Wednesday, March 16, 2011

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM Trong Giai Đoạn 1957 - 1990 (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 16 tháng 3 2011

Hội Nhà văn Việt Nam chính thức được thành lập tại Hà Nội vào tháng 4 năm 1957, thoạt đầu có 60 hội viên, đến năm 1983, tăng lên 317 hội viên chính thức và 53 hội viên dự bị (1). Trong danh sách hội viên ấy có hai người trước đây vốn cầm bút và nổi tiếng tại Sài Gòn, nhờ những hoạt động nằm vùng cho cộng sản, được kết nạp rất sớm sau năm 1975: Vũ Hạnh và Sơn Nam. Đầu năm 1985, thêm một người nữa cũng từng hoạt động cho cộng sản trước đây, được kết nạp: Đông Trình (tên thật là Nguyễn Đình Trọng, giáo sư Việt văn tại trường trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, tác giả tập thơ Rừng dậy men mùa, 1972).

Giữa năm 1989, theo bản Dự thảo báo cáo (lưu hành nội bộ) của Ban chấp hành Hội Nhà văn tại đại hội lần thứ tư, con số hội viên chính thức đã lên tới 477 người, trong đó, theo thể loại: về thơ có 138 người, về văn có 234 người, về kịch bản có 12 người, về lý luận phê bình có 36 người, về dịch thuật có 20 người; theo giới tính: nam có 445 người, nữ có 32 người; theo dân tộc: bảy người thuộc dân tộc thiểu số, còn lại đều là người kinh; theo tuổi tác: dưới 40 tuổi: 45 người; từ 41 đến 50 tuổi: 138 người; từ 51 đến 60: 140 người; trên 60 tuổi: 124 người. Người ít tuổi nhất là Hồ Anh Thái (28 tuổi), bốn người lớn tuổi nhất là Phạm Khắc Hoè, Khương Hữu Dụng, Tống Phước Phó và Lê Đại Thanh (trên 80).

Về cơ cấu tổ chức: tổ chức cao nhất là Ban chấp hành được bầu ra trong các dịp Đại hội toàn quốc. Ban chấp hành lại cử ra một tổ chức về đảng gọi là Đảng đoàn và một tổ chức về chính quyền gọi là Ban thư ký. Quyền lực chủ yếu nằm trong tay Đảng đoàn. Bí thư Đảng đoàn được bầu lại hằng năm và luôn luôn thay đổi tuỳ theo thế lực của từng người và từng lúc.

Trong nhiệm kỳ thứ nhất, từ năm 1957 đến năm 1958, đứng đầu Ban chấp hành là Nguyễn Công Hoan (chủ tịch), Tú Mỡ (phó chủ tịch), Tô Hoài (tổng thư ký) và ba ủy viên thường vụ: Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Đoàn Giỏi. Trong cuộc đấu tranh chống lại nhóm Nhân văn - Giai phẩm, tinh thần của Nguyễn Công Hoan cũng như một số ủy viên trong Ban chấp hành Hội Nhà văn bị
dao động mạnh khiến giới lãnh đạo miền Bắc nổi giận ra lệnh triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn vào ngày 2-7-1958 để cách chức Tô Hoài, đưa Nguyễn Đình Thi lên nắm chức tổng thư ký và trên thực tế, hoàn toàn vô hiệu hoá chức chủ tịch và phó chủ tịch của Nguyễn Công Hoan và của Tú Mỡ.

Đến Đại hội Hội Nhà văn lần thứ hai, được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 10.1 đến ngày 12.1.1963, chức danh chủ tịch và phó chủ tịch dành cho người đứng đầu Hội Nhà văn bị bỏ hẳn. Thế vào đó là danh hiệu tổng thư ký. Chức tổng thư ký lọt vào tay Nguyễn Đình Thi.

Đến Đại hội lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26 đến 29 tháng 9 năm 1983, Nguyễn Đình Thi vẫn tiếp tục nắm giữ chức tổng thư ký. Chức phó tổng thư ký, thoạt đầu, chỉ có một mình Chính Hữu, sau, tại Hội nghị Ban chấp hành họp và các ngày 27, 28 và 29 tháng 4 năm 1987, Nguyễn Khải được bầu bổ sung để cùng với Chính Hữu, chia sẻ trách vụ này. Trước khi Nguyễn Khải được bầu bổ sung, Ban thư ký Hội Nhà văn chỉ có 9 người, không kể Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu, những người còn lại là Nguyễn Khoa Điềm, Anh Đức, Hữu Mai, Hữu Thỉnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phan Tứ và Chế Lan Viên (đã mất ngày 19.6.1989).

Ngoài Ban thư ký, Đại Hội Nhà văn còn bầu một Ban chấp hành 44 người, gồm:

Vương Anh, Nguyễn Văn Bổng, Huy Cận, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Minh Châu (đã mất ngày 23.1.89), Lê Chí, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Diệu (đã mất ngày 18.12.85), Phan Cự Đệ, Nguyễn Khoa Điềm, Y Điêng, Anh Đức, Hà Minh Đức, Đoàn Giỏi (đã mất ngày 2.4.89), Tế Hanh, Tô Ngọc Hiến, Bùi Hiển, Tô Hoài, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Hữu Mai, Thép Mới, Giang Nam, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Lương Qui Nhân, Hồ Phương, Viễn Phương, Xuân Quỳnh (đã mất ngày 19.8.88), Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Xuân Sanh, Lý Văn Sâm, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Hoàng Trung Thông, Vũ Thị Thường, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phan Tứ, Chu Văn, Chế Lan Viên (đã mất), Bằng Việt, Đào Vũ.

Đại hội lần thứ tư được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 10 năm 1989 (không kể ba ngày đầu học tập Nghị quyết số 7 của Ban chấp hành Trung ương đảng). Đại hội lần này có ba đặc điểm nổi bật, khác hẳn các kỳ Đại hội trước: thứ nhất, đây là Đại hội toàn thể hội viên chứ không phải là Đại hội đại biểu; thứ hai, việc quyết định các chức vụ lãnh đạo Hội là do Đại hội bầu trực tiếp chứ không do Ban chấp hành hội đảm nhận; thứ ba, Ban chấp hành rất ít, chỉ có chín người: Nguyễn Quang Sáng, Xuân Cang, Nguyên Ngọc, Vũ Tú Nam, Hữu Thỉnh, Chính Hữu, Hữu Mai, Nguyễn Khải và Nguyễn Thị Ngọc Tú. Vũ Tú Nam làm tổng thư ký; Nguyễn Quang Sáng làm phó tổng thư ký.

Trực thuộc Ban chấp hành và dưới quyền Ban thư ký có các Ban công tác và các Hội đồng bộ môn. Các Ban công tác đã có từ lâu, riêng các Hội đồng bộ môn thì chỉ mới xuất hiện từ năm 1983 theo sáng kiến của Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá ba.

Có ba Ban công tác: Ban công tác hội viên, Ban công tác đối ngoại và Ban công tác nhà văn trẻ.

Có chín Hội đồng bộ môn: Hội đồng văn xuôi, Hội đồng thơ, Hội đồng lý luận phê bình, Hội đồng sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, Hội đồng dịch thuật, Hội đồng kịch bản sân khấu, Hội đồng kịch bản điện ảnh, Hội đồng văn học các dân tộc miền núi và Hội đồng văn học thiếu nhi.

Hội Nhà văn còn lập ra một Ban cố vấn đặc biệt coi như cách an ủi tinh thần của những nhà văn cao tuổi. Ban cố vấn trước đây có: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Như Phong, Thanh Tịnh và Lưu Trọng Lư. Bốn người đầu đã mất, chỉ còn Lưu Trọng Lư.

Hội Nhà văn, cách đây mấy năm, cố gắng kiện toàn Quỹ văn học do Nguyễn Văn Mãi làm giám đốc. Chức năng của Quỹ văn học là nghiên cứu và thực hiện các chế độ trợ cấp: trợ cấp sáng tác, trợ cấp đi thực tế, trợ cấp những nhà văn gặp khó khăn và những nhà văn cao tuổi.

Lúc mới thành lập, năm 1957, Hội Nhà văn có một cơ quan ngôn luận riêng: báo Văn; một nhà xuất bản riêng: nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Báo Văn
do Nguyễn Công Hoan làm chủ bút, Nguyễn Tuân làm phó chủ bút, Nguyên Hồng làm tổng thư ký. Ra được mấy số, báo Văn bắt tay ngay với nhóm Nhân văn - Giai phẩm, đăng thơ của Trần Dần, Phùng Quán, truyện của Phan Khôi, kịch thơ của Hoàng Cầm. Khi Báo Học Tập, cơ quan ngôn luận của đảng phê bình, Ban biên tập của báo Văn đả kích lại. Hậu quả: Nguyễn Công Hoan mất chức chủ tịch Hội Nhà văn, báo Văn và nhà xuất bản Hội Nhà văn bị đóng cửa. Hội Nhà văn mất cơ quan ngôn luận. Sau này Hội Nhà văn ra tạp chí Tác Phẩm Mới nhưng không đều, có thời gian mỗi tháng ra một lần, lại có thời gian hai tháng mới ra một lần. Đến đầu năm 1976, Tác Phẩm Mới bị đình bản hẳn.

Từ năm 1976, Hội Nhà văn thành lập nhà xuất bản Tác Phẩm Mới và từ năm 1977, tiếp nhận báo Văn Nghệ từ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Báo Văn Nghệ lúc mới thành lập năm 1948, vốn là tạp chí, mỗi tháng ra một lần; từ năm 1955, biến thành tuần báo; từ năm 1957 lại biến thành tạp chí và từ năm 1963 đến nay, cố định trong hình thức một tuần báo.

Báo Văn Nghệ trước dày 12 trang, từ tháng 10 năm 1984, tăng lên 16 trang, khổ 29x42, gồm rất nhiều mục: thời sự chính trị trong và ngoài nước, thời sự văn nghệ trong và ngoài nước, trang lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học, trang văn học nước ngoài, một trang dành cho các ngành nghệ thuật khác ngoài văn học như sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ. Trang sáng tác, do đó rất ít. Mỗi số báo chỉ đăng tối đa được ba truyện ngắn, thường chỉ có hai truyện. Nhân cho 52 số báo, mỗi năm báo Văn Nghệ đăng được khoảng hơn 100 truyện ngắn. Trong Hội Nhà văn hiện nay có khoảng hơn 200 người viết truyện, một nửa trong họ sẽ không bao giờ có cơ hội đăng tải sáng tác của mình suốt cả năm. Nửa kia may mắn lắm thì mỗi người được đăng tải một lần, trừ một số ngoại lệ thật đặc biệt. Và ngoại lệ luôn luôn là hoạ hoằn.

Tổng biên tập báo Văn Nghệ thay đổi hoài. Từ năm 1978 là Giang Nam, từ 1980 là Nguyễn Văn Bổng, từ 1983 là Đào Vũ, từ 1987 là Nguyên Ngọc. Sau khi Nguyên Ngọc bị cách chức vào tháng 12,1988, Hữu Thỉnh thay thế.

Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới được thành lập năm 1976, do Vũ Tú Nam làm giám đốc, Nguyễn Văn Mãi và Nguyễn Kiên làm phó giám đốc. Trực thuộc Hội Nhà văn, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới có chức năng chủ yếu là in các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại, nói cách khác, tác phẩm của các hội viên.

Từ tháng 7 năm 1987, Hội Nhà văn ra mắt tạp chí Tác phẩm văn học, hai tháng ra một lần, do Nguyễn Đình Thi làm tổng biên tập, Nguyễn Thị Ngọc Tú làm phó tổng biên tập.

Đầu năm 1990, Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá IV quyết định đổi tên tạp chí Tác phẩm văn học thành tạp chí Tác phẩm mới và đổi tên nhà xuất bản Tác Phẩm Mới thành nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Ngoài các ban công tác, các hội đồng bộ môn, các cơ quan ngôn luận gồm tạp chí, tuần báo và nhà xuất bản, Hội Nhà văn Việt Nam còn có các tổ chức vệ tinh khác ở các địa phương. Sự thực, trực thuộc Hội Nhà văn, đến nay, chỉ có hai tổ chức: Hội Nhà văn Bình Trị Thiên do Nguyễn Khoa Điềm làm tổng thư ký và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Quang Sáng làm tổng thư ký (trước có tên là Ban liên lạc các nhà văn tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1987, đổi lại là Hội những người viết văn thành phố). Ở các địa phương khác, ngay cả tại Hà Nội, cũng chưa có Hội Nhà văn. Chỉ có Hội Văn Nghệ, tức là tổ chức bao gồm các văn nghệ sĩ thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, là một bộ phận cơ sở của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Hội Nhà văn, từ năm 1983 đến nay, cứ mỗi năm hoặc hai năm, phát tặng thưởng cho một số tác phẩm xuất sắc theo từng thể loại. Việc đánh giá và quyết định tặng thưởng do các Hội đồng bộ môn thực hiện. Về văn xuôi, các tác phẩm sau đây đã được tặng thưởng: Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Hồi ký của Đặng Thai Mai, Thời xa vắng của Lê Lựu, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Hạt mùa sau của Nguyễn Thị Ngọc Tú, Cuộc đời bên ngoài của Vũ Huy Anh, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Một chiều xa thành phố của Lê Minh Khuê, Họ cùng thời với những ai của Thái Bá Lợi, Gió từ miền cát của Xuân Thiều, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Cuốn gia phả để lại của Đoàn Lê, Lời nguyền hai trăm năm của Khôi Vũ, Ông cố vấn của Hữu Mai.

Về thơ: Bài thơ không năm tháng của Lâm Thị Mỹ Dạ, Trăng phù sa của Võ Văn Trực, Những điều cùng đến của Vũ Quần Phương, Ánh trăng của Nguyễn Duy, Hoa trên đá của Chế Lan Viên, Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm của Nguyễn Khoa Điềm, Tiếng hát tháng giêng của Y Phương, Thơ Xuân Quỳnh của Xuân Quỳnh.

Ngoài việc đánh giá và tặng thưởng cho một số tác phẩm văn học trong một năm hoặc trong hai năm như trên, Hội Nhà văn còn tổ chức được một số trại sáng tác và các cuộc hội nghị về văn học. So với cái hệ thống tổ chức cồng kềnh như vậy, những thành tích đạt được quả là khiêm tốn. Trong chiều hướng nói thẳng, nói thật để phê bình và tự phê bình sau Đại hồi đảng lần thứ 6, nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh phát biểu:

“Lâu nay Hội có đấy mà cũng như không. Chẳng có mấy ai có ý thức về sự tồn tại của nó trong đời sống xã hội… Hội không có bất kỳ một tí quyền hành nào. Sách, báo, bài vở của hội viên do những nơi nào duyệt kia, chứ Hội không được “ý kiến” vào đấy. Ngay cả công việc tổ chức của Hội, hội viên cũng không được quyền quyết định. Phải một thời gian dài, hai mươi năm liền (từ 1962 đến 1982) mới họp được Đại hội lần thứ ba, nhưng lại mất dân chủ trầm trọng” (2).

Trên báo Văn Nghệ số ra ngày 16.7.1988, trong một bài phát biểu góp ý chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ tư của Hội Nhà văn, nhà thơ Diệp Minh Tuyền viết:

Đảng lãnh đạo Hội Nhà văn thông qua các ban chuyên môn của mình (3). Các ban này nên lãnh đạo Hội bằng đường lối, phương hướng, chủ trương, chỉ thị. Cần tránh làm thay, cần tránh tự biến mình thành một cơ quan “siêu Hội” lãnh đạo bằng mệnh lệnh hành chánh, cầm tay chỉ việc một cách độc đoán. Nhà văn phục tùng sự lãnh đạo của đường lối Đảng, khác với kiểu “gọi dạ, bảo vâng” đối với cá nhân người phụ trách”.

Đoạn văn trên nằm dưới một cái tiêu đề nhỏ: “Đổi mới cơ chế ngoại biên… Quan hệ giữa Hội và Ban Tuyên huấn, Ban Văn hoá Văn nghệ của Đảng”. Đổi mới. Nên. Cần tránh. Có nghĩa là, trên thực tế, cho đến lúc này, Hội Nhà văn Việt Nam, theo ý Diệp Minh Tuyền, chỉ là những kẻ “gọi dạ, bảo vâng”, được Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ “cầm tay chỉ việc một cách độc đoán”. Chính vì cái thực tế đau xót, nhục nhằn ấy mà nhà thơ mới đề nghị “đổi mới”, “nên” như thế này, “cần tránh” những chuyện như thế kia.

Cuối cùng, ý của Diệp Minh Tuyền và Nguyễn Đăng Mạnh giống nhau: “Lâu nay Hội có đấy mà như không”.

Nói cách khác, Hội Nhà văn, dưới chế độ cộng sản, chỉ là một tổ chức hành chánh chứ không phải là một tổ chức chuyên môn, thuần tuý chuyên môn: nó được hình thành để lãnh đạo, kiểm soát, kiềm chế các văn nghệ sĩ hơn là thúc đẩy nhiệt tình và năng lực sáng tạo của mỗi người.
Có thể vẽ cơ cấu tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam thành sơ đồ như sau:


Xem như thế người ta sẽ không lầm lẫn một cách nguy hiểm là tưởng Hội Nhà văn dưới chế độ cộng sản cũng là một hình thức tương tự các Hội Nhà văn hoặc các Trung tâm Văn bút vốn hoàn toàn độc lập với chính quyền và xa lạ với mọi ý đồ chính trị ở các quốc gia tự do.
(Trích từ cuốn Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản, Văn Nghệ xuất bản lần đầu tại California, 1991)

***
Chú thích:
1. Tạp chí Văn Học, HN, số 1-1985.
2. Văn Nghệ, HN, số 10 ra ngày 5-3-1987.
3. Tức Ban Tuyên huấn trung ương và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương.
4. Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá IV được bầu vào tháng 10-1989, vì quá ít người nên không thành lập Ban thư ký.

-----------------

Tin liên h

.
.
.


No comments: