Tuesday, March 22, 2011

NHÌN NHẬT BẢN, TỰ THẤY MÌNH (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Hai 21 Tháng 3 2011

Trong hơn một tuần qua, kể từ ngày 11 tháng 3, nước Nhật xuất hiện trước thế giới với một gương mặt khác. Khác hẳn lúc trước.

Trước, nghĩ đến Nhật, người ta nghĩ đến một quốc gia kỹ nghệ và giàu có nhất châu Á, một dân tộc đã từng có tham vọng thống trị thế giới, nhưng cuối cùng đã thảm bại sau khi gánh chịu hai quả bom nguyên tử đầu tiên, và cho đến nay, duy nhất được sử dụng trong lịch sử.

Bây giờ, hình ảnh nước Nhật được phô bày trên màn ảnh tivi cũng như trang nhất của hầu hết các tờ nhật báo trên khắp thế giới là hình ảnh tang thương của những nạn nhân đầy bất hạnh.

Thật ra, nước Nhật bị không ít thiên tai. Những trận động đất với mức độ lớn nhỏ khác nhau thường xuyên xảy ra ở Nhật. Thường đến độ, với người Nhật, liên quan đến nạn động đất, vấn đề ám ảnh nhất không phải là có hay không mà chỉ là vấn đề thời gian: khi nào thì nó xuất hiện? Biết thế, họ chuẩn bị rất kỹ. Không phải chỉ chuẩn bị về tâm lý mà còn chuẩn bị cả về chiến lược và kỹ thuật đối phó với thiên tai: ví dụ, gần giường ngủ của họ lúc nào cũng có sẵn đèn pin; sau lần tắm cuối cùng vào buổi tối trước khi đi ngủ, họ thường giữ nước lại trong bồn để phòng hờ, nếu động đất xảy ra trong đêm, nước máy bị tắt, họ sẽ không quá khổ sở vì thiếu nước, v.v...

Mặc dù sống trên một đất nước đầy rủi ro như vậy, hầu như chưa bao giờ người Nhật phải đối diện với nhiều thiên tai, lại là những thiên tai khủng khiếp, thuộc loại kỷ lục, như bây giờ: động đất (với cường độ 9 Richter, lớn nhất trong lịch sử nước Nhật), sóng thần (có nơi, như ở Sendai Shinko, cao hơn 10 mét và kéo sâu vào thành phố đến cả mấy cây số) và nguy cơ nổ lò nguyên tử. Hai thiên tai đầu tiên đã tàn phá nguyên vùng duyên hải từ Hokkaido đến Okinawa, kéo dài gần 4000 cây số, trong đó nhiều địa phương cơ hồ bị xóa sạch: Minami Sanriku (trên 17.000 dân; hơn 95% nhà cửa bị cuốn trôi), Kesennuma (74.000 dân) và Rikuzentakata (trên 23.000 dân; 75% nhà cửa bị phá hủy). Số người bị chết có thể lên đến vài chục ngàn người; hàng trăm ngàn ngôi nhà bị nước cuốn; gần một triệu căn nhà bị cúp điện nước; hơn nửa triệu người bỗng trở thành vô gia cư. Tổng số thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Riêng tai họa cuối cùng, liên quan đến các lò điện hạt nhân, chưa ai biết nó sẽ dẫn đến đâu. Nếu bùng nổ, nó sẽ là một thảm họa kinh hoàng không phải chỉ cho người dân Nhật mà còn cho cả nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Gắn liền với ba tai họa khủng khiếp cùng lúc như vậy, hình ảnh nước Nhật và người Nhật trên các trang báo cũng như màn ảnh tivi khắp nơi là những hình ảnh rất dễ làm xúc động lòng người: thành phố thì thành bình địa, ngổn ngang đầy rác rến, có nơi không còn bất cứ một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn; người thì sống chen chúc trong các khu tạm cư nhiều khi không có cả điện nước, trước mặt là một tương lai hoàn toàn mù mịt, còn thân nhân thì không biết sống chết thế nào.

Những hình ảnh ấy, một mặt, khiến người ta thương cảm, nhưng mặt khác, cũng khiến người ta vô cùng ngưỡng mộ.

Đối với chính phủ Nhật thì nhiều người, nhất là các chuyên viên về nguyên tử lực Mỹ, chê trách khá nặng nề: một là, họ nắm tình hình chậm và phản ứng không đủ nhanh nhạy; hai là, sự kết hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền và các công ty nguyên tử lực không thật nhịp nhàng và kém hiệu quả; và ba là, họ không cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết cho quốc tế và dân chúng khiến nhiều người dân trong các vùng bị phóng xạ đe dọa đâm hoang mang, nhiều lúc, giận dữ.

Tuy nhiên, với người dân Nhật, hầu như không ai không ngưỡng mộ.
Ngưỡng mộ nhất là ở ba điểm: sự dũng cảm, tinh thần kỷ luật và tinh thần tập thể.

Khi thiên tai xảy ra, mọi người dân đều phản ứng một cách bình tĩnh theo đúng những quy định sẵn có lúc đối phó với hiểm họa. Hoàn toàn không có những cảnh chạy tán loạn, nháo nhác và gào thét inh ỏi như thường thấy ở những nơi khác. Sau thiên tai, dù nhà cửa bị cuốn sạch, có khi cả thân nhân cũng bị mất tích, mặt người nào người nấy đều đanh lại, nặng trĩu đau buồn, nhưng rất hiếm khi thấy ai òa lên khóc. Thiếu thốn ngay cả những nhu yếu phẩm cần thiết và quan trọng nhất, nhưng không ai lên tiếng than vãn. Trước cửa các siêu thị cũng như quanh các cây xăng, mọi người vẫn kiên nhẫn xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt mình. Không ai chen lấn, xô đẩy hay giành giật nhau. Người bán hàng không lợi dụng cơ hội ngặt nghèo để tích trữ hay nâng giá. Người mua không kèo nài nhiều hơn số lượng quy định. Gặp nhau, người ta vẫn cung kính cúi đầu chào.

Và hoàn toàn không có cảnh hôi của. Thành phố bị nước cuốn trôi, nhà cửa sụp đổ ngổn ngang, người thì kẻ bị chết kẻ đi lánh nạn, nhưng không ai lùng sục vào các cửa tiệm để vơ vét hàng hóa, dù ai cũng đang thiếu thốn mọi thứ. Cảnh sát chỉ lo nhiệm vụ tìm cứu các nạn nhân sống sót, thu thập thi thể những kẻ bất hạnh, và giúp đỡ những người bị mất nhà mất cửa chứ không cần phải lo giữ an ninh, dọa bắn bỏ những tên du thủ du thực như ở những nơi khác.

Tất cả những nét đẹp trong tính cách người Nhật đều được nhiều người viết. Trên báo chí ngoại quốc, từ Mỹ đến Anh, Úc, v.v... Nhưng điều tôi vui nhất là thấy rất nhiều người Việt Nam cũng quan tâm đến điều đó. Từ Nguyễn Đình Đăng (1), một nhà khoa học hiện đang làm việc tại Nhật đến Ngô Nhân Dụng (2), một nhà báo đang sống ở California, Nguyễn Quang Lập (3), một nhà văn ở Việt Nam, và Song Chi (4), một đạo diễn ở Na Uy, cũng như vô số các nhà báo và blogger khác, đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước văn hóa hành xử của người Nhật.

Theo tôi, đằng sau sự ngưỡng mộ ấy cũng là một nhận thức văn hóa và chính trị sâu sắc: người ta thấy rõ tất cả những ưu điểm trong tính cách của người Nhật cũng là những khuyết điểm nặng nề của người Việt Nam.

Thành ra, nhìn người Nhật, những người có chút lương tri và tự trọng đều tự thấy và hiểu rõ về mình. Ở những chỗ mình cần phải khắc phục. Và phải học từ người Nhật.

Nhưng phải học bằng cách nào?
Đó mới chính là vấn đề.

***

Chú thích:
Bài Mỹ chất của dân một nước lớn” trên Người Việt
Bài “Bài học Nhật Bản", trên Quechoa
Bài "Việt Nam và thảm họa Nhật Bản" trên Người Việt
Bài  Nhật và Việt sao khác nhau đến thế? “ trên Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: