Monday, March 28, 2011

LIỆU TRUYỀN THÔNG NHẬT BẢN CÓ TỰ KIỂM DUYỆT ? (Nguyễn Thu Hằng, NHK)


Liệu truyền thông Nhật Bản có tự kiểm duyệt?
Nguyễn Thu Hằng - Đài Phát thanh & Truyền hình NHK
28-03-2011
Chat với một người bạn làm báo ở nhà, bạn hỏi, có người đang nói rằng, sau thảm họa động đất, Nhật Bản cũng đầy náo loạn, tranh cướp, nhưng truyền thông Nhật chỉ đưa những hình ảnh đầy nhân văn, để trấn an dân chúng và giữ hình ảnh đẹp đẽ về người Nhật trước thế giới bên ngoài.

Bạn nói rằng, truyền thông Nhật đồng loạt ứng xử như vậy không phải vì có sự chỉ đạo từ trên xuống (đương nhiên, ai mà chỉ đạo vụ này!) mà đây là một kiểu tự kiểm duyệt (self-censorship). Nghe bạn nói mình cũng thấy hơi lạ, không hiểu tại sao mọi người bên ngoài có ý nghĩ như vậy. Mình cũng làm truyền thông Nhật đây nhưng chưa nghe thấy vụ này bao giờ.

Báo chí có đưa những chuyện như có những người đi hôi của trong những căn nhà đổ vắng chủ, đây đó có người ăn cắp vặt, và cũng có chuyện có người đục nước béo cò, lập ra những tổ chức quyên tiền hỗ trợ nạn nhân động đất nhưng thực ra là lừa đảo... Những chuyện thế này báo chí Nhật vẫn đăng và kêu gọi mọi người cảnh giác. Truyền hình trong nước hàng ngày vẫn quay cảnh ở các vùng bị thảm họa và các trung tâm sơ tán khẩn cấp, tình hình đều khá ổn định.

Tất nhiên mình ở Tokyo nên không thể khẳng định là tình hình hoàn toàn ổn định và trật tự trị an rất tốt trên toàn nước Nhật, nhưng mình không tin có chuyện tranh giành, cướp giật vì trong cuộc sống hàng ngày mình chưa từng chứng kiến chuyện này.

Ở Tokyo hiện nay có tình trạng nước máy nhiễm phóng xạ nên nhiều gia đình có con nhỏ rất lo ngại và đổ xô đi mua nước đóng chai. Hầu hết các siêu thị lớn nhỏ đều không đủ nước bán vì không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng đột biến. Thỉnh thoảng có nước bán nhỏ giọt, họ đều hạn chế chỉ bán cho mỗi người 1 chai. Tokyo với dân số 13 triệu người nên tình hình nước nôi như thế là rất đáng lo lắng, vậy nhưng chẳng thấy ở đâu tranh giành. Thậm chí mình vẫn thấy có người cầm được chai nước rồi vẫn nhường lại cho một bà mẹ có con nhỏ.

Trên vùng Đông Bắc hiện nay thiếu thực phẩm và thiếu xăng dầu nghiêm trọng, báo chí đăng nhiều chuyện người dân đi tìm thực phẩm trong đống đổ nát. Chủ yếu mọi người tìm thực phẩm còn sót lại trong các tủ lạnh rồi gom lại, cùng nhau nấu nướng.

Một số đồng nghiệp đi tác nghiệp ở vùng Đông Bắc kể chuyện người dân xếp hàng dài trước 1 số ít siêu thị và trạm xăng mở cửa được, nhưng bất kể hàng có dài tới đâu, họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng một và tuần tự chờ cho tới lượt mình. Chả đâu thấy chen lấn xô đẩy. Với lại, người dân vùng Đông Bắc, giống như dân miền Trung Việt Nam, nổi tiếng về khả năng chịu đựng gian khổ vì đây là vùng đất nghèo và thường xuyên bị thiên tai. Thêm nữa người dân nơi đây cũng nổi tiếng về tính cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái.

Tất nhiên xã hội nào cũng có người xấu người tốt, và trên báo chí Nhật Bản vẫn có đủ những câu chuyện này. Báo Nhật cũng có những báo lá cải và tất nhiên những chuyện giật gân kiểu cướp-giết-hiếp nhiều hơn các báo chính thống khác.

Mang câu chuyện tự kiểm duyệt này đi nói chuyện với cả các bạn Việt Nam lẫn Nhật Bản, ai cũng ngạc nhiên không hiểu sao bên ngoài có những cái nhìn “nghi ngờ” này về nước Nhật và truyền thông Nhật.

Mọi người bên ngoài hình như quên mất một điều là Nhật Bản là nước dân chủ và tự do ngôn luận, ngoài báo chí Nhật Bản thì báo chí nước ngoài cũng hoạt động mạnh mẽ ở đây. CNN có hẳn 1 trung tâm ở đây, và CNNj phát cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh. Nếu có nhiều chuyện giật gân như thế chắc CNN chẳng tha vì các bạn này quá thích những chuyện sensational.

Nhật Bản luôn được coi là một trong những nơi ít tội phạm và an toàn nhất thế giới. Bản thân mình chứng kiến nhiều lần túi, ví để quên trong toilet, vài tiếng sau quay lại vẫn ở đấy. Điện thoại thì bản thân mình cũng vô số lần quên trong toilet, và cho tới giờ vẫn chưa mất.

Cái sự không mất này là do, một là người Nhật không tham, thứ hai là họ quá nhút nhát, không thích dính líu tới những gì có khả năng gây phiền cho mình. Ai mà biết có phải đồ để quên không, hay lại tang vật một vụ án nào... thế nên chả ai dại dây dưa.

Reuters cũng mới đưa tin, giới Yakuza, tức là giới xã hội đen của Nhật, là các nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên kiếm tiền từ cờ bạc, đĩ điếm, ma túy và tống tiền, với đặc điểm nhận dạng là những hình xăm phủ kín người, lại là những nhóm đầu tiên đưa đồ cứu trợ tiếp tế cho những người còn sống sót sau thảm họa động đất ở một số vùng.

Theo tác giả Jake Adelstein, một chuyên gia về các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản, các nhóm Yakuza đã đưa ít nhất 70 xe tải hàng cứu trợ, gồm thực phẩm, nước uống, chăn... trị giá hơn 500.000 USD từ khu vực Kobe và Tokyo lên vùng Đông Bắc. Và chuyện này không phải lần đầu tiên diễn ra.

Ngay sau trận động đất Hanshin Awaji ở Kobe năm 1995, nhiều nhóm Yakuza đã tới được những vùng bị ảnh hưởng để chuyển hàng cứu trợ cho các nạn nhân, còn trước cả các nhân viên chính phủ.

Giới xã hội đen này vốn bị xã hội xa lánh và bị công khai phân biệt đối xử, ví dụ như tất cả những ai có hình xăm trên người đều bị cấm vào bể bơi, công viên nước hay onsen, là nơi tắm nước khoáng nóng. Mặc dù vậy, họ vẫn là người nhanh chóng và âm thầm cứu giúp cho những nạn nhân động đất.

Các chuyên gia nghiên cứu nhiều năm về giới này cho rằng, hành động từ thiện này bắt nguồn từ việc, hơn ai hết họ hiểu rõ là phải tự xoay sở lấy như thế nào, khi không có sự hỗ trợ của chính phủ hay cộng đồng.

Theo tác giả nổi tiếng Miyazaki Manabu, người đã viết hơn 100 cuốn sách về Yakuza và các nhóm thiểu số ở Nhật Bản, đồng thời là con trai của cựu thủ lĩnh một nhóm Yakuza ở Kyoto, Yakuza bị xã hội công khai xa lánh và phân biệt đối xử nên họ hay cố gắng giúp những người đang gặp khó khăn do thiên tai, và chỉ muốn giúp âm thầm chứ rất tránh né bị truyền thông soi mói.

Reuters trích lời chuyên gia Adelstein nói rằng, giữa giới xã hội đen và cảnh sát có sự “thông cảm” không chính thức để cảnh sát “làm ngơ” và không công khai việc làm từ thiện này của giới xã hội đen.

Giới Yakuza của Nhật Bản hiện có khoảng 80.000 người. Hai nhóm tội phạm có tổ chức lớn thứ nhì và thứ ba ở Nhật Bản là Sumiyoshi-kai và Inakawa-kai được cho là tích cực nhất trong cứu trợ thảm họa động đất vừa qua.

Nói chung thì xã hội Nhật là một xã hội rất đặc thù và không dễ hiểu đối với người nước ngoài nên chuyện nghi ngờ về cái sự tốt có vẻ không thật lắm này là điều có thể hiểu được, nhưng tất cả các bạn đã sống ở đây một thời gian đủ lâu để hiểu chút ít chắc sẽ đồng ý với mình là hiếm có xã hội nào và con người nào tử tế như ở đây, và mình nói là tử tế nhé, chứ không phải là “hay” vì rất nhiều người nước ngoài thấy người Nhật chẳng “hay” gì cả.

Đăng với sự đồng ý của tác giả, DCVOnline biên tập và minh hoạ.
.
.
.

No comments: