Friday, March 11, 2011

CHUYỆN BÁC TÔN và EM NGUYỄN TẤN HOÀNH (Tưởng Năng Tiến)

Tưởng Năng Tiến
Thứ Sáu, 11/03/2011

Năm 1982, nhà xuất bản Sự Thực cho ra đời tác phẩm Đồng Chí Tôn Đức Thắng, Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường, Mẫu Mực. Tôi chụp liền hai cuốn, và vô cùng tiếc vì không đủ tiền để lấy thêm cuốn nữa, rồi chạy vội về đưa (ngay) cho... bà bán xôi đầu xóm!

Bà chị không thèm đọc một chữ, đọc qua cái tựa cũng không luôn, chỉ xét đoán giá trị của công trình nghiên cứu lịch sử này qua bề dầy và trọng lượng của nó. Sau màn thẩm định, tôi được bới một phần xôi – giá trị gấp ba số tiền mua sách – đủ no nguyên ngày, nếu chịu ăn dè.

Tôi có thể ngồi bệt cạnh ghánh hàng, mượn lại cuốn sách một lát, vừa nhai, vừa xem (qua) về cuộc đời của “Đồng Chí Tôn Đức Thắng – Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường, Mẫu Mực” – nhưng tôi đã không làm như thế. Lý do: không rảnh!

Vào thế kỷ trước, những năm đầu thập niên một chín tám mươi là thời điểm (cực kỳ) khó khăn về kinh tế. Ai cũng phải xếp hàng cả ngày hoặc chạy ăn từng bữa toát mồ hôi. Tôi cũng vậy. Tôi phải hộc tốc chạy đi kiếm tiền mua những cuốn sách khác – viết về những “người chiến sĩ cộng sản kiên cường” hay “vĩ đại” (khác) để dành cho bà bán khoai hay em bán bánh mì – trước khi chúng biến mất khỏi thị trường.

Chuyện lấy sách đổi xôi của cái Thời Thổ Tả đó đã qua nhưng cái “dzụ” Đồng Chí Tôn Đức Thắng, Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường, Mẫu Mực thì chưa, và chắc (cũng) còn lâu. Báo SGGP, số ra ngày 21 tháng 8 năm 2010, có bài viết “Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng” – Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh”.

Đọc xong, tôi thốt nhớ đến những kỷ niệm (buồn) của mình với Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường, Mẫu Mực họ Tôn, và tình trạng không vững mạnh gì cho lắm của giai cấp công nhân – ở Việt Nam. Trước đây chưa lâu, vào ngày ngày 18 tháng 2 năm 2006, giới người này đã gửi “nỗi niềm khóc hận thương tâm” – cùng với 8 điểm “đề nghị” của họ – đến nhà đương cuộc Hà Nội, với nội dung chính, như sau:
Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động. Những đòi hỏi ước vọng này, chúng tôi được thực hiện cũng không gây ảnh hưởng kinh tế thị trường và nền an ninh, như nhà nước và bộ phận công an thường cho là thế lực thù địch gây ảnh hưởng kinh tế quốc gia...
Nếu chúng tôi không được thực hiện 8 điểm yêu cầu trên, chúng tôi sẽ chọn một điểm phát động đấu tranh giành quyền làm chủ các nhà máy, xí nghiệp công ty của những tay tư bản ngoại quốc, như trước đây chủ nghĩa CS đã làm. Và chúng tôi làm đúng chính sách chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam, là nơi nào có bóc lột, áp bức, nơi đó phải vùng lên đồng loạt giành quyền làm chủ; đánh đổ các tập đồn tư bản, giành quyền làm chủ cho dân nghèo.

Vì những đề nghị linh tinh như thế, ông Đoàn Huy Chương, a.k.a Nguyễn Tấn Hoành (đại diện công nhân của khu công nghiệp Điện Bàn, Quảng Nam) một trong những người đã ký tên trong bức thư “khóc hận thương tâm” thượng dẫn, đã bị giam 18 tháng tù. Ông được trả tự do ngày 13 tháng 5 năm 2008. Ba hôm sau, trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Việt Hùng – RFA – Nguyễn Tấn Hoành cho biết:
Bị cùm cũng có, bị biệt giam cũng có, chế độ dinh dưỡng trong tù thì không có. Đặc biệt hơn họ tôi bị cùm và biệt giam mà họ gọi là cách ly... Tình trạng sức khỏe của tôi hiện giờ rất yếu, trong thời gian tôi ở tù tôi bị những chứng bệnh như bị liệt, đau đầu và bây giờ khó thở. Sức khỏe của tôi rất yếu, đi lại rất khó khăn, không thể làm được việc gì…Họ bắt tôi ký vào Lệnh trả tự do, khi về địa phương làm thủ tục nhập lại hộ khẩu thì họ bắt tôi phải viết một bản cam kết là từ nay về sau không đấu tranh nữa. Nhưng mà tôi nói thẳng với họ là tôi không làm, bởi vì chừng nào mà chính quyền còn đàn áp công nhân chúng tôi thì chúng tôi vẫn đấu tranh.

Nguyễn Tấn Hoành đã làm đúng như điều ông nói, và cái giá ông phải trả cho vịêc tiếp tục “đấu tranh” – rõ ràng – hơi mắc. Ông bị bắt lại lần thứ hai vào ngày 23 tháng 2 năm 2010, cùng với hai người bạn cùng chí hướng: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (30 tuổi) và Đỗ Thị Minh Hạnh (26 tuổi). Tám tháng sau, cả bị toà án tỉnh Trà Vinh kết án tổng cộng 23 năm tù vì tội “phá rối an ninh nhằn chống lại chính quyền nhân dân.

Theo phóng viên Khoa Diễm của đài Á Châu Tự Do (nghe được vào hôm 24 tháng Giêng năm 2011): “thông tin gia đình cho biết thì cả ba người đều không được tiếp xúc hay thuê luật sư biện hộ cho phiên tòa.

Những sự kiện này được nhà văn Dương Thu Hương phân tích như sau:
Nhà cầm quyền Hà Nội sợ hãi ba thanh niên đứng lên cầm ngọn cờ của những người lao động bởi vì ba người này là vọng âm, là hình ảnh phản chiếu, là bản sao lại của chính bản thân họ vào, những năm mà ‘quốc tế ca của những người lao động’ vang vọng khắp nửa địa cầu... Nói cho rõ ràng hơn, có thể ví hai chàng trai và cô gái đứng sau vành móng ngựa của toà án tỉnh Trà Vinh ngày hôm nay như đoạn phim chiếu lại hình ảnh người cộng sản những năm cuối thập kỉ 30 sang thập kỉ 40 khi họ đứng sau vành móng ngựa của các toà án thực dân, khi họ sôi sục nhiệt tình cách mạng và sẵn sàng quên mình vì độc lập của dân tộc.

Tôi sinh sau đẻ muộn nên không rõ cái không khí “vào những năm tiền khởi nghĩa” ra sao, chỉ ngại rằng nhận xét – dẫn thượng – về sự “sôi sục nhiệt tình cách mạng”của những người cộng sản Việt Nam (e) có phần hơi chủ quan, và cũng hơi xa sự thực. Với thời gian, và với những công trình nghiên cứu độc lập được công bố gần đây, sự thực về lòng “sôi sục nhiệt tình cách mạng và sẵn sàng quên mình vì độc lập của dân tộc” (xem ra) cũng không được “sôi sục” hay “nhiệt tình” gì cho lắm!

Xin đan cử một thí dụ bằng cách tiếp tục câu chuyện (đang bỏ dở) về Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường, Mẫu Mực Tôn Đức Thắng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, được Ban Tuyên Giáo Trung Ương ghi lại như sau:
Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị động viên trở thành lính thợ làm việc trên chiến hạm France. Việc Tôn Đức Thắng tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen tháng 4/1919 có ý nghĩa lớn bởi anh là người Việt Nam đầu tiên dũng cảm tham gia bảo vệ chính quyền Xôviết trẻ tuổi và Cách mạng Tháng Mười Nga vào thời điểm quan trọng. Đây là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành về ý thức và định hướng chính trị trong cuộc đời đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc của Tôn Đức Thắng.
Sau vụ binh biến ở Biển Đen, bị trục xuất khỏi nước Pháp, Tôn Đức Thắng trở về Sài Gòn tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và trở thành người tổ chức và lãnh đạo Công hội bí mật năm 1920, Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Tôn Đức Thắng cùng Công hội của mình lãnh đạo các cuộc bãi công của công nhân ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Đây là giai đoạn hoạt động rất sôi nổi của Tôn Đức Thắng trong phong trào công nhân.

Thực ra, bác Tôn không “quậy cho tới bến” vậy đâu!
Năm 2003, trong một cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện – nghe được vào hôm 24 tháng 8 – ông Christoph Giebel (giáo sư sử học của đại học Washington, Hoa Kỳ) đã khẳng định rằng bác Tôn “không có mặt trên bất kỳ con tầu nào của Pháp, liên quan đến vụ binh biến ở Hắc Hải”. Nói cách khác (ít tế nhị hơn) là vụ bác Tôn tham dự vào việc nổi loạn và treo cờ ở Biển Đen chỉ là chuyện… xạo! Cái vẫn thường được mô tả là “cuộc đình công thắng lợi” mà bác Tôn đã khởi xướng ở cảng Ba Son, tiếc thay, cũng… xạo luôn!

Cuốn sách Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory của CHRISTOPH GIEBEL.

Qua năm 2004, nhà xuất bản University of Washington Press cho ra đời cuốn Imagined Ancestries of Vietnamese Communism (Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory) của giáo sư Christoph Giebel. Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản, tác phẩm này đã “làm sáng tỏ cuộc đời thật cũng như được tô vẽ thêm của Tôn Đức Thắng (1888-1980), một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng và thần tượng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đấy chỉ là một bản lí lịch dùng cho các buổi lễ lạt mà thôi… Công trình nghiên cứu này theo sát những quá trình phức tạp, kéo dài hàng chục năm, trong đó những hành động dũng cảm nổi tiếng của Tôn Đức Thắng đã bị xuyên tạc hay đơn giản là bịa ra và – tuỳ theo nhu cầu lịch sử và chính trị – được Đảng sử dụng như một công cụ tuyên truyền” (*).
(Ancestries of Vietnamese Communism illuminates the real and imagined lives of Ton Duc Thang (1888-1980), a celebrated revolutionary activist and Vietnamese communist icon, but it is much more than a conventional biography…. The study traces the decades-long, complex processes in which famous heroic episodes in Ton Duc Thang’s life were manipulated or simply fabricated and-depending on prevailing historical and political necessities-utilized as propaganda by the Communist Party”).

Ông Tôn Đức Thắng không phải là nhân vật duy nhất đã “được Đảng sử dụng như công cụ tuyên truyền” như thế. Lịch sử của cả ĐCSVN – từ chuyện em Tám, anh Trỗi, cho đến bác Hồ – e đều là tổng hợp của những “công trình tô vẽ” và “ngụy tạo” như thế cả.

Nếu không thế thì làm sao giải thích được thảm trạng của công nhân, và nông dân ở Việt Nam (bán thân rồi lại bán cả mồ hôi mà đói rách vẫn quần cho sớm tối) nơi mà Đảng Của Giai Cấp Công Nông độc quyền lãnh đạo – từ hơn nửa thế kỷ qua? Và làm sao giải thích được sự man rợ trong cái phiên toà mà họ dành cho những người dân – chỉ vì họ đã đứng lên đòi hỏi quyền sống – như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Nguyễn Tấn Hoành.

Tưởng Năng Tiến

(*) chuyển dịch bởi Phạm Minh Ngọc
.
.
.

No comments: