Tuesday, March 1, 2011

NHÀ XUẤT BẢN VIỆT NAM VẬT LỘN CẬT LỰC MỚI PHÁT HÀNH ĐƯỢC SÁCH KINH ĐIỂN PHƯƠNG TÂY

Aude Genet  -  Mysinchew.com  -  Ngày 14-9-2010

Đăng bởi anhbasam on 01/03/2011

Tiêu đề tác phẩm “Democracy in America” của tác giả người Pháp Alexis de Tocqueville không được duyệt tại Việt Nam, vì thế, nó được xuất bản dưới một cái tên khác.

Khi Nhà xuất bản Tri thức tại Hà Nội phát hành tác phẩm này ba năm trước đây, nó không đề cập tới chữ dân chủ ở tiêu đề. Tác phẩm đã mang tên “Nền dân trị Mỹ” ["Governance of the American people."].

Khâu kiểm duyệt tại Việt Nam chỉ là một trong rất nhiều thách thức mà nhà xuất bản phải đối mặt khi dịch các từ về triết học, tư tưởng chính trị và khoa học xã hội phương Tây.

Họ còn phải đương đầu với tình trạng thiếu người dịch có thể nắm bắt được các tác phẩm lớn về tư tưởng phương Tây, cũng như thiếu người đọc. “Vì chiến tranh, vì những vấn đề do lịch sử để lại, giáo dục Việt Nam hầu như thiếu các giá trị phổ quát chứa dựng trong các tác phẩm kinh điển”, ông Chu Hảo, 70 tuổi, giám đốc nhà xuất bản Tri thức nói.

“Những gì có thể học bị giới hạn trong những điều chứa đựng trong các cuốn sách của chủ nghĩa Marx-Lenin”, ông nói. “Thậm chí ngày nay, triết học, đặc biệt là lịch sử triết học, là khá xa lạ với học sinh Việt Nam”. Theo ông Hảo, triết học là tinh hoa cho sự phát triển con người và bỏ bê nó sẽ “cực kỳ tổn hại về ngắn hạn cũng như dài hạn với sự phát triển của đất nước”.

Khi khởi đầu cách đây khoảng bốn năm, nhà xuất bản đã lựa chọn cách tập trung vào một số tác giả nổi tiếng, ông Phạm Toàn, người dịch tác phẩm kinh điển năm 1835 của Tocqueville cho biết. Số khác bao gồm tác phẩm của nhà triết học Anh thế kỷ 19 John Stuart Mill và nhà phê bình Mỹ của kỷ nguyên hiện đại, Noam Chomsky. Sau này là các tác phẩm của các nhà tư tưởng người Pháp thế kỷ 18 Jean-Jacques RousseauVoltaire

Hơn 100 đầu sách đã được dịch, tiêu thụ khoảng 2.000 bản mỗi cuốn. Người đọc chủ yếu vẫn là các nhà nghiên cứu, giới kinh doanh hơn là sinh viên hay công chức.

Cũng như với các nhà xuất bản khác tại Việt Nam, nhà xuất bản Tri thức có liên kết với một cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này, đó là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Cùng với sự hỗ trợ tài chính từ VUSTA, nhà xuất bản còn nhận được đóng góp tư nhân hoặc hỗ trợ từ các tòa đại sứ nước ngoài.

Việc biên dịch từ các tác phẩm tiếng Anh sang tiếng Việt, theo ông Hảo, phụ thuộc lớn vào các nhà ngôn ngữ học ở độ tuổi 60 trở lên.

Những người trẻ hơn ít chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ thuộc địa cũ, tiếng Pháp. Họ thích tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác để kết nối tốt hơn với một thế giới rộng lớn hơn. Nhưng thậm chí sự hiểu biết tiếng Việt của họ cũng còn hạn chế, ông Hảo nói. Ông lấy làm tiếc về “mức độ nhận thức chung của họ khá thấp do sự yếu kém của nền giáo dục quốc gia trong nhiều thập niên”.

Khoảng một nửa dân số Việt Nam dưới tuổi 30.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống giáo dục của Việt Nam còn cách xa chuẩn mực quốc tế, do tham nhũng và do những điều không phù hợp trong việc cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng mà đất nước cần tới. Nhiều nhà phê bình cho rằng, hệ thống giáo dục này trông chờ vào học thuộc lòng hơn là phản biện.

Các tác phẩm về tự do hay dân chủ, như của Tocqueville thường vấp phải thách thức như sự kiềm chế về ý thức hệ.”Có những quy định bất thành văn, có vùng “nhạy cảm” mà các nhà xuất bản không được phép vượt qua”, ông Hảo nói.

Tuy nhiên, sự nhạy cảm này đã giảm bớt kể từ năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu chính sách “Đổi Mới” mở cửa với thế giới, ông Hảo cho biết.

Trong khi các nhà kiểm duyệt vẫn cố gắng can thiệp, ông Hảo nói, thì ông vẫn kiên nhẫn giải thích tầm quan trọng của sự tiếp nhận những khác biệt và cho rằng “mọi thứ không tương đồng với quan điểm của Đảng không có nghĩa là phản động”

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
.
.
.

No comments: