Mạnh Kim
Đăng bởi anhbasam on 28/03/2011
Christian Caryl (nguyên chánh văn phòng tờ Newsweek tại Tokyo và hiện là chánh văn phòng của đài Radio Free Europe/Radio Liberty tại Washington DC) viết trên tờ Foreign Affairs (19-3-2011) rằng, Nhật có đủ nguồn – từ nguyên vật liệu đến chất xám – để hồi phục kinh tế. Các đánh giá cho thấy, chi phí để tái thiết các khu vực bị phá hủy bởi trận động đất-sóng thần 11-3-2011 là từ 100 đến 200 tỉ USD. Đó là số tiền khổng lồ nhưng nếu so với 5,39 ngàn tỉ USD trong GDP Nhật năm 2010 thì có lẽ nó không nằm ngoài khả năng. Hơn nữa, khu vực Đông Bắc, nơi bị thiệt hại nặng, lại nằm cách xa hằng trăm dặm khu vực trung tâm công nghiệp Nhật (kéo dài từ Tokyo đến Osaka tại duyên hải phía Đông của đảo Honshu)… Tổng giám đốc điều hành Sony, Howard Stringer, nói rằng kế hoạch tái thiết nước Nhật sau thảm họa có thể giúp kích thích nền kinh tế vốn ù lì mệt mỏi và thiếu sinh khí của Nhật vài năm gần đây trở nên hưng phấn hơn…
Mạnh Kim
Thảm họa hạt nhân lơ lửng tỏ ra ngày càng nghiêm trọng ở Nhật và người Nhật vẫn đang vật lộn từng ngày để khắc phục hậu quả sau trận động đất-sóng thần ngày 11-3-2011. Tuy nhiên, người ta vẫn tin rằng Nhật không chỉ có thể khắc phục mà còn hồi phục kinh tế quốc gia. Điều gì có thể khẳng định gần như chắc chắn như vậy?
Vấn đề tinh thần với ý chí duy tân
Thảm họa thiên tai 11-3-2011 không phải là vụ thảm họa nghiêm trọng đầu tiên xảy ra đến nước Nhật. Năm 1995, một trận động đất kinh hoàng đã san thành bình địa phố cảng Kobe, ở thời điểm mà Kobe là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của kinh tế Nhật và là cảng thương mại lớn thứ sáu thế giới. Trận động đất làm thiệt mạng 6.400 người, khiến hơn 300.000 nạn nhân khác trở thành vô gia cư và làm tổn thất hơn 100 tỉ USD. Người ta cứ nghĩ đống hoang tàn nát vụn sau trận động đất Kobe sẽ làm Nhật mất nhiều năm, nếu không nói nhiều thập niên, mới có thể hồi phục. Thế nhưng, như James Surowiecki viết trên New Yorker (28-3-2011), chỉ 12 tháng sau thảm họa, mậu dịch tại cảng Kobe bắt đầu hoạt động gần như bình thường và chỉ trong 15 tháng, khu vực sản xuất đã chạy đều ở mức bằng 98% thời điểm trước khi xảy ra động đất. Ở cấp độ quốc gia, sản xuất công nghiệp Nhật thậm chí tăng nhanh trong những tháng sau thảm họa Kobe; và tỉ lệ GDP quốc gia tăng trong hai năm sau đó đã vượt ngoài mọi dự đoán. Làm như thảm họa càng khiến người Nhật mạnh mẽ và ngoan cường hơn. Với một số dân tộc, tinh thần người dân có thể bị bẻ gãy và đổ sụm khi đối mặt thực tế quá kinh khiếp. Nhưng với người Nhật, sự đau khổ tột cùng lại mang đến cho họ sự cứng rắn dữ dội trong ý chí, như những mảnh nham thạch nguội cứng sau vụ phún xuất núi lửa. Ở một nước đối mặt thiên tai thường trực như Nhật, thống khổ đã hun đúc nên một tinh thần thép…
Đầu giờ trưa, một trận động đất kinh khủng 7,9 độ Richter đã xảy ra. 90% ngôi nhà trong khu vực bị đổ nát trong tích tắc. Xe lửa hành khách bị lật khỏi đường ray và bị hất tung xuống biển như món đồ chơi. Vài phút sau, một trận sóng thần cao khoảng 10m kéo vào, cuốn trôi vô số xe hơi, nhà cửa và con người rồi chôn hàng loạt thị trấn ngập kín trong đống bùn đen. Chưa hết, lửa cháy ngùn ngụt và lan rộng với tốc độ kinh hoàng được đẩy mạnh thêm bởi cường độ gió, và trở nên hung hãn hơn khi được châm thêm từ những ngôi nhà gỗ. Nhiều người đã chết chỉ bởi chạy trốn trên con đường nhựa đang bị nóng chảy. Hình ảnh kinh hoàng nhất của thảm họa là vụ chết cháy tập thể với khoảng 38.000 người khi họ chen chúc tại siêu thị Rikugun Honjo Hifukusho ở trung tâm Tokyo… Đó là sự kiện ngày 1-9-1923 tại Tokyo (theo lời thuật của Joshua Hammer, nguyên tổng thư ký tòa soạn tờ Newsweek, viết trên trang blog New York Times ngày 13-3-2011). Không chỉ Tokyo, thảm họa thiên tai nói trên cũng nghiền nát thành phố cảng Yokohama. Tổng cộng, khoảng 145.000 người bị thiệt mạng, 570.000 ngôi nhà bị phá hủy và 1,9 triệu người bị vô gia cư. Gần như toàn bộ hệ thống điện tín và điện thoại đều bị hỏng và tờ báo in đầy đủ tường thuật sự kiện, phát hành đầu tiên sau thảm họa, chỉ xuất hiện được vào ngày 4-9-1923… Ấy vậy, không đầy một thập niên sau, Nhật không chỉ hồi phục mà còn phát triển để trở thành một cường quốc kinh tế (lẫn quân sự). Đầu thập niên 1930, kinh tế Nhật mạnh đến mức họ đủ lực đề kháng để cản lại ảnh hưởng từ cuộc Đại suy thoái Mỹ lan rộng toàn cầu. Trong thực tế, sản xuất công nghiệp Nhật đã tăng gấp đôi vào thập niên 1930. Sản lượng sắt tăng từ 3.355.000 tấn năm 1937 lên 6.148.000 tấn năm 1943. Sản lượng thép tăng từ 6.442.000 tấn lên 8.838.000 tấn trong cùng thời gian. Đến năm 1941, công nghiệp máy bay Nhật đã có khả năng sản xuất 10.000 chiếc/năm (Wikipedia)…
Thế rồi Thế chiến thứ hai xảy ra. Nước Nhật sau năm 1945 trở nên tiêu điều khi phải trả giá cho giấc mộng bành trướng chủ nghĩa. Bao nhiêu công sức tích cóp và xây dựng kể từ thời Minh Trị bị tan tành theo bóng ma phát xít. Hơn 3 triệu người chết, khoảng 40% nhà máy và hạ tầng công nghiệp bị phá hủy; và sản lượng công nghiệp rơi xuống mức bằng 15 năm trước. Nhiều người tin rằng một thế kỷ sau Nhật cũng không thể lấy lại hình ảnh huy hoàng của thời trước 1945. Thế mà, người Nhật đã làm nên những kỳ tích không tưởng. Những năm đầu sau chiến tranh, họ tập trung tái thiết, đặc biệt lĩnh vực điện, công nghiệp nặng và phân bón. Một thập niên sau, sản lượng kinh tế đã bắt đầu ngang bằng giai đoạn trước chiến tranh rồi từ từ lấy đà tăng tốc. Từ 1953-1965, GDP Nhật tăng hơn 9%/năm; sản xuất và khai thác khoáng sản tăng 13%; xây dựng 11%; hạ tầng 12%… Đến năm 1965, các khu vực sản xuất trên đã sử dụng hơn 41% nhân lực (chỉ 26% là cho nông nghiệp).
Ở đây, cần nhắc lại, chính tinh thần tôn trọng duy tân và mở cửa đã giúp Nhật lập được một nền tảng vững như bàn thạch cho phát triển kinh tế. Từ thời Minh Trị (1868-1912), người Nhật đã mở rộng tay đón nhận những tư tưởng khoáng đạt từ phương Tây khi khuyến khích thế hệ trẻ tiếp thu cái hay trong kiến thức khoa học phương Tây. Trong giai đoạn này, hàng ngàn sinh viên Nhật đã được gửi sang Mỹ và châu Âu; trong khi Nhật thuê hơn 3.000 người phương Tây đến nước họ để dạy khoa học hiện đại, toán, kỹ thuật và ngôn ngữ. Sau năm 1945, tinh thần duy tân Minh Trị, thật ra được thai nghén từ thời tướng quân Tokugawa (1600–1868), bắt đầu tái hiện, bằng chính sách giáo dục với mục tiêu cốt lõi và tối thượng là hiện đại hóa đất nước. Ý chí kỷ luật cùng chính sách đề cao giáo dục đã trở thành hai trong số yếu tố bản lề mang lại sự thịnh vượng cho Nhật sau Thế chiến thứ hai. Công nghiệp Nhật bùng nổ còn, một phần, nhờ họ tạo ra được “triết lý” riêng cho hệ thống doanh nghiệp, với chủ trương Kaizen (改善 – “Cải thiện”), tức phải đổi mới và cải tiến liên tục, làm nền tảng. Tóm lại, có thể thấy, nếu thiếu đi cái nền căn bản của tinh thần duy tân được “đổ bê tông” từ thời Minh Trị – như một phần trong chính sách tầm quốc gia xuyên suốt lịch sử Nhật Bản hiện đại – Nhật khó có thể tạo nên được cái gọi là “điều kỳ diệu” vào những năm sau Thế chiến thứ hai, cũng như sau những trận thiên tai với hậu quả kinh khủng…
Còn nữa – đó là vấn đề trong sạch!
Về mặt kinh tế học, hai nhà kinh tế Mark Skidmore và Hideki Toya – sau khi nghiên cứu 89 quốc gia – kết luận rằng đất nước nào chịu nhiều thiên tai hơn thường có khuynh hướng phát triển nhanh và hiệu quả hơn (*). Lập luận này dường như gần với lý thuyết “cửa sổ vỡ” được xác định bởi kinh tế gia Frédéric Bastiat vào thế kỷ 19, với khái niệm cơ bản rằng việc đập vỡ cửa sổ thật ra là hữu ích xét về kinh tế, bởi nó mang lại việc làm cho thợ lắp kính. Nói cách khác, đổ nát mang lại tái thiết và tất nhiên đưa đến những chuyển động kích thích kinh tế. Không có khắc phục, sao có hồi phục?… Skidmore và Toya nhấn mạnh thêm, nền kinh tế của các quốc gia chịu nhiều thảm họa thiên tai tất nhiên không chỉ hồi phục nhờ việc “thay kính vỡ” mà còn được thúc đẩy bởi việc nâng cấp hạ tầng và kỹ thuật, chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực mang lại tính hiệu quả cao hơn (sau thảm họa Kobe, thành phố này bỏ hẳn các nhà máy sản xuất giày cao su). Nói gọn lại, kế hoạch tái thiết của quá trình khắc phục thường đưa đến việc điều chỉnh lại, tái cơ cấu và thậm chí định dạng lại tư duy đầu tư cho phát triển…
Tất nhiên khả năng hồi phục còn tùy thuộc vài yếu tố khác. Dù ý chí người dân có bằng thép chăng nữa cũng chẳng giúp được gì cho công cuộc khắc phục, nếu một trong những vấn đề cốt lõi – là nguồn vốn tái thiết – bị cắt xén để đút vào túi bọn quan tham nhũng. Với một số nước, việc xử lý, tức phân bổ, nguồn vốn tái thiết là cơ hội bằng vàng để bọn “nha lại” địa phương rút rỉa và ăn đầu ăn đuôi. Sự “chấm mút” của bọn này, “ăn trên đầu trên cổ người dân” – như cách nói phổ biến – càng khiến kinh tế quốc gia “tăng tốc” đi mau đến chỗ phá sản!
(*) Xem: Economic Development and the Impacts of Natural Disasters, Working Paper 05 – 04, University of Wisconsin – Whitewater
.
.
.
No comments:
Post a Comment