Thursday, March 3, 2011

(CÁC NHÀ DÂN CHỦ TRUNG QUỐC) MẤT TÍCH TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG (Foreign Policy)


Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Thu, 03/03/2011 - 12:52
.
Sau lời kêu gọi biểu tình ôn hòa tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã bắt giữ và làm biệt tích các nhà tranh đấu trong một chiến dịch đàn áp có lẽ là khắc nghiệt nhất trong ký ức hiện tại. Sau đây là những câu chuyện của họ.

Ngay sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak buộc phải từ chức, một lời kêu gọi nặc danh bắt đầu luân chuyển qua các microblogs Trung Quốc hô hào các công dân tham gia những cuộc biểu tình kiểu "Cách mạng Hoa Nhài". Các cuộc biểu tình, đã diễn ra vào ngày 20 và 27 tháng 2 tại một số thành phố lớn của Trung Quốc, dù thu hút được một số đám đông nhỏ nhưng quả quyết của những người dân Trung Quốc đã "tản bộ" và "tụ tập quan sát" như là một biểu hiện ôn hòa để ủng hộ phong trào dân chủ ở Trung Đông - và mở rộng đến các đòi hỏi về cơ hội công ăn việc làm, bảo vệ quyền ăn ở và chống lại nạn tham nhũng của các quan chức tại Trung Quốc. Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã gán cho lời kêu gọi các cuộc biểu tình này là "gây bất ổn xã hội" và chính quyền Trung Quốc đã đáp trả bằng một cuộc tấn công phủ đầu chống lại bất cứ ai mà họ xác định là có khả năng tham gia. Bao gồm hàng trăm nhà hoạt động về nhân quyền, các luật sư và những nhà bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ trên khắp đất nước. Công an đã sử dụng bạo lực, giam giữ tùy tiện, làm "mất tích" và các hình thức quấy nhiễu, đe dọa để dập tắt tiếng nói của họ. Mặc dù khó theo dấu được toàn cảnh phạm vi hành động của công an, nhưng những chỉ dấu đang nổi lên cho thấy rằng cuộc đàn áp đang diễn ra có thể là một trong những cuộc đàn áp thảm khốc nhất trong vài năm qua.

Trong hai tuần, tại một số thành phố, công an đã bắt giữ theo luật hình ít nhất là sáu nhà hoạt động vì "gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia" và ít nhất năm người khác không có tội trạng chính thức. Cảnh sát đã đột kích vào nhà ở cá nhân của ít nhất là mười người, tịch thu máy tính xách tay, máy tính, điện thoại di động và sách vở. Hơn 100 cá nhân đã báo với tổ chức của tôi, tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Trung Quốc, rằng họ đã bị xét hỏi, đe dọa, bị quản thúc tại nhà hoặc buộc phải đi chơi "du lịch" có công an đi kèm trong những ngày gần đây. Ngoài ra, một nhà hoạt động đã bị bắt giữ tại một bệnh viện tâm thần ở An Huy và một luật sư bị đánh đập bởi những người đàn ông không rõ tính danh trên đường đi đến một cuộc biểu tình tại Quảng Châu.

Sau đây là một phần danh sách của các nhà hoạt động Trung Quốc bị càn quét trong cuộc đàn áp đang diễn ra.
.
Kẻ bị mất tích
Vẫn chưa rõ nơi ở của một số nhà hoạt động Trung Quốc - cuối cùng được nhìn thấy bị công an lôi đi. Không một ai bị kết tội chính thức. Các kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các hoạt động bị công an giam giữ không tội danh càng lâu chừng nào càng có nhiều khả năng là họ có thể bị tra tấn để ép lấy "lời thú tội".
1) Tang Jitian, một luật sư nhân quyền, đã bị công an mang đi vào tối ngày 16 tháng 2. Ông mới vừa ăn trưa với hơn chục nhà hoạt động khác để thảo luận về việc làm thế nào cung cấp hỗ trợ cho nhà hoạt động khiếm thị Chen Guangcheng, hiện bị quản thúc tại gia ở tỉnh Sơn Đông. Nơi cư trú của Tang đã bị lục soát.
2) Giang Tianyong, một luật sư nhân quyền, bị mang đi từ nhà người anh của mình vào ngày 19 và bị chở đi bởi những người mà gia đình ông xác định là nhân viên công an Bắc Kinh. Tối hôm đó, cảnh sát lục xét căn hộ và tịch thu máy tính của ông.
3) Teng Biao, một luật sư nhân quyền khác, đã bị mất tích sau khi rời khỏi nhà mình để gặp các bằng hữu vào buổi chiều ngày 19 tháng 2. Ngày hôm sau, công an tại Đon vị an ninh quốc gia thuộc Văn phòng An ninh Công cộng Bắc Kinh đã lục soát nhà ở của Teng, tịch thu hai máy tính, một máy in, sách và một số DVD.
4) Ngày 19 Tháng 2, hai chục công an đã lục soát nhà ở của Gu Chuan, một nhà văn, nhà hoạt động ở Bắc Kinh, và sau đó đã mang Gu đi đến một nơi nào không rõ. Cảnh sát tịch thu hai máy tính, hai điện thoại di động và một số cuốn sách. Li Xinai, vợ ông, cũng là một nhà hoạt động, đã bị quản thúc tại gia.
5) Vào sáng ngày 25 tháng 2, Li Hai, nhà dân chủ và hoạt động nhân quyền đã bị công an địa phương mang ra khỏi nhà riêng ở ngoại ô Bắc Kinh. Ông trở về nhà vào tối khuya nhưng đã bị cảnh báo không được rời khỏi nhà của mình nữa, không được lên trực tuyến, hoặc cố gắng liên lạc với bất cứ ai. Ngày 26 Tháng Hai, Li đã gửi một tin nhắn bằng ký tự đến bạn bè để cảnh báo họ rằng ông đang bị ba người canh chừng, ông cũng báo động rằng, nếu ông tắt điện thoại di động của mình đi, nghĩa là có sự cố. Không lâu sau 3 giờ chiều, điện thoại của ông bị cúp. Ông đã không được nghe biết đến từ lúc ấy.
.
Người bị khép tội
Chỉ trong vài ngày qua, một số nhà hoạt động trên khắp Trung Quốc đã bị giam giữ vì "gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia". Những người bị kết tội tương tự như thế trong những năm gần đây đã phải đối diện với án tù mười năm hoặc lâu hơn.
1) Ran Yunfei, 46 tuổi, một nhà văn, blogger và nhà hoạt động, đã bị bắt giữ vì tội "lật đổ quyền lực nhà nước" vào ngày 24. Ran là thành viên của các dân tộc thiểu số Tu sống tại thành phố Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây; ông viết cho tạp chí Văn học Tứ Xuyên và tweets thường xuyên. Tài khoản Twitter của ông có hơn 44.000 người theo đọc. Công an cũng khám xét nhà và tịch thu máy tính của ông.
2) Hua Chunhui, 47 tuổi, là một nhà hoạt động mạng và là một quản lý bậc trung tại một công ty bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Giang Tô, miền đông. Ông đã bị công an bắt giữ vào ngày 21 và bị giam vì nghi ngờ "gây nguy hiểm đến an ninh nhà nước". Hua, sử dụng tài khoản Twitter @ wxhch64, đã tweeted những thông điệp về "Cách mạng Hoa Nhài". Hua và Wang Yi, hôn thê của ông từng tích cực trong các sáng kiến về xã hội dân sự trong những năm gần đây.
3) Lương Haiyi đã bị công an thành phố Harbin tỉnh Hắc Long Giang bắt giữ để điều tra vào ngày 19 tháng 2. Theo Liang Xiaojun, một luật sư do gia đình cô nhờ cậy, Lương bị bắt vì bị nghi ngờ "lật đổ quyền lực nhà nước." Công an cáo buộc cô đã đăng tải các "thông tin từ các trang web nước ngoài về cuộc 'cách mạng Hoa Nhài' trên các trang web trong nước" như trang QQ, một trang mạng xã hội Trung Quốc phổ biến.
4) Ding Mao, 45 tuổi, đã bị bắt ngày 19, giam ở tỉnh Tứ Xuyên vì bị nghi ngờ "kích động lật đổ quyền lực nhà nước". Là một sinh viên triết tại Đại học Lan Châu, Ding đã trở thành một nhà lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năn 1989. Ông đã hai lần bị bỏ tù, lần đầu tiên vào năm 1989 và một lần nữa vào năm 1992. Ông đã trải qua tổng cộng 10 năm tù và hiện là tổng giám đốc của một công ty đầu tư.
5) Chen Wei, 42 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền có trụ sở tại Tứ Xuyên, đã bị bắt giữ hình sự về tội "kích động lật đổ quyền lực nhà nước" vào ngày 21. Sau dó công an đã lục soát nhà ông, tịch thu một máy tính, hai ổ đĩa cứng và một ổ USB. Ông hiện đang bị giam tại trung tâm giam giữ ở thành phố Suining.
6) Chuangtian Zheng, một nhà hoạt động nhân quyền, đã bị công an huyện Huilai, tỉnh Quảng Đông bắt giữ vì tội "kích động lật đổ quyền lực nhà nước" vào ngày 26. Công an cũng khám xét nhà riêng của Zheng.

***

Trên đây chỉ là một số ví dụ trong rất nhiều báo cáo về những sự cố tương tự mà gần đây đã lan truyền trên trực tuyến. (Tôi đã có các trường hợp mà , tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Trung Quốc có thể xác minh một cách độc lập.)
Trong những ngày gần đây, đã có các trường hợp khác của những luật sư nổi tiếng và các nhà hoạt động là đối tượng bị mất tích kéo dài, bị kết án hình sự khiến có thể phải mang hình phạt tù giam lâu dài, nhiều cuộc ruồng bắt tại nhà. Dường như có việc dựa vào các biện pháp xé rào nhiều hơn là chúng tôi từng thấy trong các giai đoạn căng thẳng cao độ gần đây - chẳng hạn như thời gian phát hành bản tuyên ngôn cải cách Hiến chương 08 hoặc lễ trao giải Nobel Hoà Bình 2010. Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.
.
Thực tế của việc Trung Quốc chưa nhìn thấy cuộc nổi dậy của quần chúng phổ biến như những vụ nổi loạn ở Tunisia, Ai Cập, hoặc Libya hoàn toàn không phải là dấu hiệu chắc chắn của sự hài lòng trong nhân dân Trung Quốc. Thay vào đó, phản ứng nhanh chóng của chính phủ để dập tắt các cuộc biểu tình kiểu "Cách Mạng Hoa Nhài" tại Trung Quốc tự trứng nước cho thấy mức độ chính phủ lo sợ người dân của mình. Một điều rõ ràng: so với các đối tác của mình tại Trung Đông, chính phủ độc tài Trung Quốc đang xiết một gọng kềm chặt hơn và quỷ quyệt hơn nhiều đối với các quan điểm chính trị bất đồng.
.
.
.

No comments: