Wednesday, March 16, 2011

BÁO TỔ QUỐC - SỐ 107 - NGÀY 15-3-2011


Tổng thống Ai Cập Mubarak nắm rất chắc quân đội và công an, cũng như tổng thống Tunisia Ben Ali. Khi Mubarak cuối cùng chấp nhận từ chức các tướng lãnh còn dành cho ông tất cả sự kính nể. Nhưng rồi chỉ một tuần sau đó họ cấm ông ra khỏi nước và niêm phong tài sản của ông. Nếu Mubarak không chết sớm ông sẽ bị xét xử sau khi đã chứng kiến những người thân bị tuyên án. Mubarak đang sống những ngày cuối đời bi thảm. Không có gì đáng ngạc nhiên, số phận của những nhà độc tài bị hạ bệ là thế. Và làn sóng dân chủ mới này sẽ cuốn đi mọi chế độ độc tài mở cửa về kinh tế. Vấn đề của những người cầm quyền trong các chế độ này chỉ là phải ứng xử thế nào để làm tác nhân thay vì nạn nhân của một chuyển hóa bắt buộc phải đến.

Một trong những nét đậm của thế giới trong những năm gần đây là các chế độ độc tài đều trở thành rất giống nhau ngay cả khi chúng xuất phát từ những nguồn gốc khác hẳn. Tất cả đều là những chế độ cướp bóc thuần túy dựa trên bạo lực, không hề nhân danh một lý tưởng, một đấng tối cao, một chủ nghĩa hay một mục tiêu quốc gia nào để thuyết phục nhân dân. Thuyết phục và khuất phục là đôi chân của mọi chính quyền. Các chế độ này chỉ có một chân, chúng không thể đứng lâu được.

Những động tác múa may để cố giữ thăng bằng, và đừng ngã, của các chế độ này cũng đều giống nhau và đã được biết. Chúng chủ yếu gồm ba thành tố: (1) tạo ra một lớp người mà quyền lợi và sự sống còn gắn bó chặt chẽ với chế độ, nói trắng ra là băng đảng hóa chính quyền; (2) xây dựng một lực lượng công an vũ trang đặc biệt chỉ có một mục đích duy nhất là đàn áp dân chúng và bảo vệ chế độ; (3) mua chuộc quân đội bằng những quyền lợi kinh tế, thí dụ như các xí nghiệp quân doanh, và đặt vào các chức vụ chỉ huy cao nhất những tướng lãnh rất tầm thường để không thể có tham vọng chính trị. Cả ba đều độc hại cho đất nước nhưng cũng nguy hiểm cho chính chế độ trong trung hạn. Chúng làm ung thối đảng cầm quyền bởi vì một chính đảng chỉ có thể tồn tại nếu đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị đúng. Chúng tạo ra với thời gian một xung đột không tránh khỏi giữa quân đội và công an. Nguy hiểm hơn cả là việc trao quân đội cho những tướng lãnh tầm thường, vì không ai có thể tiên liệu được hành động của những người thấp kém.

Chúng ta đã có thể nhìn thấy những dấu hiệu nguy hiểm cho chế độ CSVN: Đảng Cộng Sản đã mất vai trò lãnh đạo, thực tế là nó bị lấn át bởi một chính quyền do công an và tư sản đỏ kiểm soát. Quân đội ngày càng bất mãn, công an ngày bị thù ghét. Cái gì phải đến cũng sẽ đến nhanh bởi vì sau khi các chế độ độc tài Bắc Phi và Trung Đông đã sụp đổ hoặc tự chuyển hoá về dân chủ, chế độ CSVN và các chế độ độc tài còn lại sẽ phải sống trong một bối cảnh quốc tế rất khó khăn, sẽ bị nhìn như những rác rưởi phải quét đi để làm sạch thế giới.

Những áp lực sẽ gia tăng lên chính quyền cộng sản trong những ngày sắp tới là một cơ hội lớn cho những người dân chủ với điều kiện là họ biết đấu tranh có phối hợp và tổ chức. Nó cũng là cơ hội lớn cho những thành phần sáng suốt trong đảng CSVN để giành lại thế chủ động trong đảng, giúp đảng lấy lại vai trò lãnh đạo chính quyền và nắm thế chủ động trong tiến trình dân chủ hóa. Với mọi người Việt Nam đây là một thời cơ không thể bỏ lỡ.

Ban biên tập

DOWNLOAD
.
.
.

No comments: