Friday, March 11, 2011

TOÀN LÀ HÀO NHOÁNG : CÁI NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI MỸ VỀ VIỆT NAM (The Huffington Post)


Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Fri, 03/11/2011 - 04:09

Không cách gì đã có thể chuẩn bị đầy đủ cho chuyến thăm đến Việt Nam của tôi gần đây. Tôi đã biết về nền kinh tế đang phát triển, ngành công nghiệp du lịch đang bùng nổ (500.000 du khách trong tháng Giêng), tính cần cù của người dân và thậm chí còn biết nhiều hơn về nạn tham nhũng và sự đàn áp của chính phủ. Nhưng khi chiếc xe buýt rẽ vào quảng trường chính của thành phố Hồ Chí Minh, trước đây là Sài Gòn, tôi vô cùng kinh ngạc như một đứa trẻ lần đầu tiên được nhìn thấy vẻ đẹp huyền diệu của The Nutcracker sau bức màn kéo lên. Lúc ấy là thời gian cuối tết Nguyên đán.

Đường phố bừng sáng với hàng ngàn ánh đèn tinh tế, tất cả những hàng cây được trang hoàng như những gói quà Giáng sinh tỉ mỉ và nhìn hút tầm mắt là những bóng điện thanh tú đan kết thành lưới sáng nhảy nhót ngang trên phố. Bên dưới, hàng ngàn xe gắn máy chở quá tải một cách nguy hiểm, một số được chuyên chở bởi một bậc phụ huynh nhìn thản nhiên với ông bà ngoại phía sau và một đứa trẻ đứng vững vàng trên khung xe đàng trước. Các xe gắn máy chạy ra vào đan lưới giữa làn giao thông bất chấp cái chết, thường ở những góc quẹo sát qua đường chạy của nhau giữa số lượng ngày càng tăng của các loại xe ô tô, chủ yếu là xe SUV. Đèn giao thông chỉ có tính cách hướng dẫn. Ấn tượng nhất là những thanh niên điều khiển xe máy điển trai, quần áo lên khung ngất trời trong các loại thời trang mới nhất nhưng vẫn cẩn thận mang mũ bảo hiểm vì yêu cầu của luật pháp.

Nơi này thật không giống như một nơi có thể trả lời cho câu hỏi mà tôi từng bị ám ảnh kể từ khi bước chân vào đất nước này: "Làm sao họ đã có thể tha thứ cho chúng ta".

Tuần lễ trước đó tôi đã đi gần 300 dặm đường thuỷ, dừng lại tại hơn một chục ngôi làng, các trại nuôi cá, ruộng lúa, vườn rau, nhà máy nhỏ, chợ búa, đền miếu, dinh thự và các viện bảo tàng dọc suốt đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí còn cỡi đến xe bò kéo, gãy cả sống lưng. (Đây không phải là loại chuyến đi cho những người chết nhát).

Là một sinh viên tốt nghiệp trong những năm 1960, tôi là một gã phản chiến có bảo chứng - nỗi kinh hoàng trước sự dã man của người Mỹ tại Việt Nam đã mãi mãi thay đổi hình ảnh thời Đệ Nhị thế chiến của Hoa Kỳ và chính bản thân người Mỹ. Ngay cả hiện tại vẫn còn quá đau đớn khi nghĩ về vụ thảm sát Mỹ Lai hay hình ảnh không thể xóa nhòa của đưá trẻ bị phỏng vì bom lửa chạy trần truồng xuống một con phố trong nỗ lực trốn khỏi những chiếc máy bay ném bom của Mỹ. Điều gì đã có thể khiến những nguời dân làng nhiệt tình chào đón chúng tôi, dạy cho con họ những nụ cười hấp dẫn để khi cả một làn sóng người Mỹ mang máy ảnh ùa vào các khu phố của họ? Nghe những tiếng "Hello, hello, hello" reo vang bằng ngôn ngữ sáu âm của tiếng Việt khiến từng âm thanh của con trẻ nghe như một dàn đồng ca thiếu nhi. Chỉ đến khi về tới khu làng gần Thành phố Hồ Chí Minh nhất thì cái vẫy tay mới trở thành một lòng bàn tay trống không. Những thơ ngây trong trắng đã mất đi rồi..

Công việc của tôi tại TP HCM là đến thăm ban giảng viên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại trường Đại học Kinh tế nơi tôi tưởng có thể kiểm tra các câu trả lời tích lũy cho câu hỏi của mình với một nhóm học giả Việt Nam chuyên nghiệp. Trường được thành lập vào năm 1994 thông qua một nỗ lực chung của hai cựu chiến binh nổi tiếng tại Việt Nam - Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain - Ngôi trường, tự trị và được đánh giá cao, tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và liên kết với Trường Harvard Kennedy, có thể cấp bằng Thạc sĩ tại về Chính sách Công cộng.

Những câu trả lời cho câu hỏi của tôi có nhiều phần, một số phần có sức nặng hơn những phần khác, nhưng hầu như tất cả mọi người - từ các hướng dẫn viên địa phương đến các giáo sư, nhân viên cao cấp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội - đều đã lập tức trả lời: hơn 60% dân số Việt Nam sinh ra sau khi kết thúc chiến tranh. Ký ức tập thể đang phai nhạt nhanh chóng và mọi người đều hướng về tương lai.

Những người khác nói rằng vì đa số dân trong nước theo đạo Phật, vốn có lòng tha thứ là một nguyên tắc quan trọng, do đó tôn giáo đã tạo ra một môi trường để quên đi quá khứ.

Còn những người khác tin rằng Việt Nam cần Hoa Kỳ để ngăn chặn các mối đe dọa nhận thức được từ Trung Quốc. Việc gia tăng quân sự tăng nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra cảm giác lo lắng về sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Trong quá trình tồn tại, Việt Nam đã trải qua 2700 năm bị xâm chiếm hoặc trở thành thuộc địa của Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Pháp và tất nhiên cả Mỹ nữa. Như một giáo sư người Việt trẻ thích thú giải thích cho tôi:
"Chúng tôi đã bị xâm chiếm bởi rất nhiều nước, thành ra nếu không tha thứ cho họ, chúng tôi sẽ chẳng không có một người bạn đồng minh nào nữa".

Nhưng nổi bên trên tất cả các câu trả lời một phần cho câu hỏi nặng nề tội lỗi của tôi là một từ: Thương mại. Đó là những gì đã giúp làm người Việt tha thứ cho các cuộc chiến tranh: tham vọng thúc đẩy để tạo nên một nền kinh tế sôi động giống như của Trung Quốc. Để thực hiện được như vậy Việt Nam cần Mỹ (trong số những nước khác) như một đối tác thương mại. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt tổng cộng 18.3 tỉ. Hải sản, quần áo, giày dép, và đồ nội thất là những sản phẩm có số lượng tăng cao.

Cho dù cuộc trò chuyện là về các mục tiêu của đất nước trong cải thiện nền kinh tế hoặc trên một quy mô nhỏ - thương lượng trong nhiều thị trường - tất cả nội dung chuyện trò dường như đều là về "thực hiện hợp đồng". Các món ăn tuyệt vời tại các bữa ăn tự chọn trong khách sạn sang trọng phản ánh sự đa dạng của những người đã "làm nên các hợp đồng" tại Việt Nam: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Pháp và tất nhiên, các món ăn Việt Nam đôi khi còn được phục vụ trong một số nơi để một số người kinh doanh có thể gặp nhau trong các nhóm nhỏ hoặc đôi khi lớn hơn với những "nhà làm ăn" Việt Nam. Tất nhiên, chính phủ Cộng sản, người làm ăn lớn cũng kín đáo kinh doanh.

Nhưng giống như loại Kem Brulee thanh lịch do người Pháp mang đến Việt Nam, có một vết chảy trên lớp đưòng caramel mỏng manh và lớp bề mặt bóng bẩy đã rạn nứt. Trong mỗi cuộc trò chuyện (dĩ nhiên trừ các quan chức ra) một phần bên dưới không hấp dẫn đã hé lộ. Ngay dưới lớp hào nhóang lấp lánh là những thực tế tồi tàn của một hệ thống đàn áp chính trị, được thì thầm hoặc tảng lờ đi trong các cuộc trò chuyện với người nước ngoài.

Nạn tham nhũng là đặc hữu. Quan chức chính phủ tịch thu các vùng dân cư, sau đó bán lại cho các nhà phát triển. Những người dân địa phương đang bị trục xuất đến các xã tồi tàn bên ngoài thành phố. Giáo dục hỗn độn. Chính phủ kiểm soát chương trình giảng dạy đại học, các chủ đề các bài giảng, tài liệu tham khảo và các kỳ thi. Do đó, chính các tài năng rất cần thiết để phát triển khoa học và kỹ thuật hoặc một hệ thống hàn lâm tốt đẹp buộc phải rời bỏ đi nơi nào khác.

Mặc dù, như người Trung Quốc, Việt Nam đã tìm cách chế ngự nghèo khổ nhưng đói kém và thất nghiệp vẫn đáng kể. Đồng lương vẫn cực kỳ thấp. Nạn kiểm duyệt tràn lan và Facebook bị ngăn cấm. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Hoa Kỳ) trước Đại hội năm 2011 của Đảng Cộng sản, các quán cà phê Internet và blog đã bị theo dõi chặt chẽ, hàng chục nhà hoạt động và các blogger đã bị bắt vì "tuyên truyền chống chính phủ". Chính phủ đã dỡ bỏ các trang web và một số nhà báo phải ở trong tù.

Vì vậy, tương lai sẽ ra sao ? Chính quyền Cộng sản, như Trung Quốc, có thể nới lỏng một số kiểm soát đủ để cho phép chủ nghĩa tư bản đạt được một chỗ đứng ngày càng tăng và cho phép tầng lớp trung lưu phát triển đáng kể ? Áp chế đến đâu thì tầng lớp trung lưu đang phát triển có thể chịu đựng được?

Trong tháng Hai, những hình ảnh đầu tiên của cuộc cách mạng Trung Đông bắt đầu xuất hiện trên kênh CNN trong các khách sạn. Hình ảnh đáng nhớ của cuộc cách mạng ở Ai Cập với điện thoại di động trong một tay và gạch đá trên bàn tay khác chưa hề tạo được cộng hưởng ở Việt Nam. Ở đây, khi làn sóng xe gắn máy và xe SUV tiếp tục lao đến những cơ hội kinh doanh mới tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong một tương lai trông thấy, hình ảnh nhiều khả năng ảnh hưởng hơn ở đây chính là "điện thoại di động trên tay này và một chiếc túi mua hàng hiệu Gucci ở tay kia".
.
.
.

No comments: