Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Đăng bởi anhbasam on 26/03/2011
Vụ bắt giữ một điệp viên Trung Quốc hồi tháng 1 năm 2011 vì người này được cho đã gặp gỡ phiến quân tại vùng đông-bắc đất nước có lẽ cho thấy Ấn Độ đã nhận thấy rõ hơn Trung Quốc đang cố gắng làm mất ổn định đất nước mình.
Ngày 25 tháng 1 năm 2011, Vương Thanh (Wang Qing), một điệp viên Trung Quốc dưới vỏ bọc phóng viên truyền hình đã bị bắt giữ và bị trục xuất sau khi có tin nữ phóng viên này đã tới thăm đại bản doanh của Hội đồng Dân tộc Xã hội chủ nghĩa của Nagaland (Isak-Muivah) – NSCN-IM – một trong những nhóm phiến quân lớn nhất và gây nhiều rắc rối nhất tại Ấn Độ. Nhà chức trách Ấn Độ nói rằng họ Vương đã thừa nhận là điệp viên của cơ quan tình báo Trung Quốc (PSB) và đã thực hiện một cuộc họp kín kéo dài 4 tiếng với Thuingaleng Muivah, một lãnh đạo của NSCN-IM hiện đang tiến hành các cuộc hòa đàm với chính phủ Ấn Độ. Tuy nhiên, nhóm phiến quân này khẳng định họ đang thực bụng tiến hành các cuộc hòa đàm với chính phủ Ấn Độ và trước nay họ hoàn toàn “không có bất cứ quan hệ nào với Trung Quốc”.
Mặc dù tin tức nói trên ít thu hút sự chú ý, song thật khó để cho là sự việc xảy ra này lại không dính dáng tới các mối quan hệ Trung – Ấn bởi nó gợi giả thuyết về mối liên kết tiềm tàng giữa cơ quan tình báo Trung Quốc với các nhóm phiến loạn tại khu vực Đông bắc bất ổn của Ấn Độ. New Delhi càng lo lắng hơn bởi trường hợp của họ Vương chỉ là một trong nhiều trường hợp xảy ra gần đây khiến họ đặt giả thuyết rằng Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực ngấm ngầm gây mất ổn định và tìm cách gia tăng lợi thế đối với Ấn Độ trong khi hai nước đang gặp khó khăn trong các cuộc đàm phán nhạy cảm về biên giới.
Mới đây, những mối quan hệ như vậy đã được nêu chi tiết trong một bản phúc trình 100 trang của chính phủ Ấn Độ được tạp chí Outlook India có được và tiết lộ. Bản phúc trình nói tới vụ nhà chức trách Ấn Độ vào tháng 10 năm 2010 đã bắt giữ Anthony Shimray, một quan chức cao cấp và người môi giới mua bán vũ khí quan trọng của NSCN-IM khi người này đang hoạt động ở Băng Cốc. Trong quá trình thẩm vấn người này, bản phúc trình cho là NSCN-IM được những người môi giới Trung Quốc làm việc cho cơ quan tình báo Trung Quốc mời chào mua tên lửa đất-đối-không (SAM).
Theo bản phúc trình này, họ đã có các cuộc dàn xếp mua bán vào tháng 12 năm 2009 tại Thành Đô, các nhân viên môi giới Trung Quốc đã đặt giá trọn gói 1 triệu đô-la trong đó bao gồm việc huấn luyện sử dụng tên lửa cho phiến quân. Nhưng vụ mua bán đã thất bại bởi vì các nhóm phiến quân đã không thể gom đủ tiền. Shimray còn thú nhận rằng để đổi lấy sự hỗ trợ của Trung Quốc, phiến quân người Naga trước đó đã tiết lộ chi tiết các cuộc triển khai lực lượng của quân đội Ấn Độ tại vùng Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh [Trung Quốc gọi khu vực tranh chấp với Ấn Độ này là Nam Tây Tạng] ở biên giới Trung- Ấn, bao gồm cả các vị trí Ấn Độ đặt máy bay và tên lửa.
Nếu đúng như vậy, những tiết lộ của Shimray đối với các quan chức Ấn Độ sẽ có nghĩa là gián điệp Trung Quốc rõ ràng đang có hoạt động gia tăng sự phá rối công việc nội bộ của Ấn Độ. Trung Quốc xác nhận rằng họ không can thiệp vào công việc nội bộ của Ấn Độ, tôn trọng chặt chẽ 5 Nguyên tắc Chung sống Hòa bình – tức một loạt các thỏa thuận điều chỉnh mối quan hệ với Ấn Độ do Thủ tướng Chu Ân Lai đề ra năm 1954. Song, Trung Quốc vẫn tiếp tục nghi ngờ những ý định của Ấn Độ ở dọc đường biên giới cực Nam Trung-Ấn và có lẽ Trung Quốc nhận thấy mạng lưới phức tạp các nhóm phiến quân tại khu vực này của Ấn Độ là một cơ hội để họ làm suy yếu sự duy trì quyền lực của Ấn Độ tại đây.
Trung Quốc và phiến quân người Naga
Hội đồng Dân tộc Xã hội chủ nghĩa của Nagaland (NSCN) do Isak Chisi Swu, Thuingaleng Muivah, và S.S. Khaplang thành lập vào đầu những năm 1980 để bày tỏ sự bất mãn với những điều khoản của Hiệp ước Shillong do Hội đồng Dân tộc của người Naga lúc đó (NNC) đã ký kết với chính phủ Ấn Độ. Những bất đồng bên trong tổ chức NSCN về vấn đề khởi đầu sự đối thoại với chính phủ Ấn Độ đã xuất hiện sau đó. Kết quả là NSCN đã tách thành hai nhóm vào năm 1988 – nhóm NSCN-K ủng hộ thủ lĩnh Khaplang còn NSCN-IM do Isak và Muivah làm thủ lĩnh.
NSCN-IM được cho là có khoảng 4.500 chiến binh và người ta tin rằng tổ chức này gây quỹ chủ yếu bằng buôn ma túy từ Miến Điện và bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho các nhóm phiến loạn khác trong vùng. Người Naga ngoài vùng Nagaland họ còn sống ở vài bang khác và sáu thập kỷ nay họ đã nổi dậy đòi một nhà nước “Đại Nagaland” tự trị bao gồm các phần thuộc Manipur, Assam và Arunachal Pradesh. Ước tính 100.000 người đã chết trong bạo lực liên quan đến sự xung đột này. Một thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ hầu như đã được duy trì kể từ năm 1997, song các vòng hòa đàm liên tục vẫn chưa đem lại kết quả lâu dài.
Việc Trung Quốc ủng hộ các phiến quân người Naga không phải là chuyện gì mới mẻ. Sau cuộc xung đột Ấn-Trung năm 1962, được cơ quan tình báo Pakistan tại Dacca giúp đỡ, thủ tướng tự xưng của người Naga là Kughato Sukhai đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc viện cớ bị Ấn Độ ngược đãi và áp bức đã kêu gọi Trung Quốc “ bày tỏ sự tôn trọng và làm theo nguyên tắc bảo vệ và ủng hộ sự nghiệp của mọi dân tộc thuộc nguồn gốc Mông Cổ bị áp bức.”
Tháng 11 năm 1966, Trung Quốc đã bí mật huấn luyện và cung cấp vũ khí cho một nhóm 300 phiến quân người Naga ủng hộ cuộc cách mạng Mao-ít. Nhóm này đã trở về Ấn Độ vào tháng 1 năm 1968 và thành lập một doanh trại khổng lồ trong vùng rừng rậm ở Jotsoma. Khi quân Ấn Độ tấn công nơi ẩn náu của nhóm này vào tháng Sáu năm đó có tin là họ đã tìm thấy vũ khí của Trung Quốc và dấu vết các tài liệu được lần ra là có sự ủng hộ của Trung Quốc. Kể từ sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của Thủ tướng Rajiv Gandhi vào cuối những năm 1980, Trung Quốc dường như đã giảm bớt sự giúp đỡ các nhóm phiến quân Ấn Độ. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ nghi ngờ tình báo Trung Quốc trên thực tế vẫn tiếp tục bí mật ủng hộ phiến quân Ấn Độ mặc dù cho tới gần đây quân đội Ấn Độ vẫn có ít bằng chứng để chứng minh điều này.
Một vận may bất ngờ của tình báo
Vụ bắt giữ Shimray là một dịp may mắn bất ngờ đối với tình báo Ấn Độ, họ đã truy bắt người này trong nhiều năm trời. Nhà chức trách Ấn Độ được cho là đã vớ được dịp may này vào tháng 9 năm 2010 khi họ lần ra nơi ở của Shimray tại Băng Cốc. Nhưng theo luật quốc tế họ chỉ có thể bắt giữ khi Shimray đặt chân tới lãnh thổ Ấn Độ. Nhà chức trách Ấn Độ nhận được tin Shimray sẽ phải ra khỏi Thái Lan để xin gia hạn visa và sẽ phải tới gặp những người môi giới của hắn tại Manipur và Nagaland, nhưng trước tiên Shimray sẽ phải đi qua Nepal. Ngày 27 tháng 9, Shimray bay tới Kathmandu bằng máy bay của hãng hàng không Royal Nepal Airlines và vượt qua biên giới để vào Bihar [một bang của Ấn Độ giáp Nepal], tại đây các nhà chức trách Ấn Độ đã bắt giữ hắn tại một nhà ga xe lửa.
Tình báo Ấn Độ trong quá trình phỏng vấn Shimray đã sửng sốt trước quy mô và tính chất phức tạp của mối quan hệ được tiết lộ rõ rành rành giữa tình báo Trung Quốc và các hoạt động của NSCN-IM, trong nhiều trường hợp tình báo Trung Quốc đã sử dụng một mạng lưới rộng lớn các công ty bình phong và những người môi giới tại Nepal, Bangladesh, Thái Lan và Bắc Triều Tiên. Shimray tiết lộ rằng hắn đã tới thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1994 trong một vụ mua bán vũ khí chung với nhóm phiến loạn Ấn Độ có tên Mặt trận Dân tộc Dân chủ của Bodoland (NDFB).
Số vũ khí và đạn dược nói trên được cung cấp bởi công ty quốc phòng Công nghiệp Phương bắc (Beifang Gongye), [NORINCO (North Industries Corporation] gồm 1.800 súng tiểu liên AK, súng trường tự động M16, súng máy, súng bắn tỉa và súng phóng tên lửa. Tiền được cho là có nguồn gốc từ một doanh nhân người Naga sử dụng các chân rết có trụ sở tại Calcutta. Năm 1996, một vụ mua bán vũ khí khác dính dáng đến một chuyến hàng được gửi từ Bắc Kinh tới thị trấn hải cảng Cox’s Bazar thuộc Bangladesh bằng một chiếc tàu vận tải của Bắc Triều Tiên. Sau đó hàng được dỡ lên những chiếc thuyền nhỏ đậu ngoài khơi và được vận chuyển bằng xe tải trên đất Bangldesh rồi cuối cùng được đưa tới đại bản doanh của NSCM-IM tại Ấn Độ.
Cụ thể, một người môi giới tại Băng Cốc có tên là Willy Narue được cho là một nhà môi giới quan trọng đã mối lái nhiều vụ mua bán vũ khí sau đó. Nhờ sự giúp đỡ của With Narue, Shimray đã mua vũ khí của người Trung Quốc vào cuối năm 2007 sau khi ban lãnh đạo của NSCN-IM tại New Delhi quyết định tăng cường vũ khí cho tổ chức này. Narue đã giúp Shimray liên hệ với một người tên là “Yuthuna” tại Băng Cốc, người này là một đại diện người Trung Quốc của “TCL” – một công ty con được ủy quyền của tập đoàn sản xuất vũ khí China Xinshidai [Thời đại mới] của Trung Quốc.
Theo trang web của công ty này, Xinshidai “xuất nhập khẩu các sản phẩm chuyên dụng do các công ty quốc phòng của Trung quốc sản xuất và các sản phẩm dân sự nói chung”. Vụ mua bán này gồm 600 khẩu AK, 600.000 băng đạn, 200 tiểu liên tự động, súng ngắn, súng phóng tên lửa, súng máy hạng nhẹ và 200 cân RDX (một loại thuốc nổ được dùng để chế tạo bom). Chuyến hàng ước tính trị giá 1.2 triệu đô la này được đưa lên tàu tại một cảng ở Bắc Hải [thuộc Quảng Tây] rồi được gửi tới địa chỉ cuối cùng là Cox’s Bazar ở Bangladesh thông qua một đại lý vận tải của công ty Intermarine Shipping có trụ sở tại Băng Cốc. Liên lạc thư từ được thực hiện thông qua một tài khoản email duy nhất mà tên người dùng và mật khẩu chỉ được thông báo cho Willy Narue, lãnh đạo người Naga ở New Delhi và Nagaland, và các điệp viên Trung Quốc.
Thậm chí vào tháng 9 [năm 2010] mới đây – chỉ nhiều tuần trước khi bị bắt – Shimray được cho là đang mua vũ khí và tiếp tục có các cuộc trao đổi với Willy Narue. Một vụ mua vũ khí như vậy đang được thỏa thuận theo đó vũ khí sẽ được giao tại Arunachal Pradesh. Shimray thậm chí còn hỏi các nhà cung cấp liệu họ có thể giao hàng tại “khu vực nằm ở mạn trên của bang Arunachal gần với bên Trung Quốc”. Các nhân viên thẩm vấn nghi ngờ chuyến đi bí mật của Shimray tới Ấn Độ vào tháng 10 [năm 2010] có thể có liên quan tới các vụ mua bán vũ khí.
Vậy tại sao Trung Quốc và NSCN-IM lại có mối quan hệ khăng khít? Một yếu tố rút ra từ lời khai của Shimray cho thấy Trung Quốc vào năm 2008 đã đồng ý cho NSCN-IM đặt một người đại diện thường trực tại Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam. Shimray khai rằng Muivah đã viết một bức thư cho một quan chức tình báo cấp cao Trung Quốc để chính thức bổ nhiệm Kholose Swu Sumi, một người 60 tuổi của bộ tộc Sema ở Nagaland làm người đại diện thường trực của NSCN-IM tại Trung Quốc, điều này đã được người Trung Quốc chấp nhận. Kholose lúc đó vừa trở thành chỉ điểm quan trọng của NSCN-IM tại Trung Quốc, ông ta thường xuyên gặp gỡ các quan chức Trung Quốc để thông báo cho họ biết về các diễn biến hòa đàm tại Ấn Độ và trung chuyển tin tức về quân đội Ấn Độ dọc theo biên giới Ấn-Trung do các điệp viên của NSCN-IM cung cấp.
Kholose, chủ một cửa hàng đá quý, có lần đã đón Shimray và vợ tại sân bay Côn Minh và giới thiệu Shimray với một vài quan chức tình báo Trung Quốc, trong đó có một người đàn ông tên là Chang là người đứng đầu cơ quan tình báo tại huyện Đức Hoành ở tây Vân Nam. Shimray hiển nhiên đã gặp cả Lee Wuen, người đứng đầu cơ quan tình báo của tỉnh Vân Nam để trung chuyển thông điệp rằng NSCN-IM muốn được hỗ trợ và hợp tác.
Việc Trung Quốc giúp đỡ NSCN-IM có thể xuất phát từ một vài động cơ ngoài việc bán vũ khí đơn thuần. Một trong những động cơ đó là Nagaland nằm ở bang Arunachal Pradesh, một khu vực cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang đòi chủ quyền. Quân đội hai nước trong nhiều thập niên đã chơi trò mèo vờn chuột dọc theo khu vực biên giới nhạy cảm này, mỗi bên đều tìm cách tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất được phân định bởi Đường Biên giới Thực tế (LAC). Bằng cách thâm nhập vào một vùng nhạy cảm chiến lược đối với Ấn Độ, mục tiêu của Trung Quốc là có thể tìm cách gây chuyện trong các cuộc đàm phán biên giới với Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng lo ngại Ấn Độ đang gia tăng và mở rộng các ý định địa chiến lược như là một đối thủ cạnh tranh ngang bằng với Trung Quốc. Vì thế, phiến quân người Naga giúp Trung Quốc có một đối trọng thích hợp trước các nỗ lực của Ấn Độ nhằm củng cố quyền lực và quyền cai trị tại đông bắc Ấn Độ, cho phép Bắc Kinh có thể làm thất bại và quấy rối New Delhi trong lúc New Delhi đang cố gắng kiểm soát các nhóm phiến loạn đang phát triển nhanh chóng về số lượng thuộc ranh giới của họ.
Điều này đặc biệt quan trọng khi giờ đây hai nước đang tiếp tục cố gắng giải quyết tranh chấp biên giới. Từ đầu những năm 1990, Bắc Kinh và New Delhi đã tỏ ra bế tắc trong các cuộc đàm phán biên giới có vẻ như dễ tuột ra khỏi tầm kiểm soát, khiến cho việc này đã trở thành một thứ thuốc thử liệu hai cường quốc đang nổi này có thể hợp tác với nhau được hay không. Nếu các vụ mua bán vũ khí cho NSCN-IM để đổi lấy tin tức tình báo về quân đội Ấn Độ là đúng sự thật, thì New Delhi có lý do để khẳng định rằng Bắc Kinh không thực bụng đàm phán biên giới.
Quy mô và mức độ quan hệ giữa Trung Quốc và NSCN-IM sẽ khiến New Delhi tạm ngừng theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Bắc Kinh, bởi vì quan hệ giữa Bắc Kinh với NSCN-IM ngụ ý rằng tình báo Trung Quốc đang sẵn sàng phá hoại các cuộc đàm phán giữa NSCN-IM và chính phủ Ấn Độ đồng thời họ thu thập các tin tức có thể có lợi về sự di chuyển của quân đội Ấn Độ dọc theo biên giới Ấn-Trung.
Có vẻ như mãi tới gần đây Trung Quốc mới có thể lén lút bán vũ khí cho các nhóm phiến loạn, giao nhận tiền thông qua các quốc gia trung lập và đưa ra lời chối cãi dẻo mồm khi Ấn Độ điều tra những vụ mua bán như vậy. Bắc Kinh thường chỉ tuyên bố là vũ khí được cung cấp từ các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc vô trách nhiệm trên chợ đen có liên hệ với các nhóm phiến loạn tại Pakistan, Myanma hoặc Bangladesh, bằng cách ấy Bắc Kinh phủ nhận rằng họ trực tiếp biết hoặc có liên quan đến những vụ mua bán như vậy. Những tiết lộ của Shimray, nếu được chứng minh là đúng sự thật, chắc chắn sẽ khiến cho Bắc Kinh khó lòng tiếp tục đưa ra luận điệu lảng tránh như vậy.
Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment