Lạc Việt (danlambao)
.
Lâu nay không ngày nào mà không nghe chuyện rùa, từ trang nhất tất cả các tờ báo đến các diễn đàn nho nhỏ. Hình ảnh 1 con rùa già yếu, thân mình đầy thương tích ngoi lên khỏi mặt nước bẩn thỉu quả thật không thể gợi chút gì đẹp đẽ. Người xót thương đã lắm, người bình luận càng nhiều, người tò mò thì vô thiên lủng. Hàng trăm bài viết tường thuật, hàng ngàn lời bình luận, hàng vạn hình ảnh đủ mọi góc cạnh đã được khai thác.
Tất cả những điều ấy biến thành một “cơn sốt rùa”. Có lẽ không phải vô cớ mà nhà nước Việt Nam thổi bùng sự kiện lên một mức không bình thường như thế. “Cơn sốt rùa” đã nhấn chìm cả một cuộc cách mạng tầm cỡ thế giới là cách mạng hoa nhài bên Bắc Phi và Trung Đông trên truyền thông “lề phải”. Họ đã phải lập cả một Hội đồng gồm 10 ban ngành với đủ loại chuyên gia để bàn bạc, tìm phương án “giải cứu cụ Rùa”, cái hội đồng này đã phải xây dựng cả những phác đồ điều trị nhiều bước. Không ai phủ nhận cá thể rùa ở Hồ Gươm là một sinh vật quý hiếm sắp bị tuyệt chủng cần phải bảo vệ. Nhưng tại Việt Nam, không chỉ loài rùa này sắp tuyệt chủng mà còn hàng chục loài thú quý hiếm khác đang trên đà tuyệt chủng bởi những bàn tiệc của các đại gia.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc cứu rùa là việc cần làm ngay, ít nhất cũng để cho hàng vạn người tôn sùng rùa yên tâm sống và làm việc. Đấy, cứ ra hồ Gươm xem, biết bao nhiêu con người đang bu đông, bu đỏ quanh hồ ngày này sang ngày khác chỉ để chú mục xuống hồ, thậm chí đám đông hàng ngàn người còn chạy theo cả cây số để xem rùa. Bao nhiêu công lao động lãng phí rồi? Bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu phương án đưa ra… là bao nhiêu “chất xám” mà lẽ ra có thể dùng vào việc cứu dân khỏi đói. Hoặc ít nhất để cứu cái hồ Gươm bớt bẩn thỉu.
Cũng nhân dịp “sốt rùa” dạo này, câu chuyện về một con rùa khác cũng ở hồ Gươm mới được kể lại. Dạo ấy (năm 1967) có lẽ nước hồ Gươm chưa ô nhiễm như bây giờ và con rùa chết (hiện còn giữ làm tiêu bản trong đền Ngọc Sơn) chẳng phải vì bom đạn Mỹ mà vì cú phóng xà beng của 1 nhân viên Sở quốc doanh đánh cá. Chẳng biết mối quan hệ giữa hai con rùa là thế nào, là anh em, cha con, bạn bè hay vợ chồng, nhưng xem ra số phận cả hai đều bi thảm như nhau. Không bi thảm sao được trong khi 10 sở ban ngành họp hành, bàn bạc tốn hàng đống tiền, trong khi cách đấy không xa, một bát phở của quan chức giá 750.000đ thì con rùa già, trung tâm của một sự kiện lớn lại phải ăn xác mèo chết. Giá mà con rùa bị chết vì một cây xà beng có khi lại yên thân hơn. Có khác chăng, con rùa chết năm xưa không được gọi bằng cụ (!).
Lại nói về chuyện gọi rùa bằng cụ. Chẳng biết từ bao giờ người ta thay đổi đại danh từ để tôn xưng một cách hết sức cung kính con rùa già này? Nói là vì rùa là linh vật trong truyền thuyết, trong tâm linh, tín ngưỡng dân gian ư? Thế thì sao con rùa trong đền Ngọc Sơn không được gọi bằng cụ, hay phân biệt đối xử do tuổi tác? Chẳng ai trả lời được. Chuyện rất buồn cười là một cụ “đại trí thức” là cụ Vũ Khiêu đã tỉ mẩn đếm từng lần “cụ rùa” nổi lên và gán cho việc ấy vào những lần sự kiện lớn của đất nước, của Hà Nội. Nào là dịp Đại hội Đảng, nào là dịp Hồ Cẩm Đào sang thăm, nào là dịp Ngàn năm Thăng Long… (còn dịp TT Mỹ Bill Clinton và Geogre Bush sang thăm Việt Nam thì “cụ” không thèm nổi lên). Cụ Vũ Khiêu già yếu lẫn cẫn gọi rùa bằng cụ thì cũng được đi, nhưng bao nhiêu phóng viên trẻ, giỏi, minh mẫn cũng bắt chước tôn xưng theo để hướng dư luận đồng thanh gọi là “cụ rùa” thành chuyện khôi hài. Tôi đồ rằng đây là cú chơi khăm rất ư tinh quái của cụ sĩ phu Bắc Hà – Vũ Khiêu.
Rùa đã biến thành thần như thế, trong một chính thể cộng sản thuần duy vật như Việt Nam (ít ra là do họ tự nhận) thì từ sinh vật hóa thành thần linh lẽ ra chỉ nằm trong truyền thuyết. Có người bình luận: “Nếu cụ rùa là thần linh thật, có lẽ đã hiển hiện vặn cổ khối thằng quan chức rồi”. Thôi, cứ coi như rùa sống lâu nên gọi bằng cụ. Thử tra tuổi thọ của rùa, thấy Google tiếng Việt giải đáp: “Rùa là loài động vật có xương sống với tuổi thọ cao nhất trên thế giới. Chú rùa Harriet sống ở đảo Galapagos đã chết vào năm 2006 ở tuổi 175. Kỷ lục của loài rùa là Adwaita, rùa khổng lồ trên đảo Galapagos thọ 250 tuổi”. Xét như vậy, cụ rùa nhà ta chỉ là hậu duệ của Thần Kim Quy, hậu duệ của con rùa trả gươm cho Lê Lợi (nếu có). Rùa sống lâu thì đã hẳn, nhưng không cứ sống lâu thì thành thần. Mà thần cũng có lắm loại thần, có phúc thần và có cả ác thần. Có hỷ thần báo tin vui và có thần báo điềm gở. Những lần Thần Rùa nổi lên gần đây chắc chắn không thể gọi là báo tin vui được.
Tôi nghĩ, không nên xưng tụng, tôn vinh “cụ rùa” lên hàng thần thánh được. Chỉ nên xem rùa như một biểu tượng (quốc thú chẳng hạn) của một chính thể. Thì đấy, các nước lân bang, láng giềng đã tiến vù vù, dân giàu nước mạnh, dân chủ tự do… Riêng Việt Nam cứ ì ạch lê bước, gặp phải biến chuyển đã vội vàng co đầu rút cổ vào mai cho an toàn, ổn định. Những tư tưởng vĩ đại đã khai sáng, đã đổi thay bao nhiêu dân tộc vào đến Việt Nam đều chạm vào cái mai rêu phong của rùa và trượt đi mất tích. Môi trường nước hồ Gươm ô nhiễm, bao năm ứ đọng không lối thoát tương tự như cái xã hội băng hoại về đạo đức, về lối sống hiện nay. Thì đấy, đại hội của một tập thể tự xưng là dẫn dắt dân tộc vẫn cứ “kiên trì” cố sống, cố chết bám vào một thứ chủ nghĩa thiên hạ đã vứt đi từ lâu, chỉ vì “con rùa chính thể” đã kiệt quệ, thêm vào đó còn bị thứ rùa tai đỏ Trung Quốc bám vào rỉa rói đến lở loét.
Nhân đây, tôi cũng thử bàn chơi về vụ “cụ rùa xơi mèo chết” cho vui. Năm nay là năm Tân Mão, chữ “tân” ở đây có nghĩa là cay đắng (tân khổ). Mão là mèo thì ai cũng biết rồi. Tân Mão sẽ là một năm mèo đầy cay đắng, vừa qua tết xong là kinh tế bất ổn, giá cả tăng chóng mặt, người dân đang cay đắng móc hầu bao ra trả những khoản tiền bất đắc dĩ. Công nhân lực lượng chính của nền công nghiệp đang méo mặt vì lương không đủ sống, đình công, lãn công, nghỉ việc là chuyện không tránh khỏi. Năm Mão năm nay đúng là năm “mèo chết”. Con “rùa chính thể” già nua, bệnh tật đã ăn hết, đã ăn đến mọt ruỗng tài nguyên đất nước, bây giờ chỉ còn cái xác con mèo chết cũng phải ăn để thoi thóp sống. Tất nhiên cái cơ thể đã già nua, bệnh tật xơi xong món mèo chết e rằng khó sống lâu.
Thử tưởng tượng, vào một ngày đẹp trời như 30/04 hay 2/9 gì đó, “Bỗng đâu sét đánh ngang tai, rùa đang thoi thóp chuyển sang từ trần”. Lúc ấy, dù có gia công ướp xác, xong xây một cái lăng hoành tráng, đặt thêm một bộ tư lệnh bảo vệ lăng thì rùa đã thối mục. Và nhân dân bàng hoàng phát hiện, rùa không bất tử, cũng chả phải thần thánh.
Đây chính là cơ hội để thanh lọc nước hồ khỏi ô nhiễm và giải hoặc những truyền thuyết mê muội nhân dân bao năm. Mong lắm thay.
Lạc Việt
---------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment