Nguyễn Xuân Nghĩa
Ngày 110320
Từ Iraq tới Libya…..
Một Tổng thống Mỹ có máu Kenya của châu Phi và có kinh nghiệm Hồi giáo của Nam Dương lại vừa quyết định tấn công một nước Hồi giáo: Libya là quốc gia Hồi giáo thứ ba bị ăn hỏa tiễn Tomahawk của Hoa Kỳ. Vì sao có chuyện kỳ lạ như vậy? Vì quy luật “hậu quả bất lường’!
Năm 2000, trong cuộc tranh cử tổng thống với Phó Tổng thống Al Gore bên đảng Dân Chủ, Thống đốc Texas là George W. Bush nêu ra một số chủ trương về đối ngoại của ông.
Hoa Kỳ không can thiệp vô lối vào xứ khác, không áp đặt các giá trị tinh thần của mình – như nguyên tắc dân chủ – cho quốc gia khác và nên giữ thái độ khiêm cung với thế giới. Chủ trương đó phản ảnh cái nhìn sâu xa của một số khuynh hướng trong đảng Cộng Hoà của ông Bush.
Đó là tránh can thiệp vào thiên hạ sự nếu không vì quyền lợi sinh tử của nước Mỹ. Nếu đã phải can thiệp thì cần xác định mục tiêu rõ ràng và cung cấp phương tiện đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ là sớm rút hầu còn giải quyết chuyện riêng của nước Mỹ. Người ta thường gọi lầm lý luận ấy là “Chủ thuyết Powell”, do tên của Đại tướng Colin Powell, nhân vật da đen xuất sắc trong ban tham mưu của ông Bush – và sau này làm Ngoại trưởng da đen đầu tiên của Chính quyền George Bush 43. Thực tế, đó là chủ trương của Caspar Weinberger, Tổng trưởng Quốc phòng và thượng cấp của Tướng Powell từ thời Ronald Reagan.
Thống đốc Bush nêu ra chủ trương trên không chỉ để đả kích Chính quyền Bill Clinton – Al Gore đã can thiệp vào Kosovo năm 1998-1999 và nuôi tham vọng xây dựng quốc gia trong khu vực Balkan sau khi Liên bang Nam Tư tan rã. Ông thành thực tin như vậy và nhân vật sau này sẽ là Phó Tổng thống cho ông, Dick Cheney, cũng nói rõ như vậy khi là Tổng trưởng Quốc phòng cho Tổng thống George H. Bush (Bush 41).
Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 để đẩy lui quân Iraq đã tấn công Kuweit, Tổng trưởng Quốc phòng Cheney chủ trương là không nên vào Baghdad lật đổ chế độ Saddam Hussein. Vì khi ấy, Hoa Kỳ sẽ lãnh trách nhiệm xây dựng lại cơ chế chính trị cho Iraq, với rất nhiều khó khăn về sắc tộc, tôn giáo và chính trị.
Vụ 9-11 bất ngờ xảy ra khiến Chính quyền Bush-Cheney đảo ngược mọi chủ trương ban đầu và gặp những vấn đề mà cả hai ông Bush lẫn Cheney đều biết trước và nói rõ. Khi lên lãnh đạo, người ta gặp bài toán thực tế khiến phải lấy những quyết định khác.
Trong đó có quyết định mở ra chiến dịch Iraq vào ngày 20 Tháng Giêng năm 2003.
****
Nhìn xa hơn, George Bush đã lãnh vụ Iraq từ hai vị tiền nhiệm là Bush 41 và Clinton.
Năm 1998, rất nhiều nhân vật cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà đều chủ trương là Hoa Kỳ phải mạnh tay với chế độ Saddam Hussein. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này, chỉ cần nhớ rằng khi ấy, Chính quyền Bush 41 bị kết án là vì nương tay mà Saddam Hussein đã tàn sát hai sắc tộc Shia ở miền Nam và Kurd ở miền Bắc. Số nạn nhân có thể lên tới hai vạn, đa số chết vì bom hơi ngạt hay võ khí hoá học.
Chính quyền Clinton chấp hành nghị quyết cấm bay trên hai khu vực Bắc và Nam để bảo vệ dân Kurd ở phía Bắc và dân Shia ở phía Nam. Nghị quyết ấy thật ra có hai phần. Phần đầu là do ba nước – ngẫu nhiên sao cũng đang dẫn đầu vụ tấn công Libya – Anh, Pháp và Mỹ quyết định năm 1991 khi viện dẫn Nghị quyết 688 của Liên hiệp quốc. Năm 1998, Pháp rút lui (!), chỉ còn Anh-Mỹ duy trì áp lực, khi mạnh khi yếu, và vẫn viện dẫn Nghị quyết 688. Văn kiện này không hề có chữ “vùng cấm bay” – no fly zone. Phía Cộng Hoà đã có lần mỉa mai là ông Clinton cho máy bay cất cánh tấn công Iraq khi bị hoạn nạn vì nàng Monica Lewinsky!
Thực tế thì cuối năm 1998, chính trường Hoa Kỳ cùng hùa theo Liên hiệp quốc và các nước lên tiếng kết án Saddam Hussein, mà mạnh miệng nhất là các chính khách Dân Chủ, kể cả Nghị sĩ John Kerry. Rút kinh nghiệm tàn sát của Saddam Hussein bằng võ khí hóa học, người ta đều cho rằng chế độ hung đồ này có loại võ khí giết người hàng loạt. Khi quyết định tấn công Iraq, Chính quyền Bush 43 đã nêu vấn đề võ khí tàn sát như lý do chính và khi Hoa Kỳ ra quân, chính Bill Clinton còn cảnh báo là quân lực Mỹ phải coi chừng nguy cơ tàn sát đó.
Tất cả các cơ quan tình báo của Anh, Pháp, Nga, Mỹ, v.v… cũng đều tin như vậy.
Quyết định tấn công Iraq của Bush 43 tiến hành khá chậm, mất nhiều tháng vì cần chính nghĩa quốc tế: sự thỏa thuận của Liên hiệp quốc qua 17 Nghị quyết khác nhau. Việc Pháp đổi ý không làm thay đổi sự thật là có 40 quốc gia tham dự và có hậu thuẫn của Quốc hội với lá phiếu Dân Chủ. Sự thể chỉ thay đổi khi người ta không tìm ra võ khí tàn sát mà có thể mắc đòn tháu cáy của Saddam Hussein.
Và thay đổi mạnh khi Hoa Kỳ lật đổ Saddam Hussein trong chớp nhoáng rồi sa lầy vì những vấn đề mà Dick Cheney đã nêu ra năm 1991. Về sau, ông này trở thành nhân vật hắc ám nhất của Chính quyền Bush. Lại còn có quan hệ với tập đoàn Halliburton chuyên về kỹ nghệ dầu khí! Y hệt như gia đình Bush….
Thuyết âm mưu mờ ám – Hoa Kỳ tham chiến để kiếm dầu do áp lực của tài phiệt dầu hỏa – lại được mùa cho những người không am hiểu thực tế kinh tế. Mất cả ngàn tỷ để thu về mối lợi trăm tỷ chỉ là quyết định kinh doanh gây phá sản.
Trong năm 2003 đó, có một Nghị sĩ Tiểu bang – cấp địa phương Illinois – là Barack Obama lại bỏ phiếu chống vụ Iraq mà chẳng ai thèm để ý. Ông đại diện cho một địa phương có chủ trương phản chiến từ lâu và lá phiếu không có ảnh hưởng gì tới quyết định cấp quốc gia. Nhưng cho phép ông mạnh miệng lên tiếng khi ra tranh cử chức Nghị sĩ Liên bang năm 2004.
Từ năm 2005, khi đảng Dân Chủ đảo ngược lập trường từ chủ chiến sang phản chiến tại Iraq, lá bài Obama bỗng sáng trưng. Từ đó cứ bốc như diều dù nổi tiếng là bỏ phiếu “có mặt” chứ không dám quyết định gì suốt bốn năm làm Nghị sĩ – từ 2005 tới cuối 2008 – chưa kể hai năm bận tranh cử tổng thống, từ giữa năm 2007 trở về sau.
Cho đến khi Hoa Kỳ tham chiến tại Libya, vào ngày 20 Tháng Ba vừa qua, đúng tám năm sau khi Bush 43 vào Iraq!
Bush vào Iraq với một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an theo tỷ số 15-0, Obama vào Libya với một Nghị quyết có tỷ số 10-0. Bush nhận trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến và công nhận sai lầm tại Iraq nên đơn phương quyết định sửa sai khi cho dồn quân đánh tới từ đầu năm 2007 và đảo ngược quan hệ với phe Sunni bị quân lực Mỹ lật đổ. Và đem lại hy vọng cho Iraq…. cho Obama tại Iraq.
Chúng ta trở lại quy luật “hậu quả bất lường”.
Lãnh đạo nào lên cầm quyền tại Hoa Kỳ cũng nghĩ rằng mình sẽ làm thay đổi bộ mặt của thế giới – hay nước Mỹ – nhưng thật ra vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tốt xấu của người tiền nhiệm và bị chi phối bởi những yếu tố mình không biết khi còn ở vòng ngoài, khi đi tranh cử. Sau đó mới phải quyết định và thường thì quyết định trái ngược với chủ trương ban đầu.
Chuyện Libya mở ra như vậy.
****
Ngay từ đầu, từ những ngày 17 đến 19, người ta đã thấy ra sự lúng túng và bất nhất của “liên quân quốc tế” dưới lá cờ Liên hiệp quốc.
Pháp nhận vinh dự khai hỏa với các chiến đấu cơ cất cánh từ khá xa, hai căn cứ Không quân trong lãnh thổ Pháp, để tấn công các – hình như chỉ là một – chiến xa của Moammar Gaddafi. Công sức nhiều mà kết quả ít chỉ vì một nhu cầu: chứng tỏ mục tiêu chính trị của việc tham chiến là bảo vệ thường dân.
Giữa các đồng minh, thiên hạ cũng bắt đầu đàm tiếu việc Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn hoãn khai hỏa để có một thượng đỉnh cấp tốc và chớp nhoáng tại Paris. Nhu cầu ngoại giao hay phô trương đó của phe “đồng minh” khiến quân Gaddafi có nửa ngày vàng ngọc để vào tới cứ điểm sau cùng của phe nổi dậy là thành phố Benghazi của miền Đông.
Trong khi ấy, phe nổi dậy vừa cướp được một chiếc MiG của Gaddafi để bay lên thị uy thì chiến đấu cơ này bị chính phe mình bắn lầm khiến phe Gaddafi khoe là đã hạ một phi cơ Pháp! Chúng ta đang ở trong những bước đầu của một cuộc chiến rắc rối nên mọi tin tức đều chỉ là sơ khởi, cục bộ và thường thì sai hơn đúng…
Sự thật thì liên quân có hơn một tá căn cứ quân sự trong lãnh thổ Âu Châu và trên Địa Trung Hải làm bàn đạp tấn công Libya. Sự thật thì liên quân có một chục chiến hạm và tầu ngầm, kể cả ba hàng không mẫu hạm (Charles de Gaulle của Pháp đang dời quân cảng Toulon, Garibaldi và Cavour của Ý đã có mặt ở ngoài khơi), để yểm trợ cuộc chiến. Sự thật thì Hoa Kỳ đi sau, để hỗ trợ, mà tới trước với khoảng 140 hỏa tiễn loại “thiềm du” – cruise missiles – đã bắn vào hệ thống phòng không của Libya. Và một ngày sau thì coi như đã “gây thiệt hạ đáng kể” cho phe Gaddafi. Sự thật là quân lực Mỹ vẫn giữ vai trò quyết định nhưng lánh mặt để Âu Châu “lãnh đạo” quyết định tham chiến của Liên hiệp quốc.
Và sự thật là tình hình sẽ không mau chóng gọn nhẹ như vậy.
Khi quyết định tham chiến, Tổng thống Barack Obama nêu rõ lý do là để cứu lấy thường dân Libya. Nếu lý do là mục đích thì Gaddafi phải đầu hàng, ra đi hoặc bị ám sát – như phía Pháp có lúc đề nghị và Bush 43 đã muốn thi hành năm 2003 tại Iraq mà không xong.
Sau đó, ai sẽ lãnh đạo Libya thì ta chưa biết. Mục tiêu thì đơn giản nhưng cách đạt mục tiêu và hậu quả sau đó thì lung linh mơ hồ. Kịch bản khó chịu nhất cho quân đội!
Khi Bush tham chiến tại A Phú Hãn và Iraq thì có Liên hiệp quốc, NATO hay các đồng minh khác. Obama sáng hơn Bush khi có sự ủng hộ của vài nước Á Rập – yếu tố khiến Nga và Trung Quốc không dám phủ quyết. Nhưng chỉ sáng như que diêm.
Liên hiệp Phi châu gồm 52 nước Phi châu và Maroc (một xứ Bắc Phi) kêu gọi lập tức ngưng bắn để cứu trợ thường dân. Và khẩn cấp triệu tập một hội nghị Á Rập ngày 25 này tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với đại diện của Nghị hội Hồi giáo (Organization of the Islamic Conference), Liên hiệp Âu châu và Liên hiệp quốc. Người ta không thể quên là Gaddafi có quan hệ gắn bó – và lý tài – với 14 quốc gia châu Phi, từ vùng Sahara tới Nam Phi và dân Phi châu không vui gì với việc Tây phương lại ra đòn quân sự với một quốc gia trong lục địa của mình. Nó gợi nhớ kinh nghiệm thực dân, là điều Gaddafi lập tức khai thác.
Rắc rối hơn thế, hôm 20, Liên đoàn Á Rập gồm 22 quốc gia Á Rập lại có tiếng nói khác.
Tổng thư ký Amr Moussa – người Ai Cập sắp về nhà tranh cử Tổng thống – than phiền về quyết định tham chiến, kêu gọi ngưng bắn và cũng triệu tập hội nghị khẩn cấp. Moussa cho là các nước Tây phương áp dụng sai nghị quyết của Liên hiệp quốc khi mở cuộc tấn công có thể gây tổn thất cho thường dân.
Đâm ra, cỗ xe ngoại giao của Tây phương với các nước Phi châu và Á Rập – chính nghĩa quốc tế – vừa lăn bánh đã long bánh. Nếu thường dân mà bị thiệt hại – bom đạn vốn vô tình mà Gaddafi thì cố ý – sự rạn nứt sẽ khiến que diêm của Obama tắt ngúm! Là người có huyết thống Kenya của châu Phi, lại rất nhạy cảm với cái nhìn của thế giới thứ ba về nước Mỹ. Tổng thống Mỹ sẽ chột dạ nhanh hơn một tay cao bồi Texas như Bush 43.
Ông sẽ lại mua cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của một tác giả Việt Nam về đọc! Trong khi chờ đợi ông ta lại đổi ý, hãy thử nhìn lại diễn biến sắp tới của cuộc chiến.
****
Trong hình thái chiến tranh này, tin tức tình báo vẫn là then chốt.
Liên quân Tây phương có thể đã thả đặc vụ SAS của Anh – hay cả lính Lê dương Pháp – vào truy tìm và trao đổi tin tức với các nhóm nổi dậy, nhưng ta chưa biết kết quả. Trong đợt tấn công đầu tiên, Liên quân phải nhắm vào việc tiêu diệt hệ thống điều khiển chiến tranh của Gaddafi – chuyện không dễ. Nhưng yêu cầu về chính trị – ra quân để bảo vệ thường dân – đòi hỏi việc tấn công cả những mục tiêu di động của phe Gaddafi, là chuyện còn khó hơn và rủi ro hơn, với nạn quân mình bắn dân ta khi thông tin thiếu chính xác, hoặc bị Gaddafi gây lầm lạc mà yểm võ khí trong dân.
Hoa Kỳ và các nước Tây phương chiếm lợi thế kỹ thuật là có thể tiêu diệt khả năng chống cự của Gaddafi theo kiểu quy ước. Đấy là tin chiến thắng của mấy ngày tới. Nhưng sau thắng lợi ban đầu, chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Gaddafi không muốn hay không thể kết thúc bằng cách lưu vong hay tự sát. Ông ta ở vào vị trí tuyệt vọng hơn lãnh tụ Slobodan Milosevic của Serbia sau vụ Kosovo năm xưa, nên sẽ lại kêu gọi hưu chiến, lần nữa. Rồi phản công với những gì còn lại trong tay – nhiều lắm, kể cả hình thái du kích: kinh nghiệm Taliban tại A Phú Hãn và Sunni tại Iraq.
Tổn thất dân sự khi ấy chỉ tăng chứ không giảm và Liên quân sẽ tự hỏi: có thả thêm quân vào bàn cờ này chăng? Obama đã nói ngay từ đầu là không. Khi ấy, Anh, Pháp hay Ý nghĩ sao? Tiến vào Libya dưới sức mạnh không yểm của Mỹ? Tiến đến đâu và trong bao lâu thì đủ, trước khi dân chúng ở nhà sốt ruột và nước Mỹ đổi ý?
Trong giả thuyết lạc quan – mà thực tế – nếu liên quân đổ bộ thì chế độ Gaddafi có thể sớm bị lật đổ. Nhưng quá trễ rồi, Gaddafi có… đau tim mà chết thì sau đó vẫn là vấn đề khiến nhiều người đổi ý: không ai muốn ở lại thu dọn chiến trường, xây dựng dân chủ và bị bắn sẻ. Trong khi ngần ấy lực lượng nổi dậy lẫn tàn dư của chế độ Gaddafi đều có tham vọng chính trị – và rất nhiều võ khí….
Trong một bài sau, có lẽ sẽ phải tìm hiểu “phe ta”, các lãnh tụ nổi dậy, gồm những ai và đang gờm nhau như thế nào.
****
Như vậy, trong mấy ngày tới, tin thắng lợi của Tây phương sẽ làm nức lòng ba quân vì đây là phần dễ ăn nhất.
Sau đó mới đến món gân gà nuốt vào không nổi. Và là chuyện đáng lo nếu Liên quân tiến vào để chấm dứt nạn tàn sát thường dân mà thường dân lại chết nhiều hơn trước. Chuyện đáng sợ nữa, Lybia có thể thành hang ổ của khủng bố, với hậu thuẫn của nhiều lực lượng Á Rập hay Phi châu bất mãn với sự can thiệp của Tây phương. Thực tế vẫn là của Mỹ dù có núp dưới tấm áo Âu Châu.
Theo truyền thống, khi quân lực Mỹ ra tay, dân Mỹ đều đồng tâm ủng hộ và sát cánh sau lưng vị Tư lệnh tối cao của quân đội là Tổng thống. Nhưng cũng dân Mỹ đó lại rất dễ đổi ý – và thực tế là không chấp nhận một cuộc chiến nào kéo dài quá bốn năm.
Con người khiêm cung và thận trọng như George Bush – một Thống đốc nổi tiếng dung dị hợp tác với đối lập Dân Chủ tại Texas – đã học được bài học đó khi phải lấy quyết định ngược với triết lý của mình. Rồi bị kết án đủ tội, kể cả và nhất là gian dối, bởi những người đã từng ủng hộ ông. Vậy mà ông vẫn tái đắc cử năm 2004.
Bây giờ, đến lượt Barack Obama và bài học về “hậu quả bất lường” với ảnh hưởng sẽ lan vào việc tái tranh cử năm tới.
Ông muốn giảng hòa với thế giới Hồi giáo để sửa sai chính quyền trước hầu rút khỏi Iraq và A Phú Hãn. Rốt cuộc, ông mở ra cuộc chiến thứ ba với một nước Hồi giáo, chỉ để cứu vớt thường dân Libya, vốn bị tàn sát vài ngàn, vài phần trăm so với thành tích Saddam Hussein. Đó là về phẩm và lượng!
Về chuyện khoan hay cấp, chậm hay mau, ông lấy quyết định quá chậm rãi – từ cuối tháng Hai qua mấy tuần của tháng Ba – rồi lại hấp tấp, ngược với quan điểm của Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates cùng nhiều tướng lãnh. Và quên hẳn điều mà Đại tướng David H. Petraeus – Tư lệnh Chiến trường A Phú Hãn – mới trình bày cho Quốc hội vài ngày trước. Rằng Hoa Kỳ còn có thể phải giữ quân tại A Phú Hãn cho tới…. 2014!
Lãnh tụ Georges Clémenceau, “Con Cọp” của Pháp, từng khuyên rằng “chiến tranh là chuyện quá hệ trọng để giao cho các tướng lãnh”. Ông quên mất nhiều chính khách Hoa Kỳ!
.
.
.
No comments:
Post a Comment