Hồng Dân
Thứ Bảy, 05/03/2011
.
Sau một thời gian dài làm nhiệm vụ góp phần đánh bóng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất như một công trình có tầm cỡ chiến lược quốc gia và có vị trí quốc tế (mà đến thời điểm khởi công, tại những quốc gia rất nhỏ trong khu vực như Singapore, Đài Loan, mỗi nước đã có 3-4 nhà máy với công suất bình quân gấp đôi Dung Quất), tỉnh quảng Ngãi lại rủi ro phải lĩnh một sứ mạng mới: đưa Trường Lũy Quảng Ngãi trở thành di tích lịch sử văn hoá thế giới.
.
Thông tin đến nay cho biết nhà đương cục tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, đang lập hồ sơ để công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và tiến đến đề nghị UNESCO công nhận cấp thế giới.
Trước mắt, tỉnh đã cấp kinh phí cho việc nghiên cứu, lập hồ sơ cho mục tiêu nói trên, đồng thời chi ngay 15 tỉ đồng để tiếp tục khảo sát, cắm mốc, trùng tu sơ bộ di tích.
.
Câu chuyện dường như bắt đầu một cách ngẫu nhiên từ việc một nhà nghiên cứu người Anh đang làm việc cho một tổ chức nghiên cứu hậu thực dân của Pháp phát hiện từ bộ vựng tập Đồng Khánh địa dư chí. Nói dường như ngẫu nhiên vì với người Pháp, công trình địa dư nói trên chẳng xa lạ gì. Sau phát hiện đó, tổ chức nghiên cứu nói trên của Pháp đã tài trợ cho Viện Khảo cổ học Việt Nam một dự án nghiên cứu, với mục tiêu dường như là khảo cổ. Tuy nhiên, do di tích là không xa lạ với tổ chức nghiên cứu đó nên những ý đồ hậu thực dân đã không che dấu được những người quan tâm (khi nhận xét như vậy, có lẽ cũng cần xin lỗi tổ chức khoa học nói trên vì những đóng góp của họ ở Viễn Đông, trong đó có Đông Dương và Việt Nam; song có lẽ nhân dân Pháp sẽ không đồng ý lấy tiền thuế để tài trợ cho họ thực hiện việc nghiên cứu lãng nhách mà các thư tịch Việt Nam đã nói quá đầy đủ rồi, nếu không vì những mục đích tạo ảnh hưởng hậu thực dân cũ).
.
Việc nghiên cứu được xúc tiến với sự đóng góp có tính chất mồi chài của một tổ chức làm dịch vụ về việc công nhận di tích lịch sử văn hoá của Anh quốc qua vai trò mối lái con thoi của một cán bộ ở Viện Khảo cổ học Việt Nam làm việc cho dự án, tức là người vừa ăn lương của dự án có trích phần trăm cho cơ quan quản lý biên chế, vừa để lại suất lương trong biên chế cho quĩ phúc lợi của cơ quan.
Kết quả hô ứng của các bên đó cùng với sự lobby bằng những trổ tài học phiệt của người mối lái, một số quan chức của tỉnh đã cắn câu, trong đó vai trò của Bí thư tỉnh ủy là hết sức quan trọng.
.
Suốt mấy năm nghiên cứu, khảo sát, những nhân vật được phân vai trong kịch bản đã tổ chức một cuộc hội thảo được gọi là có tính chất quốc gia. Trong hội thảo, với sự có mặt của nhiếu quan chức chính quyền và đảng trong tỉnh, người mối lái cũng đã mời được một nhà sử học gọi là đầu đàn cả nước, một nhà thơ được giới thiệu ve vãn là trí thức lớn trong tỉnh. Với một báo cáo 5 trang, nhà nghiên cứu mối lái đưa ra mấy kết luận:
- Không biết công trình do ai quyết định xây dựng, xây vào lúc nào và với mục đích sử dụng gì.
- Công trình được xây dựng với sự hợp tác của người Việt (Kinh) và những tộc người miền núi Quảng Ngãi.
- Kỹ thuật xây dựng chủ yếu là ghép đá, một loại hình kỹ thuật đặc trưng của người Hrê ở tỉnh Quảng Ngãi.
- Độ dài của công trình chưa xác định được (thực tế là sau hội thảo, tác giả của báo cáo đó đã đưa ra nhiều con số về độ dài này, lúc là đơn vị km, lúc là dặm).
.
Những người không chuyên nghiệp lắm trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hoá, khảo cổ đều phải ngạc nhiên vì những kết luận của một nhà khảo cổ có trình độ trên đại học, đang làm việc cho một dự án tầm cỡ như thế, bởi những lý do sau đây :
.
1. Công trình đang được nói, về mặt chính thức và phổ biến, không được gọi là Trường Luỹ. Công trình được xây dựng trong thời gian dài nhiều thế kỷ, kéo dài từ sau 1585 với công cuộc bình định Thừa tuyên Quảng Nam, trải qua thời các Chúa Nguyễn, qua triều Tây Sơn và triều Nguyễn, với sự góp sức trực tiếp của nhiều thế hệ quan quân mà bắt đầu với một nhân vật lừng lẫy ở đất Quảng Ngãi: Trấn quốc công Bùi Tá Hán. Công trình gắn liền với quá trình/sự nghiệp bình man, sơn phòng đặc trưng của vùng đất Quảng Ngãi (toàn bộ quá trình mở nước sau 1471, trừ một số sự cố với Khmer Krom sau này, chỉ có ở Quảng Ngãi mới nảy sinh sự giằng co dai dẳng giữa người Kinh với người Thượng). Tất cả những điều ấy đã được viết rất nhiều từ trước đến nay, chỉ có sự không trung thực khoa học hoặc không chịu đọc thì mới không biết. Ngay ở đất Mỹ xa xôi kia, tại một hội khoa học địa phương là Washington Map Society cũng có một bản đồ cổ mà giáo sư Nguyễn Đình Đầu đã giới thiệu trong Tạp chí Xưa và Nay số 328 tháng 3/2009, trong đó công trình đang được nói cũng được gọi là lũy Trấn Man (Barbarian Protectorate).
.
2. Không có gì chứng minh một cách khoa học về sự hợp tác xây dựng công trình giữa người Kinh với người Thượng; và một suy luận sẽ trở thành hài hước là nếu đã có sự hợp tác như vậy thì xây dựng công trình để làm gì, trong khi dọc theo công trình là một loạt các đồn bão, vốn là những công trình quân sự.
.
3. Kỹ thuật xếp đá chẳng có gì là đặc trưng và kỳ vĩ cả. Toàn bộ ruộng bậc thang cả nước, ruộng trồng hành tỏi của dân Lý Sơn, do địa hình như vậy và sẵn có đá hoa cương vỡ, đá cuội, người ta đếu xếp bờ như cách đắp lũy.
4. Cái gọi là Trường Lũy với chiều dài 140km hay 121 dặm gì đó hiện nay chỉ còn một số đoạn, đúng hơn là vài mô đất, vài đoạn bờ đá, một số phế tích của đồn bão nằm xen lẽ trong ruộng, vườn rừng, khu dân cư của dân bản địa. Sẽ không có phục chế nào thực hiện trong tình trạng như vậy để có được hình ảnh so sánh với Vạn Lý Trường Thành hay chí ít như một số bờ lũy mà các chuyên gia mối lái của Anh miêu tả ở Scotland.
.
Thế nhưng guồng máy “văn háo”(từ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng) của Quảng Ngãi đã khởi động. Sự việc đến đâu thì chưa chắc và chưa biết. Nhưng nếu có thành ở mức nào đó thì cũng giống như Lễ Khai ấn Đền Trần, có cả phó Thủ tướng khai lễ, để khi đổ bể, một vị phó chủ tịch tỉnh được phỏng vấn chỉ biết trả lời thấy trước đây đã tổ chức, lại có chủ trương tập thể, nên cứ chỉ đạo làm, chứ bản thân cũng không biết gì.
.
Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo. 15 tỉ đồng cho việc bắt đầu đánh bóng công trình có giá trị bằng hơn 1000 nhà cho người nghèo, trong đó đa số là người dân thiểu số, vốn đã nghèo từ thời bắt đầu xây lũy, và có thể do xây lũy. Nên chăng dùng tiền vào việc ấy. Có giá trị lịch sử văn hoá gì không một công trình được xây nên bởi mối bất hoà Kinh Thượng, một kỷ niệm buồn của mối đoàn kết toàn dân tộc?
Hồng Dân
.
.
.
No comments:
Post a Comment