Friday, March 18, 2011

TRUNG QUỐC CÓ THÍCH HỢP VỚI NGHỀ SEN ĐẦM KHÔNG ? (James R. Holmes)

The Diplomat  -  Ngày 16-3-2011

Người dịch: Thủy Trúc
Đăng bởi anhbasam on 18/03/2011

Mỹ có nên theo đuổi ý tưởng để cho Trung Quốc và hải quân của Trung Quốc trở thành cảnh sát viên ở Biển Đông và nơi nào khác không?

Đầu tháng này, tôi tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 4 về Quan hệ Chính trị-Quân sự Trung-Mỹ, tổ chức tại trường tôi – Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts. Sự kiện do một nhóm sinh viên Tufts tổ chức, có sự tham dự của nhiều nhóm đại biểu của các tiểu khu vực, mà đầu tiên là nhóm “Trung Quốc và Biển Nam Trung Hoa”. Một trong những người thuộc nhóm Đông Nam Á, một học giả Trung Quốc dạn dày kinh nghiệm, đã khẳng định rằng các yêu sách mâu thuẫn nhau về chủ quyền biển đảo và về việc diễn giải luật biển không phải là yếu tố duy nhất làm quan hệ ở Biển Đông xấu đi, mà một điều gì đó khác đã khiến Mỹ và Trung Quốc bất đồng.
Cụ thể, ông đặt vấn đề tại sao Mỹ lại nghĩ là họ phải duy trì vai trò “bá quyền hàng hải khu vực” ở nơi cửa ngõ hàng hải của Trung Quốc, dù Chiến tranh Lạnh đã qua từ rất lâu. Bảo vệ tự do hàng hải không thể là động lực cốt yếu của một chính sách bành trướng gian khổ như thế, cũng không đủ biện minh cho sự hiện diện sốt sắng (của Mỹ) mà Trung Quốc coi như hành động can thiệp không đúng lúc. Điều này đặc biệt đúng bởi lẽ – ông học giả khẳng định – Trung Quốc chưa bao giờ đe dọa tự do hàng hải. Trên thực tế, ông còn buộc tội Mỹ đã có nhiều nhận thức sai lầm, các chính quyền nối tiếp nhau của nước này đã ngày càng “tập cho mình quen với vai trò lấn át trong lĩnh vực hàng hải” đến mức xao lãng cả lợi ích thực sự của quốc gia.

Kết luận: mối liên hệ giữa các đế chế đang trỗi dậy và các đế chế đã được thiết lập đang châm ngòi xung đột trong vấn đề hàng hải châu Á. Không phải luật pháp, mà quyền lực mới là thủ phạm đích thực gây ra xung đột. Ông ta kết luận, khi nào nhìn thấy lợi ích quốc gia của mình, Washington sẽ nhớ lại rằng sau Thế chiến II, Tổng thống President Franklin Roosevelt đã dự báo trước việc phó thác an ninh khu vực cho “Bốn Cảnh Sát Viên”.

Sự “ủy nhiệm quyền lực” là ý tưởng mà Franklin Delano Roosevelt có lẽ đã mượn từ người anh họ Theodore. Theodore Roosevelt vốn là vị tổng thống mà trước đó nhiều thập kỷ đã tuyên bố đòi “một thứ quyền lực của cảnh sát quốc tế” dành cho các quốc gia phát triển. Sau này Franklin đã phải ra sức cạnh tranh với ông anh họ trên nhiều lĩnh vực. Nước được ủy thác quyền lực có thể triển khai sức mạnh vật chất để gìn giữ hòa bình. Nước đó sẽ làm cảnh sát viên trong những khu vực bao quanh mình. Franklin Delano Roosevelt đưa Trung Quốc vào danh sách bốn siêu cường đó. Ba nước còn lại là Mỹ, Liên Xô, và Anh – những quốc gia đã vượt qua Thế chiến II một cách xuất sắc nhất.

Một khi Trung Quốc đứng vững trở lại sau nhiều thập niên nội bộ lục đục và bị nước ngoài xâm chiếm, họ sẽ xử lý được các vấn đề Đông Á vì mục đích duy trì an ninh và ổn định. Ý tưởng về Bốn Cảnh Sát Viên đã hiện thực hóa thành Hội đồng Bảo an LHQ, cộng thêm một siêu cường thứ năm – nước Pháp sau khi được giải phóng. Người đối thoại với chúng tôi đề xuất rằng cuối cùng, Trung Quốc nên khoác lên mình chiếc áo cảnh sát viên khu vực, nhận lấy trách nhiệm căn bản của họ về đảm bảo tự do hàng hải ở Đông Nam Á. Điều này sẽ hiện thực hóa tầm nhìn của Franklin Delano Roosevelt trong khi lại giảm nhẹ được gánh nặng đổ lên vai Hải quân Mỹ, nước đã bảo vệ tự do hàng hải kể từ năm 1945 đến nay. Đó là một chiến lược đầy cám dỗ về trật tự hàng hải của một châu Á được khai sáng, do một siêu cường lịch sử, siêu cường hàng đầu trong khu vực, cai quản. Nhưng liệu châu Á dưới sự giám sát của Bắc Kinh có phải là châu Á mà các quốc gia đi biển thích đặt chân đến không?

Tôi chẳng tin. Để dự đoán xem liệu Trung Quốc có là một ông cảnh sát liêm chính của khu vực hay không, chúng ta hãy đặt câu hỏi xem các lực lượng cảnh sát có chức năng gì trong sinh hoạt quốc nội. Một người dân thường có thể sẽ định nghĩa rằng cảnh sát thì phải triển khai lực lượng có giới hạn của mình theo mệnh lệnh từ một chính quyền chính danh, để bảo vệ công dân trước những kẻ phạm pháp, bảo vệ hệ thống luật pháp và trật tự hiện hành, và nói chung là bảo vệ sức khỏe và tài sản của dân chúng. Anh ta từ bỏ quyền lợi riêng của mình. Ngược lại, một tay cớm bất chính sẽ xâm hại quyền của các công dân, lạm dụng chức vụ để mưu lợi riêng, hoặc phá hoại cả hệ thống nhằm thúc đẩy lợi ích chính trị nào đó; hãy nghĩ đến những đầu sỏ chính trị ở nước Mỹ thế kỷ 19. Câu hỏi căn bản là: Nếu Mỹ nhượng trách nhiệm chủ yếu về đảm bảo tự do hàng hải sang cho Trung Quốc, thì liệu Bắc Kinh có duy trì được hệ thống tự do hàng hải, hay là sẽ sửa đổi nó vì lợi ích của Trung Quốc?

Các bằng chứng đều đưa đến khả năng thứ hai. Không hẳn là Trung Quốc chưa bao giờ đe dọa tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, vành đai biển mở rộng ra ngoài khơi 200 hải lý. Theo luật biển, các quốc gia ven biển có đặc quyền khai thác tài nguyên ở đáy biển hoặc trong nước biển ở vùng này. Ngoài ra, họ không được áp đặt hạn chế nào đối với hoạt động hàng hải của nước ngoài trong khu vực EEZ. Giám sát quân sự, hoạt động của tàu sân bay, và những thứ tương tự rõ ràng đều là hợp pháp – như chính các chuyên gia Trung Quốc đã miễn cưỡng thừa nhận khi bị hỏi ép. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chủ động diễn giải các đặc quyền của họ ở EEZ như thể vùng nước này là biển thuộc chủ quyền của họ, nơi một quốc gia ven biển hưởng chủ quyền tuyệt đối và có thể cấm hoạt động quân sự của nước khác.

Theo đó, các phát ngôn viên của Trung Quốc “ban phát” cho tàu và máy bay nước ngoài quyền “đi qua vô hại” (innocent passage), chứ không phải quyền tự do hàng hải, trên vùng EEZ của họ. Quyền đi qua vô hại là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc đi qua một vùng biển có chủ quyền mà không tiến hành hoạt động quân sự xâm phạm vào lợi ích của quốc gia có biển đó. Quan điểm của Trung Quốc là một sự phân biệt rõ rệt, có ý hướng đến giải thích vụ va chạm năm 2001 với máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ, vụ “quấy rối chiến hạm USNS Impeccable” năm 2009, và những vụ “đi sát nhau” vốn xảy ra thường xuyên giữa máy bay Trung Quốc và máy bay Mỹ trên vùng trời châu Á. Vì vậy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mới tuyên bố ở Hà Nội vào tháng 10 năm ngoái rằng Mỹ “luôn thực thi quyền của mình và ủng hộ quyền các nước khác quá cảnh và có hoạt động trong những vùng biển quốc tế” (tôi nhấn mạnh).

Nhìn nhận những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngấm ngầm viết lại luật biển, chúng ta có nên kết luận rằng Bắc Kinh sẽ xứng đáng là người gìn giữ luật pháp và trật tự ở Biển Đông hay các vùng biển khác không? Liệu một Trung Quốc với vai trò cảnh sát viên có tăng cường sự hiểu biết truyền thống của chúng ta về luật biển? Hay là họ sẽ thay thế luật biển hiện nay bằng luật của họ, một khi Hải quân Mỹ đứng ngoài khu vực châu Á? Trung Quốc đã tự khắc họa mình như vị trọng tài toàn quyền trong các nỗ lực hàng hải ở Biển Đông, thậm chí ngay cả khi một cường quốc về biển còn mạnh hơn họ vẫn còn đang hiện diện ở vùng biển khu vực để phản đối những yêu sách của họ. Chờ đợi Bắc Kinh thay đổi hẳn những hành vi bị chê trách của họ sau khi đã giành được vị thế thống trị ở Biển Đông dường như là chuyện khó tin. Với tôi, Bắc Kinh có vẻ là một tay cớm tồi.

Tác giả James Holmes là phó giáo sư về chiến lược ở Đại học Hải chiến Hoa Kỳ. Quan điểm trong bài là của cá nhân tác giả.

Người dịch: Thủy Trúc
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: