Thursday, March 17, 2011

MA TRẬN QUYỀN LỰC MỚI

Đăng bởi anhbasam on 17/03/2011

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 15/03/2011
TTXVN (Niu Đêli 8/3)

Sự tái nổi lên của nước Nga với tư cách một cường quốc chưa bao giờ được trù tính tới trong các quan hệ quốc tế và các nhà phân tích chiến lược. Nga bị xem như một quốc gia thất bại và bị sa sút trong các lĩnh vực chiến lược như giảm nhanh tổng sản phẩm quốc gia (GNP), căng thẳng xã hội và sắc tộc gia tăng; các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố ly khai và tình hình bất ổn tại cc khu vực xung quanh Nga thể hiện qua sự mở rộng của Mỹ – NATO và sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc gây thiệt hại cho Nga về buôn bán dầu khí, kinh tế, thương mại và lĩnh vực vũ trụ chiến lược. Sự trỗi dậy của nước Nga hiện nay nổi lên từ các nguyên nhân khác nhau, bao gồm một ban lãnh đạo quyết đoán và tầm nhìn của ông Vladmir Putin, cựu đại tá KGB với tầm nhìn mang tính dân tộc chủ nghĩa về sự trỗi dậy và sự nổi lên của nước Nga kết hợp với nguồn tài nguyên dầu khí, công nghiệp chế tạo vũ khí và phổ biến hạt nhân được coi là các con át chủ bài để chống lại sự bá quyền của Mỹ và NATO.

Theo bài phân tích đăng trên tạp chí “Các vấn đề chiến lược” (Ấn Độ) mới đây, sự trỗi dậy của nước Nga như một cường quốc vĩ đại dựa trên khả năng thực hiện các quan hệ quốc tế được xét lại và thói quen chiến lược thách thức sự bá quyền của Mỹ với khả năng làm xói mòn sức mạnh toàn cầu và ảnh hưởng của Oasintơn.

Sự trỗi dậy của Nga có một số tác động chiến lược ở khu vực và toàn cầu. Tác động này có thể sẽ sâu sắc tại khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á và Đông Bắc Á bởi đây là các khu vực ở xung quanh Nga.

Tình trạng rối loạn và xung đột là đặc điểm ở khu vực xung quanh Nga và điều đó giúp Nga thúc đẩy các lợi ích của nước này bằng chính sách can thiệp mạnh mẽ và ngày càng dựa vào sức mạnh quân sự và các đòn bẩy chiến lược như dầu mở, khí đốt và xuất khẩu vũ khí.

Sự trỗi dậy của nước Nga được thể hiện rõ trong 5 năm dưới sự lãnh đạo của ông Putin trên cương vị tổng thống và quyền lực của ông tiếp tục được tăng cường tại Nga. Sự sụp đổ của Nga sau Chiến tranh Lạnh và sự tan rã của Liên Xô là không thể tránh được và diễn ra nhanh chóng.

Với việc các thực thể cộng hoà Xô – viết cũ trở thành các quốc gia độc lập ở Trung Á, Nga đã bị thiệt hại rất lớn về khả năng tiếp cận chiến lược và các nguồn tài nguyên. Vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và đánh mất lợi thế công nghệ, Nga giữ được ổn định kinh tế là nhờ nguồn thu từ quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc trong các lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản.

Các yếu tố

Bị ngăn chặn và kiềm chế bởi chiến lược Đông tiến của Mỹ và NATO, Nga đã tăng cường bán vũ khí cho Trung Quốc trong thập kỷ qua kể từ khi thực hiện chiến lược kinh tế và thương mại năm 2001.

Có 7 yếu tố góp phần tạo ra sự trỗi dậy của nước Nga. Các nhân tố này là sự kết hợp các thay đổi quyền lực toàn cầu và sự chuyển giao quyền lực tương đối tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, và các cường quốc đang nổi lên ở khu vực Đông Á. Sự trỗi dậy của Nga là kết quả của sự suy yếu tương đối của Mỹ. Mỹ bị suy giảm tương đối về sức mạnh kinh tế (song vẫn giữ được sức mạnh chiến lược cùng với các khả năng can thiệp trên quy mô toàn cầu và khu vực), tạo ra cơ hội rất lớn cho Nga.

Trong khi Mỹ và phương Tây chiến đấu chống các mối đe doạ mang tính toàn cầu từ các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan, bản thân Nga cũng phải đương đầu với các mối đe doạ ngay trong sân sau của nước này, song Nga có khả năng sử dụng các nguy cơ đó để tăng cường sự nổi lên của mình.

Kể từ năm 2001, Mỹ và NATO đã tốn kém những nguồn tài lực rất lớn khi bị sa lầy trong cuộc chiến kéo dài tại Ápganixtan và đương đầu với thách thức trong việc củng cố sự ổn định của một nước Pakixtan bất ổn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy thoái kinh tế.

Nga đã sử dụng các nguồn dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản làm đòn bẩy kinh tế và các thị trường vũ khí toàn cầu bằng việc tăng cường mạnh mẽ xuất khẩu vũ khí.

Sự nổi lên của Trung Quốc và đồng minh của Nga đã giúp Nga một cách đắc lực. Việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên và vũ khí sang Trung Quốc đã giúp Nga phục hồi kinh tế. Ngoài ra, điều đó cũng đã giúp Nga ngăn chặn được các thách thức kinh tế khác nhau từ Mỹ và phương Tây bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2008 có ảnh hưởng tới Nga.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã có khả năng tăng cường hợp tác kinh tế khu vực và liên minh Nga-Trung Quốc. Tuyên bố gần đây của Nga và Trung Quốc rằng hai nước này sẽ không dùng đồng USD trong thanh toán thương mại song phương rất đáng được chú ý và làm tăng thêm những đồn đoán về khả năng hai cường quốc này sẽ tạo dựng một trật tự từ tiền tệ toàn cầu song hành với đồng USD.

Ảnh hưởng của Nga với Iran và sự khó chịu của Mỹ-phương Tây cũng là một dấu hiệu khác về sự phục hồi của Nga. Nga đã hành động tích cực trên mặt trận Tây Á trong thập kỷ qua bằng cách dần dần xây dựng lại các mối quan hệ và khả năng tiếp cận đã mất trước đây.

Nga đã nuôi dưỡng Iran như một quyền lực quan trọng bằng cách vũ trang các thiết bị quân sự; trang bị cho Iran công nghệ hạt nhân có tính chất rõ ràng là “dân sự”, song với một số đầu vào chiến lược. Hàng hoá từ Nga tới Iran đa dạng từ các loại vũ khí hạng nặng như Tàu ngầm tấn công lớp kilo mẫu 636, mẫu 877 EKM, MIG-29 và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Sử dụng Iran là chiến lược chủ yếu của Nga tại khu vực Tây Á – vùng Vịnh. Nga thường sử dụng việc bán tên lửa phòng không S-300 cho Iran làm con bài chính để mặc cả với Mỹ và phương Tây.

Mátxcơva thường làm trệch hướng các bước đi ngoại giao làm tăng sức mạnh cho Têhêran, cho dù rõ ràng Nga tỏ ra ủng hộ các nỗ lực của Mỹ và phương Tây cấm vận kinh tế đối với Iran vì chương trình hạt nhân đáng ngờ của nước này.

Sự trỗi dậy của Nga và cuộc cách mạng kỹ thuật quân sự của nước này là một mốc quan trọng trong chiến lược toàn cầu của họ. Nga đã có thể ngăn chặn sự suy giảm về công nghệ của họ bằng đầu tư các nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật và đầu tư cơ bản vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển một số dự án công nghiệp quân sự.

Kết quả là một loạt sản phẩm mới ra đời gồm thế hệ vũ khí thông thường mới trong các hệ thống phục vụ tác chiến trên bộ, trên biển, các loại tên lửa siêu thanh, tên lửa có tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và khôi phục các loại vũ khí hạt nhân và vũ khí vũ trụ.

Việc bán vũ khí và liên doanh với các đối tác tầm cỡ toàn cầu sản xuất vũ khí đã trở thành nền tảng quan trọng đối với Nga nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu. Các vũ khí của Nga có giá rất cạnh tranh cho dù chất lượng và độ bền của chúng không sánh được với các loại vũ khí cùng loại của phương Tây.

Tuy nhiên, Matxcơva đã sử dụng số lượng để cạnh tranh với ưu thế chất lượng của phương Tây, và tập trung vào các giải pháp đối phó về kỹ thuật và chiến thuật làm tăng giá trị vũ khí của họ.

Tuy nhiên, nhờ nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghiệp cũng như nhờ hoạt động gián điệp công nghiệp-quân sự (lĩnh vực Nga có tiếng chẳng khác gì Trung Quốc), chất lượng các loại vũ khí hiện đại của Nga đã được cải thiện đáng kể.

Khả năng sẵn sàng tác chiến và triển khai toàn cầu được tăng cường của Nga là chỉ số đáng chú ý về sự trỗi dậy như một cường quốc. Các lực lượng tên lửa và máy bay ném bom chiến lược đã cải thiện rất nhiều với các vụ thử nghiệm thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới như SS-27 (Topol-M) và SS-26 “Bulava” – loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Ngoài ra, lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga có thể triển khai với số lượng khá lớn phi đội máy bay ném bom chiến lược TU-95, TU-160 được trang bị tên lửa tấn công không đối đất tầm xa 12xKh55M với mỗi tên lửa mang một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 200 Kt (NATO gọi lại AS-15 Kent), tên lửa không đối đất Kh-15 tầm bắn 200 Km, mang đầu đạn nặng 250 Kg cùng bom hạt nhân để sử dụng trong các cuộc tấn công quy mô toàn cầu.

Hải quân của Mátxcơva được trang bị một tàu tuần dương hạng nặng mang tên lửa hay tàu sân bay Đô Đốc Cudơnétxốp chở theo một phi đội máy bay Yak-41M, SU-27K và số lượng lớn tên lửa, tàu tuần dương hạng nặng lớp Kirov mang tên “Piốt Đại đế” mang tên lửa được trang bị một kho lớn các tên lửa đối đất và đối không, tên lửa đối hạm tầm xa SSN-19 và tên lửa đối không S-300-F.

Việc sử dụng đòn bẩy dầu mỏ và khí đốt tạo lợi thế chiến lược cho Mátxcơva trong quan hệ đối với châu Âu. Ngay cả khi Mátxcơva muốn tái can dự với châu Âu, họ cũng rất thận trọng hành động để châu Âu không xếp lại các bất đồng với Iran, bằng cách đó ngăn cản Iran cung cấp khí đốt cho châu Âu trong khi tìm cách can dự với châu Âu và đưa lợi ích năng lượng của châu lục này vào vòng kiểm soát của mình. Khả năng “đóng và mở” đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tới châu Âu của Mátxcơva cho phép họ tạo ra cho mình “vị thế chiến lược” ở khu vực. Nga một mặt nắm quân chủ bài dầu mỏ và khí đốt, mặt khác cũng nắm quân chủ bài công nghệ năng lượng hạt nhân, chất xúc tác khác trong kỷ nguyên phục hưng hạt nhân hiện nay nhằm tăng cường sự trỗi dậy toàn cầu của nước này.
Đóng vai trò trụ cột trong sự trỗi dậy của Nga là trục chiến lược các nước cộng sản trước đây của Nga và Trung Quốc. Sự “thân thiện” Nga – Trung có chừng một thập kỷ gần đây dựa trên quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư của Trung Quốc vào Nga, đặc biệt là vào vùng Xibêri ở vùng Viễn Đông của Nga – khu vực có tầm chiến lược cực kỳ quan trọng. Mátxcơva đã bán cho Bắc Kinh hầu như mọi dây chuyền sản xuất của xí nghiệp công nghiệp quân sự và chiến lược. Sự gần gũi tương đối của Mátxcơva với Bắc Kinh được thúc đẩy bởi hoạt động Đông tiến của NATO tới sát đường biên giới Nga.

Trong chiến dịch quân sự của Nga chống Grudia, Mátxcơva nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Trung Quốc với động cơ mở rộng ảnh hưởng và sức ép của Nga ở khu vực xung quanh.

Sự “nồng ấm” Nga – Trung được tăng cường bởi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhiều cuộc tập trận Nga – Trung được tiến hành hai năm một lần là tín hiệu về sự phản ứng đối với việc mở rộng NATO.

Ngoài ra, quan hệ nồng ấm đó đã tăng cường sự có mặt về kinh tế của hai nước ở khu vực Trung Á với một hệ thống các đường ống dầu mỏ và khí đốt và hệ thống đường bộ tạo cho Trung Quốc khả năng tiếp cận mạnh mẽ ở khu vực này gây thiệt hại cho Nga.

Trên quy mô toàn cầu, quan hệ nồng ấm giữa Nga và Trung Quốc được thúc đẩy cho mặt trận ngoại giao chống Mỹ và phương Tây thông qua các cường quốc khu vực như Iran và Bắc Triều Tiên, những nước giúp Mátxcơva và Bắc Kinh chơi trò ngoại giao cứng rắn với Mỹ và phương Tây.

Vị trí thành viên thường trực trong Hội đồng bảo an được hai nước này sử dụng hiệu quả trong việc thao túng các quy chế trừng phạt của LHQ chống các nước như Iran, Bắc Triều Tiên, Xuđăng, Mianma v.v…

Tuy nhiên, “sự nồng ấm” này có những hạn chế do Trung Quốc tìm cách giành vùng Viễn Đông của Nga coi đó như một mặt trận mới cho việc giải quyết vấn đề dân số và không gian quan trọng đối với tiến trình thực dân hoá một cách “ôn hoà” của họ trong tương lai.

Đây là triển vọng thực vì các nguồn dự trữ tài nguyên ở khu vực Viễn Đông của Nga rất lớn và cùng với sự phát triển ngày càng tăng của công nghệ, việc khai thác chúng để bảo đảm cho sự phát triển của Trung Quốc là điều hiển nhiên.
Thứ hai, tập đoàn công nghiệp-quân sự Trung Quốc và khả năng hiện đại của tập đoàn này trong việc sản xuất các hệ thống vũ khí sao chép từ các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga với giá cạnh tranh trong xuất khẩu hiện đang gây ra nỗi lo ngại mới tại Mátxcơva về các ý đồ của Bắc Kinh trong tương lai.

Những diễn biến trên cần phải được xem xét cùng với một thực tế là tốc độ hiện đại hoá lực lượng chiến lược và hải quân của Trung Quốc đang vượt tốc độ hiện đại hoá của Nga về đầu tư và phát triển công nghệ.

Các tác động đối với Ấn Độ

Quan hệ của Ấn Độ với Nga đã phát triển và được củng cố cùng với thời gian. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tháng 12 năm ngoái, hai nước đã đưa ra một số biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Nhiều hiệp định hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng đã được ký kết và quan hệ đối tác chiến lược được cải thiện góp phần nâng cao vị thế của Ấn Độ với việc Mátxcơva ủng hộ Niu Đêli vào ghế thường trực HĐBA LHQ.
Điểm tựa của mối quan hệ đối tác chiến lược này là quan hệ mua bán trong lĩnh vực công nghiệp-quân sự, công nghệ hạt nhân dân sự và các nhà máy điện, lĩnh vực vũ trụ và hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Hai bên cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực tình báo nhằm tăng cường các nỗ lực đối phó với các thách thức không cân xứng và chống phổ biến hạt nhân: tăng cường các nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật; các sáng kiến thúc đẩy lợi ích của nhau trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ngay cả khi Nga và Ấn Độ bước vào các quan hệ đối tác đa phương mới.

Tuy vậy, điểm then chốt trong mối quan hệ hai bên sẽ là cách thức Ấn Độ và Nga xử lý như thế nào ở giai đoạn sau khi Mỹ và NATO rút khỏi Ápganixtan, tình huống được cho là sẽ dẫn tới một số diễn biến phức tạp, trong đó có việc Trung Quốc và Pakixtan can thiệp mạnh hơn vào khu vực này.

Ấn Độ cũng sẽ buộc phải lo ngại về việc Mátxcơva sẽ can dự như thế nào với Ixlamabát và lợi ích lâu dài của Nga ở Pakixtan là gì? Căn cứ vào sự tồn tại của trục Pakixtan – Trung Quốc, khả năng can dự của Mátxcơva với Ixlamabát theo sự thúc ép của Bắc Kinh chưa hiện hữu, song có thể gây khó khăn cho Ấn Độ trong việc giải quyết mối quan hệ đối tác ba bên Nga-Ấn-Trung.

Bất chấp Ấn Độ nỗ lực phát triển quan hệ đối tác tự nhiên với Nga, nước này đang ngày càng định hướng vào Trung Quốc. Các sáng kiến của Bộ Ngoại giao Ấn Độ tại cuộc gặp gần đây ở Vũ Hán nhằm nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác này không mang lại kết quả hài lòng.

Các tác động đối với sự nổi lên mang tính toàn cầu của Nga gây ra một số ảnh hưởng làm thay đổi cán cân quyền lực, mở ra cho Ấn Độ các lựa chọn mới trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ và chiến lược.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt của thực tế này là Mátxcơva luôn dựa vào Bắc Kinh để giành sự nổi lên về chiến lược. Trong khi liên minh mang động cơ chống Mỹ và phương Tây này có thể phục vụ lợi ích của Nga và rõ ràng hơn là lợi ích của Trung Quốc, việc đánh giá xem liệu Ấn Độ có lợi ích gì ở giai đoạn khi Mátxcơva nhanh chóng di chuyển các quân tốt của mình trong ván cờ thí quân chiến lược với Ixlamabát và Bắc Kinh tỏ ra rất mơ hồ và khó khăn.

Việc Mátxcơva muốn Niu Đêli phải can dự tốt với Bắc Kinh gây ra các hạn chế đối với các lợi ích trung hạn và dài hạn của Ấn Độ.

Sẽ là thuận lợi về mặt chiến lược cho Ấn Độ khi can dự với Nga trên cơ sở song phương ngay cả khi Niu Đêli can dự với Oasinhtơn; tuy nhiên, do bị ngăn cản trong một liên minh chiến lược về quyền lực và ảnh hưởng không cân xứng hạ thấp vị trí của Ấn Độ trong một ma trận chiến lược, điều đó rõ ràng đang đẩy Ấn Độ tới một không gian chiến lược và sự tự do tốt hơn là ở trong thế bạn chiến đấu chẳng có ích lợi gì./.
.
.
.


No comments: