Saturday, March 5, 2011

NGUYÊN NHÂN CHÌM TÀU Ở VỊNH HẠ LONG (Ngũ Phương, DCVOnline)

Ngũ Phương
05-03-2011
.

Tin con tàu “Dream Voyage” (tức Trường Hải 06) chìm tại vịnh Hạ Long lập tức gây xôn xao dư luận trong cũng như ngoài nước. Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh của Việt Nam với hơn 1600 đảo lớn nhỏ, được tổ chức Unessco liệt vào danh sách 911 di sản thế giới. Hàng năm, vùng biển đảo tuyệt đẹp này đón nhận hơn 3 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm.

Vào đêm 16 rạng ngày 17 tháng 2, trong khi neo trên biển, tàu Trường Hải đã chìm hẳn xuống khiến 12 hành khách thiệt mạng, những người còn lại nhảy xuống biển và được tàu khác cứu thoát. Các nạn nhân có quốc tịch Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Nga, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Việt Nam, độ tuổi từ 20 đến 30. Trên tàu gồm 27 người, trong đó có 20 du khách. Thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Minh, 22 tuổi, và máy trưởng Đỗ Văn Thắng, 27 tuổi. Tàu Trường Hải 06 thuộc đội Biển Mơ công ty TNHH Trường Hải tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc là ông Phạm Văn Ngọc. (1)

Tai nạn lập tức tạo ra nhiều nghi vấn. Người ta vẫn chưa quên tháng Chín năm 2009, 2 người Anh, 1 Pháp và 2 Việt Nam cũng đã tử nạn trên một con tàu du lịch tại vịnh Hạ Long; nguyên nhân chính là do gió lớn đột ngột thổi tới làm lật tàu. Nhưng lần này thì khác, tàu chìm trong khi đang neo đậu và biển vẫn êm lặng. (2)

Thế thì nguyên nhân nào đã làm chìm con tàu Dream Voyage?

Ngay sau tai nạn, người ta phỏng đoán nguyên nhân là do ván hầm máy tàu bị bung, nước tràn vào rất nhanh khiến tàu lật và chìm ngay. Thiếu tướng Trần Thành, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, thường trực Ban tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân sơ bộ vụ chìm tàu được xác định do tàu có khuyết tật “ẩn”. Còn Thường trực ban Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hạ Long nói 12 du khách bị thiệt mạng do mắc kẹt tại các buồng ngủ gần vị trị tàu bị bục. (3)

Thế nhưng sau khi điều tra, nguyên nhân gây chìm tàu và dẫn tới cái chết bi thảm của các nạn nhân lại đơn giản đến mức ngỡ ngàng: vì các thủy thủ trên tàu không chịu đóng các van xả nước ra, cả đêm hôm đó không chịu kiểm tra, giám sát và trực, dẫn đến chuyện nước vào cả đêm, đến gần sáng, nước vào nhiều quá nên tàu chìm.

Ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, trả lời phỏng vấn phóng viên Khánh An (đài RFA) cho biết (4):
Tai nạn đáng tiếc xảy ra đã gây thiệt hại rất lớn nhưng nguyên nhân thực sự lại quá giản đơn. Nếu thủy thủ trên tàu làm đúng chức năng của họ là đóng các van lại, cử người trực đêm trên tàu để xem xét tình trạng của tàu liên tục thì chắc chắn sẽ không xảy ra việc đáng tiếc. Hiện nay, công an sơ bộ đánh giá là tàu vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, riêng chỉ có các van là không đóng lúc tàu nghỉ nên nước vào mới xảy ra chuyện.

Các con tàu du lịch vịnh Hạ Long có tên tiếng Anh là “junk boat”, gọi tắt là “junk”, vì chúng vẫn giữ nguyên hình dáng của những con tàu buồm xưa, thậm chí một số còn là những con tàu cũ, được tân trang và đưa vào xử dụng, vì thế mới có người đặt giả thuyết đáy tàu bị bục. Tuy nhiên, Dream Voyage là tàu mới đóng năm 2008, được đưa vào xử dụng tháng 10 năm 2010, và chỉ phải tái kiểm tra, gia hạn tháng 4 năm 2011 tới đây (5)

Theo lời ông Hùng ở trên thì tàu chìm chỉ vì con người sơ sót, còn con tàu không hề mất phẩm chất, không hề có “khuyết tật ẩn”, và cũng không hề có vấn đề kỹ thuật. Thế nhưng, cho dù đáy tàu không bị bục đi nữa thì có phải là vẫn “đảm bảo an toàn tuyệt đối” hay không?

Hãy nghe anh Corda Stefand, một người Ý, may mắn thoát chết, kể lại sự việc lúc xảy ra tai nạn (6):
Cái lúc tàu chìm trời êm ắng lắm. Em trai tôi và tôi thật mê cảnh đẹp. Mọi sự trôi chảy cho đến ban chiều. Sau bữa ăn tối, tôi nhận thấy có cái gì đó không ổn. Tôi đã nói điều này với người điều hành tàu. Đêm ấy tôi không sao ngủ được và choàng tỉnh vào khoảng 5 giờ sáng. Tôi muốn ra ngoài boong tàu cho thoáng nhưng thật ngỡ ngàng khi thấy một bên tàu đã chìm xuống nước. Tôi nghe tiếng nước đang chảy xối vào. Tôi chạy đánh thức Sacconi. Khi thấy tàu thực sự đang chìm, một số người kêu thét lên, nhưng một số khác thì vẫn còn say ngủ.

Người em Sacconi tiếp lời, “Hai chúng tôi chạy được lên boong thì tàu đã gần như chìm hẳn xuống nước. Ngay lúc đó tôi vẫn nghĩ tới nhiều người vẫn còn bị kẹt ở tầng dưới. Tôi nhảy ngay xuống biển và bơi.”

Theo lời kể của anh Corda Stefand ở trên thì người điều khiển tàu đã bỏ ngoài tai những góp ý của hành khách, tệ hơn nữa, đã không kiểm tra đôn đốc nhân viên thực hiện những thao tác tối cần thiết trong việc điều khiển và bảo an cho tàu trong khi nó và 27 con người đang nằm ngay trong một vùng sóng nước mênh mông tăm tối.
Một điểm rất đáng chú ý nữa là không hề nghe tiếng còi hụ báo động khi tàu bắt đầu chìm. Ngay nhà ở của người thường cũng có hệ thống báo động phòng cháy. Còi hụ sẽ vang inh ỏi ngay khi có khói chứ không đợi tới lúc lửa cháy to, vậy mà một chiếc tàu du lịch cho hơn hai chục con người lại không hề có. Mỉa mai thay, công ty TNHH Trường Hải ngoài việc chở hành khách nội địa, tổ chức các tour du lịch, còn kiêm thêm “Dịch vụ hệ thống bảo đảm an toàn, cung cấp, lắp đặt dịch vụ phòng cháy, chữa cháy”. Vậy sự “an toàn tuyệt đối” của ông Ngô Văn Hùng nói về tàu Trường Hải là không đúng, con tàu không được trang bị những phương tiện an toàn cơ bản nhất.

Dạo một vòng trên mạng, ta được du khách kể cho nghe những kinh nghiệm hãi hùng của họ với các con tàu vịnh Hạ Long. Trong blog có tựa “Halong Bay Accident NOT an isolated incident”. Blogger Adrian mở đầu, “Tôi viết để thông báo cho mọi người biết rằng thảm kịch mới đây ở vịnh Hạ Long không phải là một trường hợp riêng lẻ”. Adrian kể trong một ngày du lịch tại vùng biển đảo này anh từ thuyền lớn sang thuyền nhỏ dạo chơi, bầu trời trong xanh thật quang đãng, thế mà không biết tại sao người lái tàu lại có thể đâm thuyền ngay vào một tảng đá to tướng như cái nhà, may không ai bị thương. Adrian kết luận với lời khuyên “Đi chơi vịnh Hạ Long phải biết mở to mắt ra nhìn tứ phía.” (7)

Blogger KenUGA1 đồng ý với Adrian và cho biết trên thuyền “áo phao cứu cấp - không có, còi hụ báo động - không có, hệ thống phát thanh báo động - cũng không có luôn” và nhắn thêm “Nên chọn buồng nằm gần lối ra để dễ dàng tẩu thoát khi có biến”.

Blogger pressonregardless vừa mới đi một chuyến du lịch Việt Nam 16 ngày cũng công nhận không thấy còi hụ báo động hay áo phao: các con tàu trông không được chắc chắn an toàn gì cho lắm, còn việc điều khiển tàu thì hoàn toàn tùy vào cái gan lỳ của từng thuyền trưởng một.

Blogger xpandex kể lại chuyện mình suýt bị hỏa thiêu theo tàu:
“Chúng tôi đi tour 2 ngày với vài người nữa. Ngày đầu tiên thật tuyệt, nhưng sau khi vào giường chúng tôi ngửi thấy mùi khét. Tôi chạy ra khỏi cabin và thấy con tàu đang bốc cháy đàng đuôi. Tôi liền chạy kiếm bình xịt lửa và cố gắng dập tắt đám cháy. Hành khách la hét kêu cứu váng lên còn các thủy thủ lo ném các bình gas trên tàu xuống nước. May thay một con tàu gần đó thấy khói lửa nghi ngút bèn hạ một chiếc xuồng cứu nạn vì thấy bên chúng tôi không ai có lấy một cái áo phao. Chúng tôi trèo được lên chiếc thuyền này. Chẳng mấy chốc, con thuyền kia bị lửa đốt cháy rụi.”

Kết hợp những câu chuyện ở trên, cộng với rất nhiều tai nạn thường xuyên xảy ra ở Việt Nam như các hố tử thần trên đường phố, các cây cầu bị xập, các công trình nghiêng đổ, các vụ lũ do xả nước đập thủy điện v.v... cho thấy sự vô trách nhiệm đang là một bệnh dịch tàn phá đất nước.

Trở lại với con tàu bị chìm, giả sử tàu Trường Hải 06 được chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu cấp an toàn, nghĩa là còi sẽ hụ báo khi vừa chìm xuống nước, các hành khách thức ngay dậy và được mặc áo phao cứu cấp, thì đã chẳng ai việc gì và thảm họa chết người đã không xảy ra. Từ đó cho thấy nguyên nhân làm tàu chìm có thể là do sự sơ xuất của con người, nhưng nguyên nhân làm chết người lại do sự thiếu an toàn của con tàu.

Thế nhưng ông Ngô Văn Hùng chỉ muốn nhấn mạnh vào lỗi lầm của thủy thủ đoàn mà thôi, dường như ông ta muốn khỏa lấp tình trạng thiếu an toàn nghiêm trọng của con tàu Trường Hải. Ông Hùng lo sợ cũng phải vì nếu nói tàu thiếu an toàn thì sẽ khiến dư luận đặt nghi vấn về sự an toàn của tất cả các tàu khác tại vịnh Hạ Long kéo theo việc du khách sẽ e ngại không dám đến đấy nữa.

Chừng như thấy lấp liếm như thế vẫn chưa đủ, ông Hùng quay sang lý luận rằng các khách du lịch kia chính là nguyên nhân làm tàu chìm. Cũng trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Khánh An, ông Hùng gay gắt nói:
Khánh An: Có một số khách nước ngoài được nghe nói rằng chiếc tàu này có giá tour khá thấp so với những tour khác có giá cao hơn và họ cho rằng những tour này thì không bảo đảm an toàn. Điều này có đúng không?

Ông Ngô Văn Hùng: Cũng không phải, thực ra đấy cũng là do tính chưa chuyên nghiệp. Thứ hai nữa là những khách đi cũng không chuyên nghiệp, đi theo kiểu “dân dã”. Họ trả tiền cũng “dân dã” nên vào những tour, những hãng du lịch, những chủ tàu cũng không phải... Chứ còn nếu những khách kia thì họ phải tìm mọi cách để đảm bảo hoạt động của họ tốt hơn. Bản thân khách lại quá “dân dã”, nó tạo cho tính chuyên nghiệp, ý thức của chủ tàu hay những người phục vụ cũng thấp đi.

Không hiểu ông Hùng hiểu 2 chữ “chuyên nghiệp” như thế nào? Chuyên nghiệp chỉ được dùng để chỉ mức độ tốt xấu của công việc hay dịch vụ, sản phẩm. Một thợ may chuyên nghiệp phải biết may quần áo vừa vặn cho khách. Một tàu du lịch chuyên nghiệp phải biết làm cho khách vừa thoải mái vừa an toàn. Do vậy, chữ chuyên nghiệp không áp dụng cho người mua.

Tức nhiên người mua cũng phải biết giới hạn của mình. Chiếu theo luật Caveat emptor - Buyer beware, người mua có nhiệm vụ phải cẩn thận tìm hiểu món hàng hay dịch vụ mà mình xắp mua. Do vậy chỉ có thể nói khách không thận trọng, không ai nói khách không chuyên nghiệp. Câu “khách đi cũng không chuyên nghiệp” hẳn muốn bảo đây là những khách không cẩn thận, không chịu tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi lên tàu. Nhưng nếu vì thiếu chữ hay vì bối rối không tìm ra chữ nên dùng sai thì đó cũng chỉ là lỗi nhỏ, không đáng kể, điều đáng nói là ông Hùng còn chua thêm 2 chữ “dân dã”. Vậy dân dã ở đây có nghĩa gì?

Theo AFP, vụ chiếc tàu chìm tại vịnh Hạ Long là kết quả của một ngành du lịch nhắm vào các du khách “ba lô”, với giá rất rẻ nhưng không bảo đảm an toàn. Nhiều công ty du lịch nói với AFP là, du khách có thể đi du ngoạn hai ngày trên vịnh Hạ Long với cái giá 35 đô la, nhưng tàu không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn. Anh George Fosmire, một trong số chín du khách sống sót nhưng người yêu thì đã thiệt mạng trong tai nạn, đã trả 42 đô la cho chuyến đi trên (8).

Như thế chữ “dân dã” ông Trưởng Quản vịnh Hạ Long đã dùng cách nói văn vẻ của chữ “ít tiền”, “rẻ mạt” - Nói “Họ trả tiền cũng dân dã” thật ra chỉ muốn nói “họ trả tiền bèo lắm”. Từ đó suy ra câu “Bản thân khách lại quá dân dã, nó tạo cho tính chuyên nghiệp, ý thức của chủ tàu hay những người phục vụ cũng thấp đi” ngụ ý muốn nói “vì cái đám người nghèo rớt đó không có tiền mà vẫn ham đi chơi nên mới nảy sinh những loại chủ tàu hám lợi, thuê nhân công rẻ mạt thiếu kinh nghiệm, từ đó mới xảy ra tai nạn chết người”.

Tóm lại, sau khi tuyên bố vụ chìm tàu Trường Hải có nguồn gốc từ một sự sơ ý hết sức nhỏ nhặt của vài người, ông Hùng quay sang bảo nguyên nhân, thực ra, là do khách du lịch ham của rẻ. Và như thế nguyên nhân cái chết thảm thương 12 mạng người kia thay vì là lỗi của một hệ thống quản lý lỏng lẻo, dung túng nhân viên làm quấy bất chấp an nguy của người khác, cuối cùng chỉ là hậu quả của du lịch giá rẻ mà ra.

Cái kiểu đổ vấy cho người khác thay vì nhận trách nhiệm là chuyện rất thường của các quan chức cộng sản. Cuối năm 2008 khi Hà Nội chìm trong cơn lũ, thay vì tỏ thái độ thương xót thì Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã than van với VietnamNet rằng, “Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm”.

Thêm một chi tiết không thể bỏ qua là trước một tai nạn thảm thương đến thế hoàn toàn không thấy ông Ngô Văn Hùng có được một lời an ủi hay chia buồn với gia đình nạn nhân. Một bày tỏ sự quan tâm ở đây, dù giả dối, vẫn rất cần thiết để thể hiện tính đạo đức, văn hóa, chí ít là tính chuyên nghiệp của người làm quan, làm lãnh đạo. Phải chăng sự lạnh lùng đến tàn ác cộng với sự huỵch toẹt đến trâng tráo chính là những tính chất đặc thù của giới cầm quyền cộng sản Việt Nam?

Từ đó thấy được nguyên nhân gây ra vụ chìm tàu và cái chết bi thương của 12 nạn nhân không phải là do sơ ý, cũng không do kỹ thuật. Nguyên nhân chính của tai nạn vịnh Hạ Long nói riêng và vô số những tai nạn khác trên toàn Việt Nam nói chung là do con người và đất nước từ quá lâu đã bị đặt dưới ách cai quản và lèo lái của những kẻ cầm quyền không khả năng, không trí tuệ, không trách nhiệm, không cả lương tâm.

© DCVOnline


Nguồn tham khảo & trích dẫn

(1). 12 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, Khánh An, rfa.org, 17/02/2011
(2). British tourist dies as Vietnam boat sinks, PA, independent.co.uk, 17/02/2011
(3). Bài học trách nhiệm bị bỏ quên, Khánh An, rfa.org, 22/02/2011
(4). Nỗi đau mất mát bao phủ vịnh Hạ Long! Mạnh Tú - Hà Thắng, sgtt.vn, 17/02/2011
(5). Xác định nguyên nhân đắm tàu Trường Hải 06 tuoitre.vn, 21/02/2011
(6). Captain and 4 crew arrested for Ha Long Bay accident , vietnamhotels.net, 18/02/2011
(7). Halong Bay Accident NOT an isolated incident, lonelyplanet.com, 19/02/2011
(8). Việt Nam: Tàu chìm ở vịnh Hạ Long: Hậu quả của du lịch giá rẻ, vinafa.org, 21/02/2011
.
.
.

No comments: