Wednesday, March 16, 2011

MỘT NHÀ LẬP PHÁP CANADA VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM (RFA)

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-03-16

Lâu nay nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế theo dõi nhân quyền cũng quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Dân biểu quốc hội Canada, ông Robert Oliphant, vào hai ngày 14 và 15 tháng 3 đến Washington DC để làm việc cùng các dân biểu Hoa Kỳ về vấn đề cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Quỳnh Chi có cuộc nói chuyện với ông.

Quỳnh Chi: Thưa ông, trong chuyến đi này đến Washington ông sẽ gặp một số nhân vật trong quốc hội Hoa Kỳ để bào thảo về nhân quyền Việt Nam. Vì sao cần thiết có sự hợp tác này?
Rob Oliphant: Chúng tôi đang làm về những vấn đề của Quốc hội Canada. Tôi đang làm việc với một nhóm nhỏ và chúng tôi đang vận động cho nhân quyền. Và tôi biết là tôi cần lấy kinh nghiệm từ Hoa Kỳ. Có nhiều người trong chính phủ Hoa Kỳ đã vận động cho vấn đề này trước chúng tôi. Tôi cũng biết rằng khi nói về vấn đề nhân quyền, càng hợp tác là sự ảnh hưởng càng mạnh. Đó không chỉ là sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ hay sự ảnh hưởng của Canada nhưng mà chúng tôi hợp tác cùng nhau. Và tôi hy vọng sẽ có sự ảnh hưởng từ phía cộng đồng châu Âu nữa để chúng tôi có thêm nhiều áp lực để nói về nhân quyền.

Quỳnh Chi: Hoa Kỳ và cả Canada nữa, đã có những hoạt động nhằm thay đổi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Hiệu quả của việc này như thế nào rồi thưa ông?
Rob Oliphant: Thật ra thì tôi không nghĩ là Canada đã làm nhiều lắm. Một trong những thực tế là vấn đề này không nằm trong sự quan tâm của nhiều người Canada. Số lượng người Việt tại Canada khoảng 180 ngàn người. Họ hòa nhập với cộng đồng rất tốt và thành công. Tuy nhiên, họ đang nhắc nhở chúng tôi rằng họ đến từ đâu. Hiện tại, Việt Nam kiểm duyệt Internet, nhiều người bị bắt bớ, phóng viên không thể tự do đưa tin, người dân không thể tự do tụ tập. Và việc cho rằng dân chủ rồi tự nó sẽ đến không phải là cách. Giữa Canada và Việt Nam đã có những mối quan hệ thương mại song phương. Chúng tôi muốn thử xem có thể khuyến khích dân chủ thông qua những mối quan hệ kinh tế như thế hay không. Và đồng thời, chúng tôi lên tiếng nữa.

Quỳnh Chi: Có lẽ ông cũng đã biết một số người trong chính phủ Hoa Kỳ cho rằng, các cuộc đối thoại về nhân quyền với chính phủ Việt Nam như đối thoại giữa 2 người điếc với nhau. Vậy thì cần làm gì để các ông có thể đạt được mục tiêu đề ra?
Rob Oliphant: Điếc và không muốn nghe là 2 việc khác nhau. Tôi tin rằng Đảng CS Việt Nam không nghe và những điều chúng tôi cần làm là giúp họ nghe. Chính vì thế, cần có những tiếng nói lớn hơn để chính phủ Việt Nam có thể nghe rõ hơn. Họ cần biết rằng con người phải trả giá nếu không có nhân quyền.
Ví dụ, thực tế là, những nhà đầu tư luôn muốn đầu tư vào những quốc gia ổn định, có dân chủ mà họ có khả năng dự đoán rủi ro. Nếu Việt Nam muốn phát triển kinh tế vững mạnh, phải có hệ thống pháp luật tốt; cần bảo vệ nhân quyền, cần trở thành một nước có dân chủ tự do. Chúng tôi muốn nói với chính phủ Việt Nam là “Chúng tôi muốn nói chuyện với họ như những người bạn với nhau. Chúng tôi muốn nói chúng tôi tôn trọng văn hóa, lịch sử.
Tuy nhiên, đến lúc cần cởi mở hơn và ngồi lại bàn thảo làm thế nào để phá vỡ bức tường ngăn cách; làm thế nào để mở rộng quan hệ và làm thế nào để khuyến khích tự do”. Đó là mục tiêu của tôi. Tôi muốn bắt đầu làm công việc này với chính phủ Mỹ, Châu Âu, với Úc để nhân quyền được tôn trọng tại Việt Nam.

Quỳnh Chi: Trước khi tạm biệt quý thính giả RFA, xin ông cho biết ông có tin tức nào về tình trạng Linh mục Nguyễn Văn Lý không?
Rob Oliphant: Tôi không có tin tức nào mới. Thực sự tôi cũng rất quan ngại về tình trạng tự do tôn giáo. Đó là một trong những vấn đề mà tôi đang lên tiếng. Tôi cũng hy vọng là Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith cũng sẽ lên tiếng về vấn đề này khi chúng tôi gặp nhau hôm nay. Nếu mà thính giả RFA nghĩ rằng có điều gì đó mà tôi (với tư cách dân biểu Canada) nên biết thì quý vị ấy có thể báo cho tôi. Tôi cũng thấy biết ơn những công việc truyền thông mà quý vị đang làm vì quý vị giúp mang tiếng nói của người dân đến gần nhau hơn.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
Người Việt
Tuesday, March 15, 2011 3:06:39 PM

WASHINGTON, DC - Mười dân biểu vừa đồng ký tên trong một văn thư gởi ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nhà nước Việt Nam, yêu cầu Hà Nội trả tự do cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý vĩnh viễn và vô điều kiện, thông cáo báo chí của Dân Biểu Loretta Sanchez, một trong những người ký tên trên lá thư, gởi ra hôm Thứ Hai cho biết.

Trong khi đó, 13 thượng nghị sĩ Mỹ, đứng đầu là bà Barbara Boxer (Dân Chủ-California) cũng ký tên trong một lá thư khác gởi cho lãnh đạo Việt Nam với yêu cầu tương tự.

Bức thư của các dân biểu Mỹ viết: “Ðể tôn trọng quyền con người được quốc tế công nhận và trong hoàn cảnh sức khỏe suy yếu của Linh Mục Lý, chúng tôi ký tên trong thư này trân trọng yêu cầu nhà chính quyền Việt Nam bảo đảm rằng Linh Mục Lý tiếp tục không bị tù tội và rằng Việt Nam công nhận và tôn trọng các quyền con người và tự do của Linh Mục Lý và của tất cả người dân Việt Nam.”

Lá thư của 13 TNS viết rằng: “Chúng tôi yêu cầu ông không đưa Linh Mục Lý trở lại nhà tù sau khi lệnh tha tạm thời của ông hết hạn ngày 15 tháng 3, 2011. Ðưa Linh Mục Lý trở lại nhà tù không những làm nguy hiểm sức khỏe của ông mà còn vi phạm những gì Việt Nam cam kết dựa theo hiến pháp và luật pháp quốc tế.”

Trước đó, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nói rằng theo luật của Việt Nam thì Linh Mục Lý sẽ vào lại trại giam vì tình trạng sức khỏe đã ổn định.
Các vị dân cử Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc căn bản về nhân quyền và ngay cả luật pháp của họ khi đã không cho Linh Mục Lý có luật sư đại diện hoặc có quyền tự biện hộ tại phiên tòa xử Linh Mục Lý 8 năm tù cộng với 5 năm quản chế.

Thư của dân cử Mỹ được gởi bằng fax đến Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Washington, DC, trong khi bản gốc được gởi đến văn phòng của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết ở Hà Nội.
Năm ngoái, Linh Mục Lý được tạm tha vì lý do sức khỏe để chữa bệnh và vẫn bị quản chế trong khi sống tại nhà chung của Tổng Giáo Phận Huế. (Ð.D.)
.
.
.

No comments: