Thursday, March 10, 2011

KADDAFI ĐANG ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA SADDAM HUSEIN (Abdalla Iskander)

Abdalla Iskander (Al Arabiya, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, 02/03/2011)
Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20110307/167133271.html

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 08 tháng 3 năm 2011

Kaddafi đã “pha trò” trong lần phát biểu trên TV, được truyền qua cả Mĩ, vào ngày 28 tháng 2 vừa qua. Đấy là lúc ông ta nói rằng nhân dân Libya vẫn yêu ông ta và sẵn sàng chết vì ông ta. Đây có thể là lần pha trò cuối cùng của ông ta. Kaddafi có một kho vô tận những mánh khóe và trò khôn vặt nhằm giúp ông ta giữ càng lâu càng tốt địa vị lãnh tụ mà ông ta đã giữ từ năm 1969. Nhưng chính lời tuyên bố đó có thể trở thành nguyên nhân của bi kịch đối với nhân dân Libya.

Nhiều người lên án chế độ khát máu của Kaddafi, lên án sự độc đoán và thái độ hờ hững đối với thế giới của ông ta, đặc biệt là hờ hững với nhân dân Libya và những khát vọng của họ, nhưng Kaddafi là kẻ lừa bịp hạng nhất, ông rất thành thạo trong nghề mua chuộc trái tim và khối óc người khác. Chính điều đó đã giúp ông ta cai trị Libya suốt hơn 40 năm qua. Ông ta lập tức sử dụng những thủ thuật của mình mỗi khi có áp lực từ nhân dân Libya hay từ cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, ông ta sẽ không cần suy nghĩ lâu trước việc sử dụng tất cả các khả năng nhằm giúp ông ta giữ vững quyền lực. Càng ngày ông ta càng ít quan tâm đến việc Libya sẽ như thế nào sau khi ông ta ra đi.

Câu chuyện của Kaddafi sẽ không diễn ra theo kịch bản ở Tunisia và Ai cập – tại những nước này người ta đã thuyết phục tổng thống rút lui – vì các nước này khác xa Libya, đấy là nói về sự tập trung quyền lực.

Ở Tunisia và Ai Cập quyền lực và chỗ dựa của tống thống là quân đội. Nguyên nhân là do uy tín của quân đội và sự hợp tác của quân đội hai nước này với Mĩ. Quân đội Tunisia không còn hợp tác với tổng thống Ben Ali và yêu cầu ông ra đi, không để quân đội chống lại nhân dân và giữ uy tín cho ông. Quân đội Ai Cập cũng hành động tương tự như thế.

Còn ở Libya, Kaddafi đã dùng mọi xảo thuật và lừa dối nhằm tiêu diệt quân đội mà ông ta cho là nguồn gốc đe dọa chế độ của ông ta. Ông ta nghĩ ra lí thuyết “nhân dân được vũ trang” và bắt đầu thành lập các đại hội nhân dân và ủy ban an ninh nhân dân nhằm bảo vệ chế độ. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Kaddafi đã gặt hái được thành quả từ những mánh khóe đó vì xung quanh ông ta không có lực lượng tương tự như quân đội đủ sức thuyết phục ông ta ra đi.

Ông ta đã nhanh chóng đánh mất quyền kiểm soát nhiều khu vực trong nước và hiện giờ đang cố thủ ở Tripoli cùng với những chiến hữu thân cận của mình, đấy là những người có liên hệ họ hàng với ông ta (người thân hoặc cùng bộ tộc) hoặc là đã cùng với ông ta phạm một loạt tội ác chống lại nhân dân Libya.

Khi Kaddafi nói rằng sẽ chiến đấu để giữ chính quyền là ông ta có ý nói rằng chỉ ra đi trong trường hợp có một cuộc tấn công quân sự nhằm thẳng vào Tripoli – pháo đài cuối cùng của ông ta.

Kaddafi biết rằng những người đối lập không dễ đưa ra quyết định tấn công quân sự một cách nhanh chóng. Nguyên nhân là do họ quá yếu và thiếu tổ chức. Ông ta cũng hiểu rằng chính quyền ở phần lớn các thành phố tan rã không phải là vì bị đe dọa vế quân sự mà là do dân chúng liên kết với phong trào đối lập. Vì vậy mà ông ta đã điều thêm các đơn vị trung thành với mình tới Tripoli nhằm ngăn chặn những cuộc nổi dậy của quần chúng, cũng như củng cố thành phố nhằm chuẩn bị cho chiến dịch quân sự.

Kaddafi theo dõi quan điểm của các nước trên thế giới và hiểu rằng đang có một kế hoạch can thiệp từng bước một. Bắt đầu từ việc áp đặt lệnh trừng phạt và đề nghị tòa án hình sự quốc tế điều tra, sau đó sẽ là các khoản trợ giúp nhân đạo và cuối cùng là chuyển quân. Việc ông ta tìm mọi cách giữ quyền lực chính là hành động khiêu khích thế giới can thiệp bằng quân sự. Có thể ông ta nghĩ rằng chỉ có như thế thì mới buộc ông ta rút lui mà thôi.

Có thể xung đột với quân đội nước ngoài ở Tripoli chính là điều mà Kaddafi muốn vì mục đích của ông ta là biến cá nhân mình thành hình ảnh của một người anh hùng chống lại cuộc tấn công của ngoại bang. Saddam Husein đã chả hành động như thế hay sao? Ông ta nghĩ rằng việc can thiệp quân sự của Mĩ vào Irak sẽ lại làm cho nhân dân trung thành với ông ta trong khi tất cả các tầng lớp trong xã hội Irak đã quay lưng lại với ông ta. Kết quả là: ông ta đã khiêu khích một cuộc can thiệp trong khi đáng lẽ ra là phải lùi bước và rời bỏ quyền lực. Mọi chuyện khác đều đã rõ.

Saddam Husein đã không thành công, ông ta đã gây ra cho Irak và người dân đất nước này biết bao nhiêu đau khổ. Kaddafi đã lầm khi nghĩ rằng số phận của ông ta sẽ khác. Ông ta cho rằng chỉ cần một vài ngày nắm quyền cũng đáng để ông ta đốt cháy nước Libya và phá hủy hết những gì còn sót lại.


Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20110307/167133271.html
.
.
.

No comments: