Monday, March 21, 2011

MỤC ĐÍCH và MỤC TIÊU của LIÊN QUÂN QUỐC TẾ TẠI LIBYA (RFA)

Khanh Nguyễn, biên tập viên RFA
2011-03-21

Trong lúc chương trình phát thanh của chúng tôi được gừi đến quý thính giả thì tại Libi, chiến đấu cơ của Hoa Kỳ, Anh và Pháp vẫn xuất hiện trên bầu trời Libi, tiếp tục mở những cuộc oanh kích nhắm vào các căn cứ quân sự của quốc gia này.
Tin tức cho thấy những cuộc oanh kích được thực hiện từ trên không và cả trăm hỏa tiễn được bắn đi từ các chiếm hạm và tầu ngầm của liên minh quân sự quốc tế đã đạt được kết quả như mong đợi là làm tê liệt các lực lượng quân sự của Libi, không để cho lãnh tụ độc tài Gadaffi giết dân. Và phản ứng từ Libi là phát biểu mà lãnh tụ Gadaffi mới đưa ra ngày hôm qua, nói rằng sẽ chiến thắng trận chiến xâm lược đến từ bên ngoài.

Quỳnh Như có cuộc trao đổi ngắn với Anh Nguyễn Khanh, là người được cắt cử để theo dõi những biến chuyển Libi ngày từ những ngày đầu tiên. Câu hỏi đầu tiên của Quỳnh Như là cuộc cách mạng ở trung Đông lan tràn nhiều nơi, nhưng tại sao chỉ có mỗi Gadaffi bị thế giới tấn công.

Sẽ tham gia can thiệp vào Libya tới đâu

Nguyễn Khanh: có rất nhiều lý do đã được các viên chức chính quyền một số nước cũng như các quan sát viên chính trị quốc tế đưa ra để trả lời câu hỏi của Chị. Trước hết là phải công nhận cách mạng hay nổi dậy lan tràn ở nhiều nước chứ không phải chỉ xảy ra ở Libi, công an, cảnh sát và ngay cả quân đội cũng đã đươc chính phủ nhiều quốc gia sử dụng để chận đứng làn sóng người biểu tình chứ không phải ở Libi, ngay cả chuyện người biểu tình bị giết, bị đánh đập, giam cầm cũng xảy ra ở nhiều nước chứ không phải chỉ có ở Libi.
Nhưng trường hợp của Libi phải nói là một trường hợp rất đặc biệt. Ít nhất đặc biệt vì 2 lý do. Lý do đầu tiên là không một nước Trung Đông hay Bắc Phi nào sử dụng quân đội để đàn áp dân của mình dã man như Gadaffi đã làm, và lý do thứ nhì là trong số những nhà lãnh đạo Trung Đông đang trao đổi quan hệ với Tây Phương thì Gadaffi chính là người không được cảm tình nhất.
Tôi tin rằng rất nhiều nhà lãnh đạo của các nước Tây Phương, kể cả Hoa Kỳ, đang lấy làm tiếc vì đã trao đổi quan hệ với ông ta, cho dù mối quan hệ này được xây dựng theo tinh thần trao đổi, có nghĩa là Gadaffi cam kết không theo đuổi chương trình hạt nhân, không liên kết với khủng bố, để đánh đổi lấy quan hệ về mặt ngoại giao và mua dầu thô của Libi.
Cũng có người nói rằng Gadaffi đã sai lầm khi thách thức thế giới, nói rằng nếu bị tấn công thì ông ta sẽ bắt tay với khủng bố Al-queda. Chị nên nhớ là trong suốt nhiều năm trời khi nói đến khủng bố, người ta từng nghĩ ngay đến Gadaffi.
Nhưng điểm then chốt nhất vẫn là những trận chiến đẫm máu xảy ra ở Libi, một bên là lực lượng quân sự được trang bị võ khí đầy đủ, một bên là lực lượng nhân dân nổi dậy được trang bị bằng quyết tâm đòi tự do, dân chủ và công bằng. Chính điều này đã thúc đẩy thế giới đến chỗ phải có biện pháp, và kết quả là bản nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng mọi biện pháp để bắt Gadaffi phải ngưng bắn, không tiếp tục cuộc chiến dã man với chính dân chúng của ông ta nữa.

Quỳnh Như: Anh cũng thấy là ngay từ lúc đầu, Hoa Kỳ chần chừ không muốn sử dụng giải pháp quân sự. Tại sao vậy? Tại sao cuối cùng Washington lại thay đổi thái độ?
Nguyễn Khanh: trước hết chúng ta đừng quên là ngày từ đầu Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố Gadaffi phải ra đi, nhưng sau đó thì quả là Nhà Trắng có thái độ chần chừ như Chị vừa nêu.
Tại sao vậy? Theo giới thạo tin ở Washington kể lại thì những nhân vật thân cận với Tổng Thống Obama không thống nhất với nhau là phải làm gì, điển hình là bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton tán thành giải pháp quân sự, ít nhất là áp đặt vùng cấm bay với Libi, nhưng ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates lại đưa ra phát biểu cho rằng phải cẩn thận, phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định vì chưa chắc đã có lợi và cũng chưa chắc đã dễ làm.
Những chuyên gia mà tôi có dịp gặp hay nghe họ nói chuyện cũng bảo rằng có một vài yếu tố khác nữa, chẳng hạn như Hoa Kỳ không biết lực lượng nổi dậy gồm những ai, do ai điều khiển hay lãnh đạo và chuyện Washington ngần ngại không muốn can dự vào 1 trận chiến với 1 nước Hồi Giáo khác. Sau biến cố 11 tháng Chín 2001 đến giờ, nước Mỹ vẫn hiện diện ở Afghanistan, ở Iraq, và các nhà hoạch định chính sách của Washington không muốn can dự vào cuộc chiến với một nước Hồi Giáo thứ 3, cho dù quốc gia đó là Libi. Thành ra lúc đầu chính Nhà Trắng bảo mọi chuyện đều phải do Liên Hiệp Quốc quyết định, cho tới khi cuộc chiến trở thành đẫm máu, lúc đó Washington mới thay đổi ý định.
Chị cũng thấy dù đã có nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rồi, nhưng thoạt đầu Washington cũng bảo chỉ đóng vai trò yểm trợ hậu cần, cung cấp tin tình báo chứ không trực tiếp tham dự. Mãi đến thứ Bảy vừa rồi, Lầu Năm Góc mới nhìn nhận dù không quân Anh và Pháp mở đầu các cuộc oanh kích nhưng Hoa Kỳ là nước điều khiển chiến dịch này, và cũng nói là trong những ngày tới sẽ trao quyền điều khiển lại cho liên minh.

Quỳnh Như: Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ nói rõ không gửi quân bộ chiến, các nước khác cũng chưa lên tiếng nói gì về chuyện có đưa quan đổ bộ lên Libi hay không? Như vậy, liệu chuyện một nước Libi chia hai có thể xảy ra không?
Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ là không.
Quỳnh Như: tại sao anh nói như thế?
Nguyễn Khanh: theo những gì được nghe và qua các bản tin được đọc, tôi thấy có 2 lý do rất rõ rệt. Lý do thứ nhất là tất cả các các quốc gia đã tham dự vào chiến dịch quân sự đang diễn ra đều lên tiếng nói Gadaffi phải ra đi, lý do thứ hai là tôi dược nghe nói ở Hội Nghị Paris trước giờ khai chiến, tất cả các nhà lãnh đạo và đại diện của những tổ chức Ả Rập đều nhấn mạnh là không thể để cho Libi vỡ thành 2 mảnh.
Nói một cách khác là không nước nào muốn thấy Libi chia đôi, cũng không muốn thấy cuộc chiến đòi dân chủ hiện nay trở thành cuộc nội chiến. Làm sao để làm được điều này thì tôi chưa nghe nói tới, nhưng chuyện Gadaffi phải ra đi thì đã quá rõ.

Quỳnh Như: cám ơn anh Nguyễn Khanh


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: