hoa, năm 1970 đã đem cho một người bạn ở Vũng Tàu đứa con trai lai Mỹ trắng mới một tuần tuổi: - Năm sau, mẹ đi với bà ngoại về chỗ cũ tìm con xin chuộc về, nhưng cuối cùng đành bỏ con lại. Chỉ có thế thôi! Ai biết thì giúp Hoàng.
Tôi đặt câu hỏi với Hoàng: Nếu bây giờ mẹ đã có một mái ấm gia đình, đã có những đứa con, và vì hạnh phúc, mẹ muốn quên đi dĩ vãng, quên đi đứa con lai ngày trước thì em sẽ nghĩ sao? Bằng một giọng lạc quan và thành khẩn, Hoàng tin tưởng rằng bốn mươi năm đủ là một thời gian dài để cho con người cởi mở và tha thứ, và dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, nhìn nhận lại một đứa con đã bị bỏ rơi, vì lòng nhân đạo, cũng là điều phải làm.
Trong hoàn cảnh của một đất nước Việt Nam trong vòng bốn, năm mươi năm trở lại đây, có bao nhiêu bà mẹ lâm vào hoàn cảnh như A Cẩm, và có bao nhiêu đứa trẻ không có mẹ như Phạm Văn Hoàng. Cầu xin cho em được may mắn.

Quý độc giả có tin tức gì có thể liên lạc với Phạm Văn Hoàng qua địa chỉ: johnpham@yahoo.com.
.
.
.

No comments: