Văn Chu
Cập nhật ngày: 20/03/2011
Ngày 28-2 vừa qua, ông Trịnh Xuân Tùng, 53 tuổi, cư ngụ ở 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh và dân phòng phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, đánh gẫy cổ, và đã tử vong hôm 8-3 tại Bệnh viện Việt Đức sau 6 ngày nằm liệt hôn mê. Ngay sau khi bị đánh thương tích trầm trọng và bất tỉnh, ông Tùng bị còng mang về phường và công an tại phường Thịnh Liệt không cho chở đi cấp cứu ngay dù có sự van xin của gia đình nạn nhân. Sự cố công an hành hung giết chết ông Tùng bắt nguồn từ việc ông đã tạm gỡ mũ bảo hiểm để gọi điện thoại trong lúc đi xe ôm.
Mới đây hơn, ông Đặng Ngọc Trung, ngụ KP Tân Trà, P. Tân Xuân, Thị xã Đồng Xoài, sau một đêm bị tạm giữ tại sở công an xã Tiến Hưng, Đồng Xoài, cũng đã tử vong ngày 15/3. Công an đã thông báo với người nhà ông Trung là nạn nhân đã thắt cổ tự vẫn. Tối hôm trước ông Trung đi hát Karaoke và có cãi vã xung đột với một cô gái tại quán Karaoke ABC. P. Tân Xuân, nên đã bị bắt về sở Công an để điều tra.
Hiện tượng người dân chết trong tay của công an nhân dân mấy năm gần đây càng ngày càng phổ biến.
Tổ chức Theo Dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) năm ngoái đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra các vụ cáo buộc công an hành xử tàn bạo với dân. Trong bản thông cáo ngày 22-9-2010, tổ chức này cho biết rằng họ có trong tay tài liệu về 19 vụ bạo hành bởi công an Việt Nam, với 15 người chết, trong một năm qua. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Á châu của HRW, nói: “Thông tin về các vụ bạo hành của công an đang ngày càng nhiều một cách đáng báo động ở Việt Nam, gây quan ngại nghiêm trọng rằng các sai phạm này khá phổ biến và có tính hệ thống”.
Blogger Đinh Tấn Lực trong bài Nồi cao áp “Ổn Định” đã bật tung nắp đã thu thập được khoảng 22 trường hợp người dân từ chết đến bị thương bởi công an trong vòng một năm từ tháng 9-2009 đến tháng 9-2010.
Tấm panô “Công an Nhân dân - Chỉ biết còn Đảng còn mình”.
Trong số vụ công an hành dân gây thương vong trên, đại đa số không phải vì lý do chính trị mà có khá nhiều vụ do không đội mũ bảo hiểm. Đây là điều khá mỉa mai, vì công an chặn phạt người dân đáng lẽ mục đích để bảo vệ an toàn cho người dân nếu có tai nạn thì khỏi chấn thương sọ não. Ai dè chính công an lại là tai nạn của người dân và là nguyên nhân gây vỡ đầu thương vong khi chặn xe.
Có lẽ ta cũng không nên vơ đũa cả nắm để mà cho rằng tất cả cán bộ công an đều là hung thần đánh dân. Nhưng khi mà hiện tượng hành dân thô bạo càng ngày càng lộ rõ tính hệ thống như vậy, thì người dân khó mà nhìn công an với thiện cảm tin tưởng.
Lý giải sao về hiện tượng công an đánh chết dân nhiều như thế?
Có thể đây là chuyện bình thường vốn có từ trước đến nay do bản chất của bộ máy bạo lực áp chế dân trong các chế độ độc tài, nay nhờ cuộc cách mạng truyền thông phá vỡ được phần nào hệ thống bưng bít thông tin của chế độ nên người ta mới được biết nhiều hơn?
Nếu không phải như thế, thì câu hỏi sẽ là tại sao công an nhân dân càng ngày càng hung bạo với nhân dân của mình?
Phải chăng vì càng ngày công an nhân dân càng bị nhồi vào đầu rằng nhiệm vụ chính yêu nhất của họ là bảo vệ Đảng, như qua khẩu hiệu Công An: “Còn Đảng, Còn Mình” nên giờ đây đối với họ sinh mạng của người dân trở nên rẻ rúng không đáng kể? Hay phải chăng đây là sự hung bạo được chỉ đạo có hệ thống để khủng bố tinh thần, làm gia tăng sự sợ hãi nơi người dân, khi chính Đảng CSVN đang lo ngại nhân dân sẽ đứng dậy hất Đảng xuống khỏi cổ mình..? nên dễ xem dân như kẻ thù địch để thẳng tay đập cho bõ ghét?
Nếu quả như thế thì từng cá nhân công an đang bị liên đới bước vào con đường ác tha hóa mà họ sẽ phải trả giá sau này. Vì trong thời đại mà màn bưng bít thông tin bị phá vỡ, người dân càng ngày sẽ càng không thụ động ngồi yên để cho công an tự tung đánh đập mình như súc vật. Vì càng ngày càng nhiều người dân ý thức được các quyền căn bản của mình theo hiến định và đang dần dần biết dùng sức mạnh của đám đông để thắng sự sợ hãi mà đòi công lý. Những biến động tại Cồn Dầu sau khi công an phá chặn đám tang cụ bà Maria Tân rồi giết anh Nguyễn Văn Nam, rồi sự phẫn nộ của dân Bắc Giang kéo đến làm sập cánh cổng trụ sở UBND sau khi anh Nguyễn Văn Khương chết trong tay công an là những dấu hiệu báo trước sự chuyển mình của người dân. Cũng thế, dân Hà Nội cũng đã kéo tới nhà nạn nhân Trịnh Xuân Tùng để thăm viếng, hiệp thông với tang gia. Và càng ngày người dân đã biết nêu đích danh những nhân sự thủ phạm trách nhiệm chính gây thương vong cho người công dân, để ghi sổ bắt các nhân sự này chịu trách nhiệm trực tiếp, chứ không còn có thể núp đằng sau bộ máy tập thể của cơ chế. Điển hình là trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã bị nhận diện là người trách nhiệm chính trong cái chết của ông Tùng, để không sớm thì muộn sẽ phải trả lời về hành động của mình trước toà án công lý.
Người ta cũng sẽ không ngạc nhiên nếu thấy trước sức ép của công luận càng ngày càng tăng từ phia người dân, khi Đảng khó mà còn có thể bịt miệng gia đình nạn nhân hay bao che cho người công an đã bị lộ diện rõ rang là tàn ác, thì người công an này sẽ sẵn sàng bị hy sinh, cho hết còn mình để còn Đảng.
Trong lúc này, người dân đang tiếp tục làm việc đầu tiên là đưa tất cả tên tuổi công an ác ôn vào sổ sách để có ngày toà án công lý thật sự của dân tộc phán quyết. Hiện nay đã có những nơi lưu trữ loại dữ kiện này như website Câu Lạc Bộ Nó Kìa (http://clbnokia.wordpress.com/).
Người Việt trong và ngoài nước không thể để các cái chết oan ức vì tay công an nhân dân "còn Đảng, còn mình" cứ tiếp tục xảy ra rồi trôi vào khoảng không vì nạn bịt miệng từ chế độ hay vì sự thụ động cam chịu trong sợ hãi.
Văn Chu
.
.
.
No comments:
Post a Comment