Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-03-18
Thời gian qua, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, như về kinh tế, nợ nần, dân số giảm, động đất thỉnh thoảng xảy ra…khiến ảnh hưởng tới vị thế của Nhật từng là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Hiện nay, Nhật lại gặp thiên tai động đất, sóng thần và những vụ nổ nhà máy điện nguyên tử. Câu hỏi được nêu lên là những khó khăn chồng chất như vậy có thể ảnh hưởng ra sao tới vị thế cường quốc của Nhật Bản trên bình diện quốc tế ?
Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, ông Trần Bình Nam, nhà viết bình luận về các vấn đề thế giới và VN sinh sống tại California, Hoa Kỳ nhận xét:
Đây có thể là thiên tai lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, và chắc chắn Nhật đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhật Hoàng Akihito cũng đã lên tiếng với quốc dân Nhật Bản. Việc Ngài lên tiếng rất đặc biệt. Ngài không gần quần chúng nhiều, nhưng theo thủ tục về Nhật Hoàng, Ngài chỉ nói chuyện với quần chúng khi nào có việc hệ trọng thôi. Cho nên chúng ta thấy đây là một việc hết sức quan trọng đối với nhân dân Nhật Bản. Trước những khó khăn như vậy, tôi nghĩ Nhật vẫn có đủ khả năng đứng vững. Và sự kiện này sẽ không thay đổi sức mạnh của Nhật.
Chúng ta nhớ là sau khi bại trận năm 1945, Nhật đã vươn lên một cách dễ dàng và trở thành cường quốc kinh tế đáng nể trên thế giới. Hơn nữa dân Nhật sống trong mối đe dọa hàng ngày về động đất và sóng thần, nên sự chuẩn bị vật chất cũng như tâm lý quần chúng rất kỹ lưỡng.
Do đó tôi nghĩ rằng thiên tai động đất và sóng thần này sẽ không thay đổi vị trí của Nhật Bản trên bình diện quốc tế.
Cách hành xử của TQ
Thanh Quang: Có lẽ một điểm cũng cần được đề cập ở đây là Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra gây hấn, thậm chí xem thường Nhật Bản, thể hiện qua vụ tranh chấp lãnh hải giữa 2 nước ở quần đảo Senkaku, nói theo Nhật, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo ông thì tình trạng khó khăn của Nhật hiện giờ có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ Nhật-Trung trong chiều hướng bất lợi cho Tokyo không ?
Ông Trần Bình Nam: Về vấn đề này thì đúng là gần đây Trung Quốc có thái độ ít thân thiện với Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku. Nhưng trong sự xúc động của thế giới hôm nay trước thiên tai ở Nhật Bản, tôi nghĩ TQ không dại gì mà bày ra một thái độ lợi dụng trong khi Nhật đang gặp khó khăn.
Có một số việc mà TQ đã làm như sau khi thiên tai xảy ra ở Nhật, TQ đã cung cấp phương tiên để di chuyển khoảng 3 ngàn người TQ trú ngụ và làm việc ở nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất. Cho nên tôi thấy trước mắt TQ không tính chuyện khai thác khó khăn của Nhật Bản, mà có thể họ tính 2 việc, ngoài chuyện giúp di tản dân chúng của họ thì họ có vài biện pháp để giúp Nhật Bản về tài chính và dân sự. Thí dụ như TQ đã hứa mua trái phiếu để Nhật có tiền trong lúc này, và hứa tặng cho Nhật Bản 20 tấn xăng và dầu diesel.
Thủ tướng TQ cũng cho biết sẵn sàng cho toán cứu trợ sang Nhật khi Tokyo yêu cầu. Đó là vấn đề TQ giúp đỡ Nhật về nhân sự và vật chất. Vấn đề thứ 2 là TQ đương nhiên phải nghĩ tới là khi thấy biến cố xảy ra ở Nhật, họ cũng phải đặt câu hỏi rằng thiên tai như vậy có thể xảy ra ở chính TQ hay không. Nên TQ lo tăng cường các biện pháp chống động đất và sóng thần trong giai đoạn hiện nay cũng như lâu dài.
Tóm lại tôi nghĩ rằng trong lúc này, TQ không làm khó Nhật Bản khiến mối quan hệ Nhật-Trung - và cả Mỹ-Trung - căng thẳng. Đã đành trong một thế giới tranh chấp nhau thì khổ nạn của nước này là nguồn vui của nước khác. Nhưng nếu có thái độ như vậy thì phải giấu đi một chút và hành xử một cách văn minh.
Thanh Quang: Trước tình cảnh của Nhật hiện giờ, ông nhận xét như thế nào về triển vọng phục hồi vị thế “thời vàng son” của Xứ Phù Tang, nhất là so với thế đang lên của Bắc Kinh. Liệu chuyện Nhật Bản từng ở thế khống chế Trung Quốc, từ đây trở đi, sẽ chỉ là chuyện quá khứ không ?
Ông Trần Bình Nam: Thật ra thì Nhật Bản đã từ bỏ ý khống chế TQ sau khi bị Hoa Kỳ đánh bại trong trận Thế Chiến Thứ Hai. Và từ đó họ lo phát triển kinh tế. Nhất là vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, cách đây 20 năm khi TQ bắt đầu bước vào ngưỡng cửa siêu cường, thì Nhật Bản lại càng không hề có ý định khống chế TQ. Nhật Bản muốn làm sao giữ 1 tư thế để TQ không bắt nạt được mình mà thôi. Điều này chúng ta thấy rõ là qua vụ đụng độ nhau ở đảo Senkaku, TQ hiểu được thông điệp của Nhật. Tôi nghĩ thế đứng của Nhật đối với TQ sẽ không thay đổi một cách căn bản sau thiên tai này.
Thanh Quang: Có một nước khác trong khu vực mà lâu nay Tokyo cũng phải canh chừng, đó là Bắc Hàn. Thưa ông, trong tình cảnh khó khăn của Nhật Bản hiện giờ thì Bắc Hàn có thể là mối đe dọa gì thêm nữa cho Tokyo không?
Ông Trần Bình Nam: Bắc Hàn thì ai cũng biết rất là “mọi rợ” - tôi dùng chữ “mọi rợ” trong ngoặc kép – và có thái độ không ai tiên đoán được. Nhưng có gì đi nữa mình nghĩ họ không đến nỗi mất khôn để lợi dụng tình hình ở Nhật mà gây hấn. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn Nhật Bản, Hoa Kỳ và ngay cả TQ và Liên Bang Nga, nếu để một con mắt vào chuyện giúp đỡ cho Nhật Bản thì con mắt kia họ cũng theo dõi những động thái của Bắc Hàn.
Hoa Kỳ cần cảnh giác
Thanh Quang: Nhân đây, cũng xin hỏi ông vấn đề liên quan Hoa Kỳ và VN, là vụ động đất và sóng thần tại Nhật Bản có đáng làm cho Hoa Kỳ và Việt Nam lo ngại không ?
Ông Trần Bình Nam: Có chứ. Tôi nghĩ là dĩ nhiên Hoa Kỳ và VN đều rất lo ngại. Và họ có sự lo ngại riêng của từng nước. Tôi ghi nhận là báo chí và truyền hình Hoa Kỳ nói rất nhiều tới thiên tai tại Nhật Bản, nhất là tác hại của sóng thần cũng như vụ nổ lò nguyên tử của Nhật Bản. Vì bên kia bờ Thái Bình Dương là Nhật và bên này bờ biển là California, cho nên Hoa Kỳ cũng rất lo ngại những ảnh hưởng của thiên tai này đến vùng đất California.
Về sóng thần thì chúng ta biết chỉ cần 10 giờ sau trận động đất ở Nhật Bản, đợt sóng thần đầu tiên đã tới California dĩ nhiên với cường độ yếu đi nhiều nên không gây tổn thất bao nhiêu, nhưng cũng có tổn thất về nhân mạng. Hiện nay, Hoa Kỳ còn một mối lo nữa là nếu những lò nguyên tử ở Nhật bị chảy, cái tâm của nó chảy mà người ta gọi là meltdown, thì phóng xạ toả ra ngoài không khí rồi lên cao và có thể bị gió thổi băng qua Thái Bình Dương, thì có thể ảnh hưởng Hawaii trước hết rồi tới California.
Nhưng nói chung tôi thấy báo chí Hoa Kỳ dè dặt và các giới chức Mỹ cũng không muốn báo động làm cho dân chúng California hốt hoảng.
Họ có tâm lý là xem lục địa Hoa Kỳ là vùng đất ưu đãi của thiên nhiên nên họ thường ít lo trước biến cố thiên tai vì nghĩ rằng nó khó có thể xảy ra trên đất nước này. Vì vậy người Mỹ có một tâm lý là không chuẩn bị cho thiên tai như người Nhật chuẩn bị. Nên nếu 1 thiên tai tương tự như tại Nhật Bản mà xảy ra ngoài khơi bờ biển California thì tôi nghĩ sẽ tạo nên 1 sự hốt hoảng và tổn thất tại Hoa Kỳ sẽ lớn hơn Nhật nhiều.
Họ có tâm lý là xem lục địa Hoa Kỳ là vùng đất ưu đãi của thiên nhiên nên họ thường ít lo trước biến cố thiên tai vì nghĩ rằng nó khó có thể xảy ra trên đất nước này. Vì vậy người Mỹ có một tâm lý là không chuẩn bị cho thiên tai như người Nhật chuẩn bị. Nên nếu 1 thiên tai tương tự như tại Nhật Bản mà xảy ra ngoài khơi bờ biển California thì tôi nghĩ sẽ tạo nên 1 sự hốt hoảng và tổn thất tại Hoa Kỳ sẽ lớn hơn Nhật nhiều.
Cũng cần nói thêm điểm này, là các nhà địa chấn học Hoa Kỳ nghiên cứu các đường nứt tại California và đã tiên đoán 1 trận động đất lớn tới 8 độ Richter có thể xảy ra từ San Francisco xuống San Diego trong khoảng 30 năm tới. Nhưng hình như dân chúng nghe chuyện này thì họ bỏ ngoài tai, không quan tâm nhiều. Tôi nghĩ giới hữu trách Liên Bang Hoa Kỳ cần đặt nặng vấn đề cảnh giác quần chúng. Hoa Kỳ thì có phương tiện cảnh báo tối tân, nhưng vấn đề chuẩn bị tâm lý là vấn đề rất quan trọng.
Nhìn về VN
Thanh Quang: Tình trạng chống động đất tại VN khá thô sơ, và chống sóng thần lại càng thô sơ hơn nữa. Theo ông thì nhà cầm quyền VN cần chuẩn bị gì trước một thiên tai như vậy?
Ông Trần Bình Nam: VN là nước bị bão lụt hàng năm, và trong thế kỷ 20 vừa qua chiến tranh liên miên trên đất nước. Cho nên dân chúng VN rất ý thức về thiên tai và thảm hoạ. Nhưng VN lại không có khả năng trang bị hệ thống báo động và phòng chống thiên tai, nhất là như 2 nước vừa đề cập trong khi thái độ của dân chúng và ngay cả chính quyền hình như “tới đâu thì hay đó”.
Thực ra VN ít lo những trận động đất tới 7 hay 8 độ Richter xảy ra trong đất liền, nhưng VN không thể gạt bỏ giả thuyết là một trận động đật như ở Nhật mới đây sẽ xảy ra ngoài biển Đông và sóng thần đánh vào bờ biển VN. Trong trường hợp đó, các thành phố như Hạ Long, Hải Phòng, Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Rạch Giá, Hà Tiên.v.v…, chưa kể hàng loạt thị trấn nhỏ khác nằm dọc ven biền từ Bắc xuống Nam, đều bị quét ra biển.
Với giả thuyết đó thì việc cảnh giác sóng thần là một việc cần sự quan tâm cấp thời của chính phủ VN và cần đầu tư tiền bạc vào các chương trình phát hiện sóng thần để kịp cảnh báo cho dân chúng, và cần có chương trình huấn luyện dân chúng ở các thành phố ven biển. Nếu chưa có phương tiện báo động tối tân thì ít nhất cần chuẩn bị tâm lý quần chúng, hướng dẫn họ biết cần làm những gì tối thiểu cho bản thân và gia đình cũng như giúp đỡ đồng bào ruột thịt. Tôi nghĩ điều tốt nhất là VN lúc này cần học văn hoá chịu đựng và giúp nhau của người Nhật.
Thanh Quang: Cảm ơn chuyên gia Trần Bình Nam.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment