Friday, March 4, 2011

TRUNG QUỐC NHẬN ĐỊNH VỀ CHIẾN LƯỢC “QUAY TRỞ LẠI CHÂU Á” CỦA HOA KỲ


Đăng bởi anhbasam on 04/03/2011
.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Năm, ngày 3/3/2011
TTXVN (Bắc Kinh 24/2)
.
Thời gian gần đây, dư luận báo chí Trung Quốc tập trung đăng nhiều tin, bài bình luận về chiến lược “quay trở lại châu Á” của Mỹ, nội dung chính như sau:
.
Năm 2010, Mỹ liên tiếp cùng Hàn Quốc, Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, nâng cao toàn diện quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn. Về ngoại giao, Mỹ luôn tuyên bố công khai chính sách châu Á nhằm phát huy “vai trò lãnh đạo”, lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi tới các nước châu Á. Về kinh tế, Mỹ tham gia “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương”, đồng thời lôi kéo, vận động Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác tham gia. Đến nay có thể nói, biện pháp và bố cục của Mỹ trong việc phát huy vai trò “lãnh đạo châu Á” đã cơ bản rõ ràng. Dự báo trong năm 2011, trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ sẽ là châu Á.

Thứ hai, trong gần 10 năm Mỹ tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố và các cuộc chiến Irắc, châu Á đã xuất hiện một chu kỳ phát triển mới trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là đại diện đã khiến cho tầm quan trọng của khu vực này vượt qua các khu vực khác trong nền kinh tế toàn cầu. Châu Á chiếm hơn ½ dân số toàn cầu, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt trên 8% (trừ Nhật Bản), kim ngạch thương mại hàng năm giữa Mỹ và các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đạt hơn 1.000 tỷ USD. Trong số 20 hải cảng lớn nhất thế giới, khu vực châu Á chiếm 15, và chỉ riêng Trung Quốc đã có 9. Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trình bày chính sách châu Á của Mỹ tại Hawaii đã chỉ rõ: “Phần lớn lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết tại châu Á. Khu vực này sẽ xuất hiện sự tăng trưởng kinh tế mang tính thay đổi nhất, rất nhiều thành phố của châu Á sẽ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá toàn cầu”.

Thứ ba, một nhân tố không thể xem nhẹ khiến Mỹ đặt trọng tâm chiến lược tại châu Á là muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc được hình thành trong quá trình kinh tế phát triển cao, liên tục trong những năm vừa qua đã trở thành một mệnh đề lớn mà Mỹ phải đối mặt trong quan hệ đối ngoại. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Hàn Quốc, trong khi đó những nước này lại là đồng minh truyền thống của Mỹ. Ngoài ra, trong gần 10 năm qua, Mỹ đã đánh mất vai trò của mình tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đã thành công trong việc lấp khoảng trống quyền lực tại khu vực này.

Thứ tư, việc Mỹ coi châu Á là trọng tâm chiến lược cũng xuất phát từ nhu cầu lợi ích quốc gia và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trong “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm một” và “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia” được công bố lần đầu tiên kể từ khi Obama lên cầm quyền, đã chỉ rõ: lợi ích quốc gia của Mỹ do 4 phương diện cấu thành là an ninh, phồn vinh, giá trị và trật tự quốc tế. Mỹ thông qua việc tìm kiếm những lợi ích này để thực hiện “phục hưng đất nước và địa vị lãnh đạo toàn cầu”. Những nhà quyết sách Mỹ cho rằng so với các khu vực khác trên thế giới, châu Á là khu vực nhiều triển vọng nhất đối với Mỹ. Nếu nói năm 2010 Mỹ bắt đầu quay trở lại châu Á, thì năm 2011 sẽ là một năm “thực thi” chiến lược quay trở lại này. Mặc dù rất ít khi sử dụng cụm từ “sức mạnh thông minh” kể từ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra khái niệm này năm 2009, nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm cả Obama ngoài việc nhấn mạnh đến sức mạnh quân sự, kinh tế còn đề cập nhiều đến việc coi trọng quan hệ đối tác, chủ nghĩa thực dụng và tính nguyên tắc, hàm nghĩa của cách nói này với việc vận dụng “sức mạnh thông minh” đều thống nhất biện chứng, tức tranh thủ một cách khéo léo “sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng”, thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, pháp luật và văn hoá để tác động, lôi kéo nước khác vào phạm vi thế lực của mình.

Trong năm 2011, Mỹ sẽ tập trung thực hiện chiến lược châu Á trên một số phương diện sau:

Thứ nhất, cổ vũ quan hệ quân sự song phương Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn diễn tiến theo hướng quan hệ đa phương. Mặc dù quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, nhưng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc do ký ức lịch sử, tâm lý cạnh tranh nên chưa thể xây dựng quan hệ hợp tác quân sự chính thức. Tháng 12/2010, sau khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen thăm Hàn Quốc và Nhật bản, công khai tuyên bố hy vọng Nhật Bản và Hàn Quốc mở rộng hợp tác quân sự. Từ đó, thái độ thận trọng về hợp tác quân sự giữa hai nước bắt đầu có dấu fhiệu chuyển biến. Ngày 10/2011 tại Xơun, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kitazawa và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin, hai bên đã ký kết “Hiệp định tương trợ quân sự” và đạt được nhận thức chung về việc tiếp tục xem xét ký kết “Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo”. Dưới sự trung gian của Mỹ, đàm phán hợp tác quân sự Nhật-Hàn phải chăng sẽ phát triển thành đồng minh quân sự đa phương tại khu vực Đông Bắc Á, động thái này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước trong khu vực.

Thứ hai, trong chiến lược châu Á của Mỹ, ý nghĩa thật sự của “quay trở lại châu Á” là chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á. Sau sự kiện “11/9”, Mỹ luôn coi Đông Nam Á là chiến trường thứ hai của cuộc chiến chống khủng bố, nảy sinh nhiều bất đồng với Inđônêxia – quốc gia lớn nhất khu vực. Trong một thời gian dài Mỹ từ chối các yêu cầu của ASEAN, không ký “Hiệp ước thân thiện và hợp tác”, ngay cả cựu Cố vấn an ninh quốc gia Rice hai lần không tham dự Diễn đàn an ninh khu vực (ARF). Năm 2010, sau khi một số nhà lãnh đạo Mỹ thực hiện một loạt chuyến thăm tới các quốc gia Đông Nam Á, năm 2011 Obama sẽ chính thức tham gia Hội nghị đa phương Đông Á do ASEAN đề xướng. Tháng 5/2010, trong “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm một” của Mỹ đã đưa các nước Đông Nam Á vào trong 3 đối tác quan hệ: “đồng minh chính thức”, “đối tác chiến lược” và “đối tác chiến lược có thể mong đợi”. Rõ ràng, Mỹ chuẩn bị đưa các quốc gia Đông Nam Á trở thành đồng minh hoặc đối tác chiến lược của Mỹ.
Về chính sách Đông Nam Á của Mỹ, có hai đặc điểm cần quan tâm: (1) Inđônêxia là quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời cũng là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, trong năm 2011 là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Mỹ muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với ASEAN thì không thể bỏ qua Inđônêxia. Tháng 11/2010, khi Obama thăm Inđônêxia đã đến thăm ngôi đền Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời tranh thủ thời gian 4 năm thời niên thiếu từng sinh sống tại Inđônêxia để gây thiện cảm với các giới tại nước này. Năm 2011, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ kinh tế, quân sự cho Inđônêxia. (2) Năm 2010, Mỹ đã khởi động “Kế hoạch hành động hạ nguồn sông Mê Công” với Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ triển khai một hạng mục trong vòng 3 năm, đó là trợ giúp 4 nước hạ nguồn sông Mê Công phát triển chiến lược hợp tác, ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước, bảo đảm lương thực và sinh kế của người dân. Dự kiến kế hoạch này sẽ được thực hiện trên thực tế trong năm 2011.

Thứ ba, Mỹ sẽ từng bước điều chỉnh chính sách đối với Ấn Độ, khuyến khích Ấn Độ phát huy vai trò lớn hơn nữa tại châu Á và toàn cầu. Tháng 5/2009, cuộc tập trận hải quân song phương Mỹ-Ấn mang tên “Malabar” đã di chuyển quân sang khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời mời thêm Nhật Bản tham gia. Tháng 11/2010, khi Obama thăm Ấn Độ đã chính thức đồng ý ủng hộ Ấn Độ trở thành nước Thường trực HĐBA LHQ. Thông qua chuyến thăm này, quan hệ Mỹ-Ấn đạt được những bước đột phá mới trên các mặt quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật. Cùng với trọng điểm chiến lược của Mỹ chuyển dịch sang châu Á, quan hệ song phương Mỹ-Ấn sẽ quan trọng hơn so với trước và sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới. Đương nhiên, sự mật thiết của quan hệ Mỹ-Ấn có tính toán nhằm đối phó Trung Quốc và Nga tiến xuống phía Nam, nhưng về tổng thể còn xuất phát từ nhu cầu lợi ích giữa hai nước trên các mặt kinh tế, chống khủng bố, an ninh hàng hải…

Thứ tư, “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” là một mắt xích quan trọng để Mỹ quay trở lại châu Á, xây dựng khu mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ muốn lấy “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” làm đột phá khẩu, xây dựng hệ thống hợp tác châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Hiện tại, Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục Nhật Bản và các nước liên quan bắt đầu đàm phán hiệp thương để tham gia hiệp định này, đồng thời chính thức mời Hàn Quốc tham gia. Cho dù hiệp định này liên quan đến nhiều vấn đề lợi ích cụ thể như thuế quan, tiền tệ, kỹ thuật cao và đàm phán trong thời gian dài, phức tạp, nhưng Mỹ vẫn cố gắng thu hút sự chú ý của các quốc gia châu Á, thể hiện Mỹ là nhân tố không thể thiếu trong tiến trình nhất thể hoá khu vực này./.
.
.
.

No comments: