Saturday, March 12, 2011

TIỂU THUYẾT VS. LỊCH SỬ (Lê Mạnh Hùng)

Lê Mạnh Hùng
Saturday, March 12, 2011

Tiểu thuyết có thể nói lên chân lý chính trị đúng hơn lịch sử.

Một nhà bình luận có lần đặt câu hỏi, muốn hiểu nước Nga thời thế kỷ thứ 19, đọc một cuốn sử nước Nga hay đọc cuốn tiểu thuyết “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Leo Tolstoy cuốn nào tốt hơn? Cuốn sử có thể cho ta những dữ kiện, nhưng Tolstoy có thể làm cho ta thấu hiểu hơn.

Và câu hỏi này bỗng hiện trên đầu tôi khi trên đường đi về Luân Ðôn, tôi ngẫu nhiên đọc một cuốn tiểu thuyết mà người bạn vừa tặng, “Eros dans un train chinois” mà truyện ngắn đầu tiên kể lại chuyến đi của một anh chàng người Pháp tại Trung Quốc dưới thời Mao.

Và quả thật, khi nói đến chính trị cận đại, tiểu thuyết nhiều khi cho người ta một cái nhìn sâu sắc hơn là những bài phân tích chính trị rườm rà. Muốn hiểu vì sao dân chúng Libya nổi dậy chống lại chế độ của ông Muammad Gaddafi chẳng hạn, đọc cuốn truyện In The Country of Men của ông Hisham Matar diễn tả cuộc sống của dân chúng Libya thực hơn biết bao lần bất cứ một bài báo nào của những phóng viên nước ngoài.

Trong những năm qua, các nhà báo phương Tây thường có khuynh hướng mô tả ông Gaddafi như là một nhà độc tài phường tuồng, với những bộ quân phục đầy vẻ hài hước, những bài diễn văn không đâu vào đâu, đội nữ binh tuyển chọn cùng với điều mà một điện tín của bộ Ngoại Giao Mỹ được tiết lộ qua Wikileak mô tả như là cô “hộ lý cá nhân” người Ukraine với thân hình nẩy lửa. Nhưng In The Country of Men nhắc lại cho chúng ta rằng nước Libya của ông Gađdafy là một bi kịch chứ không phải hài kịch. Nó diễn tả lại một cách trung thực cái sự ngột ngạt của cuộc sống dưới chế độ độc tài Libya: những vụ bội phản, bắt bớ, tra tấn, sự méo mó dẫn đến hoài nghi tất cả những quan hệ giữa con người và con người.

Thân phụ ông Matar, một người bất đồng chính kiến và một nhà cựu ngoại giao của Libya đã bị mất tích giữa ban ngày tại Cairo năm 1990 và vẫn có thể còn sống trong một nhà tù nào đó tại Libya. Cuốn tiểu thuyết của ông được xuất bản tại Anh năm 2006 và đã được chọn ứng tuyển giải thưởng Booker, giải thưởng văn chương cao quý nhất của nước Anh.

Thời điểm mà những sự kiện được cuốn sách mô tả là năm 1979 lại là một điều nhắc lại đáng buồn cho thấy nước Libya đã phải chịu đau khổ lâu đến mức nào. Một trong những nhân vật chính trong truyện, một trong những người muốn nổi lên chống lại chế độ và cuối cùng đã thất bại, đã tuyên bố trước khi chết: “Trách nhiệm của chúng ta là phải gọi thẳng những bất công bằng tên thực của nó. Những người hiện nay đang nổi dậy chống ông Gađdafi tại Benghazi, Tobrouk và những nơi khác chắc hẳn cũng nghĩ và nói những điều tương tự.

Khả năng của tiểu thuyết nói lên những bất công và kích động tình cảm người ta có nghĩa là đôi khi lịch sử có thể bị thay đổi bởi một cuốn truyện. Cuốn tiểu thuyết “Chiếc lều của chú Tom” (Uncle Tom Cabin's) đã khơi dậy lòng trắc ẩn của người ta đối với những người nô lệ và những giận dữ đối với chế độ nô lệ vào những năm ngay trước khi xảy ra cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Cuốn “Một ngày trong đời chàng Ivan Denisovitch” (One Day in the Life of Ivan Denisovitch) là bằng chứng xác thật nhất về sự tàn ác của chế độ gulag tại Liên Xô và là một nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi sau này.

Nếu ông Matar là nhà văn diễn tả chính xác nhất cái sự thật của cuộc sống tại nước Libya của ông Gaddafi thì ông Alaa Al Aswany là nhà văn diễn tả rõ nhất những bất mãn bùng bùng sôi ngầm dưới bộ mặt phẳng lặng của Ai Cập dưới trào Tổng Thống Hosni Mubarak trong cuốn “The Yacoubian Building.” Nếu cuốn tiểu thuyết của ông Matar là một bi kịch làm người ta nhỏ lệ, thì cuốn tiểu thuyết của ông Aswany lại là một màn hài kịch khiến người ta cười nhưng cười ra nước mắt. Cuốn sách mô tả một đất nước trong đó những ai tìm cách tiến thân qua những cố gắng lương thiện thì đều bị hắt hủi làm nhục và cuối cùng thất bại, trong khi những kẻ hủ hóa, và có quan hệ chính trị thì thành công. Ðọc “The Yacoubian Building” ta có thể hiểu ngay tại sao quảng trường Tahrir lại đầy những người trẻ tuổi đòi hỏi thay đổi.

Một trong những tiểu thuyết làm cho người ta thấy qua tấm màn màu hồng che phủ nước Ấn Ðộ hiện tại là cuốn “The White Tiger” của Aravind Adiga. Ấn Ðộ những ngày này được ca tụng như là một con cọp đối trọng với con rồng Trung Quốc với những thành ngữ sáo hầu như luôn luôn được đưa ra khi nói đến: một nền kinh tế phát triển nổ bùng, quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, một truyền thống pháp trị, v.v... Nhưng cuốn sách của ông Adiga làm lộ ra những sự tàn bạo, phi pháp và bóc lột người nghèo vốn nằm dưới bộ mặt hào hoa của những biểu ngữ. Nó đã thành công hơn nhiều so với báo chí trong việc nói lên tiếng nói của những kẻ không có tiếng nói.

Chính khả năng của tiểu thuyết cho một tiếng nói cho những kẻ không có tiếng nói đã giải thích tại sao cần phải có một cuốn tiểu thuyết để cho thấy vì sao Ai Cập và Libya bùng nổ trong cách mạng và vì sao dám phiến quân Mao-ít vẫn còn hoạt động mạnh mẽ tại Ấn Ðộ bất chấp một tốc độ tăng trưởng kinh tế lên đến 8-9% một năm.

Biết những chuyện như vậy, thành ra thật đáng buồn khi thấy tại những nơi mà người Việt mình quan tâm nhất lại không thấy có bao nhiêu tác phẩm diễn tả lại những sự thật của xã hội như vậy. Một nhà phê bình Nga lúc gần đây đã than phiền rằng đất nước của Tolstoy, Dostoievsky và Chekhov lúc này không tạo ra được một áng văn nào nổi bật. Nước Nga của ông Putin có vẻ ưa thích những truyện trinh thám giật gân hơn là văn chương hiện thực. Còn tại Trung Quốc và Việt Nam có vẻ như là người ta thích những truyện tình cảm có chút “sex” hơn là những gì đọc phải suy nghĩ nhức đầu.

Nếu những doanh nhân ngoại quốc có đọc cuốn “In The Country of Men” trước khi đổ vào đầu tư tại Libya thì lúc này có thể họ cũng không phải hối hận bao nhiêu. Mong rằng Việt Nam cũng sản xuất ra một tác phẩm tương tự để cho những người Việt và những người nước ngoài đọc trước khi về làm ăn. Ðôi khi tiểu thuyết là con đường tốt nhất để biết được sự thực.
.
.
.

No comments: