Sunday, March 6, 2011

NHỮNG CÚ SÚT TUYỆT VỜI (Trần Việt Hoàng)


Khi Messi Lionel dẫn banh và lừa qua được 6 đối thủ để làm bàn một cách lạ lùng trong trận túc cầu giữa Barcelona và Getafe, anh đã để lại cho lịch sử bóng đá một pha công thành tuyệt diệu và được bầu chọn là “cú làm bàn hay nhất thế giới”. Và cũng trong lĩnh vực nầy, Diego Maradona đã làm nên lịch sử với “cú làm bàn thế kỷ” trong trận tranh hùng giữa Argentina và Anh Quốc vào năm 1986.

Thưa bạn, những cú sút tuyệt vời nầy quả thật vô cùng đẹp mắt, mà tôi nghĩ rằng bạn sẽ rất thích thú khi xem lại chúng ở trên Internet, mạng lưới toàn cầu.

Khi mà cuộc sống càng trở nên văn minh và xã hội dần trở nên nối kết thì chúng ta được học hỏi và thưởng thức những cái hay, cái đẹp trên thế giới cho dù nó xảy ra ở nơi đâu và vào thời điểm nào. Cái mạng nối kết nầy không những cho chúng ta phương tiện để liên lạc, để giao lưu, mà còn cho ta sự hiểu biết về mọi khía cạnh của cuộc sống, của lịch sử, và hơn hết những quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người công dân trong việc xây dựng một xã hội văn minh tốt đẹp hơn cho chính mình, cho gia đình mình và cho con cháu chúng ta sau nầy.
Thưa bạn, cái hay của mạng lưới toàn cầu là ở chỗ đa diện, phong phú và khách quan của nó mà mỗi người trong chúng ta đều có quyền lựa chọn những cái gì chúng ta muốn xem, muốn theo dõi, muốn học hỏi hay muốn đóng góp. Nó không những cho chúng ta biết được sự thật mà còn có thể biến chúng ta trở thành những phóng viên, những nhà đưa tin cho cả thế giới đều biết. Và đúng là không quá đáng khi nói rằng Internet đã mở đường cho những biến chuyển lớn lao trên thế giới như những cuộc cách mạng thành công ở Tunisia, ở Ai Cập và sẽ thành công ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Thưa bạn, nhờ có Internet mà tôi được biết và xem những thành công ngoạn mục của những cầu thủ lừng danh trên thế giới như Pele Edson Arantest Do Nascimento, Lionel Messi, David Beckham, Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo, Kala Ricardo Izecson Leite, David Beckham, Diego Maradona, David Villa, Carlos Tevez, Diego Forlan. Và cũng nhờ có Internet mà tôi thấy được cái hay cái đẹp của xứ người mà chạnh lòng nghĩ tới quê hương.
Phải quê hương mình đó bạn ạ. Sao nó còn lắm cảnh trái ngang. Tại sao tôi và bạn sau những ngày tháng cắm cổ học hành và tận lòng làm việc, cuộc sống vẫn mãi tối đen? Tại sao nhân dân nghèo khổ mà cán bộ lại quá sang giàu, tiền xài như nước? Có phải tại vì họ vô Đảng, vô Đoàn nên rộng đường tiến thân và thênh thang quyền lợi?
Quê hương mình đó bạn ạ. Sao còn trăm nghìn lo lắng? Lo ăn, lo uống vì thiếu tiền, thiếu việc, thiếu sự đảm bảo an toàn. Lo đi, lo đứng vì thiếu đảm bảo lưu thông. Lo hít, lo thở, vì ô nhiểm môi trường. Lo đi tù vì nói lời chân thật. Lo bị hại vì nhà nước không thật sự vì dân, do dân và của dân. Lo mất đất, mất nhà vì mở đường, mở mang đô thị. Lo cho mình, lo cho con cháu, vì đất Việt có kẻ hiến dâng cho người “nước lạ”. Lo cho người sống, lo cho kẻ chết vì bị dời nhà, dời mộ.

Những cảnh trái ngang và trăm nghìn lo lắng đó có lẻ nào cứ ngang nhiên tồn tại?

Bạn ơi, nó cứ ngang nhiên tồn tại vì chính chúng ta đó thôi. Chúng ta chấp nhận sống an phận, sống chịu đựng, sống chỉ biết có ngày hôm nay. Chắc không ai trong chúng ta là muốn sống hèn, sống nhục như những lời chân thật mà đầy đắng cay trong “HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN” mà bác Tô Hải đã kể lại ở cuối đời mình sau bao năm sống trong xã hội do đảng Cộng Sản cai trị. Dòng máu bất khuất của tổ tiên đã không cho phép chúng ta sống nhục, sống hèn như thế, nhưng chắc tại thiếu thông tin, thiếu sự hiểu biết về quyền lợi của mình và trách nhiệm của chính phủ, và thiếu niềm tin vào sức mạnh của sự nối kết, sự hợp quần, mà chúng ta vẫn mãi cắn răng chấp nhận. Mỗi người chúng ta ao ước sống như một Quang Trung, một Lê Lợi, một Trần Bình Trọng hay một Lê Chân, phải không bạn? Hay ít ra cũng như một Cù Huy Hà Vũ, ở trong tù mà vẫn vang vọng lời hô: “Tổ Qưốc Việt Nam hay chết”.

Thưa bạn, thật ra thì chúng ta cũng không cần phải sống oai hùng như một Nguyễn Thái Học hiên ngang lên đọan đầu đài, hay kiên cường như Lê Thị Công Nhân, “dù cho có còn một mình vẫn còn tranh đấu”. Chúng ta chỉ cần mạnh dạn đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình. Đòi cơm ăn áo mặc, đòi lẽ phải và sự công bằng, đòi có tự do và được quyền ứng cử và bầu cử cho người đại diện của mình. (Chỉ có những người do dân bầu ra là của dân, vì dân và sẽ lo cho dân). Những đòi hỏi nầy có phải quá đáng hay không hay chỉ là lẽ tất nhiên đáng lẽ ra phải có trong bất kỳ xã hội văn minh tiến bộ ngày nay?

Thưa bạn, ngày nay chúng ta không lẻ loi trong tiến trình đòi sự thay đổi vì có rất nhiều sự nối kết tinh vi. Sự nối kết nầy không cần một người lãnh đạo mà mỗi chúng ta là một mắt xích, một trạm lưu thông muôn chiều mà cho dù một hay nhiều mắt xích bị cắt bỏ, thì vẫn không ảnh hưởng đến sự nối kết số đông. Chính sự nối kết muôn chiều nầy đã cho chúng ta một sức mạnh của số đông mà khi đã huy động thì khó ai có thể trù dập. Không những như vậy, mà khi các bạn xuống đường, mỗi người đều có thể thu thanh, thu hình và gởi đi ngay trong chớp mắt. Hình ảnh, tiếng nói và âm thanh là những bằng chứng để bảo vệ bạn và tố cáo với thế giới nếu có đàn áp xảy ra. Bạn nhớ chụp cho rõ mặt những người dùng bạo lực nghe bạn.

Thưa bạn, cả thế giới đang đứng về phía nhân dân bị áp bức mà đang vùng lên đòi sự thay đổi. Liên Hiệp Quốc đã quyết định đem ra tòa án quốc tế những cá nhân dùng vũ lực đàn áp đồng bào mình. Đây quả là thời cơ tốt đẹp cho những cuộc xuống đường. Nếu ai nói là chưa phải lúc, thì tôi xin hỏi; đợi đến khi mô?

Có người cho rằng chuyện đổi thay chỉ xảy ra khi nào Trung Quốc thay đổi. Bạn có thấy nó là tư tưởng quá lệ thuộc hay không? Chẳng lẽ những đòi hỏi đúng đắn của người dân cho một đời sống tốt đẹp hơn cũng phải đợi chờ Trung Quốc hay sao? Chẳng lẻ mình đợi Trung Quốc đổi thay rồi mình mới bắt chước thay đổi? (cái tư tưởng rập khuôn nầy sao mà nghe quen quá). Hay là mình đợi Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc rồi mình mới vùng lên làm cách mạng?

Có người cho rằng đảng Cộng Sản có ba triệu người và đòan thể lung tung rất vững mạnh, họ không dễ gì thay đổi. Thì tôi xin hỏi bạn, trong số ba triệu người đó có bao nhiêu là thành phần trung kiên đi theo đảng vì lý tưởng? Chắc bạn và tôi cũng đều biết rằng con số ấy chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, vì chủ nghĩa Cộng Sản đã thật sự chết rồi, họ chỉ đi theo vì sợ đứng ngoài thì không có cơ hội thăng tiến. Ngay cả những bậc lão thành cách mạng, những cựu ủy viên bộ chính trị, cựu chủ tịch quốc hội, đi theo đảng CS mấy chục năm trường, cũng đều lên tiếng công nhận là nó sai từ gốc rễ, từ cơ chế và kêu gọi đổi thay, thì con số chống lại nhân dân sẽ là bao khi có những cuộc xuống đường?

Thưa bạn, cũng rất may số người nhìn thấy thời cơ thì đã nhiều và những lời kêu gọi thì cùng khắp, từ những lời đầy tâm huyết của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, đến những chúc thư chân tình của linh mục Nguyễn Văn Lý, lời kêu gọi của khối 8496, của “Nhóm Bạn Trẻ”, một kế hoạch đầy khoa học của Thiên Đức ở danchimviet.info đến những lời kêu gọi cho một cuộc cách mạng hoa sen, hay điểm hội tụ của dcvonline.net. Tất cả đều nên được phân tích và xử dụng một cách hữu lý nhất.

Thưa bạn, những cú sút tuyệt vời của các cầu thủ quốc tế đã làm nên lịch sử cho nền bóng đá thế giới, và những cú sút điêu luyện của Lee Nguyễn, của Vũ Phong, của Trọng Hoàng, của Mạnh Cường đã làm người Việt tự hào, nhưng chỉ có những cuộc xuống đường của bạn mới làm cho cuộc sống của chính bạn và người thân được tốt đẹp hơn, và công bằng hơn. Con cháu của bạn sẽ muôn đời nhớ ơn bạn. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không kết nối, không kêu gọi và không xuống đường? Bạn chỉ nên nhớ rằng bạn không làm điều gì ghê gớm cả mà chỉ đòi hỏi những quyền lợi căn bản của mình mà thôi.

© Trần Việt Hoàng
© Đàn Chim Việt Online
.
.
.

No comments: