Wednesday, March 23, 2011

LƯƠNG THƯ TRUNG PHỎNG VẤN NHÀ THƠ PHAN XUÂN SINH (Văn Học Miền Nam 54-75)

22.03.2011

Lương Thư Trung
Phỏng vấn, Biên khảo, Tư Liệu, VH Miền Nam 1954-1975

LTS: Trong bài nói chuyện rất phong phú và cảm động dưới đây với Lương Thư Trung, Phan Xuân Sinh đã cho ta thấy một chân dung phức tạp, chân thật và cũng rất độ lượng của ông. Là một nhà văn ảnh hưởng sâu đậm bởi cuộc chiến Việt Nam, ông thố lộ với BBT Da Màu, “Thật tình trong thế hệ chúng tôi cái chuyện bên nầy hay bên kia nặng nề quá, cho đến bây giờ 36 năm rồi vẫn chưa giải tỏa được. Nói bên nầy đúng, bên kia sai là bị ngay sự chống đối. Nhìn người nghệ sĩ dưới con mắt chính trị cực đoan thì cay nghiệt cho họ quá .… Chính trị chỉ có một thời, một giai đoạn, còn tác phẩm hay thì còn mãi mãi.” Tuy công nhận rằng, trên lý thuyết “vai trò của người nghệ sĩ là đứng ngoài tất cả khuynh hướng chính trị,” Phan Xuân Sinh cảm phục trường hợp những nghệ sĩ công khai chịu trách nhiệm về hậu quả chiến tranh (như trường hợp Chế Lan Viên lúc cuối đời). Như loài chim Thorn Birds, khi người nghệ sĩ tự thú chính là lúc họ cất “tiếng hót hay nhất, rung động nhất, “ vì “lúc chim lao mình vào bụi mận gai nhọn, thân thể bị xuyên thủng thì mới bật lên tiếng hót ai oán ….”

Chân dung nhà văn Phan Xuân Sinh (vẽ bởi Ngô Vương Toại)

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh thân mến,
Quen biết anh từ những năm 1996, tính tới nay tròn mười lăm năm, nhưng chưa lần nào nghe anh nhắc những ngày mới bắt đầu làm thơ hồi còn theo học trường Sao Mai (Đà Nẵng). Anh có thể kể sơ sơ nghe chơi lúc bắt đầu đùa với thơ những ngày còn trai trẻ ấy anh Phan Xuân Sinh?
PXS:
Thưa anh Lương Thư Trung,
Chuyện làm thơ của tôi rất sớm. Lúc ấy còn nhỏ lắm, mới học lớp nhất (lớp năm bây giờ) tại trường Tiểu học Hòa Vang, Quảng Nam. Bài thơ có 4 câu gửi cho báo Tuổi Xanh (báo dành cho con nít thuở đó) ở Sài Gòn chơi cho vui không ngờ được đăng. Tôi xin tiền bà Dì ra hiệu sách mua 10 tờ về biếu cho bạn bè trong lớp đọc chơi. Cốt ý là khoe cho tụi nó biết là tôi có bài thơ đăng báo để tụi nó lé mắt, không ngờ chuyện nầy đến tai cô giáo, cô bảo tôi đem tờ báo cho cô xem rồi cô phán cho một câu:” Học hành chẳng ra chi mà bày đặt thơ phú”. Từ đó tôi cụt hứng và không làm thơ nữa.
Đến năm tôi học lớp Đệ Ngũ trường Sao Mai, Đà Nẵng thì Ty Thông Tin Đà Nẵng có tô chức một cuộc thi thơ, tôi và hai thằng bạn nữa rủ nhau gửi bài dự thi. Không ngờ tôi được giải nhì cuộc thì đó (Hồi đó bất kỳ thi cái gì cũng không có giải nhất, không hiểu tại sao vậy?). Cuộc trao giải thưởng rất trang trọng tại một rạp hát tại Đà Nẵng. Người trao giải cho tôi là thi sĩ Trần Gia Thoại (thân phụ của anh Trần Gia Phụng, sử gia, hiện sống tại Toronto). Khi tôi bước lên nhận giải thưởng ai cũng ngạc nhiên vì một thằng bé con mới 13 tuổi. Ông Trần Gia Thoại xoa đầu tôi rồi ông về chỗ ngồi rút trong cặp một tập thơ tặng cho tôi. Lúc ấy tôi còn nhỏ nhưng tôi biết một điều khi đọc thơ người khác tôi thấy họ làm thơ hay quá, nên tôi không lấy giải thưởng đó làm hãnh diện hay thỏa mãn. Tôi cho rằng mình may mắn giống như chó ngáp nhằm ruồi, hơn nữa những người làm thơ tên tuổi họ đâu thèm thi ba cái thứ lăng nhăng nầy, vậy thôi. Những nhà thơ Đà Nẵng lúc đó đã có tiếng tăm như Luân Hoán, Chu Tân, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Nho Sa Mạc v.v…Tôi thuộc hàng làm thơ đàn em, cỡ tuổi tôi có Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Nho Nhượn, Hạ Đình Thao, Lê Văn Trung v.v.. những người này cũng là bạn của tôi sau này.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Theo như anh vừa chia sẻ, mãi đến năm lớp Đệ Ngũ, anh trúng giải nhì cuộc thi thơ của Ty Thông Tin Đà Nẵng. Anh còn nhớ bài thơ trúng giải ấy không? Và sau khi trúng giải nhì này, anh bắt đầu làm thơ thường xuyên chưa và có gởi phổ biến trên các tạp chí nào không? Xin anh vui lòng kể thêm một chút về những ngày mới bắt đầu làm thơ này.
PXS:
Thưa anh, bài thơ trúng giải tôi không còn nhớ. Nhưng tôi nhớ mang máng đề tài Ty Thông Tin ra là: “Diễn tả tâm trạng của những người Thượng bỏ núi rừng lánh nạn giặc giã.” Lúc đó vào thời của ông Ngô Đình Diệm, thanh bình, chưa nghe tiếng súng. Nhưng hình như trên rừng núi cao đã có mặt những người theo phe bên kia. Cũng trong năm đó, tôi có làm một bài thơ lục bát được chọn đăng trên tuần báo Gió Mới hay Nắng Mới gì đó. Bài thơ ngô nghê, tưởng tượng viển vông, nhưng vì đây là một bài thơ đầu tiên đăng báo mà lúc đó cũng có trí khôn rồi chứ không còn con nít như năm học lớp Nhất, tôi lại cắt dán trong tập vở thỉnh thoảng mở ra đọc nên còn nhớ tới bây giờ: Bài thơ mang tên là "Chiều Công Viên":
Vì em không đến chiều nay,
Từng cơn gió bụi bay đầy công viên.
Với con mắt sáng đen viền,
Gót đi giày nhỏ nát nghiền tâm tư.
Cành khô từng chiếc lá rơi,
Nhớ em nhớ cả bờ môi héo sầu.
Bây giờ em đã về đâu,
Công viên đứng đợi một màu tang thương.
Mười ba tuổi ngo ngoe làm thơ tình, thiệt hết biết. Toàn là sản phẩm tưởng tượng, sáo mòn nhưng bây giờ đọc lại thấy vui vui. Hồi đó mấy thằng ngồi gần chỗ tôi trong lớp học, tôi cho chúng nó xem, chúng nó phục sát đất.
Những năm học Đệ Tam, Đệ Nhị có gửi thơ cho mấy tạp chí Văn, Bách Khoa, Văn Học vài lần nhưng thơ chưa tới nên không được đăng. Không dám gửi thêm vì sợ bài nhận được thì có, mà bài đăng thì không, sợ bạn bè cười nên không dám gửi. Có đăng trên Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ một bài, nhưng lại lấy tên con gái. Sau nầy vào lính có đăng trên Chiến Sĩ Cộng Hòa. Sự nghiệp làm thơ của tôi cũng trầy vi tróc vảy, bạn bè làm thơ thời học sinh có nhiều người đứng vững trên văn đàn thuở ấy, còn tôi thì ì à ì ạch không leo lên nổi.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Như anh nhắc, anh có bài đăng trên tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ vào thời ấy, theo tôi, cũng vui lắm chứ anh. Vì vào những ngày tháng ấy, theo như các tác giả Vũ Thất, Trần Phù Thế, Hoài Dziang Duy, Âu thị Phục An, Trần Doãn Nho, mà tôi có dịp trò chuyện, thì thơ văn lúc mới bắt đầu làm ai cũng trầy vi tróc vảy mới đăng được trên báo, chứ đâu có dễ như thời kỳ internet này. Anh có đồng ý là hồi đó các báo chọn bài quá khó và anh có biết tại sao họ lựa chọn khó như vậy không ? Ngoài ra, anh có cho biết:"Tôi thuộc hàng làm thơ đàn em, cỡ tuổi tôi có Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Nho Nhượn, Hạ Đình Thao, Lê Văn Trung v.v.. những người nầy cũng là bạn của tôi sau nầy”. Ngày nay các tác giả này ra sao? Quý vị ấy có còn sáng tác gì thêm không? Và với tình bạn giữa anh với các tác giả ấy, hoặc anh có thể nói qua một chút về vài nét tiêu biểu trong văn thơ của các tác giả này không?
PXS:
Thưa anh,
Thiệt tình là mình làm thơ chưa tới, chưa hay, nên các tờ báo lớn thuộc loại văn chương họ không chọn. Tôi nghĩ nếu mình có tài như các bạn tôi thì chắc sẽ được chọn đăng. Lúc đầu ai cũng như ai có quen biết gì đâu, thơ họ được đăng là bởi vì thơ của họ hay thật. Thời kỳ bộc phát của họ còn rất trẻ, họ thành danh khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường (từ năm đệ tứ đến năm đệ nhị). Bây giờ già rồi, nghĩ lại chuyện nầy mình còn phải thán phục. Sao lúc ấy còn nhỏ tuổi mà thơ phú của họ khi đọc lên thấy rất trưởng thành. Còn một điều nữa không kém phần quan trọng là người đọc thơ truyện trên các báo văn chương thuở ấy để tuyển chọn, họ là những người tận tụy, cân nhắc kỹ lưỡng, công tâm. Chính họ đã tạo dựng nên một nền văn học miền Nam mới mẻ, một cái nhìn sâu sắc, tìm ra được các nhà thơ nhà văn thực tài để đăng báo. Phải nói rằng chính ê-kíp nầy có công rất lớn cho nền văn học miền Nam. Người viết lúc đó nhiều mà báo rất ít, nên có sự gạn lọc gắt gao, như hạt gạo trên sàn. Vì vậy bài viết thực sự phải hay thì mới được chọn đăng. Còn bây giờ thì báo chí nhiều quá, bài vở không qua sự chọn lựa, báo nầy không đăng thì báo khác chụp ngay. Văn thi sĩ nhiều như lá mùa thu, vàng thau lẫn lộn. Đôi khi người chủ báo họ cũng chẳng có khả năng chọn lựa, có bài là tốt rồi, đăng ngay. Ta không lạ gì có nhiều bài thơ đăng trên các báo chữ nghĩa sáo mòn, ngô nghê. Người làm thơ như vậy đã thấy can đảm mà người chọn đăng bài thơ đó lại càng can đảm hơn. Khi tôi về trong nước, tôi thấy tình trạng nầy giống y như tại hải ngoại. Có tiền bỏ ra vài ngàn in một tập thơ trở thành thi sĩ có tác phẩm hẳn hoi.
Nguyễn Nho Nhượn đã chết mới 21 tuổi (năm 69 – 70 gì đó), Vũ Đức Sao Biển hiện thời còn ở trong nước, đây là người đa tài, nhạc, thơ, văn, phiếm v.v.. thứ nào cũng thượng thừa. Hạ Đình Thao thì gác bút. Còn Lê Văn Trung viết lai rai cho bạn bè đọc chơi, hiện giờ có bài trên Thư Quán Bản Thảo của anh Trần Hoài Thư, cách đây ba năm có in tập thơ "Cát Bụi Phận Người". Tôi quen biết với những người nầy khi còn đi học (năm đệ tứ), quen biết nhau cũng qua sinh hoạt văn chương học sinh lúc đó.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh thân,
Thế là anh tiếp tục gởi thơ trên Chiến Sĩ Cộng HòaPhổ Thông của Nguyễn Vỹ tới những ngày trước tháng 4-1975 ? Lúc bấy giờ anh có dự tính in tập thơ nào không hay mãi tới Chén Rượu Mời Người in chung với nhà thơ Dư Mỹ cùng quê Quảng Nam với anh, vào năm 1996, tại Boston, là tác phẩm đầu tay? Xin anh vui lòng kể một chút về tập thơ mỏng này và nhứt là bốn câu thơ mở đầu vào tập.
PXS:
Thưa anh,
Tôi chỉ đăng trên Chiến Sĩ Cộng Hòa thỉnh thoảng thôi, đến năm 1972 lúc đó tôi bị thương (Mùa Hè Đỏ Lửa) thì tôi không gửi nữa. Tôi chỉ đăng trên báo nầy chừng vài ba bài rồi thôi. Còn trên Phổ Thông chỉ một bài duy nhất. Khi bị thương nằm nhà, tôi làm thơ nhiều nhất, cuộc chiến đã cướp mất một phần thân thể của tôi nên trong lòng tôi luôn luôn hận thù cuộc chiến, tôi làm thơ như một cái thùng để tôi trút tất cả lên đó những oán hận, mà tôi không thể trút vào ai được. Tôi viết hồi ký và làm thơ rất nhiều, đây là một thứ duy nhất để tôi giải tỏa những u uẩn, thống hận, đã đè nén trong lòng tôi có chỗ để thoát. Đến 30 tháng 4 năm 1975, tôi đành đoạn phải đem các thứ nầy vào bếp đốt. Đó là những thứ cấm kỵ với chế độ mới, họ mà đọc được thì ở tù mục gông. Tôi không có tác phẩm nào in trước năm 1975.
Khi tôi qua Mỹ 1990, tôi ở phía bắc (thành phố Philadelphia), có đứa em vợ mua cho tôi tờ Làng Văn. Những ngày mới tới Mỹ rỗi rảnh, nhớ quê, tôi có làm vài bài thơ gửi cho Làng Văn. Tôi bắt đầu viết cho Làng Văn từ đó. Sau nầy tôi biết được ở hải ngoại còn có các tờ báo văn nghệ như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Khởi Hành v.v…tôi bắt đầu gửi bài và lần lượt được đăng trên các tạp chí nầy. Khi tôi định cư tại Boston làm quen với các anh em văn nghệ tại đây. Hồi đó, sinh hoạt với anh em rất vui, có những đêm văn nghệ được tổ chức quy mô với sự tham dự của đồng hương. Có những đêm sinh hoạt riêng với anh em văn nghệ bên chén rượu, những đêm như thế nầy thường tổ chức tại nhà anh Dư Mỹ hoặc tại nhà tôi. (Trước khi tôi về Boston thì tổ chức tại nhà Trần Trung Đạo). Chính vì vậy, tôi và anh Dư Mỹ cùng rủ nhau in chung một tập thơ. Tôi và nhà thơ Dư Mỹ có những cái giống nhau: Cùng là dân Quảng Nam, cùng có một "air" thơ giống nhau, thường tổ chức những bữa tiệc rượu tại nhà anh Dư Mỹ hay tại nhà tôi. Từ những cái đó chúng tôi đồng ý lấy tên tập thơ chung là Chén Rượu Mời Người. Tôi còn nhớ 4 câu thơ mở đầu:
Đêm nguyệt lạnh, môi có thèm hơi ấm,
Ta xin dâng dăm chén rượu mời người.
Rượu có nhạt nhưng lòng ta rộng mở,
Người cứ vào và thanh thản dạo chơi
Đây là tập thơ đầu tiên tôi in chung với anh Dư Mỹ tại hải ngoại để biếu anh em (năm 1996). Thật tình thì khi còn đi học (lớp đệ tam) tôi với Hạ Đình Thao có in chung một tập thơ bằng ronéo, mỗi đứa vài bài (cho đến bây giờ tôi và Thao cũng không còn nhớ tên của tập thơ học trò đó).

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Bốn câu thơ mở đầu vừa thân ái, vừa văn nghệ mà tha thiết trong tình anh em bằng hữu biết bao. Tôi nhớ lần đó, khoảng năm 1996, hoặc 1997, tập thơ được giới thiệu lần đầu tại tư gia anh Dư Mỹ, rất đông các khách văn nghệ sĩ vùng New England tham dự như nhà văn Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho, Hoa Văn, Lâm Chương, Trần Trung Đạo, Nhã Nam, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi và nhiều vị khác nữa. Anh có thể chia sẻ thêm là bốn câu thơ đầu này, anh hay anh Dư Mỹ là tác giả chính, thưa anh?
PXS:
Thưa anh Lương Thư Trung,
Bốn câu thơ mở đầu tập thơ anh Dư Mỹ làm hai câu đầu tiên và tôi làm hai câu cuối cùng. Tập thơ đó bây giờ không còn nữa, tôi chỉ còn một tập giữ làm kỷ niệm. Anh vẫn còn nhớ những người tham dự đêm ra mắt Chén Rượu Mời Người thật đông vui. Anh chị Trần Hoài Thư lái xe hơn năm giờ đồng hồ từ New Jersey đến Boston trong đêm tuyết lạnh.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Nhưng chắc có lẽ phải đợi đến "Đứng Dưới Trời Đổ Nát" ra đời năm 2000, mới chính là phong cách Phan Xuân Sinh rất mực. Xin anh nói qua một chút về sự ra đời của thi phẩm này, thưa anh?

Bìa sách Đứng Dưới Trời Đổ Nát

PXS:
Anh Trung,
Tập thơ "Đứng Dưới Trời Đổ Nát" được tôi chọn lựa qua những thời gian sống của tôi, mỗi thời chọn vài bài: Thời đi học, thời đi lính, thời sau 75 và một số bài đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong tất cả các giai đoạn sống, thế hệ của tụi tôi là thế hệ bị bầm dập nhất. Khi ngồi trên ghế nhà trường không được yên tâm ngồi học, bị xáo trộn bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ liên tiếp do những thế lực chính trị lợi dụng tuổi trẻ của chúng tôi, chúng tôi bị cuốn hút vào sự tranh giành chính trị. Đi vào lính cấp bậc nhỏ nhất mà cuộc chiến đến hồi khốc liệt nhất, tụi tôi như những que củi ném vào chiến trường cháy tan xác. Sau 75 hòa bình mà toàn dân mong chờ đã tới, nhưng mang nhiều thù hận, trả thù, oan khiên ụp trên đầu, những trại tù khổng lồ được lập lên lùa tất cả chúng tôi vào đó.
Thời cuối cùng được qua định cư tại Mỹ thì tuổi đời chúng tôi đã lớn, hội nhập vào đời sống mới rất khó khăn. Chúng tôi phải đưa thân trâu bò cày mệt ngh
ỉ để nuôi vợ con. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bài hát của Nguyễn Đức Quang sao tôi thấy nó mỉa mai quá chừng, đất trời như sụp đổ làm gì có chuyện kiêu hãnh như vậy. Tôi không còn tin vào ai được. Tập thơ ra đời bằng sự đay nghiến, u uất, nỗi lòng của tôi bộc phát, nói lên thân phận của chính tôi, nói thay cho thế hệ chúng tôi. Trong một bài thơ "Đêm Nằm Nhớ Ức Trai", đoạn mở đầu tôi viết:
"Ngài sống giữa hồn thiêng sông núi: Tri Ân ta sống vào thời lòng dân: Ly Tán kẻ thắng, người thua toàn trí cùn, trí đoản vận nước trên tay những đứa thất phu…."

Tôi xổ toạc, chửi đổng. Tôi đay nghiến, uất ức. Đó là những gì mà tôi cần phải thét lên cho hả giận. Tôi mất một phần thân thể trong chiến tranh, sự đau khổ to lớn nầy đã làm cho tôi điên tiết cho nên khi Đứng Dưới Trời Đổ Nát ra đời tôi gửi gấm chút ít tâm trạng của tôi trong đó. Tôi cũng không biết như vậy là "phong cách” của tôi hay không? Tuy nhiên tôi cũng phải công nhận rằng thơ của tôi có đượm chút mỉa mai, hận đời. Như anh thấy, ở đây người ta làm lễ vinh danh cho thương phế binh một cách quy mô. Thế nhưng khi người ta nhìn tôi với thân hình xiêu vẹo, đi đứng không giống ai thì người ta lẩn tránh, xem tôi như một thứ cùi hủi. Có ai hiểu được cái đau đớn của tôi khi nhận được những thái độ khinh miệt như vậy. Cho nên hãy tha thứ cho tôi nếu bạn đọc thơ của tôi cảm thấy khó chịu. Khi ra mắt tập thơ tại Boston niềm an ủi lớn của tôi là được bạn bè từ xa về tham dự đông đảo. Có lẽ đó là ngay vui nhất trong đời tôi. Gần đây người ta gán ghép cho tôi cái tội thân Cộng, giao lưu văn hóa do những kẻ ti tiện, thù ghét tôi xướng lên. Ở hải ngoại không lạ gì cái thứ to mồm nầy, tôi khinh lắm và tôi chẳng cần phải lên tiếng.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Trong một bài viết về tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát, đăng trên Talawas ngày 30-5- 2007, về đề tài, tôi có nhận xét:
Đặc biệt về cách chọn đề tài, Phan Xuân Sinh đã chọn những đề tài không mới nhưng lạ. Những nhân vật như Ngũ Tử Tư, Nguyễn Trãi, Tào Tháo là những nhân vật ai cũng đã hơn một lần nghe tên tuổi, nhưng nhờ tạo được cho mình cách diễn đạt ý tưởng rất đặc biệt qua những vần thơ như vừa tâm sự, vừa phân trần và vừa giải bày nỗi bất hạnh của chính mình với các bậc tiền nhân trong lịch sử mấy trăm năm trước mà thơ của Phan Xuân Sinh đã gây được một ấn tượng lạ. Những bài thơ tiêu biểu trong loại này là "Hầu chuyện cùng Ngũ Tử Tư" (trang 19), "Đêm nằm nhớ Ức Trai" (trang 69), "Giải oan cho Tào Tháo" (trang 97) là những bài thơ được nhiều bạn đọc quan tâm. Chính những điều tưởng chừng đã quá cũ kỹ này, nhưng với bút pháp riêng, Phan Xuân Sinh đã làm cho những câu chuyện cũ trở thành tân thời, hiện đại, vừa nghiêm nghị vừa dí dỏm, vừa chua chát, vừa như để nói chơi cho vui mà giải tỏa được bao nhiêu tâm tư u uất của mình.
Xin anh có thể bàn thêm một chút về lý do hoặc cách anh chọn đề tài ? Và anh nghĩ gì về nhận xét rất chủ quan của tôi ở trên?
PXS:
Thưa anh,
Những bài thơ mà anh đề cập tới, đó là những bài gửi gấm một chút tâm sự của mình, của những người cùng thế hệ. Mượn người xưa để so sánh những hoàn cảnh xẩy ra, những tình thế giống nhau nhưng cách giải quyết mỗi thời mỗi khác. Trường hợp Tào Tháo thời Tam Quốc, ông bị người đời chê bai bởi tính gian hùng của ông. Thế nhưng thời nay có những người còn gian hùng hơn ông, mánh khóe hơn ông, ác độc hơn ông, mà chẳng có ai ghi vào sử sách. Cho nên bài thơ ghi lại sự phẫn nộ để giải oan cho ông. Trong bốn câu mở đầu, tôi viết:
Ông quả đúng tổ sư đất ngụy lột áo,
cháy râu, giặc đuổi chạy dài
ta thuộc hàng cháu con,
bước đường cùng túng thế
cũng chạy hụt hơi quăng áo mão cân đai ….
Trong bốn câu cuối, tôi kết luận như sau:
…. Ta kẻ hậu sinh, giở lại pho sách cũ
mà khen ông đúng là bậc tài hoa
ta vỗ án thư thét lên khàn cổ
phải giải oan nầy mới thỏa được lòng ta.…
Còn "Hầu chuyện với Ngũ Tử Tư" là đề cập tới chuyện vượt thoát của ông giống như chúng ta sau năm 75. Cái thoát hiểm của ông so với chúng ta vẫn còn thua xa, chúng ta gặp nguy hiểm hơn ông nhiều. Thế nhưng sau một đêm đầu bạc trắng của ông lập nên được nghiệp lớn, trả thù được món nợ. Còn bọn mình thoát chết trong mong manh, "chí lớn" bỏ vào sọt rác, thành một thứ vô tích sự. Một đoạn tôi viết để so sánh cái "đầu bạc" của ông và của chúng ta:".. chí lớn của ngài thiên cổ chi mê làm rạng danh một thời hoạn lộ đấu bạc đã trả xong món nợ còn ta thẹn mặt với cố hương…." Còn trường hợp Nguyễn Trãi "lấy trí nhân thay cho cường bạo" không hợp với thời nầy, thời chúng ta không ai đem đạo nghĩa để nói chuyện, hơn thua nhau là do vũ khí tối tân hay không. Tôi làm bài thơ nầy để để nói lên hoàn cảnh sống của chúng ta hiện nay: ".. nhân nghĩa phải nhường, đao búa hoành hành danh sĩ hàng hàng khuất dưới tay uy vũ…" hoặc, "… bình thiên hạ. Nói lên bằng đầu súng ngài sống lại ở đây cũng chỉ bó thân…"
Thưa anh,

Tất cả những bài thơ kiểu nầy mang một nỗi niềm chung của đất nước: Ấm ức, thua thiệt, nghiệt ngã v.v.. cần phải được giải tỏa …. Chỉ có thơ mới giải tỏa được. Chọn những đề tài nầy để nói lên thân phận, hoàng cảnh, u uất của những người thất thế cho nên khi đọc lên cảm thấy rưng rức, đau nhói và ai ai cũng thấy chính tâm trạng của mình. Chính vì vậy nó được phần đông người đọc chấp nhận.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Qua thi phẩm Đứng Dưới Trời Đổ Nát của anh, tôi cảm nhận nơi anh dù rằng nhiều lúc thi nhân coi việc tử sinh chỉ là "đầu tăm ngọn cỏ", nhưng Phan Xuân Sinh đã phải nén lại tiếng khóc, "cầm lòng" khi nhắc lại từng tên bạn cũ với đôi mắt lúc nào cũng "cay xé":
Vẫn biết thế. Sao mắt ta cay xé
cố cầm lòng nhắc nhở từng tên bạn ta.
Kẻ đầu non cuối chợ
Đứa mất, đứa còn đâu dễ gì quên.
(“Gặp lại bạn ta,” trang 64)
Và rồi nhìn ra chung quanh, hướng về mọi nẻo, Phan Xuân Sinh chợt nhận lại mình, anh đã cảm nhận ra thân phận của kẻ "sa cơ", lỡ vận:
Nốc cạn ly bỗng nhiên buồn lạ
Ngẫm mình thân phận buổi sa cơ
Đẩy đưa với chút tình mờ nhạt
Ta sợ ta thành kẻ bơ vơ.
(“Ly rượu đầu xuân,” trang 82)
Với một tâm hồn lãng mạn của một người làm thơ như anh, anh cũng đã làm cho người đọc có chút lòng đành phải xao xuyến bồi hồi:
Có một chút gì xôn xao rất lạ
Để hồn ta bay theo lá vu vơ …
(Lời tỏ bày cùng quê nhà, trang 92)
"Một chút gì xôn xao" đó để hồn thi nhân "bay theo lá vu vơ" là nỗi lòng nhớ cố hương vào một giây phút chạnh lòng, trong đó, có những cuộc tình cũng đành bỏ ta đi theo những chiếc bóng chập chờn. Nhưng với một người vốn đã nặng tình với đất, với người như Phan Xuân Sinh, những buồn vương không giữ nổi một sự trở về tìm kiếm lại những bóng hình, một lần nữa, như một tiếng thở dài trong dòng sông đời nơi bến bờ xa lạ này:
Giờ ở đây. Lòng se sắt lạnh
Nhớ phố, nhớ người. Đôi mắt long lanh
Bên trời xa, bên đời hiu quạnh
Chim lạc bầy, chim mỏi cánh tim quanh.
(Lời tỏ bày cùng quê nhà, trang 94)
Chất lãng mạn cùng với thân phận ấy đã mang đến cho thơ anh một tiếng ngân vọng đến não lòng. Với nhiều nhà phê bình văn học, thơ Phan Xuân Sinh rực rỡ những hào khí của một kẻ sĩ xứ Quảng không gặp thời. Nhưng xét về phương diện mộng mị cuộc đời, cái chất lãng mạn ấy đã tô điểm cho thơ Phan Xuân Sinh thêm chút khắc khoải, chua xót của một lần phụ bạc đến dễ thương:
Ta bâng khuâng đứng bên đường
Xa em còn chút vấn vương bên lòng
Qua rồi bao nỗi bão dông
Chuyện xưa trầm tích dưới dòng quạnh hiu
Là đời vây phủ rong rêu
Là em vàng võ bên chiều nắng phai
Nhìn nhau chi để thờ dài
Gặp nhau chi để một mai ngậm ngùi
Thì thôi em cố gượng vui
Chút tình ngày cũ cố vùi lắng sâu
(Mờ phai, trang 81).
Thi nhân thì vỗ về, khuyên nhủ người thương rằng "thì thôi em cố gượng vui, chút tình ngày cũ cố vùi lắng sâu" nhưng chính trong lòng mình lại khắc khoải những tiếng "thở dài" đứt ruột …. Đâu phải chỉ một lần, Phan Xuân Sinh còn gợi nhớ cho chúng tôi một nỗi đau nữa khi ngồi trên đồi nghe tiếng chim hót, tiếng súng rền mà ở bên kia con phố, cuộc tình đã đi sang bến khác tự lúc nào:
Trên đồi trọc, cỏ không kịp mọc
Sống chết một đời có nghĩa chi
Khi tỉnh giấc, ngó bên đồi chim hót
Lòng ta đau, nhìn mãi cuộc tình đi
Như thỏi son môi. Không còn thắm
Nên em quên một thứ chẳng cần
Ta bấn loạn, cơn đau cùng cực
Chào thua. Em trong cõi trầm luân.
(Nghe chim hót trên đồi 55, trang 32)
Những bài "Gặp lại bạn ta", "Ly rượu đầu xuân", "Lời tỏ bày cùng quê nhà", "Mờ phai" và nhất là bài thơ "Nghe tiếng chim hót trên đồi",Uống rượu với người lính Bắc Phương” anh có còn nhớ anh sáng tác trong hoàn cảnh nào không, thưa anh ?
PXS:
Thưa anh,
Trong một bài thơ "Uống Rượu Với Người Lính Bắc Phương" đăng lại trong tập Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến do Thư Quán phát hành. Anh Đặng Tiến có hỏi tôi: "Trong chiến tranh khốc liệt như vậy thì làm sao anh uống rượu với người lính bên kia được?" Bài thơ tôi làm trong đêm 30 Tết, lịnh đình chiến da beo. Tụi tôi ngồi từng toán năm ba người rải rác uống rượu ngay trong chỗ đóng quân, thì bỗng nhiên chúng tôi nghe lanh lảnh tiếng người lính bên kia gọi qua chúc Tết trong đêm tối đen như mực. Người lính của chúng tôi gọi qua chúc tết lại cho phải lễ. Hành động này làm cho tôi suy nghĩ. Ước gì có những người lính bên kia qua đây uống rượu với chúng tôi thì hay biết mấy. Sau cuộc rượu, tôi lên võng nằm và thai nghén bài thơ đó dưới bóng đèn "pin".
Dĩ nhiên những ngày sau đọc lại tôi sửa lại cho hoàn chỉnh. Không nhất thiết phải việc thật, người thật thì mình mới mô tả được, người làm thơ phải tưởng tượng, thêu dệt làm sao khi người đọc cảm được nó. Trong tất cả bài thơ anh đề cập tới, nó đều mang một chút sự thật, một chút tưởng tượng, một chút lãng mạn thì nó mới thành thơ được.Khó nhất khi tôi làm thơ là thai nghén ra nó rồi từ từ làm tiếp có thể mất vài ngày và cũng có thể chỉ trong giây lát, tùy ở cảm hứng lúc đó.
Qua Mỹ, mình cảm thấy hụt hẫng nhiều, thua thiệt nhiều nên mình gặp cái gì cũng bắt mình nhớ lại chuyện cũ. "Gặp Lại Bạn Ta" ở trong trường hợp nầy, vừa mừng mà cũng vừa chua chát, tủi thân. Uống rượu với bạn lại nghĩ tới những người bạn khác sống chết ra sao? Đó là tâm trạng chung của anh em chúng tôi, những người lính trước đây khi gặp lại bạn cũ. Bài thơ không hay nhưng gợi lại hình ảnh chung của anh em chúng tôi. Những bài thơ tình trong thời chinh chiến đối với chúng tôi là tiếng thở dài triền miên: "…dại chi ưng một đứa chiến chinh, để thành quả phụ thời son trẻ.." tình cảnh thời đó khốc liệt thì đừng trách chi người con gái, họ phải chọn lựa một chỗ an toàn để gởi tấm thân. Thiệt thòi chỉ có những thằng như tụi tôi., những thằng trực diện ngoài chiến trường. Bài thơ "Nghe Chim Hót Trên Đồi 55", tôi làm sau khi về phép ra phố thấy "em" đang cặp thằng khác. Buồn quá, những ngày đó tôi đi uống rượu với bạn bè rồi về lại đơn vị. Tôi không trách ai cả, chỉ than thân với mình thôi, bài thơ làm trên đồi 55 khi đơn vị đóng quân trên đó:
Nằm trong hầm lắng nghe chim hót,
Mà tưởng mình đang sống thái bình,
Tiếng súng tiếng chim nghe buồn lạ,
Vây quanh ta giữa chốn đao binh.
Chắc bây giờ em vừa bát phố,
Đang ung dung trau chuốt sắc hương,
Tìm phấn son thay đôi giày mới,
Thong thả dạo quanh những con đường.
Ta vẫn nằm trên đồi gió thổi,
Chim hót ban ngày pháo dội ban đêm,
Em cứ chạy theo từng mốt mới,
Còn ta uống rượu để tìm quên .…
Đó, tâm trạng của chúng tôi như vậy, tinh thần luôn luôn bấn loạn, chỉ tìm rượu để giải sầu.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Cảm ơn anh đã cho biết hoàn cảnh ra đời của nhiều bài thơ, trong đó có bài thơ "Uống Rượu Với Người Lính Bắc Phương". Trường hợp này, anh bạn BCN trên Boston, thuộc binh chủng TQLC, lúc đơn vị đóng quân ở Quảng Trị có kể lại có lần ảnh đã uống rượu thật với người lính Bắc phương vào những giờ ngưng bắn như vậy. Lần đó hứng quá anh ấy uống tới say luôn khi về phải lội qua một con suối suýt bị chết chìm … Chiến tranh gì mà kỳ cục quá phải không anh PXS ?!?
Giờ xin trở qua hai tác phẩm văn xuôi của anh: Bơi Trên Dòng Nước NgượcSống Với Thời Quá Vãng. Tập thứ nhứt nói về thời thơ ấu, thời đi học, thời đi lính là chính; tập thứ hai giống như một hồi ký về một đoạn đời, mà khoảng thời gian chính là những ngày tháng sau 1975, với những cảnh, những người hợp cùng chất liệu nơi chính đời sống mình để rồi anh ghi chép làm thành tập sách chan chứa biết bao nỗi niềm dường như không rời được. Ở đó có những điều làm anh không vui, đã đành, nhưng dường như anh viết ra những điều bất như ý ấy bằng tấm lòng một nghệ sĩ hơn là một nhà văn dựng truyện bình thường mỗi khi viết truyện. Chẳng hạn, có những người yêu hồi anh ở tuổi đôi mươi, họ bỏ đi lấy chồng, mãi sau này có dịp gặp lại, anh kể với giọng văn đầy chất lãng mạn, mà nghe như không chút trách hờn. Nguyên nhân nào, anh có được nhừng dòng chữ chan chứa lòng bao dung ấy, thưa anh?

Hình bìa hai tác phẩm Bơi Trên Dòng Nước NgượcSống Với Thời Quá Vãng


PXS:
Thưa anh,
Lòng bao dung? tôi không biết tôi có được thứ này trong người không? Tất cả mọi chuyện nó đều xưa cũ, hơn bốn mươi năm bây giờ hằn học để làm gì. Hơn nữa phần đông những người bạn gái cũ của tôi họ đều gặp bất hạnh trong đời sống, nhìn họ lại thật tội nghiệp, mình trách họ làm chi nữa. Chính sự chọn lựa của họ mới có một kết quả không may mắn sau nầy, gặp lại họ rất ngại ngùng. Phần đông họ chờ đợi câu trách móc của tôi khi gặp lại nhau. Biết vậy tôi phải tránh đi để sự gặp gỡ tốt đẹp không vướng mắc điều buồn bã. Khi gặp nhau tôi không bao giờ nhắc lại với ai chuyện cũ. Chính vì thế đã để lại trong lòng họ sự kính phục. Về lại bên nầy, tôi ghi lại chuyện cũ trong trạng thái rất vui, thoải mái. Nghĩ lại, mình cũng có một phần lỗi, một phần cà chớn nên họ mới dứt khoát ra đi dễ dàng. Ngày đó dùng chiến thật của ngài Nguyễn Du "Đưa người cửa trước, rước người cửa sau", bị họ phát hiện rồi đùng đùng bỏ đi, đáng đời chứ than thân trách phận làm gì nữa phải không anh?
Sống Với Thời Quá Vãng phần đông ghi lại những bút ký của chuyến về quê nhà thăm lại gia đình và bạn bè. Cái nhìn và nhận định của tôi phải rõ ràng minh bạch nên có thể gây mất lòng rất nhiều người mà tôi đã gặp kể cả người bên này hay người bên kia. Đến với họ tôi phải lắng nghe và đôi khi phải tranh cãi để hiểu rõ vấn đề. Tuy nhiên tôi không bao giờ ghi lại để họ phải khó xử. Trong nước tình trạng vẫn còn khó nên tôi phải tránh né. Những người tôi gặp một số ít trước đây họ có vấn đề nên người hải ngoại không thích. Còn sự thật ra sao lịch sử sẽ phán xét sau này. Những người bạn hiểu tôi họ đều cho rằng chuyến về quê nhà của tôi rất ích lợi, ghi lại số chuyện nhạy cảm rất tế nhị. Còn những người ganh ghét với tôi thì họ lái mọi sự việc đi theo ngõ khác, dưới sự suy luận của họ.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Giờ xin nhắc đến việc anh chia sẻ trong vài lần phỏng vấn với các tác giả Việt Nam và ngoại quốc, đặc biệt cuộc phỏng vấn với đề tài "Chiến Tranh Nhìn Từ Mọi Phía", do Christian G. Appy thực hiện với nhiều nhân vật khác nhau trên các chiến tuyến, sau này in thành sách Patriots: The Viet Nam War Remembered From All Sides do Penguin Books xuất bản, Hoa Kỳ, 2003 (2). Được biết, tác giả Christian G. Appy trước đây là phụ tá giáo sư về môn lịch sử tại hai trường đại học Harvard và MIT (Boston, Massachusetts). Vào năm thực hiện cuộc phỏng vấn này, ông là giáo sư trường đaị học Amherst, tiểu bang Massachusetts. Xin anh vui lòng chia sẻ diễn tiến và những suy tư mà anh trang trải trong cuộc phỏng vấn này?
PXS:
Thưa anh,
Anh hỏi về phỏng vấn, để tôi nhớ lại:
- Lê Quỳnh Mai phỏng vấn tôi trên radio của Montreal vào khoảng năm 2000.
- Trường Đinh phỏng vấn tôi trên website Hồn Quê vào khoảng năm 2002
- Triều Hoa Đại phỏng vấn tôi trong tập "Lên Rừng Đếm Lá" vào khoảng năm 2003.
Những bài phỏng vấn trên là sự trao đổi với văn hữu Việt Nam về chuyện văn nghệ.
Vào năm 2003, Christian G. Appy phỏng vấn tôi về chuyện chiến tranh vì tôi là một người lính Miền Nam trực diện ngoài chiến trường và mất một phần thân thể. Christian G. Appy là giáo sư sử học của đại học Harvard và MIT ở Boston. Cuộc trao đổi giữa tôi với ông sau nầy ông in trong tập Patriots: The Vietnam War Remembered From All Sides (Những Người Yêu Nước: Chiến Tranh Nhìn Từ Mọi Phía). Tập sách nầy chỉ ghi lại những cuộc phỏng vấn của nhiều phía khác nhau: Một số quân nhân Pháp (vì theo lý luận của Christian, cuộc chiến Việt Nam sở dĩ xẩy ra là do người Pháp chia đôi đất nước nên họ phải hệ lụy với cuộc chiến nầy), Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, và quân đội Bắc Việt. Ông phỏng vấn chừng 400 người nhưng khi gạn lọc lại chỉ còn chừng 135 người của bốn phía tham chiến tại chiến trường. Sở dỉ phải gạn lọc vì ông không thể để người khác dùng quyển nầy nói lên hận thù. Ông chọn tôi bởi vì tôi trình bày về nhân bản của người lính miền Nam. Khi chúng tôi ra trận trong lòng chúng tôi không mang một chút thống hận, ra trận chúng tôi buộc lòng phải bắn vì nếu không thì chết. Trên phương diện tổng quát chúng tôi chỉ là những người tự vệ để cố giữ bờ cõi.Christian G. Appy hỏi tôi bây giờ cái gì đã chiếm hầu hết thời gian suy nghĩ của tôi. Tôi trả lời với ông là đất nước Việt Nam tôi. Tôi kể cho ông nghe những câu chuyện trong thời chiến mà tôi đã gặp có liên quan với sự suy nghĩ của tôi bây giờ. Lúc trò chuyện với Christian Appy thì có thông dịch viên chuyển ngữ sang tiếng Anh ngay lúc đó. Phần trả lời của tôi, trích từ Phần 1, Sự Trả Giá (Paying the Price), trang 25-27, được BBT Da Màu dịch lại qua tiếng Việt như sau:
Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến với vô số những kinh nghiệm đau lòng. Hồi đó tôi là một sĩ quan chỉ huy một trung đội, đơn vị của tôi là đại đội trinh sát thường hành quân Diều Hâu bằng trực thăng (nghĩa là đi bằng trực thăng tìm kiếm địch trong những vùng oanh kích tự do, chỉ có địch mới sống chỗ đó. Thấy địch xuất hiện là nhảy xuống bắt lên, như con diều hâu bắt gà vậy).
Có một lần chúng tôi được tin tình báo cho biết sẽ có một đại đội Việt Cộng dùng thuyền cập bến vào làng Cẩm Hải, một khu vực nằm độ 6 cây số về phía Nam ven biển Đà Nẵng. Chúng tôi được lệnh bố trí cuộc phục kích gần bờ biển. Đại đội trinh sát của tôi là nhóm dẫn đầu. Chúng tôi cố men vào sát vịnh để có thể thông báo qua máy vô tuyến cho các binh sĩ khác trong đại đội khi nhìn thấy tàu Việt Cộng cập bến. Lúc đó là khoảng một, hai giờ sáng và trời thì tối mịt mùng. Chúng tôi khó nhìn thấy gì nhưng một hồi thì nghe có tiếng động của mấy cái xuồng đang lướt tới. Khi các xuồng lần lượt vào gần bờ thì chúng tôi thấy có bao nhiêu thanh súng sừng sững chỉa lên trời. Coi bộ cả một đại đội Việt Cộng đang tấp xuống bờ.
Chúng tôi báo cho đại đội trưởng rồi xả súng về phía địch—súng trường, súng liên thanh, tất cả mọi loại súng. Chúng tôi cứ bắn xối xả cho tới lúc tôi nhận thấy rằng không ai ở phía địch bắn chống trả. Tôi dùng máy truyền tin gọi một đội pháo binh đang phòng thủ gần đó bắn trái sáng phóng ra biển để chúng tôi thấy rõ hơn. Khi trái sáng lóe lên tôi biết ngay rằng chúng tôi đã lầm to .… Cái mà chúng tôi tưởng là súng trường thật ra là mấy cái cần câu cá. Ở Việt Nam, ngư phủ thường lấy xuồng đi đánh cá, ngay cả trong đêm khuya, khi họ nghĩ là sẽ có cá mắc câu. Tôi lặng cả người .… Tôi giúp những đồng bào, trẻ em bị thương di tản lên trực thăng và khi chúng tôi cất cánh tôi đã bật khóc. Tôi thấy rõ rằng thường dân từ mọi phía đã lãnh trọn nhiều thảm họa đau khổ từ chuyện giết chóc của hai bên Nam-Bắc.
Một hôm, sau khi hành quân trên đường trở về, tôi thấy một túp lều tranh giữa một nơi đồng không mông quạnh. Tôi nghi ngờ nên bảo người phi công cho toán chúng tôi đổ quân tại căn nhà đó để lục xét. Tại nơi nầy chỉ có vợ chồng ông bà cụ chừng bảy mươi tuổi sinh sống. Tôi mang ông bà lên máy bay về nơi định cư an toàn và chúng tôi cho lính đốt phá căn nhà nầy, để ông bà cụ không còn chỗ trở về, vì ở đó hầm hố thô sơ làm sao chịu nỗi đại bác mỗi đêm. Ở đó thế nào cũng chết. Hai tuần sau, hành quân về trên trực thăng nhìn xuống chỗ cũ, tôi thấy một túp lều tranh mới dựng, tôi lại đổ quân để tìm nguyên nhân, thì lại thấy ông bà cụ mà tôi đưa lên máy bay hai tuần trước trở về lại đây. Khi tôi bước vào nhà thì ông bà quỳ xuống banh ngực áo và nói với tôi: "Các ông cứ bắn chết tôi ở đây, chứ tôi không đi đâu hết. Cha mẹ tôi, ông bà tôi chôn cất tại đất nầy thì dù máu của tôi có đổ xuống đây, chết tại đây tôi cũng hả dạ." Bây giờ đã đến tuổi già, xa quê hương tôi mới thấy thấm thía và hiểu được nỗi lòng của ông cụ đó. Nếu đất nước tôi không áp dụng những đòn thù sắt máu, những kỳ thị ụp lên đầu những người lính miền Nam thì chúng tôi dù có nghèo khổ, chúng tôi cũng không rời xa quê cha đất tổ của mình. Bây giờ nghiệm lại tôi thấy ông cụ ngày xưa ở trong vùng lửa đạn đó đã cho tôi một bài học quý giá.

Với những kinh nghiệm như vậy, chúng tôi chỉ mong sao chiến tranh sẽ một ngày chấm dứt. Nói thực tình, thế hệ chúng tôi ghét chiến tranh, nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn. Chúng tôi bị động binh. Chỉ có những kẻ được thăng quyền hay làm giàu vì chiến tranh mới muốn chiến tranh được kéo dài, và dù sao thì họ cũng không phải chiến đấu. Họ ở hậu phương với mọi đặc quyền. Chúng tôi trong quân đội miền Nam thấy rõ những chuyện bất công đó. Cho nên có nhiều người trong đám chúng tôi đã nghĩ rằng cho dù có phải sống dưới chế độ Cộng sản chắc cũng đỡ hơn là chuyện cứ tiếp tục đánh nhau. Những người như tôi không thù hận người bên kia. Chúng tôi bị bắt buộc phải chiến đấu và không nhìn thấy một lý do gì chính đáng để đánh nhau. Chúng tôi chỉ muốn có một giải pháp để sống thuận hòa với người anh em của chúng tôi.
Nhưng điều tôi không ngờ được là chuyện người Cộng sản rất thù ghét chúng tôi. Tôi chỉ biết được điều này một ngày khi khám phá ra một đường hầm đào sâu dưới đất. Như thường lệ, trước khi khám xét, chúng tôi thả lựu đạn xuống đường hầm. Sau đó chúng tôi khám phá rằng đại đội chúng tôi đã giết một cán bộ đưa thơ. Hắn có một bị lớn đựng đầy thơ. Trên đường mang bị thư về G-2 [cơ quan tình báo], tôi không cưỡng nổi sự tò mò nên mở ra một vài lá thư đọc thử. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy sự mạnh mẽ của những tình cảm được bộc lộ trong thư. Người Cộng sản rất hết lòng với cuộc chiến, cũng như trong niềm hận thù đối với chúng tôi, là những kẻ thù của họ. Họ nhắn nhủ nhau trong thư, “Đừng lo gì cho tụi em. Tụi em sẽ vượt qua mọi hiểm nghèo. Các anh hãy cố sức diệt kẻ thù.” Mọi lá thư đều biểu lộ tinh thần này. Chúng tôi chưa bao giờ có những tình cảm mãnh liệt như vậy về chiến tranh. Tôi nghĩ có lẽ vì vậy mà họ đã thắng trận.
Thật đáng buồn là sự hận thù của người Cộng sản đã không chấm dứt vào năm 1975. Tôi không bao giờ ngờ rằng họ sẽ đối xử tàn tệ với những người miền Nam như chúng tôi, hoặc họ có thể có một đam mê muốn trả thù mạnh mẽ như vậy.
Sau buổi nói chuyện, Christian G. Appy bắt tay tôi trước khi ra về và nói là ông rất kính trong những người lính đầy nhân bản như người lính miền Nam mà bây giờ ông mới hiểu rõ hơn.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Vâng, xem lại cuốn Patriots, tác giả xếp anh ở chương 3 trong phần I, dưới tiêu đề: “Paying The Price (từ trang 20 đến trang 25), gồm có ba người: Tạ Quang Thịnh, George Watkins và Phan Xuân Sinh, quả có ý nghĩa riêng của nó.
Tôi cũng nhớ có lần anh kể lại là có dịp đọc thơ tại trường đại học Harvard. Anh có thể kể một chút về diễn tiến và không khí của những buổi đọc thơ như vậy không, thưa anh? Có nhiều nhà thơ các quốc gia khác được mời không hay lần đó chỉ có các nhà thơ Việt Nam mình? Còn các cử tọa là người Việt hay người ngoại quốc?
PXS:
Thưa anh,
Lâu quá tôi không còn nhớ là năm nào. Tôi nhận được thư của trường đại học Harvard mời tôi đọc thơ trong chương trình những nhà thơ Á Châu, đặc biệt ba nước Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam (3 nước trước đây có chiến tranh và phân chia đất nước). Tôi phải gửi trước ba bài thơ và tiểu sử ngắn để họ dịch sang Anh Văn. Sau đó hai tuần thì họ tổ chức tại phòng đọc sách của một trong những
thư viện trường Harvard (trong trường nầy có rất nhiều thư viện). Một nhà thơ nữ của Đài Loan, một nhà thơ của Nam Hàn và tôi (miền Nam Việt Nam). Nghĩa là ba người đều thuộc phe tự do. Tôi nghe nói trước đây họ có mời những nhà thơ thuộc khối Cộng Sản.
Căn phòng nhỏ rất sang trọng, những người ngồi nghe chừng 25 người phải mua vé vào nghe. Có lẽ đây là những thính giả chọn lọc và thường có sinh hoạt với Harvard. Sau mỗi bài đọc bằng tiếng bản xứ thì có một giáo sư đọc bản dịch Anh Văn. Nhà thơ Đài Loan và nhà thơ Nam Hàn đọc trước và cuối cùng mới tới phiên tôi. Trong phần giới thiệu về tiểu sử bằng tiếng Anh, mọi người được biết tôi là
một người lính Miền Nam và mất một chân phải ngay tại chiến trường. Tôi thấy tất cả mọi người dự thính đều đứng dậy. Một hành động mà tôi rất cảm động vì họ trân quý những người tàn tật nhất là bị thương tại chiến trường. Đọc xong, tôi bước xuống thì mọi người đều đứng dậy một lần nữa và lần lượt những người dự thính đến bắt tay tôi.
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một buổi sinh hoạt văn nghệ tại Harvard, để lại cho tôi một ấn tượng rất tốt, tại sao chúng ta lại không tổ chức được những buổi sinh hoạt như vậy?

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Trong chương "Trời trăng sao in mộng triệu sông hồ (1086-1093)", trong tác phẩm Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, với lời dẫn nhập, ngài Tuệ Sỹ viết: "Đó là bầu trời trong đồng vọng, trong tương ứng. Thơ chen chúc giữa những gió và những bụi của kinh thành, của ngọc đường kim mã, nên cái đồng vọng nghe ra những tiếng nghẹn ngào. Thăng hay trầm trong cuộc sống, cái đó không làm ra Thơ, không tạo dựng nổi cõi Thơ. Không phải đi từ cực đỉnh công hầu xuống đến tận chỗ đọa đày cùng quẫn áo cơm mà trời Thơ có thể mở rộng. Thơ là cánh nhạn lạc bầy đi tìm kiếm quê hương khắp suốt sơn cùng thủy tận, mà quê hương vẫn đồng vọng trong cách điệu không lời, không chốn. Thì người lịch nghiệm tồn sinh trên đôi cánh mỏng của Thơ, đến đâu chẳng là đất Trích."(trang 226).
Anh làm thơ tính ra cũng khá lâu với tuổi đời đã trải qua biết bao mùa thay đổi, với anh những dâu bể của dòng đời có giúp anh viết nên những vần thơ chan chứa bao nỗi niềm, anh nghĩ sao về câu nói của ngài Tuệ Sỹ:"Thăng hay trầm trong cuộc sống, cái đó không làm ra Thơ, không tạo dựng nổi cõi “Thơ" ?
PXS:
Thưa anh,
Tuệ Sỹ là một bậc thức giả, một chân tu, ngài đã đứng bên ngoài của tất cả hệ lụy của cuộc sống. Những khổ đau, thăng trầm không làm cho ngài vướng bận trong lòng. Còn tôi là thằng trần tục, thô lỗ, nên đời sống đã ảnh hưởng rất nhiều trong những trăn trở của tôi. Tôi viết được là vì những dâu bể của dòng đời cuốn hút lấy tôi mà tôi không thể nào dứt ra được. Câu hỏi của anh rất sâu sắc và thâm trầm nhưng rất tiếc trí óc của tôi lại nông cạn, cho nên không thể nào có được những câu thơ chất chứa những điều cao siêu được. Tôi làm thơ giống như người bửa củi, cứ phang đại, chữ nghĩa sáo rỗng, lời thơ cục mịch, cho nên không thể diễn đạt được những điều mình mong muốn. Mong anh hiểu cho. Khi đọc thơ của người khác đôi khi mình phải giật mình, chữ nghĩa bề bề, tứ thơ sâu lắng, mình phải ngả nón chào kính phục.
Đời sống đã cuốn hút lấy tôi, những đau khổ triền miên của thân thể đã cắn rứt tôi, tôi cố diễn đạt những u uất đó cho mọi người biết, chia sớt với tôi, thế nhưng thơ tôi chỉ là những dòng nước chảy trên lá môn, trơn tuột. Không đọng lại một chút gì cho người đọc suy ngẫm. Thất bại của tôi ở chỗ đó. Anh Luân Hoán cũng giống như tôi, mất một bàn chân trái, anh có một tập thơ Nén hương cho bàn chân trái", hồi đó ai đọc cũng rớt nước mắt. Tôi cũng thử làm như anh, nhưng khi đọc lên tôi cảm thấy dửng dưng, thì làm sao người khác hiểu cho tôi. Tôi đành lòng xé bỏ.
Thưa anh, anh thương tôi nên anh nghĩ tôi cũng có một vài ba câu thơ "chan chứa" chút ít gửi gấm. Thật tình có như vậy, nhưng không sâu lắng và người đọc không ai cảm thấy lay động được họ.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh,
Anh khiêm nhường nói vậy thôi, chứ thơ mà không trải qua những lúc thăng trầm trong dòng đời, thì lấy đâu chất liệu làm cho tứ thơ thâm trầm, sâu sắc. Chính Trương Trào, một thi sĩ Trung Hoa giữa thế kỷ 17, đã nói :"Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ" (3) . Và J.M.Guyau thì viết:"Cái đặc quyền của nghề làm thơ là không cần phải chứng minh, không phải viện chứng, mà vẫn thâu nhập
vào trí não ta những điều ta không chối cãi được…. Vì không gì hơn tình cảm của người ta …. Đó là tất cả các điều mà ta đã tư tưởng, đã cảm giác, đã luyến ái từ xưa. Nhà thi sĩ chân chính là người biết biểu lộ những tiếng vang trong đáy lòng ta vậy."(4)
Thành ra, có nhà thơ nào làm thơ mà không lấy chất liệu qua những năm tháng vui buồn của mình, và thơ có mặt cũng từ chính những suy tư trăn trở của mình về những đoạn đời bất trắc ấy, có phải thế không anh?
Cuộc trò chuyện với anh cũng khá dài, trước khi kết thúc, xin hỏi thêm một câu không ăn nhập gì tới thơ văn mà là thú vui tuổi già . Trong thiên nhiên anh mê cảnh nào nhứt, chẳng hạn sông hồ, đồng lúa, núi rừng, chim chóc, rong rêu? Và mùa hè này, với khoảng sân rộng sau nhà, anh thích trồng loại cây nào nhứt?
PXS:
Thưa anh,
Qua bên nhà anh tôi thấy anh bận rộn với vườn tược, những cây bưởi, ổi, cốc, thanh long v.v…thấy mà ham. Tự nhiên khi nhìn cảnh nầy tôi rất thích thú và chắc cũng theo bước chân của anh đi. Trong cái thú trồng cây phải học của anh nhiều, chắc anh cũng tận tình chỉ vẽ giùm. Sống ở đây nhất là tuổi già buồn lắm, nếu không chọn cho mình một thú vui để tiêu khiển thì buồn chết được. Vừa là thú vui cũng vừa lao động chút ít để được bớt bệnh hoạn thì làm vườn là thích hợp nhất. Tôi theo chân anh.

LTT:
Anh Phan Xuân Sinh mến,
Xin chân thành cảm ơn anh đã bỏ thời giờ để góp vui trong cuộc trò chuyện này và nếu có câu hỏi nào quá tệ làm anh không vui, xin anh bỏ qua cho, nhe, anh Phan Xuân Sinh.
Kính chúc anh chị và các cháu nhiều sức khoẻ, vạn an, hạnh phúc.
Cầu chúc anh làm thơ và trồng cây nhiều .
Thân mến,

LTT
Houston, ngày 26 tháng 02 năm 2011

---------------------------------

Phụ chú:
1/ Nhà thơ Phan Xuân Sinh là tác giả các tác phẩm:
- Chén Rượu Mời Người (thơ), in chung với nhà thơ Dư Mỹ , năm 1996
- Đứng Dưới Trời Đổ Nát (thơ), Văn xuất bản, năm 2000
- Bơi Trên Dòng Nước Ngược (truyện và tùy bút), Sông Thu xuất bản, năm 2004
- Khi Tình Đang Ru Đời (thơ), Văn Nghệ. xuất bản, năm 2009
- Sống Với Thời Quá Vãng (tập truyện và tùy bút), Hợp Lưu xuất bản, năm 2010
2/ Patriots: The Vietnam War Remembered From All Sides của Christian G. Appy , do Penguin Books xuất bản, Hoa Kỳ, năm 2003. Theo giới thiệu của nhà xuất bản Penguin Books, tiểu sử tác giả (dịch từ Anh ngữ) là như sau: “Christian G. Appy có bằng Ph.D trong khoa Văn Minh Hoa Kỳ và đã dạy ở hai đại học Harvard và MIT, nơi ông là giáo sư khoa lịch sử. Ông cũng là tác giả quyển Working Class War: American Combat Soldier and Vietnam (Chiến Tranh của Giới Lao Động: Người Lính Giáp Chiến Mỹ và Việt Nam” và chủ biên của loạt sách Culture, Politics, and the Cold War (Văn Hóa, Chính Trị và Chiến Tranh Lạnh.) Ông hiện dạy học tại đại học Amherst, tiểu bang Massachusetts.”
3/”Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê dịch, chương X : Hưởng thụ thiên nhiên, mục 7: Vài câu cách ngôn của Trương Trào (phần Sách và đọc sách, trang 242). Loại sách “Học Làm Người”, năm 1964.
4/ “C’est le privilège de l’art que de ne rien démontrer, de ne rien prouver, et cependant d’introduire dans nos esprits quelque chose d’irréfutable. C’est que rien ne peut prévaloir contre le sentiment. Et toutes ces pensées, jusque-là silencieuses, forment un coeur innombrable dont la voix retentit en vous. C’est ce que vous avez pensé, senti, aimé. Le vrai poète est celui qui réveille ces voix.” (La poésie- J.M.Guyau)
.
.
.

No comments: