Monday, March 21, 2011

NHỮNG LỢI THẾ CỦA MỘT TRUNG QUỐC BIẾT KHẲNG ĐỊNH (Thomas J. Christensen)

Thomas J. Christensen, Foreign Affairs, số tháng Ba/tháng Tư 2011
(Đáp lại chính sách ngoại giao thô bạo của Bắc Kinh)

Trần Ngọc Cư dịch
21/03/2011

Trong bài tiểu luận sau đây, giáo sư Thomas J. Christensen, một cựu viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, tìm cách lý giải thái độ hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt trong năm 2010, đối với các nước láng giềng và đối với Mỹ. Ông gọi đó là một Trung Quốc thiếu tính quyết đoán – thiếu quyết đoán vì chính phủ TQ đã chịu những lực tác động gần như nằm ngoài sự kiểm soát và dự kiến của mình.
Bauxite Việt Nam

-------------------------------

Trong vòng hai năm qua, do hành động đi ra ngoài chính sách trấn an thế giới mà Bắc Kinh bắt đầu theo đuổi vào cuối thập niên 1990, Trung Quốc (TQ) đã làm tổn thương quan hệ với hầu hết các nước láng giềng và với Mỹ. Khắp vùng Đông Á và ngay tại thủ đô Washington, mối ngờ vực đối chính quyền Bắc Kinh được biểu hiện rõ rệt. Các nhà quan sát cho rằng TQ đã trở nên quyết đoán hơn, bằng cách duyệt xét lại đại chiến lược (grand strategy) của mình nhằm phản ánh sự trổi dậy trong tư thế một đại cường trước sự suy yếu của Hoa Kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008. Thật ra, những chính sách phản tác dụng của TQ đối với các quốc gia láng giềng và đối với Hoa Kỳ cần được hiểu như là những phản ứng thủ cựu chứ không phải có tính khẳng định do mạnh dạn tự tin và đầy sáng kiến. Thái độ hung hăng mới đây của Bắc Kinh bắt nguồn từ một ý thức về sự vươn dậy được phóng đại của TQ trong tư cách một cường quốc toàn cầu và từ một cảm thức bất ổn chính trị nội bộ khá nghiêm trọng. Kết quả là, các nhà làm chính sách TQ trở nên cực kỳ nhạy cảm trước những chỉ trích của các nhóm dân tộc chủ nghĩa và trở nên cứng cỏi hơn – đôi khi thậm chí cao ngạo – trong cách phản ứng lại những thách thức mà TQ cho là đến từ nước ngoài.
Một loạt các cuộc đối đầu gần đây và các hành vi ngoại giao cứng rắn chắc chắn có vẻ khác biệt một trời một vực với chiến lược trước đó của TQ, được hoạch định trong thập niên 1990, về một “sự vươn dậy hòa bình”, đặt trọng tâm trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và xây dựng lòng tin đa phương trong một nỗ lực trấn an các nỗi sợ hãi của các quốc gia láng giềng trong khi TQ đang vươn lên địa vị một đại cường. Những ví dụ về sự thô bạo gần đây của TQ thì nhiều lắm. Năm 2009, các tàu TQ đã sách nhiễu một tàu không vũ trang của Hải quân Hoa Kỳ, đó là chiếc Impeccable, trong hải phận quốc tế nằm ngoài khơi duyên hải TQ. Tại Diễn đàn Khu vực do Khối ASEAN tổ chức vào tháng Bảy 2010, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Dương Khiết Trì đã cảnh cáo các quốc gia ASEAN không được cấu kết với các cường quốc bên ngoài trong việc quản lý các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Một thời gian sau đó trong cùng năm, Bắc Kinh đòi hỏi Tokyo xin lỗi và đền bù thiệt hại sau khi Nhật Bản bắt giữ – rồi thả ra, dưới sức ép của TQ – thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá đã húc vào một tàu tuần duyên Nhật Bản. Cũng trong năm 2010, các giới chức TQ hai lần cảnh cáo Hoa Kỳ và Nam Hàn không được tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong lãnh hải quốc tế gần TQ – thậm chí cả sau khi Bắc Hàn đánh đắm một tàu hải quân Nam Hàn vào tháng Ba, tiết lộ vào tháng Mười một chương trình làm giàu chất uranium ở giai đoạn phát triển cao, rồi lại pháo kích đảo Yeonpyeong của Nam Hàn trong cùng tháng.
Bất chấp hình ảnh một TQ hùng cường hơn trước đang tìm cách thúc đẩy các biến cố dưới bản hiệu một đại chiến lược mới, Bắc Kinh – với vài ngoại lệ quan trọng – đã và đang phản ứng lại, dù bằng hành vi thô bạo, những biến cố do các thế lực khác chủ động, nằm ngoài ý muốn và dự kiến của TQ. Trong nhiều cách, chính sách đối ngoại trước đó của TQ đã tỏ ra là đầy sáng tạo và chủ động trước tình hình trong khoảng hai năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hơn là hiện nay. Giữa 2006 và 2008, TQ bắt đầu thi hành các chính sách có tính xây dựng và khẳng định đối với Bắc Hàn, Sudan và hải tặc Somali, đây là những điều chưa từng thấy trong lịch sử đối ngoại của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Hiện nay, Mỹ và các đối tác ngoại giao của Mỹ cần phải thúc đẩy TQ trở lại một tư thế khẳng định như vậy – nếu không, Washington sẽ gặp thêm khó khăn trong việc đối phó những vấn đề bức thiết toàn cầu như sự lan tràn vũ khí hạt nhân, thay đổi khí hậu, và bất ổn kinh tế toàn cầu. TQ đã trở nên một cường quốc quá lớn, không thể đứng bên lề – đừng nói chi đứng cản đường – trong khi các nước khác đang cố gắng giải quyết các vấn đề này.

Những ngày xưa hữu hảo?
Vào tháng Chín 2005, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick đã kêu gọi TQ hãy trở thành “một kẻ hùn vốn có trách nhiệm” (responsible stakeholder) trên trường quốc tế. Mục đích của nỗ lực này của chính quyền Bush là thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung vượt xa hơn những vấn đề song phương truyền thống – quan hệ qua eo biển Đài Loan, nhân quyền, và các xung đột kinh tế – và hướng đến hợp tác nhằm đảm bảo ổn định ở những vùng như Đông-Bắc-Á, Vịnh Ba Tư và châu Phi.
Trong hai năm sau đó, TQ đã đáp ứng khá ấn tượng, mặc dù chỉ một phần nào thôi, đối với sự thay đổi chính sách này của Mỹ. Bắc Kinh không những tiếp tục làm nước chủ nhà cho các cuộc đàm phán 6-bên về chương trình hạt nhân Bắc Hàn mà lại còn tham dự vào việc soạn thảo những biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an LHQ. Đặc biệt cuối năm 2006 và đầu năm 2007, TQ còn tạo áp lực kinh tế song phương đối với Bắc Hàn, việc này đã dẫn đến việc tháo gỡ lò nguyên tử tại Yongbyon, một tiến bộ cụ thể duy nhất đã đạt được cho tới ngày nay như là một thành quả của các cuộc đàm phán 6-bên.
Bắc Kinh cũng thay đổi đường lối đối với Sudan. TQ đi từ việc bao che chính quyền Sudan chống lại sức ép quốc tế về các vụ vi phạm nhân quyền tại Darfur đến việc ủng hộ kế hoạch 3-giai đoạn của nguyên Tổng thư ký LHQ Kofi Annan vào cuối năm 2006 nhằm lập lại hòa bình và ổn định trong vùng. Các giới chức TQ đã tạo sức ép buộc Khartoum chấp nhận giai đoạn hai của kế hoạch đó, nghĩa là kêu gọi thành lập một lực lượng gìn giữ hoà bình hỗn hợp Liên Hiệp Quốc-Liên Phi. Rồi vào đầu năm 2007, sau cuộc đối thoại về tình hình vùng này giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao TQ, Bắc Kinh đồng ý gửi hơn 300 công binh đến Dafur, đội ngũ đầu tiên của những chiến sĩ gìn giữ hoà bình không phải là người châu Phi (non-African) đã tham gia chiến dịch này của LHQ. Vào cuối năm 2008, TQ còn đồng ý gửi một lực lượng hải quân vào vùng Vịnh Aden trong một nỗ lực quốc tế nhằm chống nạn hải tặc ngoài khơi duyên hải Somalia. Nếu ta xét đến nguyên tắc truyền thống của Bắc Kinh là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền, thì có lẽ điều có ý nghĩa nhất chính là nghị quyết của LHQ đã cho phép săn đuổi bọn hải tặc vào trong vùng lãnh hải của Somalia.
Chắc chắn là, Washington và các đối tác ngoại giao của Mỹ muốn thấy thêm nhiều biểu hiện tích cực hơn nữa từ phía Bắc Kinh trong giai đoạn ấy. Bắc Kinh đang dần dần ra khỏi những quan hệ ngoại giao truyền thống và bắt đầu nới lỏng, mặc dù chưa từ bỏ hẳn, những lập trường lâu đời và cứng nhắc trước đó về các biện pháp trừng phạt và bất can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Bằng cách giải thích rõ ràng với nhiều nhiều bộ phận dân chúng hoài nghi tại TQ là Washington không coi quan hệ giữa hai nước là một trò chơi kẻ thắng-người thua (a zero-sum game), sáng kiến của chính quyền Bush là có ích lợi cho quan hệ song phương Mỹ-Trung. Quan trọng hơn nữa, chính sách Mỹ nhấn mạnh rằng việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, như nạn phổ biến vũ khí nguyên tử tại Bắc Hàn và Iran, nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bất ổn tài chính toàn cầu, và hải tặc trên biển, nằm trong lợi ích của mọi quốc gia, kể cả TQ. Sau cùng, sáng kiến của Mỹ phản ánh quan điểm của Washington cho rằng cùng với sức mạnh đang lên của mình, TQ phải lãnh thêm nhiều trách nhiệm. Nói vắn tắt, TQ đã trở nên quá lớn mạnh, không thể tiếp tục duy trì chính sách bất can thiệp truyền thống và tỏ ra dị ứng với các biện pháp trừng phạt kinh tế; TQ quá lớn mạnh, không thể duy trì chính sách đối ngoại thân thiện với các chính quyền côn đồ quốc tế như Bình Nhưỡng, Khartoum, và Tehran; và TQ quá lớn mạnh, không thể dựa vào vị thế một nước đang phát triển để tìm cách tránh né các đóng góp cho việc ổn định kinh tế thế giới và làm giảm bớt thiệt hại môi trường.

Không giữ được đà tích cực
Đáng tiếc là, TQ đã không giữ được đà phát triển tích cực trong chính sách đối ngoại, vì thế gây tác hại cho quan hệ Mỹ-Trung. Thay đổi đột ngột nhất đã diễn ra trong chính sách của TQ về Bắc Hàn: thay vì tạo sức ép lên Bình Nhưỡng tiếp theo sau các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của chính quyền này vào mùa xuân 2009, Bắc Kinh có vẻ đã tăng gấp đôi quan hệ kinh tế và chính trị với chế độ Kim Jong Il. Những quan sát viên am tường thời sự cho rằng quan hệ mậu dịch và đầu tư giữa TQ và Bắc Hàn đã được củng cố thêm trong ba năm vừa qua. Chính sách ngoại giao công khai cấp cao giữa các lãnh đạo TQ và Bắc Hàn đã diễn ra thường xuyên, bao gồm hai cuộc viếng thăm TQ của họ Kim vào năm ngoái. Tháng Mười vừa qua, Zhou Yongkang, ủy viên Ban thường vụ Chính trị bộ Đảng Cộng sản TQ, đã đứng cùng với những nhân vật chóp bu của chế độc Kim Jong Il trong lễ chào mừng ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Sự quan tâm của TQ rất được hoan nghênh tại Bình Nhưỡng trong thời kỳ chuyển tiếp tế nhị của chế độ, khi họ Kim chuẩn bị cho người con út, Kim Jong Un, nhiên hậu sẽ nắm quyền cai trị.
Do lo sợ một sự sụp đổ của chế độ cộng sản láng giềng và sợ mất ảnh hưởng của TQ trên Bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã trở về với những nguyên tắc bảo thủ cố hữu trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ trong việc ủng hộ Bắc Hàn. Đặc biệt là, TQ đã sát cánh với chế độ Kim trong các cuộc khủng hoảng do Bình Nhưỡng châm ngòi vào năm ngoái. Vào tháng Năm, một ủy ban quốc tế đã có kết luận dứt khoát là một tầu ngầm Bắc Hàn đã thực sự đánh chìm tàu Cheonan của hải quân Nam Hàn vào tháng Ba [năm ngoái]; về phần mình, TQ từ chối duyệt xét chứng cớ và bao che cho Bắc Hàn khỏi chịu sự chỉ trích trực tiếp tại Hội đồng Bảo an LHQ. Hành động này của TQ đã gây bất bình cho nhiều quốc gia trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nam Hàn, Nhật Bản, và Mỹ. Trong một cách thế tương tự, Bắc Kinh đã bao che cho Bắc Hàn khỏi bị quốc tế lên án sau khi Bình Nhưỡng tiết lộ vào mùa Thu năm ngoái rằng chính quyền này đã bí mật phát triển một nhà máy làm giầu chất uranium. Và rồi, sau khi Bắc Hàn pháo kích một đảo của Nam Hàn vào tháng Mười một, Bắc Kinh một lần nữa giữ thái độ không hay biết, chỉ kêu gọi bình tĩnh và khuyến cáo mọi bên không được leo thang thêm nữa. Lời khuyến cáo cụ thể duy nhất mà Bắc Kinh có thể đưa ra là một nỗ lực bất thành nhằm can gián các tàu chiến Hoa Kỳ tham gia cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp Mỹ-Nam Hàn không được vào Hoàng Hải, một vùng biển nằm chồng lên đặc khu kinh tế của TQ.
Bức tranh về Iran thì phức tạp hơn, một phần vì chính quyền Bush và các quốc gia đối tác của Mỹ không đạt được tiến bộ nào đáng kể trong việc lôi kéo sự cộng tác của TQ trong thời gian trước năm 2008. Vì vậy, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm bớt tính nghiêm khắc của Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an LHQ – một nghị quyết áp đặt vòng thứ tư các biện pháp trừng phạt đối với Tehran vào tháng Sáu 2010 – không thể bị coi là một hành vi thoái bộ. Thật ra, chính quyền Obama đáng được ca ngợi chỉ nội cái việc đã vận động cho nghị quyết được thông qua. Những người lạc quan có thể viện dẫn sự kiện những biện pháp trừng phạt này của LHQ – gồm một lệnh cấm vận vũ khí và một số biện pháp tài chính – có thể gây ít nhiều bực bội thực sự cho một số nhân vật có thế lực tại Iran. Tuy nhiên, những biện pháp này không tạo sức ép trực tiếp lên khu vực năng lượng đầy lợi nhuận của Iran.
Trong một chỉ dấu có lẽ là một sự tiến bộ trong chính sách của TQ về Iran, tin tức của giới truyền thông cho thấy rằng TQ đã trì hoãn việc theo đuổi những hợp đồng năng lượng mới với Iran trong những tháng sau khi nghị quyết trừng phạt của LHQ được thông qua. Việc TQ tiếp tục theo đuổi những thương ước dầu lửa và khí đốt với Iran lâu nay vẫn là điểm nhức nhối cho những ai lo lắng về tham vọng hạt nhân của Iran, ngay cả khi các biện pháp trừng phạt mới được quốc tế áp đặt lên quốc gia này. Nhiều người sợ rằng một khi các công ty châu Âu và Nhật Bản rời bỏ thị trường Iran, các công ty TQ chỉ việc “điền trở lại” vào khoảng trống kinh tế ấy.
Vẫn còn quá sớm để phán đoán ý nghĩa của bất cứ thay đổi nào mà người ta nhận thấy trong chính sách của TQ đối với Iran. Chưa có đủ thời gian kể từ khi nghị quyết mới nhất của LHQ được thông qua; hơn nữa, những lý do đằng sau sự trì hoãn các sinh hoạt doanh nghiệp mới của TQ tại Iran như được báo chí ghi nhận vẫn chưa được rõ ràng (những vấn đề thuần kinh tế có thể là nguyên do). Cũng có thể là, bất cứ một sự tự chế mới mẻ nào của TQ tại Iran chưa hẳn là một dấu hiệu TQ đột nhiên chấp nhận vai trò của một đối tác có trách nhiệm mà chỉ là một dấu hiệu nói lên sự khứng chịu miễn cưỡng và có thể là tạm thời trước những biện pháp đơn phương của Hoa Kỳ và châu Âu nhắm vào các công ty của nước thứ ba hoạt động tại Iran. Bắc Kinh vốn coi các biện pháp trừng phạt này là bất hợp lệ và bất công.
Năm qua cũng được đánh dấu bằng sự căng thẳng song phương giữa Hoa Kỳ và TQ về các vấn đề như là tin tặc tấn công Internet và những hạn chế phương tiện truyền thông do TQ gây ra, vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và việc Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Đức Đạt lai Lạt ma. Mặc dù các chính sách của Hoa Kỳ về những vấn đề này không có gì mới mẻ, nhưng phản ứng của Bắc Kinh lại hung hăng hơn trước. TQ cũng rất giận dữ vì chính sách của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton liên quan đề nghị xử lý các tranh chấp chủ quyền trong Biển Nam Trung Hoa tại Diễn đàn Vùng của ASEAN tổ chức tại Việt Nam tháng Bảy năm ngoái. TQ là quốc gia duy nhất trong vùng đã tuyên bố đòi chủ quyền trên tất cả mọi hòn đảo tranh chấp trong vùng biển này. Tuyên bố chủ quyền rộng lớn của TQ cũng rất hàm hồ, chỉ dựa vào những bản đồ có từ trước ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đôi khi bằng những từ ngữ mơ hồ như “vùng biển lịch sử” (historic waters), những từ ngữ không có một giá trị nào trong luật quốc tế. Tại cuộc họp này, Clinton kêu gọi dàn xếp các dị biệt bằng phương tiện hòa bình, tự do thông thương trên biển, một cơ sở pháp lý cho mọi tuyên bố chủ quyền dựa vào luật quốc tế thông thường, và những biện pháp xây dựng sự tin tưởng đa phương. Thậm chí, mặc dù Bà Clinton không nêu đích danh TQ và lời bình luận của bà không thay đổi tính cách trung lập truyền thống của Hoa Kỳ về các tranh chấp chủ quyền trên biển, nhưng đề nghị của Mỹ vẫn bị Bắc Kinh chống đối dữ dội. Phản ứng gay gắt của bộ trưởng ngoại giao TQ tại hội nghị này – cảnh cáo các tác nhân trong vùng không được cộng tác với các cường quốc bên ngoài trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp – đã tạo ra căng thẳng giữa TQ và các quốc gia ASEAN liên hệ và giữa TQ và Nhật Bản, một nước, cũng như Hoa Kỳ, không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa nhưng rất quan tâm về việc duy trì quyền tự do thông thương trên biển và an ninh khu vực.

Bắc Kinh vừa cảm thấy tự tin vừa cảm thấy bất ổn
Làm sao giải thích việc Bắc Kinh đâm ra cay cú trong chính sách đối ngoại của mình? Thay vì có một thái độ mạnh dạn tự tin rất giản dị về quyền lực mới tìm thấy của mình, chính sách ngoại giao tiêu cực của TQ dường như có gốc rễ trong một sự pha lẫn niềm tự tin trên trường quốc tế và sự bất ổn ở trong nước. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2008, người dân TQ, viên chức cấp thấp trong chính phủ, và các bình luận gia có đầu óc dân tộc chủ nghĩa trong giới truyền thông thường hay phóng đại sự gia tăng ảnh hưởng của TQ và quyền lực đang suy yếu của Hoa Kỳ. Theo một số người TQ mà tôi có dịp trao đổi, các viên chức chóp bu tại Bắc Kinh có một nhận định tỉnh táo hơn về địa vị quốc tế của TQ và về những thách thức phát triển sắp tới. Tuy nhiên, những tiếng nói trong nước đòi hỏi TQ phải có một chính sách đối ngoại gân guốc hơn đã tạo nên một môi trường chính trị sôi động. Chủ nghĩa dân tộc đang thịnh hành, sự gia tăng số lượng các phương tiện truyền thông qua đó người dân TQ có thể bày tỏ quan điểm, và sự nhạy cảm ngày càng sắc bén của chính phủ đối với dư luận quần chúng trong một thời kỳ được coi là bất ổn đã tạo môi trường cho những cuộc đả kích nhắm vào Hoa Kỳ và, do đó, chỉ trích luôn chính sách của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ là quá mềm dẻo. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là quan điểm của những thành phần ở xa quyền lực: điều đáng lưu ý là, tác giả của những chỉ trích như thế bao gồm các tướng tá tại chức và các học giả tại các viện nghiên cứu chính sách (think tanks) của nhà nước và tại các đại học.
Rõ ràng là, cái thời mà giới lãnh đạo chóp bu TQ có thể phớt lờ những tiếng nói như thế đã qua đi rồi. Chính phủ TQ có vẻ đang lo lắng về việc duy trì tính chính danh lâu dài của chế độ (long-term regime legitimacy) và ổn định xã hội hơn bất cứ thời điểm nào kể từ giai đoạn ngay sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 cho đến ngày nay. Các lãnh đạo đảng hi vọng tránh được những chỉ trích phát xuất từ chủ nghĩa dân tộc, một chủ đề duy nhất có tiềm năng đoàn kết nhiều cuộc chống đối từ các địa phương rất khác biệt nhắm vào các quan chức TQ. Hơn tnữa, chính bản thân các viên chức chính quyền cũng muốn củng cố thanh danh của mình như là những kẻ bảo vệ niềm tự hào dân tộc và sự ổn định xã hội trong tiến trình chuyển giao quyền lãnh đạo, mà nhiên hậu sẽ diễn ra vào năm 2012 bằng việc đảng sẽ chính thức lựa chọn người kế vị Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Một môi trường chính trị như thế sẽ không phù hợp với những chính sách có thể bị coi như là khấu đầu trước sức ép của nước ngoài hay quá quị lụy đối với Washington.
Cũng làm cho các vấn đề trở nên rắc rối thêm nữa, chính là sự kiện ngày càng có nhiều guồng máy thư lại tham gia vào tiến trình hoạch địch chính sách đối ngoại của TQ, bao gồm các thế lực như quân đội, các công ty năng lượng, các nhà xuất khẩu quan trọng các loại hàng biến chế, và giới lãnh đạo đảng ở các vùng. Đây là một hiện tượng chính trị khá mới, và giới lãnh đạo chóp bu TQ tỏ ra không muốn hoặc không thể đúc kết các lợi ích của những nhóm dị biệt này thành một chiến lược được phối hợp trên qui mô lớn. Một số trong những thế lực này được coi là hưởng nhiều lợi thế do việc nhà nước TQ cấu kết với các quốc gia côn đồ, do việc giải thích rộng rãi và cứng ngắt các tuyên bố chủ quyền của TQ, và, trong một số trường hợp, do tình trạng căng thẳng với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Quyền lợi của các nhóm này sẽ suy giảm – hay thậm chí sẽ bị tổn thương – nếu TQ đi theo một loại chủ nghĩa quốc tế mà Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, Hoa Kỳ, và nhiều nước khác đang mong đợi.
Vì vậy, các nhà bình luận và các blogger có tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại TQ tìm được đồng minh ở những nơi quyền cao chức trọng, khiến các giới chức chóp bu của chính phủ cũng không dám trực tiếp đối đầu với xu thế này. Do đó, tình trạng này đã tạo ra một phiên bản còi cọc khá nguy hiểm của tự do báo chí, theo đó một nhà bình luận TQ có thể chỉ trích chính sách chính phủ một cách an toàn từ một khuynh hướng diều hâu, dân tộc chủ nghĩa hơn là từ một khuynh hướng ôn hoà, quốc tế chủ nghĩa.
Theo các nguồn tin của tôi tại TQ, những yếu tố này tạo ra hai hậu quả tai hại cho chính sách đối ngoại của TQ. Một là, vì những lý do trong nước và giữa các thế lực thư lại, giới lãnh đạo chóp bu Bắc Kinh cần phải phản ứng ồn ào đối với những gì mà người dân cho là sỉ nhục đối với niềm tự hào dân tộc và chủ quyền quốc gia. Chẳng hạn, khi một số quốc gia châu Á đứng về phía Bà Clinton tại cuộc họp ASEAN ở Hà Nội, các viên chức Bộ Ngoại giao TQ cảm thấy bắt buộc phải phản ứng bằng những lời lẽ cay cú, gây phẫn nộ cho một số quốc gia láng giềng phía nam TQ. Những phản ứng tiêu cực của TQ đối với việc Nhật Bản bắt giữ viên thuyền trưởng tàu đánh cá TQ trên cơ sở pháp lý quốc gia là có thể đoán trước, nhưng chính phủ TQ tỏ ra đặc biệt hung hăng trong cách phản ứng của mình: Bắc Kinh ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và, có lẽ nghiêm trọng hơn nữa, đòi Nhật Bản công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại sau khi chính phủ Nhật đã nhượng bộ những đòi hòi của TQ bằng cách trả tự do cho viên thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Hành động này có lẽ đã gây ấn tượng lên nhiều bộ phận dân chúng TQ, nhưng cũng gây phẫn nộ sâu sắc đối với nhân dân Nhật, mà những cuộc thăm do gần đây cho biết họ đang có cái nhìn rất tiêu cực đối với TQ. Tất cả những rắc rối này diễn ra trong khi Đảng Dân chủ Nhật Bản – một đảng có tiếng hoà hoãn với TQ – đang cầm quyền. Việc chọn thời điểm cho tình trạng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật như vậy đã nói lên rất nhiều về việc TQ đã đánh mất nhiều cơ hội do thái độ ngoại giao hung hăng của mình.
Trong một cách tương tự, không ai tin rằng TQ thật sự hậu thuẫn những khiêu khích quân sự hay việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Những mối quan tâm của Bắc Kinh về việc duy trì ổn định chính trị nội bộ tại Bắc Hàn, hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên, và ổn định xã hội tại TQ đã ngăn cản các viên chức TQ công khai chỉ trích Bắc Hàn hay cho phép Hội đồng Bảo an LHQ làm điều đó. Hơn thế nữa, các lợi ích nói trên cũng không cho phép các viên chức TQ lên tiếng bác bỏ các giả thuyết âm mưu (conspiracy theories) được lưu hành trong giới truyền thông TQ và trên Internet cho rằng Mỹ và Nam Hàn đã âm mưu đẩy mạnh các căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên nhằm tạo lý cớ để thực hiện các cuộc diễn tập quân sự gần biên giới TQ. Ngược lại, Bộ Ngoại giao TQ chỉ đổ thêm dầu vào lửa vào tháng Bảy và tháng Mười một 2010 bằng cách khuyến cáo Mỹ không được đưa chiến hạm vào vùng biển gần TQ mà không được Bắc Kinh cho phép. Nước cờ này có lẽ đã lấy được cảm tình của quân đội và dân chúng TQ, nhưng những tổn thất ngoại giao do việc TQ bị coi là nước đã khoan hồng hay thậm chí bênh vực những hành động của Bình Nhưỡng là rất cao tại các thủ đô Seoul, Tokyo, và Washington. Một đại cường thật sự mạnh dạn, tự tin sẽ không cho phép một quốc gia nhỏ bé và thiếu nguyên tắc (a small pariah state) cưỡng đoạt chính sách đối ngoại của mình như thế.
Hậu quả tiêu cực và nghiêm trọng thứ hai trên chính sách đối ngoại của TQ là Bắc Kinh đâm ra e ngại, không dám tham gia cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chẳng hạn, một lập trường cứng rắn của TQ đối với việc bành trướng vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn hay Iran hiện nay dễ dàng bị các phần tử dân tộc chủ nghĩa mô tả là một hành động nhượng bộ Hoa Kỳ. Trong khi đó, các nhóm lợi ích trong nước – chẳng hạn các công ty năng lượng và các cơ sở tài chính TQ (trong trường hợp các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Iran) và các lợi ích kinh tế của vùng đông bắc TQ cũng như quân đội (trong trường hợp Bắc Hàn) – sẽ chống đối bất cứ sáng kiến nào trong chính sách có hại cho quyền lợi của phe nhóm mình. Những nhóm này có thể có tiếng nói trực tiếp trong một tiến trình lập chính sách đa dạng hơn trước, và họ còn có thể sử dụng phương tiện truyền thông và Internet để tạo ra một môi trường chính trị nội bộ không thuận lợi cho việc thay đổi chính sách.

Bắc Kinh có thể được lợi gì với chính sách hiện nay
Suốt năm 2009, nhiều người TQ trong cũng như ngoài chính phủ tin rằng chính quyền mới nhậm chức của Obama sẽ tìm cách đáp ứng nguyện vọng của TQ, hoặc như một cách định hướng chính trị hoặc do một sự đánh giá thực tiển về điều mà nhiều người coi là một sự chuyển giao quyền lực toàn cầu. Năm đó, các giới chức Mỹ bàn đến nhu cầu cần phải có một chính sách trấn an lẫn nhau về mặt chiến lược (mutual strategic reassurance), tránh nói đến các thương vụ vũ khí mới với Đài Loan, và không để cho Đức Đạt lai Lạt ma gặp Obama tại Washington trước chuyến viếng thăm TQ của Obama vào tháng Mười một. Trong chuyến viếng thăm đó, TQ và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung trong đó hai quốc gia cam kết tôn trọng những “lợi ích cốt lõi” và chủ quyền của nhau. Nhưng rồi, vào đầu năm 2010, như nhiều quan chức tại Bắc Kinh nhận thấy, Washington có vẻ đảo ngược đường lối. Trong quan điểm của họ, chính quyền Obama đã vi phạm những lợi ích cốt lõi của TQ bằng cách thông báo với Quốc Hội Mỹ về thương vụ vũ khí phòng thủ sắp tới cho Đài Loan, chỉ trích hồ sơ tồi tệ của TQ về tự do Internet, và cho phép một cuộc họp riêng tư diễn ra giữa Obama và Đạt lai Lạt ma. Theo các nhà bình luận TQ, chỉ là một điều hợp lý thôi khi đến phiên mình TQ phải từ chối việc hỗ trợ Mỹ theo đuổi những gì mà Bắc Kinh cho là lợi ích cốt lõi của Mỹ, chẳng hạn việc ngăn chặn nạn phổ biến vũ khí hạt nhân tại Iran và Bắc Hàn hay việc ổn định nền kinh tế Mỹ và hệ thống tài chính quốc tế qua việc bán trái phiếu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Nhưng nếu hiểu quan hệ Mỹ-Trung như một cuộc đổi chác các lợi ích cốt lõi, thì đó là một nhận định sai lầm về mặt tri thức và vô bổ về chính trị. Vấn đề cơ bản nhất là gần như mọi điều mà Mỹ đòi hỏi ở TQ đều trực tiếp phù hợp với lợi ích của TQ. Nói cách khác, việc chặn đứng phổ biến vũ khí nguyên tử hay việc tuần tra các vùng biển quốc tế để săn đuổi hải tặc không phải là để “hỗ trợ” Hoa Kỳ –mà cũng còn phục vụ lợi ích của TQ. Do đó, nếu TQ giảm thiểu việc cộng tác với Hoa Kỳ trên những vấn đề như thế, TQ sẽ gây tổn thất cho chính hồ sơ đối ngoại của mình (foreign policy portfolio).
Chính sách Bắc Hàn của TQ cho ta một ví dụ rõ ràng nhất. Nếu các cuộc đàm phán sáu-bên bị thất bại, kẻ thiệt thòi nhất – ngoài nhân dân Bắc Hàn ra – có thể nói là TQ. Bắc Kinh đã từng hưởng được uy tín ngoại giao một cách chính đáng nhờ dẫn đầu các cuộc đàm phán 6-bên; các quốc gia tham dự đã nhanh chóng khen ngợi TQ vì đã có một lập trường tích cực thật bất ngờ. Nhưng TQ được ca ngợi bao nhiêu vì tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán 6-bên vào năm 2006 và 2007, thì bây giờ TQ lại mất uy tín bấy nhiêu vì Bắc Hàn không chịu tuân theo những đòi hỏi của cộng đồng quốc tế. Làm sao TQ có thể tự tô vẽ chính mình như một đại cường khi TQ không thể ảnh hưởng ngay cả lối ứng xử của một nước đồng minh láng giềng yếu kém, một nước hoàn toàn lệ thuộc vào các quan hệ kinh tế của nó đối với TQ? Ngoài ra, vì TQ duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao cơ bản bình thường với Bắc Hàn – bất chấp những biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ mà chính TQ đã góp vào một tay và những biện pháp trừng phạt đơn phương thậm chí khắt khe hơn của Nhật và Nam Hàn – mối quan hệ của TQ với Bắc Hàn đã làm gia tăng những mối hoài nghi của các chính phủ trong vùng về những ý đồ lâu dài của Bắc Kinh.
Chương trình hạt nhân của Bắc Hàn cũng có khả năng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới và tăng cường các liên minh quân sự tại châu Á. Chẳng hạn, Nhật Bản đã coi việc Bình Nhưỡng phát triển loại vũ khí nguyên tử có thể bắn đến mục tiêu (deliverable nuclear weapons) là một đe dọa thực sự. Trong một kịch bản sôi động nhất, mặc dù có thể tin là khó xảy ra nhất, những tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Bắc Hàn có thể khiến Nhật Bản dẹp bỏ mọi kỵ húy về hạt nhân và tự mình chế tạo lấy vũ khí hạt nhân. Một điều ít ai nhận ra là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn có thể ảnh hưởng đến các chương trình vũ trang cổ điển của Nhật Bản trong những phương cách có thể khiến TQ phải lo sợ. Người ta có đủ lý do khi dự kiến Nhật Bản sẽ tăng cường việc tham gia vào một chương trình đang tiến hành do Mỹ lãnh đạo nhằm phát triển một hệ thống phòng thủ khu vực chống tên lửa tại Đông Á, một nỗ lực mà TQ coi là thách thức lại khả năng ngăn chặn (deterrant capabilities) của chính mình. Ngoài ra, Nhật Bản có vẻ sẽ từ bỏ sự tự chế cố hữu (long-standing self-restraint) về việc phát triển các khả năng tấn công cổ điển bằng cách đầu tư vào một kho vũ khí gồm các vũ khí tấn công có gắn đầu đạn cổ điển, nhanh nhạy có thể hủy diệt các tên lửa Bắc Hàn còn trên mặt đất và chưa được phóng đi. Những vũ khí tấn công này sẽ có nhiều chức năng, và việc phát triển chúng sẽ có ý nghĩa biểu tượng cho tương lai của một thế đứng quân sự tổng quát của Nhật Bản, khiến một hậu quả như vậy là không mấy tốt đẹp đối với quan điểm của TQ.
Nếu không bị chặn đứng, việc Bắc Hàn phát triển thêm vũ khí hạt nhân cũng sẽ đưa đến một sự hợp tác rộng lớn hơn và tích cực hơn giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Nhiều yếu tố của nỗ lực này sẽ không được Bắc Kinh hoan nghênh. Chẳng hạn, Nam Hàn có lẽ sẽ sẵn sàng tham gia chương trình phòng thủ chống tên lửa khu vực cùng với Nhật Bản và Mỹ. Nói chung, vì cộng đồng quốc tế cũng rất lo ngại về khả năng Bắc Hàn có thể chuyển giao chất liệu hạt nhân cho các quốc gia khác hay các nhóm phi-nhà nước (nonstate groups), Mỹ và các đồng minh trong khu vực rất có thể sẽ gia tăng hợp tác trong các hoạt động và diễn tập hải quân, cũng như tích cực thanh tra các tàu vận chuyển của Bắc Hàn như một phần của Nỗ lực An ninh về Phổ biến hạt nhân (the Proliferation Security Initiative). Trong một cách có liên hệ, những hành động khiêu khích bằng quân sự của Bắc Hàn năm ngoái đã là nguyên nhân của một loạt diễn tập quân sự Mỹ-Nam Hàn, gồm cả chương trình huấn luyện về chiến tranh chống tàu ngầm (antisubmarine warfare) và tăng cường các cuộc tham khảo về các vấn đề an ninh giữa Seoul, Tokyo, và Washington. Trong đoản kỳ, các lãnh đạo TQ phải xét đến tiềm năng bất ổn hay chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên nằm sát nách mình, trong trường hợp Bắc Hàn trả đũa những biện pháp mới mẻ này của Mỹ và đồng minh. Và trong trường kỳ, Bắc Kinh rất có thể phải bận tâm nhiều về những hậu quả của một sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Mỹ, Nhật, và Nam Hàn đối với thế đứng quân sự của TQ ở trong vùng này.
Những gì đúng cho chính sách của TQ đối với Bắc Hàn thì cũng đúng cho chính sách của TQ đối với Iran. TQ là một nước gần như hoàn toàn nhập khẩu năng lượng, với một khu vực xuất khẩu hàng hóa to lớn có thể bị ảnh hưởng nặng nề do việc tăng giá năng lượng đột xuất và cao vút, khiến các phí tổn của các hoạt động sản xuất lẫn vận chuyển phải tăng theo. Thực tế này chắc chắn ảnh hưởng đến bài toán của TQ đối với Iran, một thế lực gây bất ổn chính trong vùng Trung Đông và Vịnh Ba Tư giàu năng lượng – và là một thế lực có khả năng chỉ gây nhiều bất ổn hơn nữa nếu chế độ này có thêm sự tự tin vì sở đắc vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, Israel vốn coi sự phát triển vũ khí hạt nhân của Iran như một mối đe doạ cho sinh mệnh của mình; mọi chỉ dấu cho thấy, nếu đường lối ngoại giao không thể thay đổi chiều hướng hiện nay trong tham vọng hạt nhân của Iran, cuối cùng Israel sẽ dùng biện pháp quân sự đối với Iran. Một biến chuyển tình hình như vậy có thể dẫn đến bất ổn rộng lớn trong vùng, đe dọa sự lưu thông tự do của dòng năng lượng mà TQ và các nước nhập khẩu dầu lửa phải lệ thuộc vào. Vì vậy, việc TQ cần phải cộng tác chặt chẽ hơn nữa với Mỹ và đồng minh của Mỹ – những nước muốn thấy các thị trường năng lượng ổn định – là nằm trong lợi ích của TQ để cùng nhau tìm ra những đường lối ngoại giao nhằm ngăn chặn một hậu quả nguy hiểm như vậy.

Thuyết phục chứ không kiềm chế TQ
Có thể có một số lý do để chúng ta lạc quan, dù dè dặt, liên quan đến sự kiện gần đây Bắc Kinh đã hướng về một chính sách đối ngoại thủ cựu và hung hăng hơn trước. Điều may mắn cho Hoa Kỳ và đồng minh là, đang có một cuộc tranh luận tích cực diễn ra giữa hàng ngũ lãnh đạo chóp bu tại Bắc Kinh về những điều lợi và hại của đường lối chính sách hiện nay của TQ (theo những người mà tôi có dịp trao đổi, cuộc tranh luận này là cực kỳ sôi nổi về những chính sách gần đây của TQ đối với Bắc Hàn). Washington và các chính phủ khác có một cơ hội để tạo ra một môi trường chính trị quốc tế thế nào để có thể giúp đỡ những nhà lãnh đạo TQ đang thúc đẩy những chính sách sáng tạo, xây dựng, và có tính quyết đoán trong lúc phải tìm cách ngăn chặn những nhà lãnh đạo TQ chủ trương những chính sách phản động, bảo thủ, và hiếu chiến. Đường lối hay nhất để thực hiện điều này là thường xuyên cống hiến cho TQ một vai trò tích cực trong các nỗ lực cộng tác đa phương – mà không hề tỏ ra ganh tỵ với ảnh hưởng mới mẻ mà TQ có thể tạo được do chấp nhận vai trò này. Đồng thời, Mỹ và đồng minh cần phải nhấn mạnh rằng họ sẽ chống lại những thách thức do Bắc Hàn và Iran đặt ra dù có hay không có sự cộng tác của TQ; lợi ích của TQ sẽ bị tổn thương nếu Bắc Kinh ngăn cản những nỗ lực này hay thậm chí chỉ khoanh tay đứng bên lề.
Lịch sử cho thấy rằng một đường lối như vậy đã từng thành công. Vào giữ thập niên 1990, trong một hành vi tương tự như gần đây, Bắc Kinh đã gây phẫn nộ cho các nước láng giềng và Hoa Kỳ, bằng cách bắt nạt Đài Loan, có thái độ thô bạo với Phillipines trong Biển Nam Trung Hoa, và phản ứng quá đáng đối với việc Mỹ tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản. Nhưng một sự kết hợp gồm có những chính sách vừa khôn ngoan vừa cứng rắn của Washington và các chính phủ đối tác (chẳng hạn, “Nỗ lực Nye” nhằm cũng cố liên minh Mỹ-Nhật và việc gửi hai đoàn tàu chiến có hàng không mẫu hạm đến đậu ngoài khơi Đài Loan) đã đóng góp cho sự thắng thế của một khuynh hướng ôn hoà hơn tại Bắc Kinh. Vào khoảng năm 1997, chính sách ngoại giao của TQ đã nằm vào trong một nề nếp tích cực hơn trước nhiều.
Chúng ta không có lý do để cho rằng một tiến trình tương tự lại không thể diễn ra ngày nay – nhưng với những cảm thức về sự gia tăng quyền lực của TQ và những tiềm năng bất ổn trong nước tại TQ như đã bàn ở trên, những thách đố ngày nay có thể lớn hơn những thách đố của thập niên 1990. Mặc dù một số người tại Washington và nhiều người tại Bắc Kinh đã cường điệu quá lố khi họ nói rằng Hoa Kỳ đã “trở lại châu Á” dưới chính quyền Obama, nhưng hiển nhiên là TQ và các quốc gia khác trong vùng đều nhận thấy rằng Obama và các cố vấn quan trọng của ông – Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, và Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon – thường đến thăm viếng vùng này, chẳng hạn vào tháng Mười một 2010, khi Ông Obama và Bà Clinton đã đến châu Á trong những chuyến công du riêng biệt tại nhiều quốc gia. Cụ thể hơn nữa, những cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Nam Hàn trên biển Hoàng Hải tiếp theo sau vụ pháo kích của Bắc Hàn và cuộc họp ba bên của các viên chức an ninh quốc phòng Nhật, Nam Hàn, và Mỹ tại Washington đã chứng tỏ rằng Mỹ và đồng minh có những lựa chọn ngoại giao và an ninh thậm chí không cần đến sự cộng tác tích cực của TQ. Bắc Kinh không muốn thấy những nỗ lực nàycủa Mỹ – và điều này lại càng là lý do để TQ sớm quay trở lại một loạt chính sách sáng tạo hơn, khẳng định hơn, và có tính cách trấn an hơn, nhằm giải quyết các vấn đề vốn dĩ từ đầu đã khiến Hoa Kỳ và đồng minh phản ứng lại TQ bằng cách này.
Chính quyền Obama cần phải củng cố các quan hệ của Mỹ tại châu Á. Nghị trình này là một sáng kiến tốt đẹp dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi các chính sách của TQ đang gây tổn thất cho lợi ích của mọi quốc gia – kể cả lợi ích của TQ – Washington cần phải nhấn mạnh rằng mặc dù chính quyền Mỹ muốn giải quyết các vấn đề quốc tế có sự cộng tác tích cực của TQ, nhưng Mỹ cũng có những lựa chọn khác, thậm chí ít hấp dẫn hơn. Đây là biện pháp thuyết phục chứ không phải kiềm hãm TQ; TQ vẫn còn được yêu cầu đóng một vai lớn hơn, chứ không phải nhỏ hơn trước, cả trong vùng này lẫn trên toàn cầu. Ngoài ra, Washington cần phải vẻ ra một viễn cảnh về sự hợp tác, không phải như là một yêu cầu đặt cơ sở trên lợi ích quốc gia của Mỹ, mà như là một phương tiện qua đó Bắc Kinh có thể theo đuổi lợi ích của chính mình và, đồng thời, trấn an các nước khác. Sự kiện từ ngữ “các lợi ích cốt lõi” không được một viên chức cấp cao nào của Mỹ sử dụng kể từ ngày ký tuyên bố chung 2009 cho thấy rằng các quan chức Mỹ đã hiểu được tâm lý tai hại mà cụm từ này có thể nuôi dưỡng trong tư duy chiến lược của TQ. Thay vì vậy, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với TQ đã thích đáng nhấn mạnh sự theo đuổi các lợi ích hỗ tương (mutual interests) trong khi ghi nhận những lãnh vực có dị biệt nghiêm trọng. Cuối cùng, như đã từng làm trong quá khứ, Washington phải công bố và ca ngợi những gương tốt của TQ về sự cộng tác trong quá khứ và hiện nay với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Trong năm 2010, chính sách châu Á của chính quyền Obama đã có một hiệu quả tích cực, mặc dù có giới hạn. Bất chấp những dị biệt đang diễn ra giữa TQ và Hoa Kỳ – về vấn đề Bắc Hàn, về việc định giá đồng nhân dân tệ, và về chính sách của Quĩ Dự trữ Liên bang [tức Ngân hàng Trung ương Mỹ] “in thêm tiền để mua trái phiếu của chính phủ Mỹ” (quantitative easing) – Bắc Kinh vẫn tìm cách cải thiện quan hệ song phương với Hoa Kỳ trong khoảng thời gian trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm nay. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã cho tái lập cuộc đối thoại của các phái đoàn quân sự hai bên (military-to-military dialogue) vào mùa thu năm 2010, sau chín tháng gián đoạn vì TQ bất bình về thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trước đó trong năm, và bộ trưởng quốc phòng TQ, Tướng Lương Quang Liệt, đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thăm TQ trong cùng một tháng với cuộc thăm viếng Washington của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy TQ bắt đầu tỏ thiện chí với các quốc gia thành viên khối ASEAN nhằm thảo luận các quan tâm an ninh quốc phòng, vốn đã trở nên nghiêm trọng do hành vi đe nẹt của Bắc Kinh tại Diễn đàn Khu vực do ASEAN tổ chức năm ngoái. Sau cùng, TQ có lẽ đã đóng một vai trò xây dựng trong việc kiềm hãm Bắc Hàn sau khi chế độ này lên tiếng đe dọa Nam Hàn nhằm trả lời cuộc tập trận pháo binh của Nam Hàn trong vùng biển ngoài khơi Đảo Yeonpyeong vào tháng Chạp 2010, chỉ một tháng sau khi Bắc Hàn pháo kích đảo này: cho đến khi tôi viết bài này, vẫn chưa thấy một hành vi trả đũa nào diễn ra.
Đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều ít ai lưu ý là, những yếu tố đã tạo ra những căng thẳng gần đây của TQ với các nước láng giềng và với cả Hoa Kỳ cũng chính là những yếu tố đã tạo ra một vấn đề trường kỳ còn phức tạp và nghiêm trọng hơn: chúng đã làm trì trệ, nếu không muốn nói ngưng hẳn, một sự biển chuyển rất cần thiết và tích cực trong chính sách đối ngoại TQ trong hai năm cuối của chính quyền Bush. Trong giai đoạn đó, Bắc Kinh chứng tỏ sẵn sàng làm dịu bớt một số cấm kỵ truyền thống về một chính sách đối ngoại mạnh dạn ngõ hầu giúp cộng đồng quốc tế đối phó các vấn đề mà mọi tác nhân toàn cầu kể cả TQ đều phải đối phó.
Cho dù quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện và TQ có đảo ngược những chiều hướng tiêu cực trong chính sách ngoại giao khu vực đi nữa, có lẽ Washington vẫn không được mãn nguyện nếu sự thay đổi này không bao gồm một sự hợp tác được tăng cường hơn nữa của TQ để đối phó các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân tại Bắc Hàn và Iran. Đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, giành được loại hợp tác này của TQ có lẽ là chướng ngại cao nhất cần phải vượt qua. Obama có một nhóm cố vấn về châu Á rất ấn tượng, nhưng những yếu tố chính trị nội bộ và tâm lý tại TQ sẽ tạo ra nhiều lý do để bi quan, chí ít cho đến khi tiến trình lựa chọn lãnh đạo tại TQ được hoàn tất vào năm 2012. Điều đáng lo ngại là, nếu không có một sự thay đổi như thế trong các chính sách của TQ, thì việc giải quyết các vấn đề từ nạn lan tràn vũ khí hạt nhân đến vấn đề thay đổi khí hậu sẽ trở nên khó khăn nhiều hơn nữa cho Hoa Kỳ và phần còn lại của cộng đồng quốc tế. Chỉ nội trong một ý nghĩa quan trọng này, Hoa Kỳ vẫn cần đến một TQ có tính quyết đoán hơn hiện nay.

THOMAS J. CHRISTEN là giáo sư thuộc chương trình William P. Boswell môn Chính trị Thế giới về Chiến tranh và Hoà bình tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn Tệ hại hơn một Khối thống nhất: Chính trị Liên minh và Những vấn đề gây ra do Chính sách ngoại giao o ép tại châu Á. Từ 2006 đến 2008, ông là Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Phiên bản đầu tiên của bài tiểu luận này đã được trình bày tại Đại học Harvard năm 2010 trong Chương trình Thuyết trình Tưởng niệm Charles Neuhauser.

Trần Ngọc Cư dịch
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments: