Sunday, March 20, 2011

HỒI PHỤC NIỀM TIN CỦA NHẬT BẢN và NHỮNG GIẤC MƠ VĨ ĐẠI CỦA NGƯỜI NHẬT (CNN)

Rim lược dịch
19-03-2011

Ghi chú của CNN: Ayako Doi là một nhà báo độc lập và một thành viên của Hội Á châu, là một tổ chức chuyên hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ Hoa Kỳ - Á châu. Bài này nói lên quan điểm riêng của tác gỉa Ayako Doi.

Theo sau trận động đất lớn kinh hoàng, với sóng thần tàn phá khủng khiếp và tai họa khôn lường đến từ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, người ta khó mà tìm thấy cho được một cái gì gọi là may mắn hay một niềm an ủi nào qua đó. Chắc chắn, khi con người ta đang đấu tranh cho sự sống còn họ đã không thấy - mà ngay cả những người đang cố gắng giúp họ như khùng như điên kia cũng thế.

Nhưng theo dõi từ xa, cái thảm họa xảy ra cho con người mà giờ đây vẫn chưa thấu hiểu cho tận tường được đang trải ra đó, tôi đã có thể thấy một vài điều tích cực đầy tiềm năng và có thật.

Một chủ đề đã được báo chí quốc tế đăng tải về thảm họa này là người Nhật đã và đang lịch sự, trật tự và bình tĩnh như thế nào, ngay cả lúc đối diện với sự mất mát và khó khăn không tưởng tượng nổi. Một bản tường thuật qua đài truyền thanh nói là nạn nhân sóng thần đổ về đông đúc, chật ních những chỗ trú ẩn tạm thời đang chia sẻ cùng nhau mặt hàng khan hiếm là nước và mì gói mà không ai giành giựt hay than phiền gì. Một người Nhật nói là ông đã ứa nước mắt khi thấy một người sơ tán già cả đã cúi gập người để bày tỏ lòng cảm tạ khi ông ta nhận được một chén cơm khi ông đến được trạm trú ẩn tạm thời này.

Trong một tuần sau ngày thảm họa xảy ra ở Nhật Bản, không có một vụ cướp bóc nào được báo chí tường thuật tới, và tôi chưa thấy cảnh người ta la ó trong giận dữ hoặc đập bàn vỗ ghế. Ông Anderson Cooper của đài CNN đã quan sát mới đây thôi, cảnh một dãy dài xe hơi nối đuôi chờ mua xăng ở một trạm bán xăng, và ông bày tỏ niềm kinh ngạc khi ông không thấy ai gấu ó hay cắt ngang hàng xe đang nằm chờ tới phiên mình để giành mua xăng trước.

Một người xem đài truyền hình ở Trung Quốc phát biểu anh ta đã có được ấn tượng như thế nào khi thấy một đám đông người đi xe điện đang kẹt ở trạm vì không có xe điện, đã cẩn thận thu xếp chỗ ngồi, nằm để nhường một lối đi cho nhân viên cấp cứu có thể băng qua một cách thoải mái mà không phải dẫm lên những người khác. "Trung Quốc có thể qua mặt Nhật Bản về phương diện GDP, nhưng chúng ta không thể thi đua với trình độ lịch sự của người Nhật," anh viết trên Twitter, được hơn 700.000 lần đọc, theo nhật báo Mainichi Daily News.

Một bài bình luận khác được luân lưu rộng rải trên mạng là bài của một sinh viên người Trung Hoa đang theo học ở Đông Kinh (Tokyo), anh ta tường thuật ngay sau sự động đất, người thầy giáo Nhật Bản đã hướng dẫn sinh viên vào lối di tản khẩn cấp một cách bình tĩnh, một khi chắc chắn là không còn sinh viên nào trong lớp bị sót lại, người thầy giáo tắt đèn trước khi rời toà nhà. Nội cái chuyện có rất nhiều hầm trú ẩn ở Nhật Bản ở trường trung học không thôi đã làm cho người Trung Hoa kinh ngạc, vì họ nhớ đến trường học được xây dựng tồi, với phẩm chất kém là nơi đã bị sụp đổ trước hết trong trận động đất xảy ra năm 2008 ở tỉnh Sichuan, Trung Quốc.

Trong hai thập niên vừa qua, niềm tự tin ngày càng khô cằn ở Nhật Bản. Kể từ khi nền kinh tế thời hậu chiến bị vỡ bọt, nỗ tan tành ra trong năm 1991, niềm hy vọng cho sự cải cách chính trị và sự phát triển kinh tế đã liên tục bị ngăn chận vì tranh chấp giữa các phe phái và thiếu vắng một sự lãnh đạo chính trị. Với một dân số với người già nhiều hơn người trẻ, và một loạt những quyết định chính sách mang tính dân kiểm, thiển cận đã đưa Nhật Bản đến một món nợ khổng lồ khoảng 200% GDP, và rồi đưa đến sự trì trệ và nạn thất nghiệp cao, đặc biệt là giữa những người trẻ.

Sự vô gia cư trở nên là chuyện thường tình ở các thành phố Nhật Bản, và con số tự tử hàng năm lên tới con số 30.000 người trong 13 năm qua. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có hy vọng mua xe hay lập gia đình sớm, và họ không dám tưởng tượng đến chuyện làm chủ một căn nhà hay một ngày nào đó sẽ có con.

Khi thế hệ trẻ ngưng, không mơ đến những giấc mơ to lớn và bắt đầu tập trung để nghĩ đến sự tồn tại riêng của chính mình, thì Nhật Bản – đã một thời là chủ đề cho sự ngưỡng mộ và sợ hãi vì sức mạnh kinh tế và năng lực kỹ thuật khác thường – đã bị đánh rơi mất ra khỏi màn ra-đa thời sự thế giới.

Trong lúc Trung Quốc, với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng và khả năng quân sự ngày càng lớn rộng, đã lôi cuốn sự chú ý của mọi người, ảnh hưởng của Nhật Bản trong mối quan hệ quốc tế ngày càng nhỏ dần đi một cách đáng kể, cũng như mối quan tâm của thế hệ trẻ của Nhật Bản đối với thế giới bên ngoài. Và cũng như nhiều nước phương Tây đối diện với những vấn đề tương tự như một dân số già cả và khủng hoảng vì những món nợ quốc gia trong những năm qua, Nhật Bản đã tượng trưng cho một hình ảnh suy nhược đến nản lòng cho cái điều mà họ có thể trở thành nếu họ không thể cùng bắt tay nhau vào để quản lý lấy nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, nếu thế hệ Nhật Bản hiện nay vượt qua được những thách đố trong việc tái xây dựng lớn lao này, họ sẽ đạt được cái niềm tự tin làm nên cái đặc điểm của cha ông họ trước đây, những người đã bước ra khỏi đống tro tàn đổ nát của Đệ Nhị Thế Chiến và xây dựng Nhật Bản thành một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Nhưng sự phát triển thời hậu chiến của Nhật Bản sẽ không thể thành tựu được nếu không có sự trợ giúp của Hoa Kỳ và các nước khác, Nhật Bản ngày nay cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, ngay lập tức sau trận thiên tai này và cũng như là sự tái xây dựng dài hạn về sau.

Nhiều nước đã gởi những toán cấp cứu đến những vùng bị tàn phá bởi động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Một cách hy vọng, trên con đường tái xây dựng những cộng đồng của họ hứa hẹn khó khăn, dài lâu này, người Nhật Bản trẻ hôm nay sẽ không những lấy lại được sự tự tin trong chính họ, nhưng cũng nhận thức được rằng chúng ta đang sống cùng nhau trong một thế giới mong manh, dễ vỡ.

© DCVOnline

.
.
.

No comments: