Thursday, March 17, 2011

ÔNG VÕ LONG TRIỀU RA HỒI KÝ TẬP II (Người Việt)

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Wednesday, March 16, 2011 4:11:39 PM

Ông Võ Long Triều du học Pháp từ năm 1951 đến 1961, tốt nghiệp kỹ sư Trường Quốc Gia Canh Nông Paris, Grignon. Ông nguyên là Tổng trưởng Thanh Niên Nội Các Chiến Tranh Việt Nam Cộng Hòa từ 1966 đến 1967; Dân biểu Quốc Hội từ 1971 đến 1975, và là Chủ nhiệm Nhật báo Ðại Dân Tộc

Ông Võ Long Triều. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Sau 1975, ông bị Cộng Sản cầm tù 11 năm, sau đó ông sang Pháp sống từ 1991 đến 1997 và làm biên tập viên phát thanh cho Ðài RFI; ông hiện sống tại Fresno-California và tiếp tục viết báo. Ông cũng từng là nhà bình luận trên các đài truyền hình SBTN và VHNTV.

Hồi Ký Tập II của ông Võ Long Triều sẽ ra mắt độc giả tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu, Nhật Báo Người Việt, lúc 2 giờ chiều 26 tháng 3, 2011.

Nhân dịp ra mắt Hồi Ký Tập II, Người Việt giới thiệu đến quý độc giả bài phỏng vấn sau, do phóng viên Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.

-Ðinh Quang Anh Thái (Người Việt):
Hồi Ký Tập 2 của ông viết về Ðệ Nhị Cộng Hòa và những năm ông bị tù cộng sản; riêng về sinh hoạt chính trị của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa, ông nhận định ra sao?

-Ông Võ Long Triều:
Một cách tổng quát, giai đoạn những năm từ 1965 đến 1975, dù là chiến tranh rất khốc liệt, sinh hoạt xã hội và chính trị có tự do. Tôi đưa một chứng cứ, khi tôi ra ứng cử dân biểu tại tỉnh Bến Tre, đích thân Tổng Thống Thiệu đi trực thăng xuống tận tòa tỉnh và ra lệnh cho Ðại Tá Tỉnh Trưởng Phạm Chí Kim, rằng ai đắc cử cũng được, ngoại trừ Võ Long Triều; vậy mà tôi vẫn đắc cử. Bằng cớ thứ hai, báo Ðại Dân Tộc do tôi làm chủ nhiệm là báo đối lập chính quyền, và thời đó có luật kiểm duyện báo chí vì thời chiến, vậy mà Ðại Dân Tộc vẫn có số phát hành nhiều nhất so với các báo khác.

-Người Việt:
Báo chí thời đó chỉ trích Tổng Thống Thiệu “độc diễn” trong cuộc tái tranh cử năm 1971 và đàn áp báo chí; xin nghe ý kiến của ông về vấn đề này?

-Ông Võ Long Triều: Tôi xác nhận ông Thiệu có đàn áp báo chí nhưng chỉ tịch thu báo thôi chứ không bắt bớ ai hết. Hồi đó ký giả xuống đường biểu tình chống ông Thiệu mà có ai bị bắt đâu. Còn chỉ trích ông Thiệu độc diễn thì không đúng sự thật, vì nhiệm kỳ đầu, nhiều liên danh ra tranh cử, và kết quả liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ thắng cử. Riêng cuộc bầu cử tổng thống năm 1971, liên danh Dương Văn Minh-Hồ Văn Minh rút lui vào giờ phút chót, liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Trần Văn Hương vẫn tiếp tục tranh cử nên báo chí mới chỉ trích đó là độc diễn.

-Người Việt:
Những nhân vật lãnh đạo thời Ðệ Nhị Cộng Hòa như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Thủ Tướng Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và tổng thống cuối cùng của miền Nam là Ðại Tướng Dương Văn Minh, nhận định của ông ra sao?

-Ông Võ Long Triều: Một cách thật vắn tắt, theo tôi, ông Nguyễn Văn Thiệu là người lo cho bản thân mình hơn là thương dân tộc đất nước và lúc nào cũng lo nghĩ người Mỹ muốn gì để nương theo ý Mỹ.

Ông Nguyễn Cao Kỳ là người có lòng với đất nước, “muốn đội đá vá trời” nhưng tính khí bốc đồng, không hiểu biết nhiều về chính trị nên bây giờ mới có những hành động và lời nói phản bội lại chính mình và đồng đội từng một thời sát cánh với ông bảo vệ miền Nam.

Phần ông Trần Văn Hương, tôi cho rằng ông là người không thành thật, bị thời cuộc đưa đẩy vào chính trường mà không hiểu chính trị; lúc tuổi đã già, dường như ông Hương muốn cố làm điều gì để lưu danh, sẵn sàng đổi chác danh dự và lập trường để lấy quyền lợi và danh vọng cho cá nhân mình. Tôi có nói rõ về ông Hương trong cuốn Hồi Ký II.

Ông Trần Thiện Khiêm thì tôi đã viết thẳng thừng trong sách của tôi: ông tượng trưng cho con “lươn lùi,” trơn trượt không mích lòng ai, miễn sao giữ được vị thế và chức vụ của mình.

Riêng Ðại Tướng Dương Văn Minh, như tôi đã viết trong Hồi Ký Tập I và nhắc lại trong Hồi Ký Tập II, ông là người tượng trưng cho sự thất bại.

Người Việt: Dường như ông chê tất cả các tổng thống, phó tổng thống, và cả thủ tướng của Ðệ Nhị Cộng Hòa. Vậy, đánh giá bản thân mình, ông nói gì?

Ông Võ Long Triều:
Dấn thân vào chính trường miền Nam, trong cả hai quyển hồi ký, tôi đã nhận trách nhiệm của mình trong việc đất nước bị tàn phá như ngày nay. Tôi ví bản thân tôi như hạt cát trong sa mạc chính trị miền Nam. Tôi đã không làm được gì ích dân lợi nước, thì bây giờ oán trách ai đây.

-Người Việt: Nhiều cuốn hồi ký của những người có vai vế thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa đều có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác về biến cố 30 tháng 4, 1975 khiến miền Nam rơi vào tay cộng sản; riêng ông thì sao?

-Ông Võ Long Triều:
Tôi chưa hề đọc một cuốn hồi ký nào của những người có vai vế thời hai nền Cộng Hòa; nhưng bản thân tôi, trong cả hai cuốn hồi ký của tôi, tôi đều xác nhận việc mất miền Nam vào tay cộng sản có phần trách nhiệm của tôi. Vì dù sao đi nữa, tôi từng là một tổng trưởng của Nội các Chiến tranh, một dân biểu Quốc Hội và tham gia sinh hoạt chính trị từ khi học ở Pháp về năm 1961 đến tháng 4, 1975.

-Người Việt: Sau năm 1975, ông bị giam cầm 11 năm, nếu tóm tắt những năm tháng nghiệt ngã đó, ông sẽ nói gì?

-Ông Võ Long Triều:
“Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Tôi nằm trong khu giam giữ tù nhân bị tội tử hình, tôi luôn bị ám ảnh không biết chừng nào mình bị đem đi hành quyết nên con người tôi trở nên chai đá và xem như đã chết một lần. Còn sống tới nay, phần đời còn lại, tôi coi là một trò chơi.

-Người Việt: Cho tới nay, thời gian có làm vết thương bị đầy ải khâu miệng?

-Ông Võ Long Triều:
Tôi là người Công Giáo, trong thời gian bị tù tôi luôn đọc Kinh Lạy Cha để tâm niệm trong tinh thần Chúa dạy, rằng phải tha thứ cho những kẻ đầy ải tôi; nhưng đạt được tâm tình này không dễ. Ý nghĩ phải tha thứ cho kẻ thù đã dằn vặt tôi nhiều năm trời và tiếp tục ám ảnh tôi tới bây giờ. Ngay bây giờ, tôi chỉ có thể nói, tôi tha thứ nhưng vết thương bị tù đầy thì tôi không thể nào quên được.

-Người Việt:
Giới lãnh đạo Cộng Sản Hà Nội vẫn đang tiếp tục kêu gọi hòa hợp dân tộc và một số người từng giữ vai trò quan trọng của miền Nam trước 1975 đã nghe theo họ; riêng ông, ông có tin người cộng sản không?

-Ông Võ Long Triều:
Một số sự kiện lịch sử, Hiệp Ðịnh Genève 1954, ngưng bắn Tết Mậu Thân 1968, Hiệp Ðịnh Paris 1973, cộng sản ký kết nhưng không tôn trọng; không những thế, họ còn lợi dụng thời cơ để đạt mưu đồ xâm chiếm miền Nam. Làm sao tôi tin họ được. Vả lại, muốn hòa hợp thì trước tiên phải hòa giải. Ðâu có khi nào chúng ta thấy người cộng sản dùng hai chữ “hòa giải”? Cái trò dùng chiêu bài “hòa hợp để xây dựng đất nước” là một sự lừa bịp ngây ngô.

-Người Việt:
Ông có tâm tình nào muốn nói thêm nhân dịp sắp ra mắt Hồi Ký Tập II của ông?

-Ông Võ Long Triều:
Năm nay tôi ở tuổi xấp xỉ 80 mươi, tuổi hoàng hôn của một đời người, tôi thấy cộng sản đã làm băng hoại dân tộc mình hơn nửa thế kỷ qua từ 1945 đến 2011, chúng ta cần phải nhìn tới tương lai, nghĩa là cần vun xới cho tuổi trẻ, lớp người đang tới.

-Người Việt:
Cám ơn ông đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này.
.
.
.

No comments: