Wednesday, March 23, 2011

ĐIỆN HẠT NHÂN NHẬT BẢN: TỪ CỨU TINH ĐẾN HIỂM HỌA (Ngô Minh Trí)

20/03/2011
Với điều kiện địa lý, tự nhiên không thuận lợi, cũng không có tài nguyên dầu mỏ, than đá nên Nhật Bản phải dựa vào điện hạt nhân để phát triển của Nhật Bản. Nhưng trận động đất và sóng thần ngày 11.03 vừa qua lại cho thấy điện hạt nhân là một hiểm họa.
Kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, năng lượng hạt nhân trở thành một chiến lược ưu tiên cấp quốc gia của Nhật Bản, vì nước này bị lệ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu khi nhiên liệu nhập khẩu chiếm đến 61% sản lượng năng lượng của Nhật Bản. Đến năm 2008, sau khi chính thức hoạt động thêm bảy lò phản ứng hạt nhân mới tại Nhật Bản thì nước này có tổng cộng 53 lò phản ứng hạt nhân và trở thành quốc gia sử dụng điện hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Trước khi xảy ra thảm họa hiện nay, Nhật Bản có kế hoạch xây dựng thêm khoảng 15 nhà máy điện hạt nhân nữa, cũng như nỗ lực xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân ra thế giới.

Hiểm họa khôn lường
Thứ sáu tuần trước, ngày 11.03.2011, cơn thiên tai kép với động đất đi liền cùng sóng thần đã khiến cho Nhật Bản thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản. Nguy hiểm hơn nữa là các lò hạt nhân ở Trung tâm Điện hạt nhân Fukushima Daiichi liên tục xảy ra cháy nổ và phát tán bụi phóng xạ ra môi trường. Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng hạt nhân diện rộng.
Cho đến tối thứ Ba vừa qua, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản có dấu hiệu vượt ra ngoài tầm kiểm soát sau khi có báo cáo chính thức về vụ nổ thứ ba và cảnh báo những thiệt hại có thể xảy ra cho một thùng chứa chất phản ứng hạt nhân quan trọng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima. Thủ tướng Naoto Kan đã phải đưa ra một tuyên bố ngắn gọn nhưng đầy lo lắng rằng: “Mức độ phóng xạ có vẻ rất cao và vẫn còn một nguy cơ cao về việc rò rỉ chất nhiễm xạ ra ngoài”. Ông Kan cũng căn dặn rằng: “bất cứ ai ở trong bán kính 18 dặm của nhà máy thì nên ở yên trong nhà”, trước đó, chính phủ chỉ khuyến cáo mức ảnh hưởng trong vòng 12 dặm.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano thì cảnh báo rằng mức bức xạ tại các nhà máy điện nguyên tử đã tăng đến mức “rõ ràng có thể gây ra tác động cho cơ thể người”, lượng bức xạ tăng mạnh được cho là do sự cháy nổ tại lò số 4. Ông Edano cũng cho biết rằng có thể sức nóng từ các lò phản ứng khác đã gây ra nhiên liệu dư thừa tạo nên khí ga hidro ở lò số bốn nên tạo ra cháy nổ. Trong sáng thứ ba, mức độ phóng xạ tại khu vực nhà máy đã tăng lên đến 30 – 400 millisieverts/giờ. Mức độ phóng xạ 400 millisieverts tương đương với 40 rem. Đây được xem là mức độ khá cao khi mức 25 rem có thể gây ra vô sinh ở nam giới, 100 rem có thể gây ra bệnh tật và 400 rem đủ sức tước đi sinh mạng của người bị nhiễm. Ủy ban điều tiết hạt nhân Hoa Kỳ đã thực hiện quy định rằng không để các công nhân làm trong các nhà máy hạt nhân nhiễm quá 5 rem mỗi năm, với mức độ phát xạ hiện tại nhà máy Fukushima thì chỉ cần 7 phút là đủ để một người bị nhiễm xạ đạt mức 5 rem. Hiện tại, 800 công nhân của nhà máy đã được đưa đi và chỉ còn giữ lại 50 công nhân nhằm nỗ lực cứu vãn tình hình.
Chính vì thế, mặc dù các số liệu trước đó chưa cho thấy mức độ nguy hiểm cao, thì người ta vẫn khó có thể yên lòng. Trước đó, chính quyền tại thủ đô Tokyo và các địa phương khác xung quanh thành phố đã cho biết rằng họ đã phát hiện mức bức xạ cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ tác động lên cơ thể người.
Nhận xét về tình hình các lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản, ông Hiroaki Koide, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Phản ứng hạt nhân của Đại học Kyoto, phải tuyên bố rằng: “Chúng tôi đang bên bờ vực. Giờ đây chúng tôi phải đối mặt với trường hợp xấu nhất”.

Kinh tế chao đảo
Kèm theo những lo ngại về tình trạng nhiễm phóng xạ khi các vụ nổ liên tiếp xảy ra, kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với sự sụt giảm nhanh chóng. Theo ước tính ban đầu, trận thiên tai kép này đã gây thiệt hại lên đến 180 tỷ đô la Mỹ cho Nhật Bản. Trong ngày thứ hai, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã giảm 6%, khiến cho hơn 230 tỷ đô la giá trị cổ phiếu bốc hơi. Sang thứ ba, ngay sau khi có tin cháy nổ tại nhà máy điện hạt nhận Fukushima đã khiến cho chỉ số Nikki nhanh chóng giảm thêm 14%, sau đó lên lại nhưng vẫn giảm đến 10,6% và xuống chỉ còn 8.605,15 điểm. Đây là mức sụt giảm nhiều nhất trong một ngày của chỉ số Nikkei kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Chỉ số chứng khoán Topix của sàn Tokyo cũng đã trải qua sự sụt giảm đến 9,5%, mức sụt giảm trong hai ngày thứ hai và thứ ba của chỉ số Topix được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Cổ phiếu của Toshiba Corp – chủ sở hữu công ty Westinghouse chuyên sản xuất và cung cấp lò phản ứng hạt nhân – đã nhanh chóng mất giá đến 19,5%. Nhiều công ty không phải của Nhật Bản nhưng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân cũng bị ảnh hưởng nặng nề, giá cổ phiếu của tập đoàn General Electric, chuyên cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân, và là nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho Trung tâm Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, đã giảm 2,2%. Nhà sản xuất uranium lớn thứ hai toàn cầu là Camero của Canada cũng bị mất giá cổ phiếu đến 13%.
Nguy hiểm hơn, các ngành công nghiệp quan trọng của Nhật Bản như sản xuất ô tô, chíp và nhiều hàng hóa khác sẽ bị đình trệ nghiêm trọng. Sự đình trệ của nền sản xuất Nhật Bản đã tác động mạnh mẽ đến thị trường thế giới. các nhà sản xuất của các quốc gia trên thế giới tranh giành nhau để đảm bảo nguồn cung cấp vì lo ngại sản xuất của Nhật Bản có thể đình trệ lâu dài. Hãng nghiên cứu thị trường iSuppli cho biết rằng các linh kiện điện tử có thể thiếu hụt đáng kể nên sẽ tăng giá trong thời gian tới. Nhiều dự báo cho thấy việc gián đoạn nguồn cung cấp này có thể kéo dài trong nhiều tháng tới.

.
.
.

No comments: