Phỏng vấn nhà khoa học Richard Dawkins:
SPIEGEL 02/03/2011
Hiếu Tân dịch
Tiến hóa là sự thật. Điều đó, ít nhất là luận cứ của nhà sinh vật tiến hóa Richard Dawkins, trình bày trong cuốn sách mới của ông “Cuộc Trình diễn Lớn nhất trên Trái Đất” vừa được xuất bản ở Đức. SPIEGEL ONLINE nói chuyện với Dawkins về những thiếu sót của tôn giáo, cái vĩ đại của hiện thực và Gene Thượng Đế.
SPIEGEL ONLINE: Thưa giáo sư Dawkins, cuốn sách của ông “Cuộc Trình diễn Lớn nhất trên Trái Đất: Bằng chứng của Tiến hóa” vừa mới được xuất bản ở Đức. Tuy nhiên tên sách tiếng Đức là “Đấng Sáng Tạo nói dối: Tại sao Darwin đúng.” Ông có hài lòng với tên sách ấy không?
Richard Dawkins: Không hoàn toàn, bởi vì nó có vẻ như đang lái về hướng tiêu cực. Tựa đề tiếng Anh là xác thực. Nó nâng lên, nó như đang hân hoan tán dương vẻ đẹp của cuộc sống và vẻ đẹp của sự hiểu biết cuộc sống, trong khi cái tên sách tiếng Đức là phê phán và có vẻ công kích. Điều này ở trong sách, bạn có thể thấy nó ở đó. Nhưng cái tên sách này lại tạo ra một điểm nhấn mạnh khác.
SPIEGEL ONLINE: Trong đầu ông có điểm nhấn nào cho cuốn sách?
Richard Dawkins: Một cái nhìn tích cực, gần như lãng mạn đối với cuộc sống như một cái gì đẹp và có thể giải thích được và đẹp vì có thể giải thích được. Nhưng cũng có cả mặt tiêu cực nữa. Nó là một cố gắng làm tỉnh ngộ những người, đặc biệt ở Mỹ, nhưng cũng ở cả những nơi khác trên thế giới, đã chịu ảnh hưởng của tôn giáo chính thống đến mức nghĩ rằng cuộc sống có thể và nên được giải thích như tất cả đã an bài từ trước. Tôi coi cái đó như một cách giải thích lười biếng và vô ích, cũng như không đúng.
SPIEGEL ONLINE: Trong đời ông chưa bao giờ có một giai đoạn trải nghiệm tôn giáo?
Richard Dawkins: Tất nhiên. Tôi cũng từng là một đứa trẻ, chứ sao?
SPIEGEL ONLINE: Ông nghĩ tôn giáo là một cái gì chúng ta nên vượt qua khi chúng ta bước vào tuổi trưởng thành?
Richard Dawkins: Bạn có biết thánh Paul đã nói: Khi tôi là một đứa trẻ, tôi nói như một đứa trẻ. Nhưng khi tôi đã lớn, tôi bỏ đi những thứ trẻ con.
SPIEGEL ONLINE: Nhà di truyền học Hoa Kỳ Dean Hamer đã đưa ra giả thuyết về Gene Thượng Đế, gợi ý rằng con người có cấu trúc di truyền về niềm tin tôn giáo.
Richard Dawkins: Tôi thích nói rằng chúng ta có nhiều thiên hướng di truyền về nhiều thuộc tính tâm lý, dưới những hoàn cảnh thích hợp chúng có thể cộng thêm vào tôn giáo. Nhưng tôi cũng nghĩ về những sự việc giống như một thiên hướng tuân phục quyền uy, là cái thậm chí có thể có ích trong những hoàn cảnh nhất định. Hoặc một thiên hướng như sợ chết, hoặc là khi hoảng sợ, chạy đến một nhân vật che chở. Tất cả những thiên hướng tâm lý riêng biệt này, trong một hoàn cảnh thích hợp, cuối cùng sẽ đẩy người ta vào một tôn giáo, bất kỳ tôn giáo nào trong nền văn hóa mà người ta được dạy dỗ. Tôi sẽ không gọi nó là một Gene Thượng Đế.
SPIEGEL ONLINE: Chẳng phải tôn giáo đã rất thành công theo một nghĩa tiến hóa đó sao?
Richard Dawkins: Tư tưởng rằng các xã hội loài người có được sức mạnh từ những meme[1][1] tôn giáo trong cuộc tranh đua với những người khác là đúng đến một mức độ nào đó. Nhưng nó giống hơn với một cuộc đấu tranh sinh thái: nó nhắc tôi về sự thay thế loài sóc đỏ bằng sóc xám ở Anh. Đó không phải là quá trình chọn lọc tự nhiên gì cả, nó là sự kế tiếp sinh thái. Bởi vậy khi một bộ lạc có một vị thần hiếu chiến, khi những trai tráng được dạy dỗ bằng tư tưởng rằng số phận của họ là đi ra ngoài và đánh nhau như những chiến binh và rằng cái chết vì đạo đưa họ thẳng lên thiên đàng, bạn sẽ thấy một tập hợp meme mạnh tăng cường lẫn nhau đang hoạt động. Nếu bộ lạc đối thủ có một vị thần hòa bình tin vào việc đưa má bên kia ra, thì điều đó có thể không thắng thế.
SPIEGEL ONLINE: Nhưng theo một tôn giáo không khuyến khích những cơ hội sống sót dường như mâu thuẫn với logic tiến hóa…
Richard Dawkins: À vâng, rõ ràng có một sự xung đột giữa meme và gene sống sót. Chúng ta đã quen với những xung đột như thế này. Chúng diễn ra khi theo cách này, khi thì cách khác.
SPIEGEL ONLINE: Nhưng tôn giáo không phải luôn luôn hiếu chiến, nó cũng có mặt mềm dẻo. Nó cho ta sự an ủi và vỗ về. Tại một điểm trong quyển sách của ông, ông còn trích dẫn một vị giám mục để chứng minh cho luận điểm của mình.
Richard Dawkins: “Cuộc Trình diễn Lớn nhất trên Trái Đất” là một quyển sách chống Sáng tạo luận. Do đó tôi không ngại có chung quan điểm với một giám mục, vị này cũng chống Sáng tạo luận - và vì một lý do chính đáng nó cho tôn giáo của ông một cái tên xấu. Tôi không ngại liên minh tạm thời chống một kẻ thù chung.
SPIEGEL ONLINE: Có vẻ như ít có khả năng một nhà sáng tạo luận thật sự sẽ đọc quyển sách mới của ông, chưa nói đến chuyện cải sang thành nhà tiến hóa luận. Hơn nữa, bạn đọc thường xuyên của ông thì chả cần được thuyết phục rằng tiến hóa là sự thật. Vậy ông viết “Cuộc Trình diễn Lớn nhất trên Trái Đất” cho ai?
Richard Dawkins: Hầu như cho những người ngồi trên hàng rào. Cứ cho là nó nói về bằng chứng của tiến hóa. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể làm thay đổi đầu óc của những người chính thống điên rồ. Dù sao họ cũng không đọc nó. Nhưng tôi ngờ có thể có nhiều nghìn người thật sự quan tâm. Những người không cần thay đổi đầu óc của họ nhiều đến mức chỉ đánh nhẹ lên hàng rào bên này hay bên kia bởi vì họ đã không thật sự nghĩ nhiều về nó.
SPIEGEL ONLINE: Ông có sợ rằng vài người trong số những người này có thể phát bệnh tâm thần vì đôi khi lời lẽ trong quyển sách quá mạnh không?
Richard Dawkins: Bạn định nói lời lẽ mạnh là thế nào?
SPIEGEL ONLINE: Ông gọi những đối thủ của ông là những người “chối Holocaust” “ngu dốt” “lố bịch” và “lừa dối đến mức ngoan cố.”
Richard Dawkins: Tôi ngờ rằng nhiều người sẽ thấy nó là vui. Nếu tôi đọc một tác giả chế giễu một tên ngốc, bản thân tôi sẽ thấy khá vui. Có thể có một số người sẽ bị thất vọng và tôi sẽ mất họ trong những đoạn ấy. Nhưng tôi ngờ số người vui thích sẽ đông hơn.
SPIEGEL ONLINE: Trong quyển sách của ông, ông lập luận rằng thuyết tiến hóa cùng một trình độ với một định lý toán học. Ông có giáo điều như những người chính thống tôn giáo trong số các đối thủ của ông hay không, như một số người phê bình ông đã khẳng định?
Richard Dawkins: Có thời người ta nghĩ quả đất là dẹt. Rồi đến thời có thuyết cho là mặt trời là trung tâm của vũ trụ, rồi có giả thuyết rằng ngay cả mặt trời cũng không phải là trung tâm của vũ trụ. Trong ngôn ngữ thông thường nghĩa của từ “sự thật” có phải là sự thật trái đất quanh xung quanh mặt trời, còn mặt trời là một bộ phận của Ngân Hà. Không bao giờ có con đường cứng và nhanh khi một điều gì đó thôi là giả thuyết và trở thành sự thật. Bạn nhận ra với một nhận thức muộn, rằng một điều gì đó đã trở thành sự thật. Tất nhiên các nhà triết học của khoa học sẽ nói rằng không có cái gì trở thành một sự kiện có thật, rằng mọi sự chỉ là giả thuyết không bao giờ có thể chứng minh một cách thỏa đáng, và rằng một ngày nào đó tất cả chúng ta có thể thức dậy và phát hiện ra rằng mọi sự chỉ là một giấc mơ. Nhưng trong chừng mực công chúng nói chung sử dụng từ sự thật, tiến hóa là một sự thật.
SPIEGEL ONLINE: Không có một dấu hỏi nào ư? Có phải thuyết tiến hóa vẫn còn để mở cho cải tiến không?
Richard Dawkins: Có, tất nhiên! Chắc chắn nó đã được tranh cãi thật sự, chẳng hạn, tiến hóa được thúc đẩy bao nhiêu bằng chọn lọc tự nhiên và bao nhiêu nó được thúc đẩy bằng cơ hội ngẫu nhiên. Đó thật sự là một cuộc thảo luận mở, mở cho những bằng chứng mới.
SPIEGEL ONLINE: Ông có thấy một khả năng là thuyết tiến hóa, như chúng ta thấy, có thể trở thành một nhân tố trong một hệ thống rộng lớn hơn của tư tưởng nếu, chẳng hạn, chúng ta phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh?
Richard Dawkins: Tất nhiên, có quyền ưu tiên cho những tư tưởng đứng vững trong khoa học trở thành vật bao cho một ý đồ rộng hơn. Tôi rất quan tâm đến khả năng có sự sống ngoài trái đất. Có nhiều vấn đề chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ thêm: bao nhiêu trong số những gì chúng ta hiểu biết về sự sống trên hành tinh này phải là đúng, bởi vì không có cách nào khác cho sự sống tồn tại? và bao nhiêu trong số đó chỉ là những sự kiện cục bộ, thiển cận về sự sống trên hành tinh này?
SPIEGEL ONLINE: Ý ông định nói gì?
Richard Dawkins: Phải chăng việc tuyên bố rằng toàn bộ sự sống đều phải dựa trên DNA là rất liều lĩnh? Nhưng có lẽ chúng ta có thể nói rằng mọi hình thái sống phải dựa trên cái gì đó khá giống DNA. Trên hành tinh này chức năng tái tạo bị chiếm bởi DNA, chức năng thực hiện bởi các proteins, chúng hoàn toàn tách biệt nhau. Nếu cái đó phải là đúng, thì nó có phổ biến trong vũ trụ không? Hay có thể có những dạng khác, trong đó một phân tử làm cả hai chức năng? Tất cả những cái đó là những câu hỏi bỏ ngỏ, bởi vì đến bây giờ chúng ta chỉ có một mẫu của sự sống.
SPIEGEL ONLINE: Thưa ông Dawkins, ông muốn được nhớ đến như thế nào sau 60 năm nữa? Như một nhà khoa học để lại ảnh hưởng với cuốn sách “Gene ích kỷ ?” Hay như một nhà phê bình hăng hái, to tiếng về tôn giáo?
Richard Dawkins: Cả hai, thật đấy. Tôi không thấy chúng tách rời nhau. Nhưng tôi sẽ buồn nếu cuộc tấn công vào tôn giáo che mất đi những gì tôi hy vọng tôi đã đóng góp cho khoa học. Tôi nghĩ rằng đó thật sự là một điều đáng tiếc. Nhưng tôi không thấy có sự mâu thuẫn giữa hai khía cạnh ấy. Tôi nghĩ chúng thuộc về nhau.
SPIEGEL ONLINE: Sau đây chúng tôi sẽ được thấy gì từ ông?
Richard Dawkins: Tôi đang suy nghĩ nửa chừng về việc viết một cuốn sách cho trẻ em, gọi là “Phép lạ của Hiện thực” Mỗi chương là một câu hỏi như: Động đất là gì? Cầu vồng là gì? Mặt trời là gì? Mỗi chương mở đầu bằng một loạt huyền thoại có vẻ như trả lời cho các câu hỏi đó, và sau đó tôi phản đối lại bằng cách giải thích về bản chất thật của các hiện tượng. Có những cái rất tầm thường về phép lạ theo nghĩa siêu tự nhiên, như biến một con ếch thành một hoàng tử với một cây đũa thần. Thực tế có những phép lạ thi vị của nó, vĩ đại hơn, huyền diệu hơn mà tôi hy vọng tôi có thể bắt gặp.
Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bởi Markus Becker và Frank Patalong.
Về Richard Dawkins
Nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins, sinh ngày 26, tháng Ba, 1941ở Nairobi, là một giáo sư ở Đại học Oxford cho đến năm 2008 và là hội viên Hội Khoa học Hoàng gia. Ông được coi là một trong những nhà sinh học tiến hóa có ảnh hưởng nhất của thời đại chúng ta và ông đã mở rộng hiểu biết của chúng ta về thuyết tiến hóa của Darwin. Khả năng giải thích những khái niệm khoa học phức tạp đã khiến ông thành một tác giả viết về khoa học được đọc rộng rãi nhất trên thế giới.
[2]1] Meme: một thuật ngữ mới, được R. Dawkins tạo ra năm 1976 tương đương với từ gene: gene truyền thông tin sinh học từ thế hệ này sang thế hệ khác, meme truyền thông tin tư tưởng, tín ngưỡng từ (nhóm) người này sang (nhóm) người khác.
.
.
.
No comments:
Post a Comment