Friday, March 18, 2011

ẤN ĐỘ VỚI CHIẾN LƯỢC THẦM LẶNG CHỐNG TRUNG QUỐC (Nitin Gokhale)

The Diplomat  -  Ngày 16-3-2011

Người dịch: Đan Thanh
Đăng bởi anhbasam on 19/03/2011

Trong khi tỏ ra công khai lo ngại về chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” của Trung Quốc, những nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Ấn Độ vẫn lặng lẽ tăng cường các liên minh ở châu Á.

Trận động đất và cơn sóng thần khủng khiếp tàn phá miền đông bắc Nhật Bản tuần trước có thể sẽ trì hoãn rất lâu cuộc tập trận trên biển giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản, mà theo kế hoạch là diễn ra vào đầu tháng tư tới. Nhưng bất luận diễn ra ở đâu, cuộc tập trận có tên Malabar sẽ chứng kiến năm thứ hai Hải quân Nhật tham gia vào những cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Mỹ.

Mới nhìn thì điều này có vẻ là chuyện thường tình. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng gần đây ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như căn cứ vào những luận điệu mạnh mẽ hơn trong năm qua của mỗi nước có lợi ích ở Biển Đông, thì thấy cuộc tập trận thường niên này đang mang một ý nghĩa lớn lao hơn.

Tập trận Malabar, ban đầu được dự trù là một hoạt động song phương giữa Mỹ và Ấn Độ, kể từ năm 2007 đã thu hút sự chú ý hơn khi cả Singapore, Nhật Bản lẫn Australia đều tham gia cùng thao diễn tại Vịnh Bengal, khiến Bắc Kinh gửi điện phản đối đến cả 5 nước tham dự. Trung Quốc cho là việc 5 quốc gia này hợp tác cùng nhau đánh dấu điểm bắt đầu của một hàng rào hải quân chống Trung Quốc, dù lỏng lẻo, trong khu vực Ấn Độ Dương.

Sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối, New Delhi và Washington cũng hạn chế việc mời một nước thứ ba tham gia những cuộc tập trận chung trong năm 2008 và 2009. Nhưng năm ngoái, 2010, họ lặng lẽ để cho Nhật Bản tham dự tập trận ngoài khơi vịnh Okinawa. Sự tham gia của Nhật Bản đã không gây ra bão tố chính trị nào, từ đó, Ấn Độ quyết định rằng họ rất vui lòng để cho Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản lại tiếp tham gia lần tập trận vào tháng tư tới.

Hải quân Mỹ cho biết, mục tiêu của đợt tập trận là nhằm “tăng cường sự ổn định ở Thái Bình Dương”. Dù vậy, Ấn Độ đã chính thức gạt bỏ tuyên bố chung chung này bằng việc nói rằng tập trận đơn giản chỉ là một cơ hội học hỏi đối với Hải quân Ấn. Theo nhiều nguồn, trọng tâm của cuộc “tập trận học hỏi” sắp tới đây của Hải quân Ấn sẽ là kỹ thuật chống tàu ngầm, kỹ thuật chiến đấu trên mặt biển (surface warfare), không quân, đào tạo kỹ năng bắn đại bác đạn thật (live-fire gunning), và đi thăm, lên khoang, các hoạt động lục soát và bắt giữ (search and seizure).
Vậy lợi ích của Nhật Bản là gì nếu họ tham gia? Ban đầu, khi quan hệ của Nhật với Matxcơva và Bắc Kinh còn chưa vững chắc, Ấn Độ được coi là một đối tác dài hạn đáng tin cậy và ổn định. Đó là điểm mà Nhật Bản đã nhấn mạnh trong bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng công bố gần đây.

Sau khi nói sơ qua về Mỹ và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là những lực lượng đem lại những thông số lợi ích truyền thống cho Nhật Bản, bản hướng dẫn tuyên bố rằng Nhật phải tăng cường hợp tác với Ấn Độ và những quốc gia nào cùng chia sẻ lợi ích chung với họ. Lợi ích đó là việc tăng cường an ninh hàng hải suốt từ châu Phi sang Trung Đông, tới Đông Á.

Về phần mình, Ấn Độ hy vọng duy trì được khả năng tiếp cận với nền tảng quốc phòng và những công nghệ mà Nhật Bản ưu tiên, chẳng hạn như tuần tra hàng hải, không quân, tên lửa đạn đạo, vận tải và chỉ huy thông tin (command communications).

Để đạt được mục tiêu trọng tâm của cuộc tập trận tới, một vài cuộc trao đổi cấp cao về quốc phòng đã diễn ra giữa Ấn Độ và Nhật Bản kể từ giữa năm 2010.

Đại tướng không quân P V Naik – chủ tịch Ủy ban Tham mưu Trưởng của Ấn Độ, và là quan chức quân sự cao cấp nhất của nước này – đã dẫn đầu một phái đoàn Ấn Độ sang thăm Nhật Bản vào tháng 9 năm ngoái để tham gia những cuộc đàm phán cấp quân đội đầu tiên giữa hai nước.

Chuyến đi của ông Naik diễn ra chỉ vài tuần trước một chuyến đi khác của Thủ tướng Manmohan Singh tới Tokyo vào cuối tháng 10, và là sự tiếp tục những cuộc thảo luận ở Nhật Bản hồi năm 2009 của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony. Tại các cuộc trao đổi đó, hai bên đã bày tỏ cam kết hợp tác song phương và khu vực. Mặc dù vậy, các nhà quan sát “đọc giữa hai dòng chữ” đã phát hiện được một hiện tượng khác – đó là nỗ lực nhằm xây dựng quan hệ đối tác khu vực để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

Bên cạnh các chuyến viếng thăm cấp cao này, Hải quân Ấn Độ cũng ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện các cuộc thăm chớp nhoáng mang tính “hữu nghị” khu vực Thái Bình Dương, trong đó có lần một đội tàu chiến của Ấn Độ triển khai quân suốt một tháng trời ở Thái Bình Dương, đi thăm cả Australia, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Quả thật, những chuyến đi đó cho thấy rõ một thực tế là Ấn Độ đang lẳng lặng tiến xa hơn các siêu cường khu vực, thiết lập mối quan hệ đối tác cấp quân đội bền chặt hơn với những quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á. Chỉ trong 8 tháng qua thôi, quan chức quân sự Ấn đã đến thăm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Singapore.
Tháng 7 năm ngoái, chỉ huy Quân đội Ấn Độ, tướng V K Singh, đến Việt Nam với hy vọng thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược vốn đã mạnh mẽ. Tiếp sau chuyến thăm của ông là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony tới Hà Nội vào giữa tháng 10, khi ông Antony tham dự hội nghị đầu tiên của các quan chức quốc phòng khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam, đương nhiệm chủ tịch ASEAN khi ấy, đã mời Ấn Độ đến dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN + 8.

Có hai lý do khiến Ấn Độ tranh thủ Việt Nam. Thứ nhất là cả Ấn Độ và Việt Nam đều có kinh nghiệm về chịu đựng sức mạnh của một Trung Quốc hung hãn – với Ấn Độ là năm 1962 và với Việt Nam là năm 1979. Thứ hai là một việc xảy ra gần đây hơn: Sự sụp đổ của Liên Xô – một thời rất lâu là người đảm bảo an ninh cho cả Ấn Độ và Việt Nam ở châu Á – đã khiến New Delhi và Hà Nội mất đi người bạn hùng mạnh, luôn sẵn sàng mọi lúc.

Kinh nghiệm chung đó, và việc cả hai quốc gia đều đã có tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Trung Quốc, đã thúc đẩy họ đoàn kết cùng nhau chống kẻ thù chung.

Nằm ở rìa Đông Nam Á, Việt Nam là nơi lý tưởng để chống lại sự mở rộng ra Biển Đông của Trung Quốc. Ý thức được điều đó, Ấn Độ trong suốt thập kỷ qua đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hải quân và không quân, trong một nỗ lực thách thức uy quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhưng Ấn Độ cũng để mắt đến việc nuôi dưỡng các quan hệ ở Đông Á, và không chỉ là với Nhật Bản. Tháng 9 năm ngoái, A.K. Antony – người đang nổi lên nhanh chóng như một nhân vật lặng lẽ nhưng rất có năng lực trong lĩnh vực ngoại giao quân sự của Ấn Độ – đã trở thành bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Ấn Độ đi thăm Hàn Quốc.
Chuyến thăm này nối tiếp một tuyên bố chung của cả hai nước nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có chuyến thăm cấp nhà nước sang New Delhi vào tháng 1 năm ngoái. Dịp ấy, cả hai bên đã quyết định rằng quan hệ song phương cần được nâng cấp thành “quan hệ chiến lược”.

Mặc dù vào thời điểm hiện nay thì chưa bằng mức độ hợp tác về quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam, nhưng quan hệ đối tác đang tiến triển giữa Ấn Độ và Hàn Quốc cũng được xem như yếu tố quan trọng sống còn trong các nỗ lực của Ấn Độ nhằm chống lại thế đứng ngày một vững chắc của Trung Quốc tại tiểu lục địa.

Thật vậy. Seoul được xem là một đối trọng hoàn hảo với trục Trung Quốc – Bắc Triều Tiên – Myanamar – Pakistan, cái trục mà New Delhi và Washington coi như yếu tố chủ yếu gây mất ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các động thái này – một số rất tế nhị, một số thì ít tế nhị hơn – tô đậm một thực tế là trong khi các nhà chiến lược của Ấn Độ thường xuyên cảnh báo về sự xâm nhập ngày càng tăng của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương (và cũng thường xuyên cường điệu hóa nỗi lo ngại của họ về chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” của Trung Quốc), thì một mặt khác, lực lượng quốc phòng của New Delhi cũng đang lặng lẽ tiến hành các biện pháp riêng của Ấn Độ nhằm chống lại Trung Quốc.

Cho dù chiến lược này đem lại kết quả hay hậu quả gì thì cũng có một điều chắc chắn là: Ấn Độ Dương và vùng ngoại vi của nó sẽ trở thành sân chơi mới cho Cuộc Chơi Lớn của thế kỷ 21. (Nguyên văn: the Great Game, Cuộc Chơi Lớn, khái niệm chỉ cuộc xung đột giữa Đế quốc Anh và Đế quốc Nga nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Á, từ khoảng năm 1813 đến năm 1907, và một giai đoạn từ sau Cách mạng Nga 1917 tới trước Thế chiến II – ND).

Nitin Gokhale là biên tập viên chuyên về các vấn đề quốc phòng và chiến lược, làm việc cho hãng truyền hình Ấn Độ NDTV 24×7.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: