Sunday, March 13, 2011

HỒ SƠ KHIẾU NẠI CHO CÙ HUY HÀ VŨ ĐÃ TỚI ỦY BAN NHÂN QUYỀN LHQ

CHHV.TK

Kính thưa Quý Báo,

Ngày 18 tháng 2 năm 2011, được sự giúp đỡ của Luật sư Nguyễn Xuân Phước (Submitted By: P. NGUYEN XUAN PHUOC, Attorney at Law NGUYEN LAW OFFICES, P.C.888 S. Greenville Ave, Suite 122, Richardson, TX 75081- U.S.A.; nguyenlawoffices@gmail.com) tôi đã gửi Hồ sơ khiếu nại tới Ủy ban đặc trách Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khiếu nại về việc anh trai tôi, TS Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt, giam, truy tố trái pháp luật Việt Nam cũng như Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.

Kính mong Quý báo cho đăng để những ai quan tâm đến Vụ án Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam được biết. Qua đây tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành của cá nhân tôi và của gia đình tôi tới Luật sư Nguyễn Xuân Phước và những người bạn của Luật sư Phước.

Trân thành cảm ơn Quý Báo
Cù Thị Xuân Bích

(Mời bấm vô file đính kèm ở bên để coi nội dung hồ sơ: The Official Complaint of The Arbitrary Detention of Dr Cu Huy Ha Vu)
.
.
.
Trần Lâm

Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả cuộc phỏng vấn luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh và là hiệu trưởng trường Đảng nhiều năm, đảng viên từ năm 1947, với chủ đề vụ án tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN Việt Nam.

Dân Luận: Là luật sư và là người theo dõi các hoạt động và bài viết của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, xin ông cho biết cảm nghĩ của mình về vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị truy tố về tội tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam? Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ có tội hay là vô tội?
LS Trần Lâm: Để nói rằng ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay vô tội thì phải lập luận rất dài, chứ không thể nói ngay như thế được. Ở Việt Nam, nếu mình lấy cách suy nghĩ ở một chính thể khác, mang suy nghĩ ấy đáp dụng vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam thì nó không hòa hợp với nhau, hai cái đó nó không đi chung một con đường. Bởi vì luật pháp ở nước ta thường có cái khác với các quốc gia dân chủ hoàn chỉnh, như nơi các bạn đang sống. Đó là một điều khó khăn: Vì chính thể khác nhau, thì pháp luật tuy nói có vẻ giống nhau nhưng hiểu và áp dụng có thể khác nhau. Đó là một.
Còn điều khác nữa, xét xử các vụ án hình sự thông thường, thường nặng nhẹ không khác nhau nhiều. Còn các vụ án chính trị thường nhiều phức tạp hơn: thời cuộc, quan hệ chính trị, quan hệ quốc tế thường ảnh hưởng đến đường lối xử lý, nhấn mạnh điều gì, bỏ qua điều gì… là những điểm rất lớn chi phối việc xét xử. Vụ Cù Huy Hà Vũ là trường hợp như thế.
Điều thứ ba, là tùy thuộc vào nhân thân của bị cáo, nếu là người này thì xử thế này, nếu là người kia thì xử thế kia, chứ không phải đơn thuần chỉ xét ở hành vi. Còn phải kể đến những tác động ở bên ngoài, thí dụ như nước này nước kia người ta phê phán thì cái nước sở tại cũng phải nghe ngóng họ chứ không phải là ý mình muốn làm thế nào thì làm đâu. Bởi vì một vụ án chính trị, khi xét xử nó phục vụ một mục đích chính trị, chứ không phải chỉ đơn thuần là giải quyết trật tự xã hội. Các bạn nói ở phương Tây thì không cho phép đưa chính trị vào trong pháp lý, trong việc xét xử hình sự, nhưng thực tế ở nước ngoài nhiều khi vì chính trị mà việc xét xử cũng phải bị chi phối.
Vụ án chính trị thì có nhiều điểm phức tạp như thế, cho nên đánh giá, xử nặng hay xử nhẹ thì có liên quan đến nhiều yếu tố lắm. Trở lại câu bạn hỏi, rằng anh Cù Huy Hà Vũ có tội hay không có tội, thì quan điểm của tôi, không phải là nước đôi, và tôi nói rằng nếu anh suy nghĩ một cách bình thường, một người làm tổn thương đến chế độ của anh, làm tổn thương đến ảnh hưởng của Đảng thì anh xử người đó là “đúng. Thế nhưng đứng về mặt pháp luật, thì lại không đúng vì pháp luật có yếu tố quốc tế, là một. Còn điểm thứ hai nữa, như tôi đã trao đổi với anh Cù Huy Hà Vũ một buổi, và tôi cũng có cảm giác rằng anh ấy có vẻ tán thành quan điểm của tôi, tức là tôi với bị cáo có chung một suy nghĩ, là cùng một hành vi ấy nhưng động cơ và mục đích thì khác nhau. Cùng hành vi của anh Cù Huy Hà Vũ, ví dụ là kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi đòi dân chủ, đòi đa đảng v.v nhưng tư duy và ý tưởng của anh Cù Huy Hà Vũ và tính chất của sự việc khác với một số anh em [bất đồng chính kiến] khác. Vậy nên nếu nói có tội thì chỉ trên hình thức thôi, còn xét về bản chất tư tưởng thì không có tội.
Vì sao thế? Vì xét cho cùng, những người được học hành một cách cẩn thận thì đầu óc của họ có hình thành tư duy, mà cái tư duy khoa học của họ vững chãi ghê lắm. Cho nên khi họ hành động theo tư duy đó, theo cái đạo lý đã ăn sâu vào trong óc người ta, thì tạo ra những hành vi như thế. Bảo họ tính chuyện lật đổ thì không đúng, mà do họ được học như thế, và họ mong muốn mọi người như thế.
Vì thế ta thấy người xưa, do họ được học hành cẩn thận, ví dụ như Nguyễn Mạnh Tường, thì cái sở học của người ta như thế, nên người ta phải hành động như thế, người ta đưa ra những vấn đề và những ý kiến như vậy.
Ta phải xét Cù Huy Hà Vũ theo một cách nhìn nhận khoáng đạt: Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Mạnh Tử). Cù Huy Hà Vũ lại được học Rousseau, Montesqueu, Voltair, Saint Simon nên đã hành động theo cái sở học của mình, giống như Nguyễn Mạnh Tường vậy.
Cù Huy Hà Vũ nói với tôi, và tôi cũng nghĩ đến điều đó: Cù Huy Hà Vũ không hề giao tiếp với.những người mà ta thường gọi là bất đồng chính kiến. Anh không có ý thức , tư tưởng chống nhà nước, mà chỉ làm theo lương tâm và sở học. Nếu người cầm cân nẩy mực luật pháp mà đưa vụ việc này vào lĩnh vực tội phạm chính trị là hoàn toàn khiên cưỡng, là ngộ nhận CHHV phạm tội chính trị. Theo nguyên tắc xét xử, loại tội này phải xem xét trên cả hai mặt: hành vi và động cơ. Hành vi thì còn có thể tranh cãi,. Còn động cơ, mục đích thì hoàn toàn vô tội.. Hơn nữa, Cù Huy Hà Vũ chỉ mong muốn đóng góp cho đất nước, xã hội và chính quyền ngày một tốt hơn lên mà thôi.
Như thế, theo ý tôi, xét anh CHHV có tội hay vô tội, thì cứ bình thường như những người [bất đồng chính kiến] khác, nếu anh bảo những người khác có tội, thì anh bảo Cù Huy Hà Vũ có tội cũng được. Nhưng nguyên cái việc ấy thì hiện nay vẫn còn tranh chấp: Tôi có tội với luật pháp của Việt Nam thôi, còn đứng về luật pháp quốc tế, luật pháp có tính phổ cập thì tôi vô tội. Bảo tôi lật đổ thì không phải, tôi chỉ trình bày quan điểm của tôi thôi. Đấy là giữa quan điểm của các bạn, ở nước ngoài, với quan điểm của người xét xử ở trong nước, thì có sự khác biệt. Nhưng riêng vụ Cù Huy Hà Vũ còn có điểm khác nữa, là tôi đã ngồi bàn với anh Cù Huy Hà Vũ rằng CHHV không chống đối nhà nước, không chống đối hiến pháp. Cù Huy Hà Vũ hành động theo cái sở học của anh mà thôi. Quan điểm của tôi là như thế!

LS Trần Lâm: Hiện nay các bạn ở nước ngoài, các vị luật sư cũng nói như bạn, họ còn nói mạnh hơn nữa cơ. Họ nói thế này: Bây giờ có những điều ước quốc tế, thí dụ như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mang tính phổ cập trên thế giới, và nước nào đã ký kết những điều ước đó phải áp dụng chúng, phổ biến chúng trong nhân dân. Mà Việt Nam, không phải riêng ngày xưa có hiến pháp năm 1946 đâu, mà ngay hôm nay Việt Nam đã thỏa thuận, chấp nhận và quốc hội đã phê chuẩn các công ước quốc tế rồi; và trong các công ước họ còn nói tỉ mỉ gấp bao nhiêu lần cụ Hồ đã nói từ năm 1945..
Nhưng phải thừa nhận ở nước ta, cái sự dân chủ vẫn còn hạn chế lắm. Làm gì đã được cởi mở như ở các nước khác. Công ước thì có thật đấy, phê chuẩn này nọ đấy, nhưng dân không được biết, và tòa án phải xét xử sao cho phù hợp với yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Bởi vì nói như bạn thì tôi thấy rằng rất đúng, đúng theo phạm vi toàn thế giới, nhưng ở nước ta thì nó chưa được như vậy. Bây giờ mà mở rộng dân chủ để ai muốn nói gì thì nói, ai cũng được mở miệng như Hồ Chí Minh đã nói, thì ở nước mình nó không phù hợp. Vì thế cho nên người ta phải giữ gìn, bởi để như thế người ta sợ xã hội không được ổn định. Cho nên Đông và Tây vẫn có sự khác nhau, nước nọ nước kia có sự khác nhau, thì mình cũng phải bình thường đi, chứ đừng nghĩ rằng nước này như thế này, có công ước thế này, đã phê chuẩn thế này, thì mọi người phải răm rắp theo đâu. Cũng như trong một gia đình, cha mẹ bảo vậy đấy, nhưng nhiều đứa con nó hư lắm, nó hành động khác đi, trái với gia đình. Mình cũng phải thông cảm. Nếu ở Việt Nam được như thế [như bạn nói], thì còn gì phải nói chuyện. Các bạn thử xem Libya đấy, xem Trung Đông đấy, nó như vậy cơ mà. Xã hội loài người nó vẫn còn như thế, cho nên mình phải quen đi, đừng nghĩ một chiều, nếu nghĩ một chiều thì không thể nào hiểu nổi. Đừng lấy làm lạ tại sao ở nước ta như thế là có tội, còn ở nước khác đấy là quyền con người, quyền hiển nhiên của công dân!.
Đó là chỗ mà cứ lần nào phỏng vấn, người ta cũng hỏi tôi chỗ đó, cuối cùng tôi nói rằng: khổ lắm, ở nước ta có đạo luật của người ta, nếu theo luật như ông thì làm sao người ta tồn tại được, làm sao người ta ổn định được xã hội. Đấy bây giờ mới có một tí dân chủ, mới có một tí ở nước ngoài về mà đã sinh sự ra, do đó giữa dân chủ và toàn trị là một vấn đề lâu dài lắm đấy, phức tạp lắm đấy! Nhưng không ai có thể ngăn cản xu thế dân chủ hóa tất yếu như Hồ Chí Minh đã từng nói.

Dân Luận: Như vậy có thể hiểu từ câu trả lời của ông rằng hệ thống pháp luật và hệ thống tòa án hiện nay vẫn là lựa chọn hợp ý cho trình độ dân trí và trình độ nhận thức ở Việt Nam?
LS Trần Lâm: Không phải là hợp với trình độ nhận thức, mà hệ thống đó phải phục vụ cho sự cầm quyền của nhà nước. Cái việc người ta xử như thế nào là phải phục vụ cho yêu cầu của việc điều khiển xã hội. Cũng phải nhìn nhận rằng có những vụ xử kiện làm xã hội bối rối hơn lên. Đó là cái gay go, có cái mâu thuẫn ở chỗ đó. Là một bên nhà nước muốn làm theo ý mình, để dân phải theo ý mình, có như thế mình mới cai trị được dân. Nhưng người dân lại nói: Không phải, ông làm nhiều cái sai lắm, mà tôi không nói không được, tôi phải đấu tranh, nhưng ông lại bảo tôi làm loạn. Nó cứ bối rối như trong chuyện gia đình nói trên, nhức nhối lắm bạn ạ! Bạn nên nghĩ nó hai chiều, nghĩ rộng hơn, khoáng đạt hơn thì bạn sẽ thấy nó cũng giống như trong quan hệ gia đình, bạn bè hay vợ chồng vậy. Ngay ở trong một nước, nước Mỹ chẳng hạn, nước Pháp chẳng hạn, nước nào bây giờ cũng có biết bao bê bối. Ở ta nó toàn trị, nên xét xử phải theo cái Xét xử ở Việt Nam phục vụ cái nhiệm vụ, cái mục đích Đảng đã giao cho anh, chứ không phải anh mở quyển luật ra, anh a, b, c, d, môt hai ba bốn rồi căn cứ vào đó anh xử. Anh không thể hét ầm lên tư pháp độc lập, tam quyền phân lập, không có cái chuyện đó ở Việt Nam đâu!.

Dân Luận: Xin quay lại vụ án tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, theo kinh nghiệm làm Thẩm phán của ông, thì ông đoán diễn biến trước và trong phiên tòa sẽ như thế nào?
LS Trần Lâm: Trong nghề chúng tôi thường nói: Bắt thì dễ; làm thành vụ án khó hơn, xử vụ án khó hơn nữa, mà tha thì lại càng khó! Nhưng phải nói, trong vụ án CHHV, nếu tha thì cũng không khó lắm đâu, bạn ạ! Vì ở ta, cũng như trên cả thế giới, có cái chế định: khi không xác định được yếu tố chủ quan của tội phạm thì có thể cho chấm dứt điều tra ngay bây giờ hoặc tha bổng tại Tòa.

Dân Luận: Ông có lời nhắn gì đến độc giả Dân Luận xung quanh vụ việc này không ạ?
LS Trần Lâm: Tôi xin có ý kiến là độc giả quan tâm đến tình hình trong nước như thế là rất tốt, rất đáng hoan nghênh. Chuyện Cù Huy Hà Vũ không phải là việc gì to lớn lắm đâu, không quá phức tạp lắm đâu, nhưng ta lại làm ra to tát. Nếu xử lý không khéo, không tỉnh táo thì lại làm cho sự việc trở nên trầm trọng. Chúng ta cùng chờ nhà chức trách cởi cái nút ra xem vấn đề sẽ như thế nào. Tôi thấy rằng cũng nên theo dõi cho kỹ.
Xin gửi lời chào tới độc giả Dân Luận.

Dân Luận: Xin cảm ơn ông Trần Lâm!

--------------------------

.
.
.

No comments: