Wednesday, March 16, 2011

HỘI THẢO TẠI HOA KỲ về CÁCH MẠNG HOA LÀI

Lê Thị Kim Dung
Cập nhật ngày: 15/03/2011

Trong thời gian gần hai tháng qua, làn sóng biểu tình bất bạo động đòi tự do dân chủ của nhân dân các nước Tunisia, Ai Cập đã mang đến thành công ngoạn mục khiến toàn thế giới phải quan tâm theo dõi. Được mệnh danh là cuộc Cách Mạng Hoa Lài, làn sóng dân chủ từ Tunisia đã lan tràn sang các nước Libya, Yemen, Bahrain, Iran. Vùng Bắc Phi và Trung Đông trở thành niềm hy vọng và kinh nghiệm cho nhân dân các nước còn đang sống dưới chế độ độc tài.

Riêng đối với Việt Nam, biến cố này có thể là một dấu hiệu thuận lợi cho phong trào dân chủ, mà mục tiêu cuối cùng là tháo gỡ ách độc tài cộng sản, xây dựng đất nước phồn vinh. Để tìm hiểu vai trò của các thành phần dân tộc trong cuộc đấu tranh hiện nay tại Việt Nam, đồng thời góp ý cho một phương hướng đấu tranh hữu hiệu cho dân tộc; một số hội đoàn và nhân sĩ trong cộng đồng Nam Cali đã tổ chức một buổi thảo luận dưới hình thức Diễn Đàn Công Chúng, với chủ đề “Biến Động Tại Bắc Phi & Trung Đông Sẽ Ảnh Hưởng Gì Đến Việt Nam.”

Từ 1 giờ 30 chiều ngày Chủ Nhật 13 tháng 3 năm 2011, gần 200 đồng bào Việt Nam quanh vùng Little Sài Gòn đã đến Westminster Community Center tham gia buổi thảo luận. Ngưòi ta nhận thấy sự có mặt của nhiều đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các nhà hoạt động trong cộng đồng ngồi trong cử tọa. Đặc biệt giới truyền thông báo chí, các đài truyền hình Việt ngữ cũng có mặt đông đủ. Trên bàn tham luận đoàn, chúng tôi thấy có:
- Ông Nguyễn Văn Ức, Cựu Sĩ Quan Không Quân QLVNCH
- Luật sư Đoàn Thanh Liêm, Cựu Tù Nhân Chính Trị
- Nhà báo Vi Anh, Cựu Dân Biểu VNCH
- Anh Lê Billy, Phó Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam, Nam Cali
- Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng, Tổng Bí Thư Việt Nam Quốc Dân Đảng
- Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt, Ủy Viên Trung Ương Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng
Đặc biệt có sự tham dự từ trong nước của Luật sư Lê Trần Luật và Nhà Dân Báo Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Người điều hợp cho buổi thảo luận là nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Một số hình ảnh :

Đúng 14 giờ, sau nghi thức mở đầu, đại diện Ban Tổ Chức anh Lê Billy, Phó chủ tịch Ngoại vụ Tổng Hội Sinh Viên Miền Nam Nam Cali phát biểu lời chào mừng và cám ơn quan khách cùng đồng bào đến tham dự Diễn Đàn Công Chúng. Điều hợp viên Đinh Quang Anh Thái đi ngay vào chương trình và mời đồng bào xem video hình ảnh về các cuộc đấu tranh bất bạo động đã thành công trên thế giới. Kế đó là phần phát biểu của hai nhà đấu tranh trong nước Luật sư Lê Trần Luật và Blogger/dân báo Mẹ Nấm. Luật sư Lê Trần Luật cho rằng Cách Mạng Hoa Lài đã có ảnh hưởng tới Việt Nam và khi một nền độc tài như chế độ cộng sản Việt Nam không được thừa nhận, nhân dân sẽ đứng lên. Để nhân dân không còn sợ hãi chế độ độc tài, cần có sự nhận thức nơi mọi người. Trả lời câu hỏi về vai trò của quân đội, Blogger Mẹ Nấm cho rằng quân đội có thể chia làm hai khuynh hướng: một đứng về phía nhân dân, phần còn lại sẽ chống lại khi cách mạng nổ ra. Mẹ Nấm nhấn mạnh phải đợi đến sau phiên tòa xử Luật sư Cù Huy Hà Vũ mới biết thật sự quân đội có đứng về phía nhân dân hay không.

Sáu tham luận viên đã lần lượt nói lên quan điểm của mình; nhà báo Vi Anh cho rằng Cách Mạng Hoa Lài không phải là “sẽ” mà “đã” có ảnh hưởng tới Việt Nam, đã tạo sự phấn khởi trong nhiều người, nhiều đoàn thể, như đã thấy trong thời gian qua. Luật sư Đoàn Thanh Liêm nói đến xu thế tiến đến dân chủ của thời đại ngày nay, trong lúc ông Nguyễn Văn Ức đề cập vai trò của quân đội. Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng (VNQDĐ) đã nêu lên mục tiêu chung các đảng phái chính trị cũng như dân tộc là dân chủ, dân sinh. Cuối cùng, Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt nói lên khát vọng đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân Việt Nam. Ông cho rằng chìa khoá thành công cho cuộc cách mạng ở Việt Nam là phương pháp đấu tranh bất bạo động, gồm một số điểm căn bản: phải nhận diện các cột trụ chống đỡ độc tài, có số đông, có kỷ luật, và kiên quyết.

Có 19 đồng bào đã lần lượt lên phát biểu quan điểm của riêng mình chung quanh câu hỏi: Biến Động Tại Bắc Phi Và Trung Đông Sẽ Ảnh Hưởng Gì Đến Việt Nam? Nhiều ý kiến tiêu biểu như của ông Phạm Trần Anh cho rằng không nên bỏ qua cơ hội và khẳng định cách mạng tại Việt Nam sẽ thành công. Câu hỏi cuả ông Trần Trung Dũng “Làm sao cho nhân dân hết sợ?” đã được Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt trả lời thoả đáng khi cho rằng thật ra chính nhà cầm quyền cộng sản cũng đang lo sợ; vấn đề là làm sao để mọi người dân đều biết điều đó và biết sức mạnh của toàn khối nhân dân. Ông kết luận: “Hiểu biết chính là sức mạnh”. Nhiều sinh viên trẻ cũng lên chia sẻ ý nghĩ của mình về truyền thông liên mạng, sử dụng Internet, Facebook, Twitter v.v…

Cũng có người đặt câu tự hỏi phải chăng người Việt Nam hèn nên không dám đứng lên. Ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc đài RFA, không đồng ý và nói: người Việt chẳng những không hèn mà còn rất đoàn kết trong những lúc đất nước nguy nan. Một câu hỏi về các đảng phái chính trị đã làm gì được Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng và Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt trả lời, như vận động chính trị quốc tế, giúp kỹ thuật vượt tường lửa, phá vở bưng bít thông tin, tạo sinh hoạt xã hội dân sự, v.v... Mặc dù còn rất nhiều người muốn tiếp tục lên phát biểu, nhưng cuộc hội luận phải chấm dứt lúc 16 giờ 30.

Trước khi điều hợp viên Đinh Quang Anh Thái tuyên bố bế mạc, đồng bào tham dự được xem một đoạn video ghi lại những công tác xuống đường mà cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới đã thực hiện để hỗ trợ đồng bào trong nước, được lồng trong nhạc phẩm Đáp Lời Sông Núi. Sau đó mọi người đứng lên ra về trong lưu luyến. Một số đồng bào còn vây quanh Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt để tìm hiểu thêm về phương thức đấu tranh bất bạo động. Một số sách báo, video về đề tài này cũng được gởi tặng đến đồng hương.

Buổi hội thảo này đã được truyền thanh và truyền hình trực tiếp trên hệ thống Internet. Ban tổ chức còn cho biết, Paltalk có khoảng 500 người theo dõi, VietFun 250 người và Yahoo có trên 1000 người theo dõi.

Theo sự đánh giá chung của một số đồng bào tham dự, cuộc hội luận đã đạt thành công về phương diện tổ chức tổng quát, hình thức sắp xếp mới mẻ, diễn tiến trật tự, phát biểu đi vào trọng tâm và tôn trọng dân chủ. Đặc biệt điều hợp viên Đinh Quang Anh Thái đã thật xuất sắc trong vai trò của mình từ đầu đến cuối. Buổi hội luận đã thực sự mang lại một sinh khí mới mẻ trong sinh hoạt cộng đồng Nam Cali.

Mọi người tự hỏi phải chăng giờ đây, đấu tranh bất bạo động là phương pháp duy nhất tháo gỡ được ách độc tài cộng sản tại Việt Nam?
Lê Thị Kim Dung

--------------------------------------------------
Việt Tân
Cập nhật ngày: 15/03/2011

Trước sự thôi thúc của Cách Mạng Hoa Lài tại Bắc Phi, đưa đến sự sụp đổ tiếp theo đó của nhà độc tài Mubarak của Ai Cập, nhiều người không khỏi tự hỏi: chừng nào tới Việt Nam? Trước câu hỏi đó cơ sở Việt Tân vùng Hoa Thịnh Đốn phối hợp với Viện Nghiên Cứu về Toàn Cầu Quốc Tế (Institute of Global and International Studies) của Đại Học George Washington và Hội Sinh Viên Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề Từ Cairo đến Hà Nội (From Cairo2Vietnam) trong khuôn viên của Đại Học George Washington tại DC vào ngày 7 tháng 3 vừa qua. Thành phần tham dự của buổi hội thảo bằng Anh Ngữ là các bạn sinh viên, du sinh và chuyên gia tại vùng DC.

Diễn giả gồm Dalia Zadia, một nhà tranh đấu dân chủ Ai Cập, giám đốc văn phòng tại Cairo của Nghị Hội Hồi Giáo Mỹ (American Islamic Congress), Daryn Cambridge, giám đốc về kiến thức và chiến lược điện toán của Trung Tâm Quốc Tế Nghiên Cứu về tương tranh bất bạo động (Director of knowledge and Digital Strategies of ICNC) và Hoàng Tứ Duy, Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân. Cô Nguyễn Trinh, một đảng viên Việt Tân trẻ, đã điều hợp buổi hội luận một cách sinh động.

Một số hình ảnh :

Chương trình mở đầu với đoạn phim của truyền hình Al Jazeera về biểu tình mới nhất của dân oan tại Việt Nam.
Sau đó Dalia Ziada nói chuyện trực tiếp từ Ai Cập qua hệ thống nối mạng Skype. Ziada là một blogger nổi tiếng và người đã trực tiếp tham gia những cuộc biểu tình từ ngày 25 tháng Giêng tại Cairo. Theo chị, người biểu tình xuống đường chính là vì để lấy lại được sự tự trọng (dignity) cho chính mình sau những năm tháng khiếp sợ trước bạo lực, vật lộn với nạn thất nghiệp cao, bất công xã hội và tham nhũng. Và khi mà cảnh sát dùng bạo lực gây chết chóc đổ máu thì thay vì sợ, người biểu tình chợt thấy mang người quá rẻ, nên càng muốn sống cho ra sống và đi tới đòi công lý.

Daryn Cambridge cho rằng 18 ngày biểu tình thành công tại Ai Cập không phải là biến cố tự phát phản ứng mà là kết quả của những chuẩn bị có kế hoạch. Và anh đề cập đến vũ khí mới trong đấu tranh bất bạo động là mạng vi tính như Twitter, Facebook đã giúp người dân chia xẻ thông tin nhanh chóng và điều động động nhau xuống đường
Kế tiếp, Hoàng Tứ Duy lược qua tình hình tại Việt Nam. Theo anh, Việt Nam chưa phải là Ai Cập ngay vì nhà cầm quyền vẫn còn kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam không có một khuôn mặt độc tài để dân chúng chĩa mũi dùi, mà độc tài tản núp sau cơ chế, và quân đội đã bị đảng hóa từ lâu chứ không phải là bộ phận độc lập như bên Ai Cập. Tuy nhiên, giống Ai Cập, Internet đang phá vỡ dần dần màn bưng bít kiểm duyệt và giới trẻ Việt Nam đang càng ngày càng bức xúc với nguyên trạng xã hội và sự bất công. Và những kiến thức và kỹ thuật về Đấu Tranh Bất Bạo Động đang được phổ biến.

Phần thảo luận hỏi đáp sau đó khá sôi nổi với sự tham gia tích cực của các bạn trẻ và du sinh. Các tham dự viên phần lớn đã nán lại trong phần tiếp tân nhẹ sau đó để trao đổi thêm và tạo mối dây liên lạc kết nối.
.
.
.

No comments: