Sunday, March 13, 2011

LẠI BÀN VỀ DÂN TRÍ VIỆT NAM (Lê Quốc Trinh)


Cách đây hơn một tháng tôi đã có một bài Dân Trí Việt Nam trong DanChimViet dựa trên sự kiện Cụ Rùa Hồ Gươm để nói về hiện tượng mê tín hãy còn phảng phất trong nhiều thành phần xã hội VN, trong đó giới trí thức cũng bị ảnh hưởng. Tôi đã nhận được một phản hồi khá gay gắt từ trong nước (Trang AnhBaSàm, www.basam.info), ngay sau đó tôi đã có gửi một bài hồi âm cho anh Ba Sàm, chẳng hề thấy anh đăng lên để rộng đường dư luận.

Từ đó tôi âm thầm quan sát sự kiện “Vây bắt, cứu chữa Cụ Rùa” qua thông tin báo chí “lề phải” trong nước để hiểu rõ thêm tính chất “mê tín” của đông đảo trí thức TSGS Hà Nội ra sao. Mời các bạn đọc qua bài viết trong BoxitVN để nghe hai ý kiến khác biệt về đề tài này (ông Dưong Trung Quốc và Nguyễn Huệ Chi) để hiểu vấn đề tế nhị và nhạy cảm như thế nào (www.boxitvn.net/bai/18336 – Việc gán cho rùa Hồ Gươm tính cách “linh thiêng” cản trở việc làm sạch hồ và chữa bệnh cho rùa).

Gạt qua vấn đề “tâm linh” (mà nhiều trí thức trong nước hay thích lạm dụng) tôi chỉ muốn nói lên bản chất giả dối đạo đức giả của một xã hội tha hoá, chỉ cần vài ba lập luận như sau:

1)- Nếu bảo rằng Cụ Rùa Hồ Gươm là một biểu tượng anh linh cho quốc hồn dân tộc (xuyên qua truyền thuyết hoàn kiếm của vua Lê Thái Tổ), thì tại sao chính quyền Hà Nội cứ thản nhiên ngồi yên nhìn cái hồ nhỏ bé đó tiếp tục bị xả rác, ô nhiễm trầm trọng, gây thiệt hại cho sức khoẻ Cụ Rùa và tạo ấn tượng rất xấu cho mỹ quan thủ đô chính trị?

2)- Ngân sách chi tiêu cho 10 ngày Đại Lễ Thăng Long (tháng 10/2010) vừa qua lên đến cả tỷ đô la US, thế mà không có lấy một đồng xu nhỏ để rửa sạch hồ và chữa bệnh cho Cụ Rùa? Phải chăng người ta mải lo bận rộn “ăn chơi, chia chác” mà cố tình bỏ quên Cụ?

3)- Chỉ có mỗi một con rùa to lớn bơi trong một cái hồ nông cạn (ngang bụng), chẳng lẽ VN không có chuyên gia kỹ thuật về môi trường để rửa sạch hồ? Việt Nam một xứ nông nghiệp, đồng bằng và sông ngòi chằng chịt, rùa là loài động vật bò sát đầy rẫy khắp nơi, chẳng lẽ không có ai kinh nghiệm trong việc vây bắt và cứu thương cho rùa? Vào đọc truyện Hương Rừng Cà Mau, Sơn Nam, để biết con nít nhà nông bắt rùa ra sao sau mỗi mùa gặt.

4)- Bàn kế sách “lọc nước hồ và cứu thương một con rùa” mà phải mất cả mấy tháng trời, tổ chức mấy khoá họp trí thức TSGS, lại họp báo linh tinh, rồi lên ngân sách, rồi huy động cả chục người, dùng ba lớp lưới vây bắt… rốt cuộc để cho con rùa trốn thoát. Có lẽ Cụ Rùa được trang bị “thanh bảo kiếm tâm linh” nên chẳng có lưới nào vây bắt được Cụ? Nghe sao mà khôi hài tệ!

5)- Báo chí nước ngoài dĩ nhiên phải tò mò theo dõi để biết trình độ “dân trí VN” ra sao khi đối phó với một con rùa? Đương nhiên họ không bao giờ quên những hình ảnh “giẫm đạp rùa tàn nhẫn” ngang nhiên và công khai trong 10 ngày Đại Lễ. Và dân tình cũng không bao giờ quên chuyện 26.000 con rùa Tai Đỏ được Nhà Nước cho phép nhập cảng từ Mỹ vào VN làm thực phẩm, nhưng sau đó bị xếp vào hạng độc hại và công ty bị ép buộc phải tiêu huỷ cả chục tấn rùa, ai sẽ chịu trách nhiệm trong sự kiện nghịch lý này? Ít ai chịu khó tìm hiểu để biết rằng giống rùa Tai Đỏ đó đã được chính phủ Mỹ cho phép bán công khai khắp chợ búa để làm cảnh.

6)- Trong bài viết Dân Trí Việt Nam tôi chủ yếu nêu lên khía cạnh mâu thuẫn về đạo đức ở xã hội VN: tôi chưa hề nghe Nhà Nước tổ chức họp hành bàn cãi về những tai hoạ môi trường đang trở thành mối nguy cơ cho dân chúng, không hề nghe báo chí truyền thông đăng tải bài vở giáo dục người dân trong những vấn đề dân sinh hàng ngày, nhất là mối hiểm nguy của khí độc vô hình Monoxide Carbon (CO), mà càng ngày càng nhiều người bị tử nạn một cách đáng thương và lãng xẹt. Tôi càng đau buồn hơn khi nghe một vị trí thức VN kết án rằng: “Dân ngu dốt thì chết ráng chịu!”. Thế nhưng vị trí thức đó có bao giờ tự hỏi: “Ai là kẻ chịu trách nhiệm để cho dân đen càng ngày càng ngu dốt như vậy?“.

Tôi chỉ sợ rằng đợi đến khi chính sách ngu dân, mỵ dân thành công mỹ mãn, thì tên nước Việt Nam sẽ biến mất trên bản đồ thế giới.
Buồn thay!

Canada 12-03-2011
© Lê Quốc Trinh
© Đàn Chim Việt

------------------------------

Bài liên quan:


.
.
.

No comments: