Hồng Quang
Friday, 04 March 2011 00:58
Cali Today News - Trong cuộc sống bùng nổ tin tức như ngày nay, ít khi chúng ta có một phút lắng lòng để cám ơn các ký giả, nhất là các phóng viên truyền hình. Họ luôn có mặt trên tuyến đầu, trên ‘đầu sóng ngọn gió’, đương đầu với bao gian nguy để mang đến cho người xem nhũng thước phim tài liệu hết sức quý giá. Có người đã phải trả bằng sinh mạng.
Mỗi năm vẫn có nhiều chục, có năm là hàng trăm ký giả tử nạn khi đang làm việc trên khắp thế giới, nhưng chúng ta sẽ còn quặn đau hơn khi biết các ký giả đó là các ‘bông hồng có gai’, đã rụng rơi vì lý tưởng nghiệp vụ.
Vụ mới nhất là cô Lara Logna xinh đẹp và ‘không biết sợ là gì’ của CBS, may mắn là cô còn sống và đang hồi phục. Cô đã bị một đám đông tấn công, đánh đập và hãm hiếp khi đưa tin về cuộc cách mạng ở Ai Cập trong tháng 2 trên Quãng Trường Tahrir. Chính một nhóm phụ nữ Ai Cập đã cứu cô và binh sĩ Ai Cập đến kéo cô lên xe an toàn.
Anna Politkovskaya không may mắn như thế. Nữ phóng viên chiến trường Chechen nổi tiếng thế giới vì dám công kích chính sách quá cứng rắn của ông V. Putin ở vùng này. Năm 2006, cô bị giết trong một vụ có vẻ là một ám sát và nhiều người Nga vẫn còn thương tiếc cô.
Atwar Bahjat là nữ ký giả duy nhất có mặt để đưa tin tại thành phố Najaf, Iraq trong lúc các cuộc đụng độ nổ ra ác liệt năm 2004. Năm 2006, cô bị bắn chết tại thành phố Samarra, khi cô cố gắng đưa tin về vụ đánh bom đền vàng Golden Mosque làm mối phân chia giữa hai cộng đồng Shiite và Sunni lớn rộng hơn bao giờ hết.
Tsering Woeser, nữ ký giả Tây Tạng trí thức và gan lì. Cô cho xuất bản tập ký nhan đề “Notes on Tibet” năm 2003. Lập tức cô bị chính quyền Trung Quốc bắt giải về Bắc Kinh và ra lệnh phải vào ‘trại cải tạo’, sau đó cô luôn bị quản thúc tại nhà. Woeser vẫn can đảm viết bài về phong trào phản kháng của người dân Tây Tạng gửi ra ngoài.
Chouchou Namegabe là một nữ ký giả truyền thanh tự học đã can đảm tố cáo hai phương cách chiến thuật trong chiến tranh là cưỡng hiếp và tra tấn. Cô đã cho phát thanh nhiều bài phỏng vấn các nạn nhân là nhân chứng ở Congo và hiện nay phải sống dưới sự đe dọa thường xuyên ở đây.
May Chidiac, một nữ ký giả TV hàng đầu của Lebanon và luôn chỉ trích bàn tay can thiệp của Syria vào Lebanon. Năm 2005, sau một âm mưu sát nhân hèn hạ, cô mất một cánh tay và cụt chân và bị phòng nặng toàn thân, nhưng vẫn ở lại cương vị làm việc cho đến lúc về hưu năm 2009. Một tấm gương can đảm hiếm có.
Gaulima Bukharbaeva là một nữ ký giả gan lì khác của Uzbekistan. Có một lần cô bị bắn từ phía sau nhưng may mắn viên đạn chỉ cắm vào túi đeo lưng và xuyên qua quyển sổ tay dầy cộm. Những bài viết tố cáo chủ nghĩa độc tài của xứ sở cô khiến cô bị xem là ‘kẻ phản bội’.
Jila Baniyaghoob là gương mặt báo chí tranh đấu ở Iran, đất nước có chế độ kiểm duyện gắt gao giới truyền thông, mặc dù cô chỉ bênh vực cho nữ quyền. Năm 2007 cô bị bắt giải vào nhà ngục khét tiếng Evin của Tehran. Sau đó ra tù cô viết một quyển sách trứ danh tố cáo khu trại giam dành cho phụ nữ ở đây.
Farida Nekzad, nữ ký giả nổi tiếng bênh vực tự do phát biểu và nữ quyền của Afghanistan. Cô thường xuyên nhận các lời hăm dọa giết chết. Có lần cô bị bắt cóc, nhưng đã khéo léo tìm cách nhảy từ phía sau một chiếc xe bắt cô đang chạy lăn xuống đất!
Claudia Julieta Duque, nữ ký giả chuyên viết các phóng sự điều tra về ma túy trong “đất nước nguy hiểm nhất thế giới về việc làm này là Columbia”. Cô thoát không biết bao nhiều lần các vụ đột nhập vào nhà, mưu toan bắt cóc, hăm dọa thủ tiêu. Có 3 lần cô bị chính phủ Columbia ép phải di cư sống ở xứ khác, lần nào cô cũng quay về!
.
Đó là những phụ nữ xứng đáng cho nhân loại cảm phục và mang ơn. Họ đã chứng tỏ không thua đàn ông trong một địa hạt hết sức dữ dằn gian nan là tranh đấu chống lại bao thế lực hắc ám, chỉ vì muốn bênh vực quyền tối thượng của con người là quyền tự do lên tiéng…
Hồng Quang
.
.
.
No comments:
Post a Comment