Sunday, March 27, 2011

HOA KỲ MUỐN RÚT KHỎI THẾ GIỚI : KHÓ LẮM THAY ! (Lê Phan)

Lê Phan
Saturday, March 26, 2011 5:55:59 PM

Mấy ngày gần đây hai tờ báo chín chắn của Anh có hai bài nhận định về thái độ của Hoa Kỳ đối với vấn đề Libya, hay đúng hơn thái độ của Tổng Thống Barack Obama với tình hình hiện nay ở Trung Ðông và Bắc Phi.

Và điều đáng ngạc nhiên là tuy ở hai thái cực chính trị, cả hai tờ báo đều đưa ra những nhận xét không khác nhau bao nhiêu.

Bài của tờ Daily Telegraph với tựa đề “Barack Obama: the softly-softly president” được viết trước bài của tờ Financial Times một ngày. Daily Telegraph, tờ báo đứng đắn bán chạy nhất ở Anh, là một tờ báo bảo thủ. Ðã có thời người ta đùa gọi tờ báo là “Torygraph” vì liên hệ rất chặt chẽ với đảng Bảo Thủ. Ðây không phải là một tờ báo bình thường thích gì Tổng Thống Obama, vốn bị coi là thuộc cánh tả về chính trị.

Nhưng bài của tờ Telegraph đã là một lời khen tổng thống, mặc dầu là một lời khen miễn cưỡng. Mở đầu với quảng cáo vận động tranh cử của bà Hillary Clinton khi hai người còn tranh chức đại diện cho đảng Dân Chủ, trong đó cảnh điện thoại reo vang ở Tòa Bạch Ốc vào lúc 3 giờ sáng. Câu hỏi đặt ra là “Người Mỹ muốn ai nhấc máy?” và câu trả lời là “Một người đã được thử thách và sẵn sàng lãnh đạo trong một thế giới đầy nguy hiểm.” Người đó ý chỉ bà Clinton chứ không phải là ông thượng nghị sĩ mới có ba năm tham chính.

Và phải nói trong cuộc khủng hoảng về Libya, tổng thống quả đã để mặc cho chuông điện thoại reo trong suốt hai tuần lễ. Khi Pháp và Anh hối thúc đòi trả lời, nghe đâu tổng thống đã suốt một tuần lễ từ chối nói chuyện với thủ tướng Anh. Chỉ khi các sư đoàn cơ giới của Ðại Tá Muammar Gaddafi bắt đầu chiếm lại dần các thành phố đã nằm trong tay quân nổi dậy, và khi đến Liên Ðoàn Ả Rập cũng đòi một vùng cấm bay, tổng thống mới đổi ý kiến. Mà ông đã chỉ đổi ý kiến khi bà Hillary Clinton, ngoại trưởng của ông, và bà Susan Rice, đại sứ của ông tại Liên Hiệp Quốc, thuyết phục ông là ông không muốn thấy một Srebrenica ám ảnh ông. (Srebrenica là nơi xảy ra vụ thảm sát tín đồ Hồi giáo ở Nam Tư cũ)

Những người chỉ trích thì bảo là ông đã do dự. Và quả thật vậy. Tờ Telegraph nhắc chúng ta là hầu hết sự nghiệp của tổng thống trước khi tham chính là một giáo sư dạy luật ở trường Ðại Học Chicago. Và khi đối phó với một cuộc khủng hoảng, ông đã phản ứng như một học giả, thu thập dữ kiện và nghe mọi quan điểm trước khi đi đến quyết định. Ông Obama không hành động dựa trên linh tính nhưng riêng về Libya ông biết rõ ông làm gì.

Trong khi những người Âu Châu đòi can thiệp bồn chồn trước sự chậm rãi của ông, chỉ trích trong nước đến từ đủ hướng. Các vị thượng nghị sĩ, cả tả lẫn hữu, hỏi tại sao Quốc Hội không được tham khảo ý kiến. Ông Newt Gingrich, người có tham vọng ứng cử tổng thống, thì mỉa mai ông là “spectator in chief” thay vì “commander in chief” trong khi ông Mitt Romney thì bảo ông Obama không có một chính sách ngoại giao. Và nhiều người đặt câu hỏi là tổng thống tính gì khi bỏ đi thăm Brazil trong khi bom đạn bắt đầu rơi xuống Libya từ phi cơ của Hoa Kỳ.

Nhưng theo tờ Telegraph, những người chỉ trích đã sai. Với cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan còn đó, điều cuối cùng một tổng thống Hoa Kỳ muốn là cho người dân cảm tưởng là họ lại đối diện với một cuộc chiến nữa. Ðó là lý do tại sao ông Obama đã tránh việc tuyên bố nghiêm trọng với nhân dân từ Tòa Bạch Ốc về cuộc can thiệp này.
Ông Stefan Halper, một người không ưa gì tổng thống, và đã từng là cố vấn của bốn chính phủ Cộng Hòa tiền nhiệm, được tờ Telegraph dẫn lời nhận xét: “Ông Obama đang theo đuổi một chiến lược tế nhị, và trái với các chỉ trích, đã được suy tính chín chắn. Nó cho phép người Âu Châu làm điều họ muốn với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, bảo vệ uy tín của chúng ta và cho phép chúng ta lùi khỏi mũi nhọn của tiến trình này.”

Ngay chính ông Norm Ornstein, một học giả thuộc viện nghiên cứu thân với cánh hữu của đảng Cộng Hòa American Enterprise Institute, cũng công nhận “chúng ta đã lâm chiến với hai quốc gia Hồi Giáo thành ra một cuộc chiến thứ ba không thể chấp nhận được. Sự trì hoãn từ Tòa Bạch Ốc có thể làm cho ông Gaddafi đạt được một số lợi thế, nhưng liệu hành động đơn phương có chắc chắn đánh bại được ông ta không? Như thế này tốt hơn là đâm đầu vào một cuộc chiến như một anh cao bồi chỉ thích đánh nhau với Hồi Giáo. Chúng tôi đóng một vai trò quan trọng nhưng không phải là vai trò dẫn đến al-Jazeera chiếu cảnh người ta đốt cờ Mỹ.”

Tổng Thống Obama theo Telegraph bản chất thích giải pháp đa phương và ngày nào ông còn ngồi ở tòa Bạch Ốc thì các đồng minh của Hoa Kỳ phải hiểu là họ có thể trông cậy vào Hoa Kỳ khi có khủng hoảng nhưng họ có thể không có được phản ứng mà họ mong đợi, nhất là nếu họ chủ trương diều hâu. Mà không phải là tổng thống không sử dụng quyền lực của Hoa Kỳ khi thấy cần. Ông đã phạt Brazil vì làm ông bực mình về Iran bằng cách từ chối giúp Brazil tìm một chỗ thường trực trong Hội Ðồng Bảo An. Ông cũng đã không ngần ngại gì khi phải sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ Israel. Ông David Rothkopf của Viện Carnegie Endowment for International Peace thì giải thích: “Tổng thống biết sức mạnh của Hoa Kỳ đến mức nào. Ông chỉ không thích khi phải sử dụng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.”

Và theo Telegraph có lẽ những ngày gần đây cho thấy câu trả lời cho quảng cáo của bà Clinton là quả ông Obama có đủ bình tĩnh hơn để lãnh đạo Hoa Kỳ và thế giới trong giai đoạn nguy hiểm hiện nay.

Tờ Financial Times (FT) là một tờ báo rất thành công chuyên về kinh tế tài chánh nhưng lại có lập trường tương đối trung tả. Mở đầu với nhận xét là cuộc biến động ở vùng Trung Ðông đã cho thấy một chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ rụt rè hơn là thế giới thường biết đến.

Ðối diện với một quân đội đang trải quá mỏng, một thâm thủng ngân sách khổng lồ và sự chán nản nói chung của dân chúng đối với phiêu lưu quân sự quốc tế, Washington của ông Obama muốn thấy các partners đóng góp thêm, dầu cho điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ chỉ đóng vai phụ. Và tổng thống đã nhắc lại một lần nữa trước khi đáp phi cơ đi Brazil: “Ðây chính là lề lối cộng đồng quốc tế nên được điều hành, với nhiều quốc gia lãnh cả trách nhiệm lẫn phí tổn áp đặt luật lệ quốc tế.”

Nhưng những tranh cãi quanh ai sẽ cầm đầu ở Libya cho thấy sự thay đổi này khá khó chấp nhận. Một thế giới hoặc là trông cậy vào Hoa Kỳ hay ngược lại từ chối vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đã cảm thấy khó chấp nhận một Hoa Kỳ suy nghĩ kỹ về khi nào và ở đâu cần can thiệp.

Một số thì giải thích đó là vì những tính toán bầu cử, nhưng thực ra theo FT, thái độ đó không hẳn chỉ vì tính toán bầu cử. Với ngay trong nội bộ các cố vấn bất đồng, một phe nghi ngờ tấn công trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, còn một bên chủ trương tấn công trong đó có bà Susan Rice, Phó Tổng Thống Joe Biden và bà Hillary Clinton, bản chất ưa suy tính, tổng thống cần phải được thuyết phục trước khi gửi binh sĩ Hoa Kỳ ra ngoại quốc.

Ðiều khó theo FT là tuy chính phủ Obama muốn có một vai trò ít lộ liễu hơn trên trường quốc tế, việc đó có khả thi hay không? Nói cách khác, thế giới cần sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ muốn. Bởi mặc dầu Hoa Kỳ ngần ngại, chính Hoa Kỳ nay đang đóng vai chủ đạo ở Libya và cuộc tranh cãi trong nội bộ NATO cho thấy Âu Châu chưa có khả năng thay thế Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ muốn rút khỏi thế giới nhưng thế giới không thể để cho cường quốc duy nhất làm vậy. Ðó chính là cái khó.
.
.
.

No comments: