Thursday, March 3, 2011

LIỆU ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC CÓ LÀM VỠ KHỐI ASEAN ? (Asia Sentinel)

Could Asean Drift Apart?
Nguồn: Geoff Wade, Asia Sentinel  -  Wednesday, 02 March 2011
.
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Fri, 03/04/2011 - 06:33
.
Năm ngoái ASEAN đã tưng bừng kỷ niệm lần thứ 43 ngày thành lập của mình, nhưng các vết rạn đã lộ rõ bên trong tổ chức này. Với tình trạng phát triển thiếu cân đối trong Tiểu vùng Mekong Mở rộng do Trung Quốc thúc đẩy với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Á châu, khu vực dọc theo biên giới Trung Quốc đã biến thành một lãnh thổ riêng - một khuynh hướng có thể chia rẽ ASEAN mãi mãi.

Tiểu vùng Mekong Mở rộng (Greater Mekong Sub-region - GMS), bao gồm Cambodia, Lào, Miến Điện, Việt Nam và Thái Lan và hai tỉnh Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc lại hoàn toàn là một thành viên với các nhà kỹ trị cấp quốc gia chuyên tham gia vào các đề xướng của GMS, và với sự mất cân đối quá lớn về quyền hạn thành viên này, quốc gia với 1,3 tỉ người đã khống chế hệ thống chính trị và kinh tế của khu vực đất liền Đông nam Á.

Có khoảng 11 tỉ đô la đã được bơm vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực GMS trong một thập niên qua với một phần ba số tiền đến từ Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB). Nguồn viện trợ nàn đã được rót vào cái gọi là ba hành lang kinh tế - những trục giao thông huyết quản đa quốc gia đang được xây trên khắp khu vực đất liền Đông nam Á. Hành lang Kinh tế Bắc-Nam nối liền Côn Minh với Bangkok, trong khi Hành lang Đông-Tây nối miền duyên hải Ấn Độ Dương của Miến Điện với các bến cảng biển Đông của Việt Nam. Hành lang Kinh tế Phía Nam nối Bangkok với Phnom Penh, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Trung Quốc công khai tuyên bố rằng GMS là một cơ cấu kinh tế hữu hiệu nhất trong khu vực.

Sông Mekong - bản thân nó là một nguyên nhân tranh chấp. Trung Quốc đã có đến bốn con đập trên vùng thượng lưu con sông, hiện nay lại đang đầu tư thêm ba dự án đập thuỷ điện tại Lào, một dự án tại Cambodia cùng 12 dự án khác ở khu vực hạ lưu.

Dưới một đề xướng mới do Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đạo phát động vào tháng Bảy 2009, tỉnh Vân Nam được lựa chọn như là một đầu nối đến khu vực đất liền Đông nam Á qua các phương tiện đường vận tải, mỏ, cơ sở hạ tầng năng lượng và các cơ sở sản xuất thương mại quốc tế tại vùng đất liền Đông nam Á.

Hiệp ước Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) có hiệu lực từ 1 tháng Giêng 2010 đã tăng cường mạnh mẽ các mặt thương mại và đầu tư của Trung Quốc vào các nước trong khu vực đất liền Đông nam Á. Trong những tương tác ngày càng tăng này, một trong những mục tiêu của Trung Quốc là việc khuyếch trương thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong giao thương buôn bán với các đối tác khu vực GMS.

Trong nửa đầu năm 2010, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu chương trình thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho mậu dịch xuyên biên giới với Vân Nam, đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hoá đồng nội tệ của mình. Có đến 50% các thương vụ xuyên biên giới được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Ngân sách phát triển kinh tế trong khu vực đất liền Đông nam Á có được từ quỹ tiền tệ của Ngân hàng Phát triển Á châu và các nguồn vốn cho vay hoặc đầu tư của Trung Quốc, thường là khó phân biệt được hai nguồn này. Trung Quốc đã thiết lập một Quỹ Trung Quốc-ASEAN trị giá 10 tỉ đô la về Hợp tác Đầu tư để hỗ trợ việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Những biện pháp tích hợp khác bao gồm cơ sở hạ tầng về viễn thông và giao thông. Một hệ thống đường sắt thống nhất sẽ nối toàn bộ các quốc gia trong khu vực GMS vào năm 2020 trong đó Trung Quốc là nước chủ chốt để cung cấp kỹ thuật và ngân sách. Các hệ thống đường sắt cao tốc và đường bộ sẽ nối liền Côn Minh với Yangon, Bangkok, Vientiane và Phnom Penh, trong khi một hệ thống các con đập thuỷ điện, mạng lưới tải điện và ống dẫn năng lượng cũng sẽ nối các quốc gia trong đất liền với Trung Quốc.

Hệ thống đường ống dẫn dầu hoả và khí đốt Kyaukphyu-Côn Minh nối liền bờ biển Miến Điện với Vân Nam, khi hoàn thành vào năm 2013, sẽ giảm sự nương tựa của Trung Quốc vào Eo biển Malacca đối với hệ thống cung cấp năng lượng quan trọng của mình.

Các quỹ đầu tư cũng đã đổ vào những quốc gia này từ Trung Quốc với số lượng rất lớn. Hơn 8 tỉ đô la tiền từ quỹ của Trung Quốc đã được đầu tư vào Miến Điện từ tháng Ba 2010 cho các công trình thuỷ điện, dầu khí và khai thác mỏ. Đến tháng Bảy 2010, Cambodia đã có 360 dự án đầu tư của Trung Quốc, tổng số giá trị của các thoả thuận lên đến 80 tỉ đô la. Vào tháng Mười, Ngô Bang Quốc, chủ tịch Quốc hội Nhân dân Trung Quốc đã đến thăm Cambodia và ký kết thêm những thoả thuận với tổng số 6,4 tỉ đô la. Mức độ về quyền lợi của Trung Quốc đang chiếm kiểm soát trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam được thấy rõ qua ước lượng của chính phủ: các công ty Trung Quốc đã thắng khoảng 90% các hợp đồng xây dựng, kỹ thuật và thu mua.

Số lượng người Trung Quốc du nhập vào các quốc gia này cũng tăng vọt. Lào, một quốc gia với 7 triệu dân, được ước tính có khoảng 400 dân nhập cư lậu từ Trung Quốc vào nước này. Trong lĩnh vực văn hoá, các quốc gia này đều cho biết là lĩnh vực dạy tiếng Trung ngày càng tăng, với Cambodia tuyên bố là có một giáo trình tiếng Trung tốt nhất tại Đông nam Á và các trường đều được trang bị hàng trăm giáo viên đến từ Trung Quốc.

Những phát triển nhộn nhịp dọc theo khu vực biên giới của mình cũng như sự ràng buộc ngày càng tăng của Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực đất liền Đông nam Á - sẽ dẫn đến việc chia rẽ khối ASEAN - đã được các cường quốc trong khu vực lưu ý. Nhật Bản đã gặp gỡ với các quốc gia Mekong gồm Cambodia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam mà không bao gồm Trung Quốc, để bảo đảm viện trợ cho các nước này. Cơ quan hỗ trợ phát triển của chính phủ Nhật đã cam kết hỗ trợ cho khu vực Mekong 5,9 tỉ đô la trong vòng ba năm và các đầu tư tư nhân vào khu vực GMS cũng được khuyến khích. Hàn Quốc cũng đã tuyên bố mong muốn tham gia vào việc phát triển GMS, cụ thể là trong việc biến các hành lang giao thông trở thành các hành lang kinh tế toàn diện cũng như giải quyết các vấn đề môi trường.

Trong một phát biểu vào tháng Bảy 2010 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên bố quyền lợi của Hoa Kỳ tại biển Đông và lưu ý rằng Hoa Kỳ xem quan hệ với Việt Nam "không những tự thân nó đã quan trọng, mà còn là một phần của chiến lược nhắm vào việc tăng cường cam kết của người Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt là tại khu vực Đông nam Á."

Việc Hoa Kỳ được tham gia vào Hội nghị Đông Á gần đây một phần nhằm của phản ứng về sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực đất liền Đông nam Á.

Khái niệm về "Trọng tâm ASEAN" trong kiến trúc khu vực được các quyền lợi phương tây mạnh mẽ khuyến khích, được thiết lập với hai điều kiện: rằng ASEAN sẽ phát triển đủ mạnh để trở thành một khối, và rằng các thành viên sẽ thông qua một vị trí chung trong những vấn đề then chốt.

Cả hai điều kiện này chắc chắn sẽ không thành hiện thực, nói gì đến việc giữ gìn chúng trong trong tương lai gần. Các quốc gia ASEAN cho thấy họ không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ chủ quyền nào của mình để có được một chủ thể quản lý chung và khả năng của tổ chức trong việc tìm được một vị trí chung đối với các vấn đề quốc tế. Vì thế, những nối kết cơ sở hạ tầng, những quan hệ kinh tế, những tiếp xúc chính trị và quân sự gần gũi mới với Trung Quốc ngày càng làm tăng mối chia rẽ giữa quốc gia trong khu vực đất liền với các quốc gia trong khu vực biển của Đông nam Á. Miến Điện, Cambodia và Lào đã hầu như trở thành các nước chư hầu của Trung Quốc, trong khi Việt Nam và Thái Lan đang bị phụ thuộc vào nền kinh tế khổng lồ này.

Phản ứng mới nhất của ASEAN đối với mối đe doạ chia rẽ này là việc kêu gọi "liên kết" thêm giữa những thành viên. Một chương trình chủ đạo - được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng Mười 2010 tại Hà Nội, nhằm kết nối các cơ quan, quốc gia và nhân dân các nước - đã công khai nhìn nhận mối chia rẽ này. "Đây chắc chắn sẽ không là một quá trình êm đẹp, đặc biệt là khi hai chương trình [ASEAN và GMS] đã đang theo đuổi những nỗ lực song song và đã dồn rất nhiều đầu tư vào một vài khu vực hợp tác."

Với khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia đất liền và các quốc gia biển Đông nam Á, khả năng của một Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực vào năm 2015 ngày càng trở nên mỏng manh. Cùng với Trung Quốc, các quốc gia đất liền giờ đây đang hợp thành một Khu vực Mekong Mở rộng, và những liên kết mới đang được xây dựng sẽ xoá bỏ những kết nối có được trước đây giữa các nước ASEAN. ASEAN đang thật sự chia rẽ.

Những thay đổi này có thể đơn giản phản ánh vị trí địa chính trị của các quốc gia đất liền gần Trung Quốc hoặc cũng có thể là một minh chứng về truyền thống lâu đời của Trung Quốc: hoặc là chia rẽ những chính thể láng giềng hoặc sát nhập chúng vào chính thể Trung Quốc. Trong cả hai trường hợp, việc phục hồi cơ cấu đang diễn ra tại khu vực đất liền châu Á, một hiện tượng khác lạ mà một số người cho là dấu hiệu về hệ thống chủ quyền quốc gia kiểu phương Tây không còn quan trọng đối với châu Á nữa.
.
.
.

No comments: