Thanh Hà - RFI
Chủ nhật 27 Tháng Ba 2011
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Singapore hiện nay là làm thế nào để khuyến khích phụ nữ sinh con. Từ một phần tư thế kỷ qua, các chính sách ưu đãi đối với phụ nữ Singapore liên tục nối đuôi nhau ra đời. Vậy mà biểu đồ dân số vẫn đổ dốc.
Năm 1983 chính phủ đã giật mình khi tỷ lệ sinh đẻ trung bình tại Singapore đang từ 2,1 rơi xuống còn 1,6. Thủ tướng Lý Quang Diệu thời đó đã « dùng đòn tình cảm » kêu gọi phụ nữ Singapore nên xem việc sinh con là một « nghĩa vụ » để bảo đảm sự thịnh vượng kinh tế cho quốc đảo này. Bên cạnh đó thì chính phủ cũng đã đề ra một loạt các biện pháp như là giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ghi danh cho con đi học … cho những gia đình chịu khó sinh con.
Hơn 15 năm sau đó, thủ tướng Ngô Tác Đống đi xa hơn người tiền nhiệm, khi tặng luôn cho các bà mẹ một khoản tiền thưởng có thể lên tới 1500 đô la mỗi lần họ chịu mang nặng đẻ đau. Điều mà nhiều nhà xã hội học coi là một tiến bộ đối với đất nước châu Á này đó là thời gian nghỉ phép để nuôi con được nâng lên thành 8 tuần lễ.
Tới năm 2004, tỷ lệ sinh đẻ trung bình đối với một phụ nữ tại Singapore chẳng những đã không cất cánh mà còn lao tụt xuống hố sâu, xuống còn là 1,26. Chính quyền lại vội vàng kéo dài thời gian nghỉ phép của những bà mẹ sinh con, đang từ 8 lên thành 12 tuần lễ, tăng các khoản trợ cấp gia đình, để khuyến khích các bà mẹ mượn người giữ con, gửi con đi nhà trẻ, giảm thêm thuế mỗi lần trong gia đình có thêm một miệng ăn. Nhưng Singapore lại càng thất vọng khi thấy tỷ lệ sinh nở cứ thấp dần.
Thông thường, một nền kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ sinh đẻ càng có khuynh hướng sút giảm và hệ quả là hiện tượng dân số tại quốc gia này trên đà lão hóa. Đó là trường hợp đang xảy ra tại Nhật Bản và nhiều nước Tây phương với một vài ngoại lệ.
Nước Pháp không khỏi tự hào vì phụ nữ Pháp chịu khó sinh con vào bậc nhất so với các nền công nghiệp phát triển của thế giới, ngang hàng với các nước Bắc Âu. Thụy Điển thường được coi là tấm gương sáng vì nổi tiếng là chịu đầu tư vào nhà trẻ, tạo điều kiện để các bà mẹ vừa có thể đi làm mà vẫn có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Đây cũng là điều dễ hiểu khi biết rằng Thụy Điểm bằng lòng chi ra đến 2% GDP để đầu tư vào nhà trẻ, và dành đến 0,8% tổng sản phẩm nội địa để trợ cấp cho các bà mẹ, nếu họ muốn đi làm bán thời gian hay ở nhà nuôi con.
.
.
Tú Anh - RFI
Chủ nhật 27 Tháng Ba 2011
Bốn ngày sau khi xảy ra trận động đất tại miền đông Miến Điện, các toán cấp cứu vẫn chưa tới được một số làng mạc bị thiên tai. Một nhân viên thiện nguyện, xin giấu tên, e ngại thiệt hại nhân mạng cao hơn con số 74 người chết do chính phủ thông báo.
Theo chính quyền Miến Điện thì trận động đất hôm thứ năm 24/03/2011 vừa qua ở vùng giáp giới với Lào và Thái Lan đã làm 74 người thiệt mạng. Phía Thái lan cũng có một người chết.
Sáu thôn làng của sắc tộc Shan với 15 000 dân bị thiệt hại rất nặng. Nhiều ngôi chùa cổ, trụ sở chính quyền , trường học, nhà cửa của người dân bị sập.
Nhưng còn thiệt hại ở những vùng xa xôi trên núi cao thì hoàn toàn không có thông tin.
Theo AFP, hôm nay, 27/03/2011, bốn ngày sau thiên tai, một nhân viên thiện nguyện bày tỏ lo ngại « số nạn nhân tử vong sẽ tăng thêm ». Lý do là « không ai biết tại những vùng núi hiểm trở có bao nhiêu dân cư, bao nhiêu người thương vong » vì chưa có toán cấp cứu nào đặt chân lên tận nơi.
Còn theo tạp chí The Irrawaddy của đối lập lưu vong, trích lời một nhân viên của Hội Chữ Thập Đỏ địa phương thì số nạn nhân tử vong có thể vượt con số 150 người.
AFP nhắc lại trong vụ bão năm 2008 làm 138 000 người thiệt mang, chính quyền Miến Điện đã tỏ thái độ hoang tưởng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nên đã từ chối sự trợ giúp của quốc tế. Lần này họ không tìm cách che giấu thông tin và dường như đã để cho nhân viên thiện nguyện nước ngoài hoạt động cứu trợ nạn nhân động đất.
.
.
Mai Vân - RFI
Chủ nhật 27 Tháng Ba 2011
Vào hôm nay, 27/03/2011, 27 ngư dân Bắc Triều Tiên trên tổng sổ 31 người trôi dạt vào vùng biển Hàn Quốc hồi đầu tháng 2 đã được hồi hương theo đường biển. Việc trao lại số người này cho Bắc Triều Tiên được xúc tiến sau khi Bình Nhưỡng đã đồng ý nhận lại công dân của mình.
Theo phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Hàn Quốc, số người này đã chinh thức trở về miền Bắc trên chiếc tàu của họ. Sau khi vượt qua đường ranh giới trên biển, họ đã được một chiếc tàu tuần tra Bắc Triều Tiên đến hộ tống.
Xin nhắc lại ngày 05/02/2011, một chiếc tàu Bắc Triều Tiên chở 31 người, trong đó có 20 phụ nữ, do sương mù dầy đặc, đã đi lạc vào lãnh hải Hàn Quốc. Sau khi được phía Hàn Quốc cứu cấp, 4 người đã xin tỵ nạn ở miền Nam.
Việc đưa hồi hương hôm nay là kết quả thương lượng gay go giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Hàn Quốc đã quyết định cho 27 người có nguyện vọng hồi hương trở về. Thế nhưng Bắc Triều Tiên dứt khoát đòi phải Hàn Quốc phải trao trả toàn bộ 31 người. Họ đã tung ra một loạt chiến dịch tâm lý bắt bí, huy động thân nhân những người xin ở lại Hàn Quốc, lên truyền hình kêu gọi những người này về nước.
Phía Hàn Quốc kiên quyết không chấp nhận yêu sách của Bắc Triều Tiên, và mãi đến ngày 15/03 tuần qua, Bình Nhưỡng mới đồng ý nhận số 27 người nói trên, “vì thông cảm với nỗi đau khổ của gia đình đang chờ đợi họ ở nhà".
Bốn người còn lại, theo Seoul, đang làm thủ tục để ở lại Hàn Quốc. Cho đến nay Nhưng Bình Nhưỡng chưa lên tiếng về việc có tiếp tục đòi họ phải trở về nước như từng yêu cầu trước đây hay không.
.
.
.
No comments:
Post a Comment