Monday, March 14, 2011

KÝ ỨC SƠ SÀI [13] (Nguyễn Khiêm)

Nguyễn Khiêm
02/03/2011

Trong những năm vừa đói cơm rách áo vừa bị khinh miệt tận mạng của đám giáo viên thì, nói ngay, vẫn có thành phần nhỏ dạy toán lý hoá tạm kiếm tiền đủ sống. Lúc đầu chỉ nhắm đủ sống, kế đến các kỳ thi đại học bắt đầu khó khăn thì bọn họ khá hẳn nhờ mở lớp dạy thêm. Thi đại học ở VN quái lạ, ngành nào cũng phải thi toán lý hoá, không toán thì ít nhất cũng lý hoặc hoá; học sinh kém mấy môn này kể như không có cơ hội nào học tiếp và chỉ còn cách đi lao động “phổ thông” sau cấp 3. Tội nghiệp mấy em có năng khiếu văn chương và sinh ngữ, họ không có cửa nào cả. Sinh ngữ và Việt văn, những thập niên đầu sau 75 chẳng để làm gì, coi như học cho có. Chính sách giáo dục này không phải không để lại hậu quả tàn tệ. Tiếng Việt mỗi ngày dần mất đi tính chất đặc trưng trong diễn đạt, ngôn ngữ tinh tế hàng ngàn năm của tổ tiên qua ca dao, thơ phú bị bỏ lơ. Ca dao tục ngữ chỉ chọn trích học những gì có nội dung chống phong kiến thực dân, mảng này ít quá, kiếm đỏ mắt thật sự chỉ đôi câu…bà con xa xa tới chuyện chống thực dân phong kiến, cũng không sao, đã có đám thợ thơ-versificateur- bịa đặt thêm cho đủ một cách ngô nghê, kỳ cục, học xong quên ngay vì chẳng thấy hay chỗ nào như lời thầy giảng.

Văn học viết thì chỉ khai thác văn học hiên thực, giáo viên chỉ rành phần này, nói không quá, hầu như họ ít biết cái gì là văn chương ngoài văn học hiên thực phê phán, hiện thực XHCN. Cũng có trích giảng truyện Kiều nhưng không phải những đoạn hay nhất về văn chương. Đoạn kém nhất là đoạn Kiều trả thù Ưng Khuyển thì được giảng là đỉnh cao nghệ thuật truyện Kiều. Tôi nghe anh bạn Lê Ng Đại kể một lần đi tập huấn về chuyên môn, bà cán bộ chỉ đạo truyền đọc tài liệu giảng dạy, có câu “văn dĩ tải đạo” , chắc do lỗi đánh máy, bà đọc thành “văn mỹ tải đạo” với bản mặt đầy tự tin. Mọi người đang buồn ngủ nhưng tỉnh ra hẳn, dòm nhau ngỡ ngàng. Lê V Bảy thì kể một lần nghe GS THT công kích thơ Nguyễn Bắc Sơn, ông bảo thơ đó phản động, tả một thế hệ thanh niên lính đánh thuê mà như những anh hùng; nhất là mấy câu:

Mai ta đụng trận ta còn sống,
về ghé Sông Mao phá phách chơi,
chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm,
đốt tiền mua vội một ngày vui.

Lũ chúng ta sống một đời vô vị,
nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau,
chọn trời đêm làm nơi đốt hoả châu,
những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc,
mượn bom đạn chơi trò chơi pháo tết,
và máu xương làm phân bón rừng hoang”.

Ông đặc biệt chỉ trích câu:
Lao mình vào cuộc phân tranh,
tiếc thương xương máu sinh thành được sao?”

Ông còn cao hứng nói đầy tự tin:
Khi tao đi lấy khẩu phần,
mày đi mua rượu đế Nùng cho tao,

Đế Nùng là đế gì? Đế nồng chứ”. Giờ giải lao, một anh bạn bực quá đến giải thích với ông đế Nùng là đế của người Nùng, ở Phan Thiết có xóm người Nùng từ miền Bắc di cư nấu rượu đế rất ngon. Ông nói như không: “Thế à” rồi thôi. Giờ giảng tiếp ông không nói gì chuyện đế nồng đế Nùng nữa. Cây đa cây đề còn sớn sát vậy, trách gì bà cán bộ chỉ đạo mù tịt vô danh kia.

Tiếng Việt từ xưa, không ai nói “ Anh đến từ đâu?” mà phải: “Anh từ đâu đến?” thế mà bỗng dưng, gần đây thôi, kiểu câu sau biến mất. Có người bảo sao cũng được, miễn hiểu thì thôi. Nói thế thì nói làm gì, ngôn ngữ đâu chỉ có mỗi chức năng hiểu. English-by- hand khách du lịch cũng “hiểu” mà.Tôi nghĩ tiếng ta, do hậu quả tất yếu của cách giảng dạy, cách vận hành của các cơ quan truyền thông, ngày càng lạm dụng chữ Hán, bất chấp ngữ pháp, câu cú ngây ngô, diễn ý dài dòng, cầu kỳ (thay vì nói anh ta chạy không kịp thì lại bảo tốc độ chạy của anh ta là chưa đủ, số tiếng tăng gần gấp đôi, chỉ ma quỉ biết được nói thế thì trong sáng, hay ho chỗ nào. Xin vui lòng chịu khó nghe các biên tập viên bình luận các môn thể thao trên TV sẽ thấy tiếng Việt dài dòng lủng củng tới đâu). Ngó cái trái biết gốc cây.Trồng khế thì hái khế, sao đòi hái cam được. Hình như Lâm Ngữ Đường từng nói vậy khi bàn về văn hoá, giáo dục. Có người nói một phần rối là do toàn cầu hoá, ảnh hưởng tiếng Anh. Được vậy cũng mừng vì người Việt nay rất giỏi tiếng Anh. Nhưng không chắc. Có thứ tiếng Anh nào nói kiểu như: “Hôm qua, đã diễn ra…”. Mà tôi cũng chưa thấy một lần các chính khách, kể cả chính khách ngành ngoại giao, nói một câu tiếng Anh trước ống kính truyền hình hoặc trước công chúng. (Trong khi Campuchia lại có!). Lúc nào cũng thấy người thông dịch ngồi thập thò phía sau lưng ông lớn, rất “đặc trưng VN”. Chuyện hài hước là ông MC khét tiếng chuyên môn nói ra rả hằng đêm kiểu câu tiếng Anh: “Chị Mẹt đến từ Thái Bình, anh Lèo đến từ Nghệ An…” lại thất thanh kêu cứu khi phải đụng tới tiếng Anh trong một lần đại hội phim ảnh gì đó. Vậy mà bảo chịu ảnh hưởng Anh ngữ, sao không đáng ngờ được. Thì trăm năm bị Pháp đô hộ, họ vẫn dạy ta “il revient de la promenade” nhưng có người Việt nào suốt trăm năm đó dịch ra “hắn trở về từ cuộc đi dạo” đâu mà phải là “Hắn đi dạo về” chứ.

Thời điểm bạn bè bên cánh toán lý hoá sống khoẻ nhờ nghề của họ, (bọn cũ gọi là hành nghề, tiếng Việt “hiện đại” gọi là tác nghiệp, hẳn hành nghề không Tàu bằng tác nghiệp nên bị loại), thì bọn thầy giáo văn sử địa vẫn triền miên tơi tả. Tôi có lẽ không đến nỗi ngu lắm nếu ngay từ năm lớp 10 không chọn ban văn chương C mà cứ học ban B hoặc A , nay đã khỏi dạy giảng văn láo toét có vẻ gian mà vẫn đói. Tôi tự nhiên đâm giận chính mình không dạy được mấy môn khoa học, vừa kiếm được gạo lại vừa vô can với dối trá tràn lan, lại có dịp cười mấy tay đồng nghiệp lưu dụng dạy văn say mê như thiệt. Chuyện tào lao khó tin nhưng sự thật, đời tôi chuyển theo hướng văn chương chữ nghĩa tầm phào ngay từ năm lớp 6 lớp 7 chỉ vì bị nhập tâm một cách tự nhiên mấy khổ thơ, mấy đoạn văn xuôi trong sách giáo khoa ngày trước thầy cho học. Nhiều lắm nhưng xin chỉ trích thí dụ đoạn này:

Nắng mới
Sinh tới vén rèm mở tung cửa sổ, ánh sáng ùa tràn vào thành luồng lớn khiến chàng ngợp trong sóng vàng chói lọi.
Màu nắng vàng tươi, không nồng lắm và trong như lọc. Da trời xanh lơ lơ, thứ màu xanh e lệ của một thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng. Những mái tranh, những khóm lá, cho tới những nếp núi lượn ngoài xa tít đều hiện ra với những hình sắc rõ rệt.
Những thanh âm rộn rã bay lên thinh không. Tiếng người nói, tiếng trẻ em nô đùa đâu ở phía chùa làng Sinh nghe lạ tai. Tiếng kêu khô khan của một thân cây nào nứt nẻ không biết vì căng nhựa xuân hay vì phơi nắng mới. Tiếng guốc đập lộp cộp ròn rã trong ngõ hẻm khô ráo, tiếng răng cào lê trên sân thóc nghe rào rạo.
Sinh hé miệng cười. Chàng vừa nghe tiếng chim hót, một tiếng chim quen. Cứ mỗi mùa xuân trước, lang thang dưới những lùm cây, chàng thường lắng nghe tiếng ca của giống chim ri, giọng trong và nhọn hoắt, điệu kỳ quặc: lúc đầu ba tiếng dài lơi nhịp rồi sau bỗng tiếng hót đổ hồi.
Chàng yêu chúng lắm, gần như ta yêu bạn đồng tâm, bởi mỗi khi xuân về, chúng lại trở lại ca mừng để hợp điệu với niềm vui sướng của lòng chàng.
Bùi Hiển-Nằm vạ.

Đoạn văn thể hiện một thứ tiếng Việt trong sáng và tinh tế hiếm thấy. Tôi chỉ cho đám học trò nhỏ tác giả rất kiệm lời, chữ nghĩa cô đọng, chọn lọc, không hề một lần phải dùng thì, mà, là, cái, có…Những cảm giác về thị quan và thính quan được phân tích hết sức chính xác và tế nhị, phép so sánh và nhân hoá được vận dụng tài tình.(ba lần phân tích màu nắng, ba lần phân tích màu trời chỉ trong hai câu văn ngắn). Từ ngữ giản dị mà gợi tả, từ láy âm tượng thanh thích nghi, câu văn đầy nhạc điệu êm xuôi như reo vang một niềm xuân phơi phới. Đọc đoạn này không cách gì khỏi liên tưởng tới làng quê tôi xinh đẹp thanh bình ngày cũ, những buổi sáng nắng xuân rạng rỡ, êm đềm trên ngàn hoa lá, chim chóc ríu rít sau vườn. Cũng tự nhiên nhớ đến trường đoạn tả mùa xuân trong tấu khúc Bốn mùa của Vivaldi, nhất là chỗ tả tiếng chim trong văn và trong nhạc, có cái gì trùng hợp như hai kẻ tri âm cùng cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, trộm nghĩ ngôn ngữ VN đâu kém gì âm nhạc của Vivaldi! (Tiện đây xin tỏ lòng biết ơn người bạn hiền gửi cho đĩa nhạc toàn bộ flute của Vivaldi, nghe xong, quả thấy đời đáng sống hơn và nghĩ điên điên, ngoài…mì Quảng tôm cua với chút nước lèo cô đặc thì thứ âm nhạc này chính là loại thực phẩm trần gian mình phước đức may mắn được hưởng, đâm ra bắt đầu …sợ chết không được ăn mì và nghe flute tây phương nữa!).

Ở đây tôi chỉ nói tâm hồn mình đã được nuôi dưỡng thế nào, mỹ cảm đã được rèn luyện ra sao, đã được hấp thụ thứ văn hoá theo kiểu giáo dục không thực dụng mà thiên về cái đẹp nào chứ cũng biết nay không ai viết văn xuôi như truyện ngắn Bùi Hiển hay Xuân Diệu trong Phấn Thông Vàng hoặc Trường Ca nữa. Ai để tâm cũng có thể nhận ra câu văn Việt ngữ thời Tự Lực Văn Đoàn khác xa thời Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh ra sao, rồi thì câu văn xuôi của Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam tân kỳ hơn thời Tự Lực xa lắc mấy lần. Nhất định tôi phải tìm cách trở lại chuyện này, nói lên lòng biết ơn nhà văn quá cố Thanh Tâm Tuyền một lần về công trạng to lớn của ông đối với câu văn xuôi tiếng Việt. Tôi cũng xin vô phép mà thưa rằng cụ Nguyễn Hiến Lê và cả cụ Võ Phiến đã có phần sơ sót không đánh giá đủ văn xuôi đặc sắc của tác giả này và có vẻ không công bình lắm khi nói tới thơ ông. Có thật giá trị không, cái gọi là văn chương hiện nay trên net, đó chẳng qua chỉ là những câu chuyện ngăn ngắn có ý nghĩa xã hội hay tình cảm gì đó. Thời buổi nó vậy thì ta chấp nhận vậy chứ chả thấy chút gì hào hứng về chữ nghĩa văn chương. Nghe lời lẽ trong các bài hát hiện nay của đám trẻ, ai không kinh hoảng cho cái thứ văn hoá tạo ra các lời ca đó quả là kẻ phi thường hoặc là người đã đạt tới bậc tu hành chánh quả, bịt tai nhắm mắt trước chuyện ngôn từ quái dị, khùng điên.

Một người bạn ở Na Uy viết cho tôi có ý khen mầy dòng ký ức đơn sơ này, tôi thưa với anh rằng tôi chẳng phải nhà văn nhà báo gì, chẳng là thời gian dạy học dài, nhận ra lắm điều ngang trái, tìm cách nói lên cho nhẹ lòng, nhắm tới đám bạn bè cùng học chung là chính. Tôi sống vất vưởng cuộc đời hèn mọn, thường ngày thấy sư bạo hành đâm sợ sệt triền miên, tâm tình hiếm khi tịnh ổn. Ngoài nhóm bạn bè cùng học chỉ loe hoe năm bảy mống, tôi e dè nhút nhát chẳng dám giao du. Không đáng sợ sao khi ta như sống những tháng ngày không luật pháp trong một xã hội tận cùng sa đoạ, cả thiên hạ chạy theo tiền, xây dựng cơ ngơi trên dối gạt và ngang ngược, chẳng biết vì đâu nên nỗi. Cũng chẳng hiểu vì đâu ngôi trường từng dạy mấy mươi năm đến quen từng gốc cây, viên gạch, lúc giã biệt sao chẳng một niềm lưu luyến nhỏ, bao năm rồi chưa một lần trở lại, cả những gương mặt người cũng lẹ làng tan nhoè trong tâm tưởng, cớ gì đôi khi còn thấy nhẹ nhõm như cất được gánh nặng từng đeo đẳng dài lâu. Chẳng bù bè bạn tôi, những người bạn học bình thường, có khi tầm thường dưới mắt thiên hạ vì mọi người đâu biết họ là ai, nhưng không có họ trong những tháng năm dữ dội đó, hẳn tôi sẽ không biết sống làm sao. Khi Ng Th Cường cùng gia đình được bảo lãnh trèo lên máy bay qua Mỹ, tôi và Lâm H Tài như chết rồi.

Tên Cường là người vẽ đẹp và kể chuyện hay (nhất thế giới!), có điều đáng tiếc là hắn làm biếng vẽ nhưng được cái phát huy món kể chuyện, toàn những chuyện thời thế trên báo chí mà chỉ riêng hắn mới nhận ra được khía cạch khôi hài xạo láo, đôi khi chúng tôi ngớ người ra như được khai tâm. (Tôi khoái câu thơ của Thận Nhiên: “Đọc báo Công an để mở mang trí tuệ”, sao ông không bổ sung: “Đọc báo Nhân dân để nâng cao kiến thức” cho đủ bộ).Quả thật đời mất vui khi không còn được nghe chuyện của Cường nữa. Hắn đi học tập cải tạo cũng khác người. Sau 75 quân nhân Miền Nam đều vào trại cải tạo, kể cả thành phần giáo sư trung học học xong lớp sĩ quan trừ bị Thủ đức được “biệt phái” về bộ giáo dục. Ngạc nhiên là những người dạy các trường thuộc địa phận tỉnh Long an thì chỉ phải học chính trị một tuần chung với hạ sĩ quan. (Nghe đâu tỉnh Khánh hoà cũng như vậy, không biết thực hư) Được đâu một vài tháng gì đó thì dường như sáng kiến nhân đạo chơi trội của chính quyền tỉnh Long an bị khiển trách thế nào mà để bù lại, họ tiến hành cuộc bắt bớ còng tay dữ dằn bọn biệt phái ngay lúc đang dạy học tại trường. Một buổi chiều công an đến đọc quyết định rồi còng tay cả lũ dẫn đi. Cường dạy tại một trường cấp 2,3 vùng quê Đức hoà, hàng rào kẽm gai quanh trường bị phá mất, trong giờ dạy tiếng Anh, trẻ chăn trâu đứng bên cửa sổ lớp cầm roi chỉ chỉ ông thầy như đe doạ trong khi đứa học sinh nhỏ xóm Bắc kỳ di cư nói ngọng, chỉ biết mỗi câu trả lời “Lô, ít lót” (No, it is not), hắn bực quá quằm rằm: “Tiên sư chúng mày, hỏi gì cũng lô it i lot, trong thì thù ngoài thì giặc!” Trại cải tạo lúc hắn vào vẫn do một đơn vị bộ đội quản lý, thời gian sau, giao lại công an. Vì quản lý hồ sơ lộn xộn sao đó, họ tiến hành “rà soát” lại, họ hỏi cung từng người để lập lại hồ sơ. Cường ngồi nghe đối đáp giữa viên công an và tay giáo viên dạy toán có hỗn danh Dũng điên: “Lúc tiến hành bắt anh, người ta tuyên bố anh bị bắt vì tội gì?” “Dạ, tôi không nhớ chắc, hình như tôi nghe họ nói cản bánh xe lịch sử gì đó. Thưa cán bộ, tôi không có cản gì bánh xe lịch sử, tôi toàn … né thôi”. Viên công an nghiêm mặt, ghi ghi chép chép gì đó. Lúc trở về trại, Cường nói với Dũng điên: “Mày …điên vừa vừa thôi chứ, dù có thật thế mà kiểu nói của mày như chọc cười, nó nhốt mút mùa nghe con.”Dũng bảo tao tính nói bánh xe lịch sử chạy xà niễng cọ quẹt lung tung, chạy tới đâu, tao né tới đó, tao xuống ruộng đứng nhường đường cho nó chạy chứ cản sao đươc, không biết nó ghi cụ thể tao bị bắt vì tội gì nữa, kinh quá. Tới phiên mình, Cường cũng bị hỏi câu nọ. Cường nói: “Lúc bắt tôi, họ đọc cái gì đó tôi không còn nhớ nguyên văn, nghe như có tiếng phản động…”. Viên cán bộ cướp lời: “Vậy là anh mắc tội phản động rồi!” liền lăm le cầm bút ghi tội danh phản động. Cường hoảng hốt đưa tay ngăn: “Đó là họ nói theo lý thuyết gì đó chứ tôi chỉ dạy tiếng Anh theo phân công, làm gì mà phản động, xin cán bộ đừng ghi tội đó.”Đêm trở về trại Cường lo sợ mất ngủ, nói với Dũng điên: “Mày cản bánh xe lịch sử còn nhẹ tội hơn tao phản động. Ma quỷ xui khiến tao cũng…điên như mày hay sao mớm cho nó tiếng phản động, khốn nạn thật!”. Cường còn kể câu chuyện Nam triều mà hắn cam đoan là thật 100%. Tài liệu học chính trị có nhắc tới chuyện Ngô Đình Diệm làm quan ở Nam triều, có người cắc cớ hỏi “báo cáo viên” rằng làm quan ở Nam triều là ở đâu, ông này là người Bắc bị hơi ngọng, trả lời trôi chảy: “Nam chiều tức nà Nam chiều tiên mà bọn Nguỵ gọi nà Nam hàn, tức nà… Đài noan đấy.”Lâm H Tài thì kể lúc vào trại, đám trại viên được lệnh đập phá các nhà vệ sinh bàn cầu nắp đậy bằng nước mà đi đào hố để “giải quyết” chuyện ỉa đái. Y lầm bầm: “Chết mẹ rồi, mất cả trăm năm cải tiến từ hố xí mới lên được nhà cầu, nay lại phải đập phá để ngược về hố xí, cũng như mất ngàn năm máu me cách mạng các thứ mới tới tam quyền phân lập, nay lại dồn lại một đống cho tiện bề cai trị! Thua!”

N.K


-----------------------------------

Ký ức sơ sài - Nguyễn Khiêm
.
.
.
.
.
.
Ký ức sơ sài (6) - 29/08/2009
.
Ký ức sơ sài (7) - 22/01/2010
.
.
.
.
.
.
Ký ức sơ sài 13  -  02/03/2011
.
.
.


No comments: