Carps among the Spratlys
Nguồn: The Economist
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Fri, 03/11/2011 - 13:08
Nguy cơ về cạnh tranh gần như hài hước trong khu vực Biển Đông trở nên nghiêm trọng
Một lần nữa những đối thủ đòi hỏi chủ quyền đối với những mõm đá, cát và san hô trên vùng biển Đông đang mất bình tỉnh. Philippines đang nổi giận về một sự kiện xảy ra vào ngày 2 tháng Ba khi họ nói rằng hai chiếc tàu tuần duyên của Trung Quốc đe doạ tông vào một chiếc tàu đang làm công tác thăm dò tại vùng Song Tử Tây gần đảo Palawan. Vào ngày 4 tháng Ba Việt Nam cũng đã phản đối Trung Quốc về việc tiến hành tập trận trên vùng biển mà họ nhận chủ quyền. Thường thì những lục đục này sẽ trôi qua trước khi mọi người bị thiệt hại. Nhưng những nguy cơ ngày càng chồng chất để một sự kiện tình cờ trong hàng loạt những tranh chấp đầy rắc rối có thể leo thang thành một va chạm, chỉ vì không có một viễn cảnh nào cho việc thoả thuận.
Điều này một phần bởi vì vùng biển này đang rối bùng với quá nhiều tranh chấp riêng lẻ. Trung Quốc và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền trong quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã đánh bật Việt Nam vào năm 1974, vào những ngày tàn của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đài Loan - vì là "Cộng hoà Trung Hoa" - cũng có đòi hỏi tương tự như Trung Quốc. Cả ba nước này cũng đang tranh giành quần đảo Trường Sa ở phía nam. Nhưng ở vùng biển phía nam này, Malaysia, Philippines và Brunei cũng có những đòi hỏi từng phần.
Một số những tranh chấp này trên lý thuyết có thể giải quyết được dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Ví dụ như vào năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã cùng ký chung một bản trình bày cho thấy vị trí chủ quyền mà họ cho là của mình, căn cứ theo thềm lục địa. Tuy nhiên Trung Quốc đã phản đối bản trình bày và tự vẽ bản đồ riêng của mình, trong đó có 9 đường vạch phân định chủ quyền của họ. Nếu gộp lại, những đường này giúp Trung Quốc sở hữu gần như cả vùng biển Đông. Đòi hỏi này dường như không có cơ sở chiếu theo luật của UNCLOS. Nhưng Trung Quốc viện dẫn một bản đồ do Cộng hoà Trung Hoa xuất bản từ cuộc nội chiến Trung Quốc trong những năm 1940s và nói rằng, cho đến gần đây, chẳng ai phản đối điều này cả. Trong khi đó Indonesia cũng phản đối việc phản đối của Trung Quốc, vì đòi hỏi của Trung Quốc cũng bao phủ lên vùng biển của Indonesia.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, vào năm ngoái Trung Quốc đã bắt đầu tuyên bố chủ quyền tại biển Đông của mình là quyền lợi quốc gia "cốt lõi" ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng. Để đáp lại, Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố "quyền lợi quốc gia" của mình trong vùng, nhấn mạnh tính quan trọng của quyền tự do đi lại trên biển và trên không. Cả hai quyền này vẫn chưa gặp những đe doạ cấp bách. Tuy nhiên Trung Quốc và Hoa Kỳ từ lâu đã bất đồng về việc liệu quân đội Hoa Kỳ có quyền hoạt động trong đặc khu kinh tế (EEZ) hoặc để do thám họ ngay cả trong lãnh hải (12 dặm) của các quốc gia khác hay không. Hai năm trước Hoa Kỳ đã than phiền khi các tàu Trung Quốc quấy nhiễu một chiếc tàu thăm dò USNS Impeccable trong khu vực biển Đông phía nam tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Sự can thiệp mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đáng lưu ý là tại hội nghị an ninh khu vực ở Hà Nội vào tháng Bảy trước, lúc ấy đã được đón chào bởi hầu hết mười thành viên của ASEAN. Tuy nhiên Trung Quốc đã nổi giận trước đề nghị làm người "hoà giải" thiếu thực tế của Hoa Kỳ.
Nhưng cũng có thêm một tranh chấp khác làm chia rẽ Trung Quốc và ASEAN. Hai bên đã đạt được một thoả thuận chung về "Nguyên tắc Ứng xử Biển Đông" (DoC) vào năm 2002 trong một cố gắng nhằm giảm thiểu mối đe doạ chạm trán. Nhưng nỗ lực để biến thoả thuận này thành một điều luật chính thức có hiệu lực đã không đi đến đâu. Trung Quốc cho rằng ASEAN không có vai trò nào trong các vấn đề lãnh thổ. Họ muốn giải quyết riêng với từng nước đòi hỏi chủ quyền. ASEAN cho rằng hiến chương của mình đòi hỏi các thành viên phải hội ý chung, như họ vẫn làm trước đây trong mỗi kỳ họp về quy tắc ứng xử, hội nghị kế đến sẽ được tổ chức sớm. Một khó khăn khác nữa đối với DoC là Đài Loan không phải là một thành viên. Mặc dù Đài Loan chỉ chiếm giữ một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, nhưng nó là hòn đảo lớn nhất hiện có một đường sân bay dài.
Những người lạc quan cho rằng DoC ít nhất cũng đã giúp giảm bớt căng thẳng. Thật vậy, kể từ năm 1988, khi Trung Quốc và Việt Nam đụng độ gần quần đảo Trường Sa, đã không nổ ra một chạm trán vũ trang nghiêm trọng nào. Căng thăng tăng cao vào năm 1995 khi Trung Quốc bị phát hiện đang xây dựng trên đảo Đá Vành Khăn, được Philippines tuyên bố chủ quyền. Các ngư dân đôi khi cũng bị bắt giữ vì đã đi vào trong vùng biển được nước khác tuyên bố chủ quyền. Nhưng đe doạ về một sự leo thang dẫn đến chạm trán dường như được giới hạn.
Thậm chí có thể xem rằng việc "tự kìm chế" mà DoC yêu cầu đã được tôn trọng. Kể từ năm 2002 không có hòn đảo hoặc mõm đá vô chủ nào bị chiếm đóng. Nhưng có thể bởi vì không còn nơi nào đủ lớn, và với nhũng nơi đã bị chiếm đóng, việc xây dựng vẫn đang tiếp tục. Rommel Banlaoi thuộc Học viện Nghiên cứu Hoà bình, Bạo lực và Khủng bố của Philippines, một cơ quan cố vấn tại Manila, hiện có một bộ sưu tập ảnh đầy ấn tượng về các căn cứ tại biển Đông. Ví dụ như trên vùng Đá Vành Khăn, Trung Quốc đã xây năm toà nhà bát giác bằng bê tông.
Những hành động bám trụ này, cùng với việc điên cuồng hiện đại hoá quân đội của hầu hết các quốc gia đòi hỏi chủ quyền trong khu vực, là một lý do để lo ngại về nguy cơ trong vùng biển Đông càng trở nên lớn hơn. Một lý do khác là xu hướng khoe cơ bắp của Trung Quốc. Đông Nam Á đã chứng kiến việc Trung Quốc lấn lướt Nhật Bản ra sao trong vùng biển tranh chấp giữa hai nước. Chỉ trong tuần qua Nhật Bản vừa chính thức lên tiếng than phiền sau khi trực thăng Trung Quốc đã bay quá gần đến một trong những chiếc tàu của họ. Việc biển Đông trở thành trọng điểm trong quyết tâm của Hoa Kỳ để giữ nguyên vị trí cường quốc tại châu Á cũng tạo ra một mối căng thẳng khác.
Thiếu tinh thần thể thao
Hơn nữa, vùng biển này cung cấp nguồn cá dồi dào và là tuyến vận chuyển hàng hải quan trọng trong một phần lớn của thương mại thế giới. Từ lâu nó cũng được tin rằng rất giàu về nguồn khí hydrocarbons, đặc biệt là chung quanh quần đảo Trường Sa. Niềm tin này càng lớn theo thời gian. Ví dụ quặng khí đốt Sampaguita gần khu vực Đá Vành Khăn được ước lượng có chứa ít nhất 85 tỉ mét khối và có lẽ có đến 566 tỉ mét khối khí đốt thiên nhiên.
Một trong những nạn nhân của những tranh chấp trên là những cuộc thi đấu bóng đá và bóng rổ được nhằm để củng cố tin tưởng giữa các binh sĩ Philippines và Việt Nam đang đóng quân tại Trường Sa. Những trận giao đấu dự định vào tháng Tư đã bị đình hoãn. Hiện nay, biển Đông không phải là nơi để chơi thể thao.
.
.
.
No comments:
Post a Comment